“Không được nhập nhằng trách nhiệm”
Đó là ý kiến của ông Đỗ Văn Đương (ĐBQH – TP Hồ Chí Minh), liên quan đến việc các công trình thủy điện xả lũ, gây thiệt hại cho người dân một số vùng làm thủy điện.
- PV: Phải xử lý như thế nào khi các công trình thủy điện xả lũ sai quy trình, gây thiệt hại cho người dân?
- Ông Đỗ Văn Đương: Trước khi xả lũ không thông báo trước cho người dân, lại xả vào ban đêm là đặc biệt nguy hiểm. Việc xả lũ muộn có thể làm lợi cho các cá nhân khoảng 1-2 tỷ đồng, nhưng gây thiệt hại cho địa phương và người dân hàng trăm tỷ đồng. Xả lũ muộn là hành vi cố ý làm trái pháp luật, vì động cơ vụ lợi, hoặc thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng, tài sản của nhân dân. Phải điều tra kỹ, nếu đúng phải truy cứu trách nhiệm hình sự và phải xử lý nghiêm, bồi thường toàn bộ thiệt hại. Cần thiết thì đóng hẳn đập thủy điện, không cho hoạt động, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Nói mà không làm thì nhân dân khổ lắm.
Hậu quả đã rõ, nhưng phải chứng minh lỗi, cụ thể là ai? ở đâu? tỉnh nào? địa phương nào và ai chịu trách nhiệm? Đã có quy trình chưa? Trước khi mưa bão lũ đến đã xả lũ chưa? Làm trái quy định pháp luật, gây thiệt hại thì đương nhiên phải truy tố trách nhiệm hình sự!
- Câu chuyện mưa bão, lũ đã nhiều năm, vậy theo ông việc giám sát là có vấn đề?
- Cần giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan tư pháp vào cuộc điều tra cùng với các cơ quan hữu quan. Đồng thời, kiểm tra xác định trách nhiệm hành vi, hậu quả theo trình tự tố tụng, chứ không nên nói rồi để đấy mà không thực hiện.
- Phía các nhà máy thủy điện bảo lưu quan điểm làm đúng quy trình?
- Việc đúng, hay sai cơ quan điều tra đủ sức chứng minh. Vấn đề nhìn thấy ngay chính là hậu quả đã xảy ra, thời điểm xả lũ đúng vào lúc đang mưa lớn, chứ không phải xả trước đó.
Xả lũ trái quy định pháp luật, gây thiệt hại phải bị truy tố trách nhiệm hình sự
(Ảnh minh họa)
Video đang HOT
- Nếu có sai phạm thì người ra quy trình có bị xử lý hình sự không, thưa ông?
- Đương nhiên, người xử lý quy trình sai phải chịu trách nhiệm gián tiếp. Quy trình đã có, nhưng chưa cụ thể. Phải quy định rõ là trước khi nghe dự báo thời tiết, trong vòng 1-2 ngày mà có bão, mưa, áp thấp thì lập tức phải xả lũ để tăng dung tích hồ chứa lên, bảo đảm khi lũ về không còn tình trạng xả như hiện nay dẫn đến tình trạng lũ chồng lũ.
Trách nhiệm trực tiếp chắc chắn phải thuộc về Bộ Công Thương, còn Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm gián tiếp. Vấn đề quan trọng nhất là phải quy rõ trách nhiệm chính của ai, không được nhập nhằng trách nhiệm giữa các Bộ.
Theo ANTD
Thủy điện xả lũ: Đại biểu Quốc hội đồng loạt lên tiếng
Những ngày này, người dân miền Trung đang phải vật lộn với những cơn lũ dữ để giữ tài sản và mạng sống, còn người dân cả nước thì không khỏi xót xa trước nỗi khổ và nỗi đau của khúc ruột miền Trung. Bên lề Quốc hội, các đại biểu cũng đã chia sẻ những suy nghĩ của mình.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn TP. Hồ Chí Minh): "Bộ Công thương không chịu trách nhiệm là vô lý"
Việc xảy ra lũ lụt ở miền Trung, Tây Nguyên vừa qua rõ ràng là hậu quả tất yếu của việc buông lỏng, dễ dãi trong quản lý từ đầu tư, quy hoạch, xây dựng đến vận hành khai thác. Cả 3 quy trình này đối với thủy điện nhỏ trở thành tất yếu dẫn đến thủy điện xả lũ khi có lũ, gây ra hiện tượng lũ chồng lũ, gây thiệt hại lớn cho người dân. Vậy ai chịu trách nhiệm đây? Rõ ràng người dân trắng tay trong một đêm, mà đó là sự tích lũy của họ trong hàng mấy chục năm, thậm chí hàng mấy đời.
Việc này Chính phủ phải làm rõ trách nhiệm, mà trước hết thuộc về Bộ Công thương vì đây là Bộ chủ quản về thủy điện, chứ không thể đổ thừa cho địa phương, hay Bộ KH&ĐT, hay Bộ ngành nào khác. Anh là người phải xây dựng tất cả các vấn đề về thể chế và tổ chức thực hiện để quản lý thủy điện. Hiện nay chúng ta đều bức xúc về vấn đề này khi gây ra những hậu quả rất lớn cho người dân.
Việc tích nước thủy điện đều có một cao trình nhất định rồi, khi anh tích nước quá thì bắt buộc anh phải xả lũ, chứ không thể nói nước lũ tràn về mà anh không xả. Nói điều đó thì không ai tin được.
Thủy điện nhỏ không hề tính đến phương án vỡ đập khi bị lũ, vì chất lượng đập quá kém. Thật ra gốc vấn đề quay trở lại chính là vì lợi ích của chủ đầu tư. Họ đầu tư thủy điện cho lợi ích chứ không phải đảm bảo dân sinh, hay điều hòa, điều tiết nước cho người dân, dẫn đến mùa hạn dân thiếu nước trong sản xuất, thay đổi dòng chảy. Còn mùa mưa thì nguy cơ dẫn đến lũ lụt cao. Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Về việc xử lý trách nhiệm, bây giờ cần kiểm tra xem việc xả lũ ấy có phải do chủ quan, cố ý không làm đúng quy trình? Anh biết điều đó có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến người dân thì anh có phối hợp với chính quyền địa phương chưa? Anh đã có sự thông báo để cho người dân biết chưa?... Với những yếu tố gây thiệt hại về người và của, nếu là lỗi đã được quy định trong Bộ luật hình sự thì chúng ta phải xem xét cái này.
Rõ ràng trong trường hợp do thiên nhiên chung thì cần phải xem trách nhiệm dân sự, hành chính đến mức độ nào. Nhưng nếu việc anh làm gây hậu quả lớn, phạm vào các yếu tố cấu thành tội phạm thì phải xử lý theo luật hình sự.
Tác hại của thủy điện rõ rồi. Tác hại này không phải chỉ của năm nay, mà nó là của nhiều năm. Anh bảo vận hành đúng quy trình, vậy thì phải xem quy trình đó đã đúng chưa, hợp lý chưa, hay chúng ta chỉ đưa ra quy trình mang tính chất chung cho các loại thủy điện? Như vậy chưa chắc đã đúng, vì thủy điện lớn, thủy điện vừa, nhỏ, hệ thống thủy điện trên một dòng sông... thì hệ thống xả lũ khác nhau. Các quy trình này đỏi hỏi Bộ Công thương phải tính đến chuyện đó. Chính Bộ phải làm cho hệ thống thủy điện khác nhau. Tôi cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư công trình thủy điện. Với mức thiệt hại như vậy, người dân có thể kiện họ ra tòa để làm rõ việc này.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Minh Thiện trao đổi với PV chiều 18/11
Đại biểu Ngô Văn Minh - Quảng Nam: Dân còn kêu trời, chịu khổ, đại biểu còn lên tiếng
Thủy điện đã và đang gây ra khá nhiều hệ lụy. Nguyên nhân là do quy trình vận hành hồ chứa còn nhiều bất cập, mùa khô thì thủy điện tích nước khiến cho những dòng sông ở hạ du trờ thành những dòng sông chết. Còn mua mưa thì xả lũ gây thiệt hại. Thực tế, đến nay chúng ta mới chỉ có quy trình vận hành đơn hồ, còn liên hồ thì lại chưa có, khiến mạnh ai nấy xả.
Rồi khi có cảnh báo, dự báo mưa lũ thì các thủy điện vì lợi ích cục bộ của mình nên ai cũng giữ nước, chứ không chịu xả. Ví như, vừa rồi, khi dự báo mưa bão lớn như vậy mà anh cũng không chịu xả nước. Đến khi hoàn lưu của bão số 15 gây mưa lớn thì anh lại xả nước, gây ra lụt lội.
Ví như thủy điện Sông Tranh 2, Chính phủ không cho tích nước cao trình 161m. Nhưng anh không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này nên khi nước về đã lên tới cao trình 166m. Nếu có vấn đề xảy ra thì ai chịu trách nhiệm đây? Việc chấp hành, quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành hồ chứa còn ngổn ngang, khiến cho cử tri, đại biểu Quốc hội day dứt. Cơ quan quản lý Nhà nước qua cách trả lời của Bộ trưởng Bộ công thương trong cuộc họp Quốc hội vừa qua thì cũng chưa thấy rõ trách nhiệm, nhất là trong câu nói "quy hoạch thủy điện là chúng ta nói về chúng ta chứ không phải Chính phủ hay bộ, này, bộ khác". Anh nói như thế là anh hòa cả làng à? Anh nói như thế thì không bao giờ anh sửa sai được.
Anh phải thấy rằng, mặc dù phân cấp quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa là do địa phương, nhưng về mặt vĩ mô, anh quản lý nhà nước thì anh phải rà soát chứ? Như sân gorl, trước đây phân cấp cho địa phương khiến phát triển mạnh, thì sau khi đại biểu phản ứng nay đã sửa rồi. Đó là bài học anh phải học chứ, phải rút kinh nghiệm chứ? Còn với tư tưởng đó thì tôi nghĩ dân chịu thiệt, dân còn kêu trời, chịu khổ, đại biểu còn lên tiếng, còn tiếp tục dài dài... Trách nhiệm quản lý nhà nước là chính, Bộ Công thương không có trách nhiệm là vô lý, không thể chấp nhận được. Bởi anh là người quản lý ngành, anh phải có trách nhiệm.
Lũ và và xả lũ từ thủy điện đã làm mất đi những gì mà người tích cóp trong nhiều năm, thậm chí nhiều đời - ảnh: Dân Việt
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Người dân có thể khởi kiện
Thuỷ điện thực sự là một phong trào. Nó có thể gọi là mỳ ăn liền, làm cho những doanh nghiệp làm dự án rất nhanh chóng có sản phẩm điện để bán. Nhưng chúng ta không nhìn thấy, cố tình không nhìn thấy tác động đằng sau nó là phá hại môi trường và nguồn lợi khai thác lâm sản từ thuỷ điện.
Chính sách Nhà nước có những lỗ hổng rất lớn và có sự bất hợp lý. Đó là việc phân chia lợi ích. Các tỉnh vùng hạ lưu phải chịu hậu quả mà không được lợi ích nào. Người ta chỉ thấy cái lợi nhiệm kỳ, cái lợi cấp phép mà không thấy cái lợi tổng thể và không lường trước được tính quy hoạch bị phá vỡ ngay từ đầu. Chúng ta chỉ tính không gian lãnh thổ hành chính mà quên mất con sông là dòng chảy liên tục. Tỉnh nào cũng không quan tâm đến thượng lưu, hạ lưu. Đấy là chưa kể, 40- 50 năm nữa hết giá trị khai thác, thuỷ điện ở vùng sâu, vùng xa sẽ biến thành hàng trăm, hàng ngàn quả bom nước nổ chậm không được quản lý. Cùng với thời gian, thay đổi khí hậu thì hậu quả ai chịu trách nhiệm? Đấy là câu hỏi hiện nay không ai đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình một cách rất chung chung. Quan trọng nhất là không thấy trách nhiệm ở đâu. Mặt khác, phải thay đổi tư duy về lợi ích. Giao về cho địa phương, họ cứ làm bằng mọi giá để tăng GDP lên, đến giờ GDP là một chỉ số mang tính hai mặt chứ không chỉ là phát triển.
Tác động của việc xả lũ vừa qua phải đi đến cùng trách nhiệm ở đâu. Việc thiên tai là thiên tai, nhân tai là nhân tai. Người dân hoàn toàn có thể kiện. Ngày hôm qua họ chỉ ứng phó với thiên nhiên thôi. Hôm nay một lần xả lũ có thể phá vỡ tất cả tài sản của họ. Cũng như ô nhiễm môi trường, xả thải chất độc và xả lũ cũng nguy hại như nhau.
Đại biểu, luật sư Trương Trọng Nghĩa: Trước hết có thể khởi kiện chủ đầu tư
Về lý thuyết, bất cứ người nào bị thiệt hại không do lỗi của mình mà do người khác gây ra thì đều có quyền khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại. Nhưng hiện nay, rất nhiều lĩnh vực rất khó. Ví dụ như các công ty xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường, người dân hầu như không có khả năng khởi kiện. Vấn đề thủy điện cũng như vậy, vì luật pháp quy định muốn khởi kiện thì phải chứng minh là có thiệt hại, rồi còn phải chứng minh thiệt hại ấy là hậu quả do hành vi của người khác gây ra và hành vi đó là có lỗi.
Có nhiều người dân chứng minh thiệt hại của mình đã khó rồi vì họ không có kinh nghiệm. Ví dụ như trôi cái nhà thì phải chứng minh là cái nhà đó trôi là do thủy điện, do mưa lũ. Nhưng mưa lũ với thủy điện làm sao phân biệt được? vì vậy, trong điều kiện cụ thể, luật pháp của mình bây giờ rất là khó khăn.
Nếu tình trạng các thủy điện gây ra thiệt hại cho người dân trên địa bàn và cộng đồng dân cư, thì theo luật pháp, chính quyền địa phương trước hết phải có trách nhiệm với người dân, phải đứng ra giúp đỡ người dân tìm hiểu xem đó là nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Nếu như xét thấy đó là nguyên nhân do thủy điện gây ra thì phải xem thủy điện đó quy hoạch có sai không, chủ trương có sai không, việc xả lũ có sai không... rõ ràng đây là một bất cập. Nhân dân vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số chưa có điều kiện để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài chính quyền địa phương thì các đại biểu Quốc hội ở khu vực đó cũng phải có trách nhiệm đi điều tra xem xét xem thiệt hại như thế nào, có lỗi của người xây dựng và của ngành thủy điện hay không. Đại biểu Quốc hội có có ở tất cả 63 tỉnh thành, trước hết phải có trách nhiệm với cử tri của mình. Ngoài ra đại biểu dân cử là Hội đồng nhân dân phải có phản ứng kịp thời giúp dân.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): Việc mất rừng là rất quan trọng
Theo quy định về pháp lý, Bộ, Ngành liên quan đã giao hết rồi. Tôi đã nói trước Quốc hội, phải xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, kể cả hồ thuỷ lợi và thuỷ điện trên 11 lưu vực sông. Nhưng qua 2 năm rồi, việc thực hiện kết quả thấp, không kiên quyết, kể cả khi đã ban hành quy định vận hành. Nhưng làm rõ trách nhiệm Bộ, Ngành mức độ nào, địa phương mức độ nào, chủ công trình mức độ nào thì không rõ, xử lý trách nhiệm thế nào cũng không rõ.
Khi vận hành xả lũ dứt khoát có ảnh hưởng đến hạ lưu. Thêm nữa, việc xả lũ vừa qua, nhất là các hồ thuỷ điện, rõ ràng tác động không chỉ hồ thuỷ điện mà còn rừng tự nhiên bị mất. Rừng tự nhiên rất quan trọng, theo tôi quan sát, mùa này chưa phải mùa lũ nhưng do yếu tố rừng mất, thảm tự nhiên mất, lại thêm xả lũ ảnh hưởng đến hạ du. Chính từ đây, đòi hỏi nếu Quốc hội ban hành Nghị quyết phải xác định rõ về cách quản lý bảo vệ rừng của các Bộ, Ngành liên quan và địa phương. Từ trước tới nay, chưa có xử lý nào rõ ràng với quy trình vận hành xả lũ.
Xuân Hưng - Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
Nhìn lại những trận đại hồng thủy nhấn chìm miền Trung Hầu như năm nào, miền Trung cũng gặp bão lũ, gây thiệt hại nặng về người và của. Tuy nhiên, trận đại hồng thủy lớn nhất trong lịch sử phải kể đến vụ lũ lụt năm 1999. Áp thấp nhiệt đới gây lũ lớn, nhấn chìm miền Trung Cơn áp thấp nhiệt đới mới đây chưa kịp mạnh lên thành bão số 15...