Không được xét hỏi ‘mớm cung’
“Gợi mở để ép bị cáo thừa nhận tội thì chẳng khác nào đã có định kiến sẵn hành vi đó chắc chắn là tội phạm”, thẩm phán Phạm Công Hùng nói.
Ảnh minh họa
Quy định việc xét hỏi bị cáo tại phiên tòa hiện nay trong Bộ luật hình sự chỉ mang tính nguyên tắc. Về trình tự, theo điều 207, chủ tọa phiên tòa có quyền hỏi trước rồi đến các hội thẩm nhân dân, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Về nội dung xét hỏi, khoản 2 Điều 209 chỉ quy định bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án. Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.
Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự chưa có quy định cụ thể về việc hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự phải hỏi bị cáo như thế nào. Theo kiểm sát viên Trần Quyết Chiến ( VKSND TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk), luật quy định như vậy là hợp lý vì không phải vụ án nào cũng giống nhau. Mỗi vụ có tình tiết, chứng cứ và bị cáo khác nhau nên luật không thể quy định chủ tọa phải xét hỏi về ý gì và phải xét hỏi như thế nào. Do đó không thể quy định một trình tự chuẩn mà phải đòi hỏi phải có kỹ năng và trình độ xét hỏi của chủ tọa và những người tiến hành tố tụng khác. Hơn nữa, các thẩm phán cũng cần linh động trong cách xét hỏi nhằm làm sáng tỏ vụ án.
Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM) đồng tình rằng không thể có mô hình chuẩn cho thủ tục xét hỏi tại tòa. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh bất luận lý do gì đi nữa thì việc xét hỏi theo kiểu “gợi ý lộ liễu”, “đỡ lời”, “mớm cung”, “ép cung” đều không chấp nhận được. Bởi lẽ bản chất của việc xét hỏi công khai tại tòa là nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Sự thật này đánh giá tính hợp pháp và hợp lý của hai loại chứng cứ là chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án và chứng cứ mới bổ sung (nếu có) tại phiên xử. Như vậy việc xét hỏi sẽ hướng tới mục đích cao nhất là trả lời câu hỏi kết luận điều tra và cáo trạng truy tố bị cáo có hợp pháp, có đúng pháp luật hay không.
Cũng theo thẩm phán Hùng, có nhiều kiểu hỏi khác nhau, không thẩm phán nào hỏi giống thẩm phán nào. Việc hỏi theo kiểu “ép cung” hiện nay khó có thể xảy ra tại phiên tòa nhưng “mớm cung” thì rất dễ xảy ra và tinh thần pháp luật là cấm chuyện này. Thậm chí luật còn cấm việc công bố các bản cung về lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra nếu không có sự mâu thuẫn với lời khai tại tòa để tránh tạo áp lực cho bị cáo.
Không gợi mở theo kiểu chỉ “có”, “không”
Bàn về việc thẩm phán gợi mở khi xét hỏi, nhiều ý kiến cho rằng phải hiểu đúng nghĩa của việc gợi mở, nếu không sẽ dễ bị lạm dụng.
Một thẩm phán chuyên xử hình sự ở TAND TP HCM (đề nghị giấu tên) cho rằng tòa hay bị kêu ca là “ôm” hết phần xét hỏi, nhiều khi làm thay cả chức năng của VKS vì hỏi như kiểu buộc tội bị cáo. Thực tế thì việc hỏi nhiều hay ít, có gợi mở được vấn đề hay không phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của mỗi thẩm phán. Nhưng nếu phần lớn thời gian thẩm vấn mà chủ tọa gợi mở được những câu hỏi nhằm làm rõ bản chất của vụ án thì phiên tòa đó có chất lượng. Hỏi gợi mở là những câu hỏi luôn có từ “vì sao?” để người trả lời lý giải vấn đề đặt ra và không thể nói ngay đáp án “có” hay “không”.
Luật sư Đinh Văn Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM) bổ sung: Tòa xét hỏi để tìm tòi thêm các tình tiết của vụ án, thậm chí có thể hỏi theo hướng suy đoán vô tội nếu thấy còn lợn cợn nhiều vấn đề. Như vậy, thủ tục này cần phải lấy yếu tố quyền con người (quyền của bị cáo nói riêng) để đặt lên hàng đầu.
Gợi mở trong xét hỏi tại tòa chính là câu hỏi của chủ tọa sẽ tạo điều kiện cho bị cáo trình bày những vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Chủ tọa có nghĩa vụ phải gợi mở cho bị cáo thực hiện quyền tự bảo vệ của mình và làm rõ hơn vụ án. Từ lời trình bày ấy, thẩm phán đối chiếu với các lời khai trong hồ sơ và các chứng cứ khác, phân tích về độ chính xác rồi mới đánh giá là có chấp nhận hay không. Với những vụ án đơn giản, tình tiết không quá phức tạp thì việc khơi gợi khi xét hỏi giúp phiên tòa tránh được không khí tẻ nhạt, vô vị.
Thẩm phán Phạm Công Hùng nhận xét: Nếu gợi mở theo kiểu dẫn ra một tình tiết trong hồ sơ hoặc cáo trạng rồi hỏi bị cáo có đúng như vậy không thì không đúng nguyên tắc. Đây chỉ được xem như một động tác nhằm hợp thức hóa hồ sơ, nhắc lại những cái đã cũ và có thể tạo ra hậu quả pháp lý lớn. Bởi nếu bị cáo đã từng bị ép cung tại cơ quan điều tra mà ra tòa thẩm phán vẫn theo mạch xét hỏi dựa vào các bút lục đó thì rất bất lợi cho bị cáo. “Gợi mở để ép bị cáo thừa nhận tội thì chẳng khác nào đã có định kiến sẵn từ đầu là hành vi đó chắc chắn là tội phạm”, ông Hùng nói.
Theo Pháp luật TP HCM
Những vụ điều tra viên đánh đập, ép cung gây rúng động
Nhiều vụ cảnh sát dùng nhục hình với nghi phạm đã xảy ra. Hành vi này của người cảnh sát là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm tới sức khỏe, danh dự của công dân, gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, tạo ra bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguyễn Thanh Chấn tố bị các điều tra viên ép cung gây án oan
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm ngồi tù để điều tra lại đang gây rúng động dư luận. Nhiều luồng dư luận đã bày tỏ sự bức xúc khi ông Chấn tố bị các điều tra viên đánh đập, ép cung trong quá trình lấy lời khai.
Khi đang thụ án tại trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an), ông Chấn đã viết một số đơn kêu oan. Trong lá đơn viết năm 2007 gửi viện trưởng VKSND Tối cao, trong lá đơn kín 6 mặt giấy, ông Chấn cho biết: "Do bị tra tấn đánh đập, làm cho hoảng loạn, sợ hãi, tôi buộc phải nhận và làm theo những gì công an hướng dẫn mà thực tế không phải như vậy". Trong đơn, ông Chấn cũng nêu cụ thể tên những người ép cung.
Tuy nhiên, ngày 10/11/2013, đại tá Phạm Văn Minh, giám đốc CA Bắc Giang, cho biết 6 điều tra viên trực tiếp điều tra ông Nguyễn Thanh Chấn 10 năm trước đã hoàn tất giải trình mà theo đó "không thấy có vấn đề gì", tất cả đều khẳng định không ép cung, đánh đập, "hướng dẫn khai" như tố cáo.
Nhưng dư luận đang đặt câu hỏi: Không ép cung thì sao ông Chấn lại nhận tội Giết người? Bởi ông Nguyễn Thanh Chấn không dại gì nhận tội giết người để vào tù và càng không thể ra tay nghĩa hiệp để giúp hung thủ thật sự mà mình không hề quen biết thoát tội...
Video đang HOT
Nhiều người có ý kiến rằng, để làm sáng tỏ vụ việc này trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Bộ công an nên vào cuộc thay vì để công an Bắc Giang điều tra lại.
Hành vi dùng nhục hình, ép cung trong khi lấy lời khai của người cảnh sát là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm tới sức khỏe, danh dự của công dân, tạo ra bức xúc trong dư luận xã hội.
Ngày 6/11/2013, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm tuyên án tù chung thân về tội giết người đối với ông Nguyễn Thanh Chấn để điều tra lại vụ án. Một trong những căn cứ để Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đưa ra xem xét đó là sự việc ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối 15/8/2003 để cướp tài sản, đây được coi là tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án.
Hiện vụ án đang trong quá trình điều tra lại. Nguyễn Thanh Chấn mới được thả tự do tạm thời chứ chưa được pháp luật công nhận là bị oan. Trong khi đó, việc các điều tra viên có dùng nhục hình, ép cung khi lấy lời khai ông Chấn hay không vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Hai cảnh sát dùng nhục hình với Osin
Bị chủ nhà nghi ngờ ăn cắp tiền, một osin ở Nha Trang đã bị các điều tra viên đánh đập trong quá trình lấy lời khai.
Chiều 9/1/2012, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt hai bị cáo nguyên là điều tra viên của Công an TP. Nha Trang mỗi bị cáo 9 tháng tù treo về tội dùng nhục hình. Đồng thời, HĐXX còn buộc hai bị cáo phải bồi thường cho người bị hại 3 triệu đồng.
Hai bị cáo gồm Trần Bá Tuấn (SN 1976, trú 205, Chung cư A, Nha Trang) và Nguyễn Đình Quyết (SN 1984, trú 186/22/7 Lê Hồng Phong, Nha Trang).
Bị cáo Tuấn và Quyết trước vành móng ngựa.
Nạn nhân bị dùng nhục hình là bà Trần Thị Lan (SN 1970, ở xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh) tạm trú tại số nhà 229/11 đường 2-4, Nha Trang và đang giúp việc cho gia đình anh Võ Hà Trang (ở 9B Lãn Ông, Nha Trang).
Trước đó, ngày 28/11/2010, anh Trang đến Công an TP. Nha Trang trình báo về việc gia đình anh bị mất trộm 7 triệu đồng và 1.750 USD và nghi ngờ bà Lan lấy trộm. Sau đó bà Lan bị đưa đến tầng 2 trụ sở CATP. Nha Trang để lấy lời khai.
Trong khoảng thời gian từ trưa ngày 28/11 đến 17h ngày 29/12/2010, Tuấn và Quyết đã dùng công cụ hỗ trợ là gậy cao su, dùi cui điện do ngành công an trang bị để đánh đập, chích điện nhiều lần vào tay, chân, vai bà Lan để ép bà Lan khai nhận hành vi trộm cắp tiền của gia đình anh Trang.
Bà Trần Thị Lan sau khi bị đánh.
Đến 17h45 ngày 29/12/2012, Tuấn và Đông dẫn giải bà Lan bàn giao cho Nhà tạm giữ Công an TP. Nha Trang, đồng thời soạn sẵn biên bản giao nhận người bị bắt, xác nhận bà Lan tình trạng sức khỏe bình thường.
Ngày 30/11/2010, bà Lan bị ngất xỉu tại nhà tạm giữ nên đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cấp cứu và điều trị, đến ngày 7/12/2010 thì xuất viện.
Theo kết luận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bà Lan bị "đa chấn thương", trong đó có nhiều vết thương ở vùng đùi, tay, ngực...
Ngoài ra, quá trình điều tra, bà Lan khai nhận ngoài Tuấn và Quyết còn có 3 người đàn ông mặc thường phục cũng tham gia đánh bà nhưng kết quả điều tra không có cơ sở để xác định được tên, tuổi ba người này nên không đủ cơ sở để kết luận.
Cảnh sát dùng nhục hình với xe ôm
Ngày 6/3/2012, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên trong phiên sơ thẩm đối với Lang Thành Dũng (nguyên cán bộ Đội CSĐT về tội phạm về TTXH Công an TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) 9 tháng tù, cho hưởng án treo về tội "dùng nhục hình".
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 2 h 45 ngày 22/7/2011, hai nam du khách từ Hà Nội đến Công an TP. Nha Trang trình báo bị mất 7 triệu đồng vào đêm 21/7 khi đi massage, nghi lái xe ôm cùng tiếp viên dàn dựng lấy cắp.
Bị cáo Lang Thành Dũng trước vành móng ngựa.
Sau khi điều tra được tung tích của các nghi phạm liên quan vụ mất tiền trên, Dũng và Đỗ Ngọc Hiền (Hiền là sinh viên trung cấp cảnh sát đang thực tập) trực tiếp còng tay hai nghi phạm Nguyễn Trường Vũ và Trương Chí Bình đưa về trụ sở.
Trong đêm, Dũng tát anh Bình; đấm, tát, dùng dùi cui cao su đánh, làm anh Vũ bị choáng xỉu, ù tai, khó thở, phải cấp cứu điều trị tại bệnh viện tỉnh từ ngày 27/7 đến 1/8/2011.
Cũng theo hồ sơ vụ án, Hiền có tham gia đánh, nhưng chỉ với vai trò thứ yếu và đang là sinh viên thực tập, không cần xử lý hình sự.
Gia đình anh Vũ cho biết, vụ việc vỡ lở, Dũng và Hiền có đến nhà xin bồi thường 27 triệu đồng (rồi xin lại 7 triệu), xin gia đình ký giấy bãi nại.
Cảnh sát điều tra bị tố dùng nhục hình gây thương tích nặng
Ngày 28/12/2012, tin từ Văn phòng Công an tỉnh Bình Định cho biết Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với trung úy Nguyễn Xuân Cảnh, nguyên cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Tuy Phước về tội dùng nhục hình.
Trước đó, lãnh đạo Công an huyện Tuy Phước đã ra quyết định đình chỉ công tác, đồng thời Huyện ủy Tuy Phước cũng ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với trung úy Cảnh.
Theo một nguồn tin cho biết, trong quá trình điều tra vụ việc được lãnh đạo giao, trung úy Cảnh đã dùng nhục hình, gây thương tích nặng cho một đối tượng.
Sau khi xảy ra vụ việc trên, nạn nhân và gia đình đã gửi đơn tố cáo hành vi trên của trung úy Cảnh đến Cục Điều tra VKSND Tối cao.
Trong quá trình xử lý đơn tố cáo của nạn nhân, Cục Điều tra VKSND Tối cao gửi giấy triệu tập yêu cầu trung úy Cảnh ra TP Đà Nẵng làm việc nhưng Cảnh không có mặt.
Bốn công an bị tố dùng nhục hình gây chết người
Sau hơn 3 giờ có mặt tại trụ sở công an xã, ông Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958, đội 13, thôn Đoài, Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) đã tử vong với rất nhiều vết bầm tím trên cơ thể.
Liên quan đến cái chết bất thường của ông Thuận tại trụ sở công an xã, chiều ngày 1/9/2012, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 4 cảnh sát cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người.
Bốn cảnh sát bị bắt tạm giam gồm: Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1980) -phó công an xã Kim Nỗ; Nguyễn Trọng Kiên (SN 1991); Đoàn Văn Tuyến (SN 1983); Hoàng Ngọc Thức (SN 1988) đều là công an viên xã Kim Nỗ.
Những vết bầm tím trên thân thể ông Nguyễn Mậu Thuận.
Theo kết quả điều tra, công an huyện Đông Anh làm rõ: Hồi 8h15 ngày 30-8, UBND xã Kim Nỗ tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của hộ gia đình ông Nguyễn Mậu Diệp (bố ông Nguyễn Mậu Thuận, SN 1958), tại đội 13, thôn Đoài, Kim Nỗ, Đông Anh. Quá trình cưỡng chế không xảy ra sự việc cản trở của hộ gia đình ông Diệp. Sau đó, ông Nguyễn Mậu Thuận được mời đến trụ sở công an xã làm việc.
Theo điều tra, khi đưa ông Thuận đến trụ sở công an xã, Nguyễn Trọng Kiên, Hoàng Ngọc Thức và Đoàn Văn Tuyến đã sử dụng khoá số 8 khoá tay ông Thuận ra phía sau rồi đưa ông Thuận vào ngồi ghế gỗ trong phòng làm việc. Ông Thuận đã chửi bới lại công an viên.
Các công an viên này tiếp tục sử dụng 4 khoá số 8 khoá 2 chân, 2 tay của ông Thuận vào chân ghế, nhưng ông Thuận vẫn tiếp tục chửi lại các công an viên. Thấy vậy, Hoàng Ngọc Tuyên và Nguyễn Trọng Kiên dùng dùi cui cao su đánh liên tiếp vào đùi phải và đùi trái ông Thuận. Ông Tuyên chỉ đạo Kiên dùng hai chiếc bút bi kẹp vào các ngón tay của ông Thuận bóp mạnh.
Hoàng Ngọc Tuyên hỏi ông Thuận và yêu cầu Nguyễn Trọng Kiên ghi lời khai nhưng ông Thuận không ký biên bản, Tuyên và Kiên tiếp tục đánh ông Thuận.
Đến khoảng 16 h cùng ngày, thấy ông Thuận có biểu hiện khó thở, các công an viên liền đưa ông Thuận đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh nhưng ông Thuận đã tử vong với nhiều vết bầm giập trên người.
Khám nghiệm pháp y tử thi, Công an huyện Đông Anh xác định: Nạn nhân bị gãy xương sườn số 6,7,8 bên trái. Bác sĩ pháp y cho biết thêm: Ông Thuận bị bệnh xơ gan, trong tình trạng say rượu, khi bị ngoại lực tác động sẽ gây ngừng tim dẫn đến tử vong. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Trung tá công an làm chết người bị phạt 4 năm tù
Ngày 13/1/2012, sau gần một năm gây ra cái chết cho ông Tùng, nguyên trung tá công an phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị tòa án tuyên phạt 4 năm tù về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.
Theo cơ quan công tố, ngày 28/2/2011, Ban chỉ huy công an phường Thịnh Liệt đã phân công ông Nguyễn Văn Ninh (54 tuổi, cán bộ cảnh sát trật tự công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) cùng tổ dân phòng tự quản tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm trật tự giao thông đường bộ tại vành đai đối diện cổng phụ bến xe phía Nam.
Khoảng 10h30 cùng ngày, trong khi làm nhiệm vụ, ông Ninh phát hiện ông Trịnh Xuân Tùng (54 tuổi, ở Hai Bà Trưng) không đội mũ bảo hiểm ngồi sau xe máy do ông Phạm Quanh Hùng (lái xe ôm) điều khiển.
Thấy vi phạm, ông Ninh đã dùng còi và gậy hướng dẫn giao thông ra hiệu lệnh yêu cầu ông Hùng dừng xe và thông báo lỗi vi phạm, yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ, lập biên bản về việc điều khiển xe máy chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, xử phạt 150 nghìn đồng.
Ông Nguyễn Văn Ninh tại tòa. Ảnh: N.Anh
Tuy nhiên ông Hùng không ký biên bản mà để lại giấy đăng ký rồi chở ông Tùng bỏ đi uống rượu. Đến khoảng 15h cùng ngày, ông Hùng chở ông Tùng và một người bạn khác quay lại xin nộp tiền phạt 100 nghìn đồng, hủy biên bản và mức phạt buổi sáng, nhưng ông Ninh không đồng ý. Mấy người này đã lăng mạ rồi tiếp tục bỏ đi.
Một lát sau ông Tùng quay lại, hai bên lời qua tiếng lại. Ông Tùng túm cổ áo ông Ninh, tay phải tát vào mặt. Lúc này ông Ninh gạt ra, gỡ tay ông Tùng và hô to: "Thằng này nó đánh tôi, anh em đâu bắt giữ nó lại". Ông Tùng xoay người bỏ chạy, nhưng bị ông Ninh túm tóc giật lại...
Nghe tiếng hô, một số người lao đến bẻ quặt tay phải ông Tùng. Ninh túm tóc ghì đầu khiến ông Tùng ngã nghiêng mặt xuống đất, sau đó lấy khóa số 8 còng tay ông ngồi dựa vào gốc cây bàng. Hậu quả ông Tùng bị thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, sau đó đã tử vong.
Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, gia đình bị cáo Ninh đã tự nguyện bồi thường cho gia đình nạn nhân Tùng số tiền 500 triệu đồng.
Theo Người đưa tin
Nhân chứng cũng bị "ép cung" Vô tình rơi vào tình thế làm nhân chứng trong vụ án giết người, Hoàng Thị Thùy Dung, 20 tuổi, đã bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận bắt khai nhiều lần. Mặt trước và mặt sau giấy triệu tập nhân chứng của Công an tỉnh Bình Thuận - Ảnh: H.Đ. Vụ án được tóm tắt như sau: Phạm Văn...