Không gia đình em thành tội phạm nhí
Giàng A Phỏng
Giàng A Phỏng nguệch ngoạc viết lên cuốn sổ của tôi dòng chữ: “Em muốn được đi học”.
Nó mới chỉ biết đọc, biết viết vài tháng gần đây, khi được vào học ở Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình. Quê nó ở tận Phù Yên, Sơn La, cái vùng đất nghèo khó bắt những người lớn như cha nó phải lang bạt kỳ hồ, quanh năm suốt tháng đi làm thuê cho người ta mà cũng không đủ ăn.
Người thân còn lại duy nhất của thằng bé 13 tuổi ấy trên cõi đời này chính là đứa em gái. Nhưng cũng đã lâu rồi nó chưa được gặp đứa em, vì nghèo quá không nuôi nổi, bố nó đã gửi em nó cho một đôi vợ chồng, thực chất là cho đứa em đi làm con nuôi người ta. Cuộc sống của Phỏng là chuỗi ngày lang thang đầu đường xó chợ, nó chưa từng được ăn một bữa cơm trắng ngon lành, cũng chưa từng được ngủ ở một căn phòng thoáng mát sạch sẽ.
Thế nên, khi đã là học sinh Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình, nó cứ ước sẽ được ở mãi đây để không bao giờ phải lo đến miếng ăn và chỗ ngủ. Ước mơ của một thằng bé không gia đình, nhỏ nhoi, giản dị mà sao khiến người nghe nghẹn lòng.
1. Nhà nó nghèo lắm, cơm ăn không đủ no. Thế nên khi mẹ nó mắc bệnh hiểm nghèo cũng đành phải nằm nhà chờ chết vì lấy đâu ra tiền đi viện. Khi mẹ mất, nó mới vừa tròn năm tuổi và đứa em gái mới đang xấp xỉ lên hai. Nhà vốn đã nghèo giờ thiếu bàn tay lao động của mẹ lại nghèo hơn gấp bội. Nó thương bố nhiều vì biết bố đã cố gắng làm thuê đủ thứ việc chỉ mong sao hai con có bữa rau bữa cháo.
Người đàn ông bất hạnh ấy cuối cùng đã phải quyết định cho đứa con gái làm con nuôi của một gia đình xa lạ hiếm muộn. Cái ngày ấy, mỗi lần nhớ lại, nước mắt nó lại trào ra vì thương em gái. Nó không sao quên được hình ảnh bố nó nước mắt giàn giụa, giằng đôi tay bé xíu của đứa em gái đang kêu khóc rồi vụt chạy. Nó quá nhỏ để hiểu thấu những đau đớn của cuộc chia ly ấy, nhưng nó hiểu nguyên nhân đơn giản: vì nhà nó nghèo quá, vì bố nó không thể nuôi nổi hai đứa con bằng những đồng tiền làm thuê phập phù.
Em gái Phỏng ngoan lắm. Hình như nó biết nhà nó nghèo nên không bao giờ nó dám đòi hỏi bố bất kể thứ gì. Thấy trẻ con hàng xóm có đồ chơi, nó cũng chỉ dám nhìn từ xa với đôi mắt đầy khao khát. Nó ngoan bao nhiêu, Phỏng lại thương nó bấy nhiêu.
Phỏng cứ nghĩ bố chỉ gửi em gái Phỏng thôi, còn nó sẽ được theo bố đi làm ăn. Ai ngờ tới ngày hôm sau, người bố cũng lại dẫn nó vào một gia đình người quen và gửi nó ở đó. Lần này bố cũng khóc. Bố nói với Phỏng: “Đợi bố một thời gian. Bố sẽ sớm trở lại đón con”. Rồi bố bỏ đi như chạy. Nước mắt người đàn ông khốn nạn đục ngầu. Nó chưa kịp nói gì thì bóng bố đã khuất dần, khuất dần vào sương mù.
2. Gia đình người quen mà Phỏng ở nhờ có một đứa con gái cũng chạc tuổi Phỏng. Nó vốn mới chỉ là một đứa trẻ, nên nó không hiểu được sự “thiếu công bằng” khi mà hằng ngày, nó phải làm việc vất vả, đi làm nương rẫy, tối về lại nấu cơm, trong khi đứa con gái của gia đình ấy suốt ngày chỉ nhong nhóng đi chơi.
Nó đem cái câu chuyện “bất công” ấy mách với chủ nhà, không ngờ ông chủ cầm gậy phang nó tới tấp, vừa đánh ông ta vừa chửi: “Mày chỉ là kẻ ăn nhờ ở đậu thôi. Mày không làm thì cút ra khỏi nhà tao!”. Vừa đau đớn, vừa tủi thân, Phỏng đã bỏ đi khỏi ngôi nhà ấy với quyết tâm sẽ tìm bằng được bố, dù khổ sở thế nào, dù đói khát ra sao, nó vẫn muốn được ở cùng bố. Đi đường, gặp ai nó cũng hỏi: “Có biết bố cháu ở đâu không?”.
Có người tưởng nó là thằng dở hơi, họ vô tâm nhìn nó rồi phán: “Bố mày thì về nhà mày mà tìm, tao biết sao được”. Không ai biết câu chuyện cuộc đời nó, thế nên họ đâu hiểu, nó làm gì có nhà và cũng nào biết bố ở đâu. Nhưng nó không thôi hy vọng, nó lang thang nhiều ngày rồi cuối cùng cũng tìm được bố. Phỏng mừng đến phát khóc, nó rối rít van xin: “Cho con ở cùng với bố. Khổ thế nào con cũng chịu được”.
Video đang HOT
Thời gian đó bố nó đi vác gỗ thuê ở các bến tàu. Ngày nào cũng vậy, nó cứ lũn cũn xách túi đi theo bố như một con chó con. Bố đi một bước, nó theo sát một bước. Có lẽ nó đã quá sợ cái cảnh phải sống xa người thân và nó biết sẽ chẳng ai thực lòng yêu thương mình ngoài bố. Nó sợ một lần nữa lại bị bố bỏ rơi nên ngoan ngoãn, chăm chỉ làm tất cả các công việc có thể để giúp đỡ bố. “Có lần bố em ốm, vì không có tiền gọi bác sĩ đến tiêm, em đã tự mình ra hiệu thuốc mua thuốc về rồi đánh liều tự tay tiêm vào ngực cho bố. Bố em hay đau ốm lắm lại phải làm công việc vác gỗ nặng nhọc, nên tiền kiếm được lại để dành mua thuốc”.
Nhìn ánh mắt nó ưu tư, tôi chợt giật mình, hình như ánh mắt này, tôi đã gặp ở đâu đó trên phố phường Hà Nội, nơi những quán cà phê vỉa hè, có những em bé ngồi lê la, nhăm nhắm nhìn vào chân khách xin được đánh giày. Có lúc nào đó chăng, tôi cũng như nhiều người khách khác ngồi nhâm nhi cà phê và lơ đãng với tất cả các mảnh đời ấy. Gặp nó ở đây, tại một nơi bất đắc dĩ, một cảm giác như là có lỗi không hiểu sao cứ len lỏi trong suy nghĩ của tôi.
Thời gian được sống cùng bố kéo dài không lâu. Bố nó hẳn là đã rất thương nó, vì không muốn nó phải lang bạt như mình nên một lần nữa, ông lại quyết tâm gửi thằng con trai cho chính gia đình đã cưu mang đứa em gái Phỏng. Vẫn với lời hứa “sẽ gửi tạm ở đó thôi rồi sẽ sớm về đón”, nó hiểu rằng, bố nó không còn sự lựa chọn nào khác và cũng từ đó, một linh tính mách bảo với nó, cuộc chia tay này dường như là cuộc chia tay cuối cùng.
Phỏng vui vì được ở cùng em gái nhưng trong lòng vẫn luôn trông ngóng bố quay lại đón mình. Một tháng rồi dài hơn thế mà vẫn chẳng thấy bố đâu. Một hôm, Phỏng nghe lỏm thấy vợ chồng bố mẹ nuôi em gái nói chuyện với nhau. Họ bảo bố nó trong lúc đi vác gỗ đã bị lũ cuốn trôi rồi. Giờ họ đang lo lắng không biết sẽ phải giải quyết vấn đề của nó ra sao.
Quá bàng hoàng khi hay tin bố mất, lại không muốn sẽ là gánh nặng cho bố mẹ nuôi của em gái nên ngay đêm hôm đó, chờ mọi người say ngủ nó đã lẳng lặng thu dọn quần áo, ôm chặt đứa em gái đang thiêm thiếp ngủ rồi ra đi. Nó đi mà chẳng biết mình sẽ đi về đâu? Sẽ chẳng có ai đón nó ở phía trước con đường.
Nó đi trong giá rét của những cơn gió mùa đông đang sầm sập lùa về. Đôi chân trần liêu xiêu trong đêm tối. Nó vốn vẫn là một đứa trẻ hay sợ ma nhưng không hiểu sao đêm đó nó cứ đi miết, vô định mà không cảm thấy sợ. Có lẽ cái đau trong tâm can nó còn lớn hơn cả nỗi sợ hãi. Nỗi đau của một đứa trẻ không người thân, không nhà cửa, không nơi nương tựa.
3.Từ giờ phút ấy nó trở thành một kẻ lang thang. Ngày ngửa mũ xin những đồng tiền bố thí để sống qua ngày. Đêm lại vất vưởng ở ghế đá công viên hoặc gầm cầu. Có lần, nó bị cảm rồi sốt sình sịch hơn bốn mươi độ, nằm co ro ở góc vườn hoa. Nó nằm đó mồ hôi túa ra, miệng khát khô tới hơn nửa ngày mà những người đi qua không ai đi có ý định hỏi thăm hoặc cho nó một ngụm nước.
Cũng may, chiều hôm ấy có một người phụ nữ đi qua, bà nhìn thấy nó trong tình trạng như thế đã vội vã đưa nó vào viện. Phỏng phải nằm viện ba ngày thì người phụ nữ đó cũng ở bên cạnh nó cả ba ngày. Khi Phỏng được xuất viện, người phụ nữ tốt bụng sau khi biết được hoàn cảnh thương tâm của nó đã đưa Phỏng về nhà với ý định sẽ cưu mang nó.
Những tưởng cuộc đời nó từ nay sẽ bớt đi phần bất hạnh nhưng thật không may mắn cho Phỏng vì hai người con của người phụ nữ tốt bụng đó đã không chấp nhận sự có mặt của nó trong ngôi nhà. Chúng nói với người phụ nữ ấy rằng: “Mẹ còn thiếu con hay sao mà lại phải đi cưu mang một thằng lang thang”. Thế nên, dù rất muốn nhưng người phụ nữ đó đành bất lực trước các con của mình. Một lần nữa nó lại phải ra đi.
Cứ sau mỗi lần ra đi ấy, sự trong sáng trong tâm hồn thuần khiết của nó lại mất dần. Cuộc sống lang thang dạy cho nó nhiều điều, kẻ yếu phải chịu sự hiếp đáp của kẻ mạnh. Nếu lần trước nó phải sống cuộc sống lang thang và chỉ biết ngửa tay cầu xin lòng tốt của thiên hạ thì lần này nó đã không như thế nữa. Nó đã gia nhập vào nhóm những kẻ lang thang hành nghề trộm cắp để mưu sinh.
Nhiều đứa trong nhóm ấy cũng có hoàn cảnh bất hạnh như Phỏng, đứa mất cha, đứa mất mẹ, đứa thì cha mẹ bỏ nhau. Tất cả chúng nó đều không có một gia đình hoàn thiện. Và Phỏng coi đó là tổ ấm của mình. Cho dù tổ ấm ấy không có cả nơi để che nắng che mưa nhưng nó tìm thấy ở đó hơi ấm tình người. “Nhóm của em chỉ đi chôm đồ của người khác, chỉ xấu với người ngoài, còn mọi người trong nhóm đối xử với nhau rất tốt” – nó phân trần.
Phỏng ở trong nhóm trẻ lang thang được vài tháng. Vài tháng đó nó đã cùng bạn bè phân công nhau đi chôm rất nhiều đồ của thiên hạ. Bất kể người ta sơ hở ra đồ gì là nhóm của nó sẽ chôm sạch. Vì thực hiện các phi vụ khá thường xuyên nên nhóm của nó đã bị Công an theo dõi. Tới một hôm, khi nó và mấy người bạn nữa đang loay hoay tìm cách phá khóa chiếc xe Dream dựng trong sân của một gia đình thì bị các chú Công an bắt. Và nó bị đưa vào Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình.
“Không ngờ vào đây em lại được các thầy cô đối xử tốt thế. Biết thế này thì em mong bị các chú Công an bắt từ lâu rồi” – Phỏng nhoẻn miệng cười với tôi. Nhưng điều nó vui hơn cả là vào đây, nó được dạy những con chữ đầu tiên. 13 tuổi nhưng trường học chỉ là nơi nó mơ tới hằng đêm chứ nào đã một lần được đến. Trước khi vào đây, nó không biết chữ A tròn hay méo, còn bây giờ, nó đã biết cầm bút, dù là nguệch ngoạc nhưng những dòng chữ nó viết trong cuốn sổ của tôi: “Em rất muốn đi học” khiến tôi thực sự xúc động. Điều ấy cũng thể hiện nó khao được đến trường biết chừng nào. Nó hứa với tôi sẽ cố gắng học thật giỏi, có công việc ổn định để có cơ hội đón đứa em gái trở về.
Ước mong của một cậu bé lang thang chỉ có thế. Nó không cần gì cả, chỉ cần tình yêu thương ruột thịt. Đứa em gái – sợi dây máu mủ duy nhất chính là điểm tựa giúp nó có niềm tin và ý chí bước tiếp trên con đường đầy chông gai trước mắt..
Theo An ninh thế giới
Ngôi làng vắng bóng phụ nữ
Cuộc sống ở quê cùng cực khiến phụ nữ Thừa Thiên-Huế ồ ạt xuất ngoại sang Lào mưu sinh. Đằng sau những cuộc ra đi này là những câu chuyện thấm đẫm nước mắt.
Xã 3.000 người đi làm thuê
Chị Thu theo chồng sang Lào làm thuê để lại cho vợ chồng bà Úy 3 đứa con dại.
Thôn Bình An của xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, nằm bên quốc lộ 1A suốt ngày xe cộ gầm rú và bụi bay mù mịt. Con đường nhỏ hẹp dẫn vào thôn vương vãi đất cát do đang được tu sửa dang dở. Nghe hỏi nhà ông Đoàn Anh - Trưởng thôn, một nhóm trẻ lem luốc đang chơi bên đường đồng loạt chỉ tay về phía ngôi nhà nhỏ nằm khuất sau những bóng cây nói: "Ông Anh không có nhà, con cái ông ấy đi Lào hết rồi".
Theo UBND xã Lộc Bổn, toàn xã có hơn 3.000 người dân sang Lào làm thuê, trong số đó có hơn 1.500 phụ nữ.
Nghe hỏi chuyện phụ nữ trong làng đi Lào, bà Trần Thị Hà, vợ ông Anh, chỉ tay vào ngôi nhà trống hoác với những chiếc giường bỏ không lâu ngày, thở dài: "Việc làm không có, mùa màng thất bát triền miên nên phụ nữ cả làng phải đi mà kiếm cơm chứ ở nhà thì chết đói cả lũ. Nhà tui có 3 đứa con gái đều đi Lào làm thuê hết".
Theo bà Hà, cả 3 người con gái này đều đã đi Lào nhiều năm sau khi phải nghỉ học sớm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Nhiều hộ dân ở đây sinh toàn con gái nên có đến 5-6 người con gái đi Lào kiếm sống. Những phụ nữ đã lập gia đình trong thôn cũng ồ ạt kéo nhau đi Lào làm thuê nên thôn ngày càng vắng dần phụ nữ.
Ngỡ chúng tôi là cán bộ huyện, bà Trần Thị Bưởi, người thôn Bình An, với bộ quần áo nhàu nát và chiếc nón rách bươm hớt hải chạy đến đề nghị có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ đi Lào bằng cách tạo công ăn việc làm để con gái bà được về lại quê. Con gái bà Bưởi là chị Trần Thị Hương đi Lào làm thuê ở tỉnh Savanakhet của Lào từ rất lâu, đến nỗi bà không nhớ nổi cô đã xa gia đình bao nhiêu năm.
"Nó để lại cho tui 2 đứa con nhỏ, đứa lớp 2, đứa mẫu giáo. Làm ăn không ra chi nên thỉnh thoảng nó mới có tiền gửi về nuôi con nên chúng rất khổ cực"- bà Bưởi kể.
Theo UBND xã Lộc Bổn, toàn xã có hơn 3.000 người dân đến các tỉnh Salavan, Savanakhet của Lào làm thuê, trong số đó có hơn 1.500 phụ nữ. Số liệu này tăng nhanh hàng năm tỷ lệ thuận với việc kiếm sống ở quê ngày càng khó khăn. Các thôn có số phụ nữ đi Lào nhiều nhất là Hòa Vang, Thuận Hóa, Bình An, Hòa Mỹ.
Không chỉ Lộc Bổn; các xã Lộc Sơn, thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc), thị trấn Phú Bài, xã Thủy Lương (thị xã Hương Thủy)... cũng là những địa phương có nhiều phụ nữ đi Lào kiếm sống do cuộc sống ở quê quá nghèo khổ. Ngày càng nhiều thiếu nữ mới học lớp 8, lớp 9 cũng bỏ học đi Lào mưu sinh.
Những đứa trẻ côi cút
Bà Nguyễn Thị Úy (75 tuổi) và chồng là ông Trần Văn Nho (80 tuổi) ở thôn Bình An vừa dọn cơm trưa cho mấy đứa cháu vừa ho khùng khục. Ở cái tuổi gần đất xa trời như vợ chồng bà Úy, người ta được chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ nhưng hai ông bà lại không được hưởng sự quan tâm ấy.
Từ ngày con dâu là chị Trần Thị Thu theo chồng sang Lào làm thuê, để lại 3 đứa con nhỏ, tuổi già của vợ chồng bà Úy là những tháng ngày cực nhọc.
"Nó đi rồi về đẻ, đẻ rồi đi lại nên mấy đứa cháu đều do một tay vợ chồng tui nuôi. Mới đây nó về sinh đứa thứ tư, được 4 tháng định để nốt ở nhà cho chúng tôi nuôi nhưng do cháu quá nhỏ nên nó phải mang theo sang Lào"- bà Úy kể.
Người già khổ cực đã đành nhưng những đứa trẻ không có bàn tay chăm sóc của cha mẹ lại càng tội nghiệp. 3 đứa cháu của bà Úy đang học lớp 6, lớp 4 và lớp 1 ngày càng gầy teo và học hành tụt dốc.
"Chúng tôi già rồi biết chi chữ nghĩa mà chỉ bảo chúng chuyện học hành. Kiểu ni chắc phải bỏ học sớm hết, thời đại ni rồi mà còn thất học thì buồn lắm"- ông Nho thở dài.
Chuyện ông bà già nuôi trẻ nhỏ như vợ chồng bà Úy nhan nhản ở Lộc Bổn cũng như các xã có phong trào đi Lào làm thuê. Hậu quả của tình trạng này là ngày càng có nhiều đứa trẻ trên địa bàn bỏ học sớm do không có sự quan tâm chăm sóc, chỉ bảo của bố mẹ.
Chị Nguyễn Thị Thệ (44 tuổi) theo chồng là anh Dương Văn Say đi Lào kiếm sống bằng nghề thợ nề đã 10 năm nay. Cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người cực khổ khiến vợ chồng chị không có điều kiện quan tâm đến việc học của 3 đứa con ở quê. Hậu quả là 3 đứa con của vợ chồng chị lần lượt bỏ học từ rất sớm. Mới đây, 2 trong số 3 đứa con của chị đã sang Lào để "nối nghiệp" bố mẹ khi tuổi đời còn nhỏ.
Cùng với tình trạng bỏ học, tình trạng trẻ em sa chân vào các tệ nạn xã hội và đánh lộn cũng diễn ra thường xuyên hơn. Bằng chứng là ở các xã Lộc Bổn và Lộc Sơn tình trạng "đại ca nhí" xuất hiện ngày càng nhiều và hết sức manh động. Không ít đối tượng trở thành nỗi khiếp đảm của người dân bởi sự liều lĩnh và coi mạng người như cỏ rác.
Bà Đoàn Thị Lan - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Bổn, bảo hậu quả của việc người dân nói chung và phụ nữ nói riêng đi Lào kiếm sống đã nhãn tiền từ nhiều năm nay . "Cùng với tình trạng con cái của phụ nữ đi Lào phải bỏ học sớm và dính vào các tệ nạn xã hội, thì tình trạng người dân trên địa bàn nhiễm HIV cũng tăng nhanh do sự di cư này"- bà Lan nói.
Theo Dân Việt
Đứa trẻ bị cả gia đình lợi dụng Cô bé Thương tết tóc cho Mai Con người ta khi sinh ra, không ai mặc định số phận cho mình, tất cả mọi đứa trẻ đều mang gương mặt ngơ ngác và một tâm hồn thánh thiện, nhưng chính nền tảng gia đình, môi trường xã hội là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên những tính cách của trẻ. Ngày...