Không gian trà chanh Hà Nội: Sự trở lại đầy lôi cuốn
Trà chanh không phải mới xuất hiện ở khắp các con phố Hà thành mà đã rộ lên từ rất lâu.
Nếu như vào khoảng bảy, tám năm trước, những quán trà chanh chỉ bé nhỏ như quán trà đá, thì sau một thời gian vắng bóng, trà chanh đã trở lại khoác trên mình một diện mạo mới đầy lôi cuốn.
Nếu như nhiều năm về trước, người ta thấy những tiệm trà chanh vỉa hè chẳng khác nào những quán bia được “lộ thiên” trong cái bụi bặm và cái huyên náo của phố phường, thì hôm nay, trà chanh đã làm mới mình bởi sự lung linh trong không gian lôi cuốn.Ngày nay, đi đến đâu, dù phố lớn hay ngõ nhỏ, cứ thấy ánh đèn lung linh, không gian lãng mạn pha chút cổ điển, những bức tường với sắc vàng đậm, xanh đậm, những bộn bàn ghế nhỏ xinh và nam nữ ngồi đông vui tám chuyện, thì đó là không gian trà chanh Hà Nội.
Trà chanh đã làm mới mình bởi sự lung linh trong không gian lôi cuốn.
Tại các tuyến phố đông đúc, hoặc những khu vực hoặc gần các trường đại học, khu đông dân cư người ta dễ dàng bắt gặp các cửa hàng trà chanh như chuỗi cửa hàng trà chanh Layla với tông màu vàng đậm của những bức tường vẽ tranh phố cổ; trà chanh Bụi phố được trang trí nội thất theo phong cách Phố cổ Hội An bằng bức tường vẽ độc đáo cùng không gian xanh; trà chanh Tlove với tông vàng rực nắng trang trí theo lối hiện đại, lãng mạn; trà chanh TMore nâu trầm với phong cách châu Âu….
Hầu hết các quán trà chanh hiện nay đều phong cách bình dân với kiến trúc rộng mở, tận dụng vỉa hè làm chỗ ngồi phục vụ khách hàng. Khách hàng có thể trò chuyện thoải mái mà không cần quá cầu kỳ hay giữ ý như trong các hàng, quán sang trọng.
Có thể dễ dàng nhận ra, những tiệm trà chanh đã được “đồng bộ” từ màu sắc, bàn ghế đến những chiếc cốc có in logo của tiệm, những bóng đèn tròn thả xuống lung linh, và cả những nhân viên phục vụ cũng khoác lên mình đồng phục hài hòa với không gian quán. Không tính chuyện nóng bức hay giá lạnh, trong cái không gian tự nhiên như phố, rời bỏ sự ngột ngạt của cái điều hòa, nhiều người đã đến không gian này vì sự đặc biệt của nó.
Video đang HOT
Có lẽ vì những điều đặc biệt như thế nên trà chanh không chỉ là nơi để ngồi thư giãn, uống trà, mà còn là nơi để giới trẻ “sống ảo” bằng những bức hình đẹp. Nắm bắt được thị hiếu này, các quán trà đã tận dụng nghệ thuật sắp đặt để tạo nên một không gian “ảo” phục vụ giới trẻ check-in. Không chỉ có thể, nhiều bạn trẻ đã chọn quán trà chanh làm nơi tổ chức sinh nhật, vừa ngon, rẻ, lại có những bức hình kỷ niệm đẹp trong không gian cổ điển, lãng mạn. Gần đây, một số gia đình cũng đã có xu hướng tổ chức sinh nhật cho con cái ở tiệm trà chanh, bởi ở đó không chỉ có đồ uống mà còn có một số món ăn nhanh được yêu thích như nem rán, xúc xích, các loại hạt dưa, hạt bí…
Cuộc sống của những con người trẻ tuổi vồn vã qua những ly trà chanh ngọt mát sớm chiều!
Trà chanh nay khác xưa rất nhiều, không chỉ được “nâng cấp” về diện mạo mà còn phong phú hơn về đồ uống với phong cách pha độc đáo, phù hợp với túi tiền của giới trẻ. Hương vị như chanh, quất, mía, sả, mật ong,… mang lại cảm giác sảng khoái, mới lạ với giá chỉ từ 12.000 đồng một ly.
Nếu bỏ qua những bàn tán về chất lượng trà và độ an toàn thực phẩm, thì không gian, phong cách, phong vị của trà chanh đang thực sự là một “đặc sản” của Hà Nội.
Những không gian được nhiều nhắc đến như cà phê, trà sữa, trà truyền thống… đã trở thành một nét đẹp trong cấu trúc văn hóa ẩm thực của Hà Nội, và hôm nay, không gian trà chanh lại góp thêm một nét độc đáo vào diện mạo của những con phố cũng như văn hóa thưởng thức của giới trẻ Hà thành, để rồi trong cái tinh hoa phố thị, cuộc sống của những con người trẻ tuổi lại vồn vã qua những ly trà chanh ngọt mát sớm chiều!
Bảo Thoa
Theo laodongthudo.vn
Màu xanh trong lành từ Nhơn Lý
Nhơn Lý là một xã ven biển của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Khách du lịch mới chỉ để mắt đến làng chài độc đáo lâu đời này từ khi khu du lịch Eo Gió - Kỳ Co tại đây phát triển sau khi được đầu tư xây dựng hạ tầng quy mô và hiện đại.
May mắn là những chiến lược của nhà đầu tư lớn đã tôn trọng giá trị lịch sử, không làm mất đi dáng vẻ cổ kính, giản dị của một làng chài trong lành trong tổng thể một vùng biển đẹp mê hồn như Quy Nhơn.
Bến tàu du lịch ở làng chài Nhơn Lý. Ảnh: TTH
Cái tên Eo Gió-Kỳ Co bật lên là một điểm đến xu hướng nổi trội trong năm vừa qua nhờ nắng gió và biển xanh Quy Nhơn. Làng chài Nhơn Lý nằm ngay trong khu du lịch chính là điểm hoàn hảo cho bức tranh du lịch Quy Nhơn. Hơn cả mong đợi, làng biển sạch, đẹp, mộc mạc và giản dị như chính đời sống của ngư dân bao năm nay. Mặt hướng ra biển của làng chài hiện nay có một bến tàu du lịch phục vụ du khách thăm viếng Eo Gió-Kỳ Co, ngắm san sô bằng tàu đáy kính, lặn biển, thưởng thức hải sản địa phương. Ngoài ra, có một vài cơ sở thờ tự Phật giáo để du khách hành lễ tâm linh, tham quan. Còn lại toàn bộ làng chài duyên hải này đang bắt đầu bùng nổ các cơ sở dịch vụ, lưu trú dạng homestay.
Thú vị nhất là con đường từ thành phố Quy Nhơn về, đi qua làng chài ra mặt biển quanh co và bất ngờ, cứ qua các khúc quanh san sát các ngôi nhà có cửa sổ và cửa đi sơn màu xanh nổi bật trên tường vôi trắng tựa như một làng biển của châu Âu. Con đường qua làng chỉ lọt vừa một làn đi xe máy đã có từ rất lâu đời. Đường vốn chỉ dành đi bộ và gánh cá cho người dân trong làng. Họ có thói quen sinh hoạt đi thuyền ghe, chứ không đi xe máy, xe hơi. Mặt làng hướng ra biển, đi đâu cũng ra bến lấy thuyền mà đi. Mặt hướng về thành phố khi nào cũng là mặt hậu của làng.
Đi hết các khúc cua quanh co rồi, mặt biển mới hiện ra cuối dốc, nơi ánh mặt trời quanh năm chói chang và ghe tàu, thúng chai của ngư dân đậu san sát. Vịnh biển đẹp như tranh và đây là một trong những bãi cát có tên trong danh sách bảo tồn bãi rùa đẻ. Du khách có thể lên tàu du lịch ra ngoài vịnh thăm thú, cũng có thể ghé các quán ăn, nhà hàng ven biển thưởng thức hải sản chờ hoàng hôn xuống. Con nhum - còn gọi là cầu gai cũng là loài hải sản có nhiều ở vịnh biển, sống trong các rạn san hô, ngon có tiếng của Nhơn Lý. Tất cả hội tụ thành một miền biển hoàn hảo trong mơ ước của khách du lịch.
Hình thái cư trú của ngư dân có mật độ cao, bám biển hợp thành kiểu đô thị của làng chài Nhơn Lý còn độc đáo ở chỗ nhà ở được bố trí dựa vào tập quán và đặc điểm nghề cá để ngư dân có thể sinh sống và làm việc tiện lợi, an toàn. Tất cả các con đường chính ở làng chài đều theo một cách nào đó hướng ra mặt biển. Tất cả sinh hoạt trong làng tuôn ra phía biển, nước mưa cũng ra biển một cách tự nhiên. Con đường ra biển là con đường thấp nhất, khúc khuỷu hình chữ chi để ngăn gió từ biển thốc thẳng vào làng, mùa gió nồm nam mát lành mà mùa gió chướng thì bớt nóng.
Điều thú vị là toàn bộ cách sinh hoạt xây dựng nhà của ngư dân đều tự phát và đông đúc nhưng không loạn xạ. Người đến sau để ý người đến trước, tất cả nhường nhịn, nể nang nhau nhưng tạo thành một kiến trúc cổ xưa rất khoa học. Cách cư trú này chỉ có thể tìm thấy trong các làng chài cổ ở châu Âu và các làng biển ven Thái Bình Dương.
Kinh nghiệm lập làng cũng phải là những ngư dân lâu năm, minh triết mới biết được. Ở đây, nhà dân phân bố theo từng tầng rải đều theo độ dốc của những lối đi quanh co. Kiến trúc nhà đa dạng, xây bằng vật liệu bền chắc, kiến trúc vững chãi, không lỏi quá mà cũng không đều một màu. Các căn nhà xây kiểu lựa địa hình, chứ không bạt đi sườn đồi để làm móng nên cao thấp khác nhau, có độ nghiêng dốc và đặc biệt không lo sợ đổ, sạt nền. Nhiều căn nhà cao quá thì làm bậc lên xuống quanh co, tạo nên vẻ đẹp rêu phong thú vị của làng. Nhiều căn nhà còn lựa cả lối đi, nhưng đều có hướng nhìn ra biển đón gió. Cho nên làng biển lúc nào cũng trong lành, không bức bí, đời sống nhờ thế mà an nhiên, thuận hòa.
Tôi gặp ông lão Nguyễn Văn Cơ ở căn nhà rất đẹp hướng biển ven làng Nhơn Lý. Hỏi ông tại sao có nhiều căn nhà có cửa sơn xanh trên nền tường trắng rất đẹp, có phải ngư dân thích màu xanh không. Ông lão thủng thẳng đáp, vì người ta sơn tàu đi biển còn thừa mang về sơn cửa nhà đó. Sơn tàu thì chỉ có màu xanh nước biển đó thôi! Ông lão bật cười sảng khoái trong tiếng sóng biển dường như chờm tới hiên nhà.
Đã có ý kiến cho rằng, việc bảo tồn giá trị độc đáo của làng chài Nhơn Lý về mặt kiến trúc cần phải nghiên cứu nhà ở và hình thái đô thị, cảnh quan, không gian công cộng các làng chài này. Ngoài việc bảo tồn các giếng cổ, đường thông ngõ xóm, cảnh quan cổ kính giản dị, còn phải giữ gìn cả nét hồn hậu của những người dân nơi đây nữa. Hình thức du lịch cộng đồng để du khách gần gũi, trải nghiệm đời sống làng chài sẽ giúp cho người dân thấy rõ hơn giá trị đó, tự mình giữ gìn, để người dân gắn bó với phát triển du lịch bền vững.
Mặt khác, giữ làng chài Nhơn Lý là giữ được nếp sống ngư dân, bảo tồn nét đẹp của biển miền Trung, về lâu dài giữ được các giá trị còn tiềm ẩn trong các làng chài duyên hải của Việt Nam.
Thúy Hằng
Theo bienphong.com.vn
Hải đăng Tiên Sa- Điểm "sống ảo" của giới trẻ Hải đăng Tiên Sa (hay còn gọi là hải đăng Sơn Trà) tọa lạc ở bán đảo Sơn Trà, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20km về hướng đông. Đây là một nơi mà bạn có thể thỏa thích ngắm biển từ trên cao với view đẹp tuyệt vời. Nằm tại đỉnh Sơn Trà với độ cao khoảng 223 m so...