Không được dự họp, Trung Quốc chỉ trích hội nghị “chiến tranh Lạnh” Triều Tiên
Trung Quốc cho rằng việc 20 quốc gia nhóm họp tại Canada để kêu gọi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên là một hệ quả của tư duy Chiến tranh Lạnh.
Các nhà ngoại giao từ 20 nước nhóm họp về Triều Tiên tại Canada (Ảnh: EPA)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 17/1 đã lên tiếng chỉ trích hội nghị quốc tế về Triều Tiên diễn ra tại Vancouver, Canada, cho rằng “hội nghị này chia rẽ cộng đồng quốc tế và gây khó khăn cho các cơ hội giải quyết ổn thỏa tình hình bán đảo Triều Tiên”.
“Chỉ thông qua đối thoại và giải quyết bình đẳng mối lo ngại của tất cả các bên mới có thể tìm ra cách giải quyết hiệu quả và hòa bình”, ông Lục cho biết.
Hội nghị về Triều Tiên do Canada và Mỹ đồng tổ chức đã kết thúc hôm 16/1 sau hai ngày nhóm họp. 20 quốc gia tham gia hội nghị đều là những nước từng đứng về phía Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Nga và Trung Quốc không được mời tham gia hội nghị.
Video đang HOT
Hội nghị đã nhất trí sẽ triển khai các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn để gây sức ép với Triều Tiên, buộc nước này phải từ bỏ tham vọng hạt nhân. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đây chính là hệ quả của “tư duy Chiến tranh Lạnh” và là dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn đang hướng đến giải pháp quân sự với Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ phải đối mặt với đòn đáp trả quân sự nếu nước này không lựa chọn giải pháp đàm phán về chương trình vũ khí. Đại diện các nước tham gia hội nghị cũng nhất trí triển khai các lệnh trừng phạt đơn phương cũng như các động thái ngoại giao mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng, ngoài khuôn khổ nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng cộng đồng quốc tế không nên “ngây thơ” tin tưởng vào các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, vì đây có thể là chỉ là động thái xuống thang của Bình Nhưỡng do không chịu nổi sức ép trừng phạt.
“Đây không phải là thời điểm hạ nhiệt căng thẳng, hay khen ngợi Triều Tiên. Việc Triều Tiên tham gia đối thoại có thể là bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt đã hiệu quả”, Ngoại trưởng Kono nhận định.
Thành Đạt
Theo SCMP
Theo Dantri
Trung Quốc từ chối dự họp về Triều Tiên do Mỹ, Canada chủ trì
Trung Quốc tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị quốc tế bàn về vấn đề Triều Tiên tại Vancouver do Mỹ và Canada chủ trì vào tuần tới, Sputnik cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Ảnh: Reuters)
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: "Trung Quốc sẽ không tham dự một cuộc họp như vậy. Thứ nhất, lối tư duy kiểu Chiến tranh Lạnh có thể chỉ kéo theo bất đồng giữa các thành viên trong cộng đồng quốc tế và hủy hoại nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình".
Cuộc họp về Triều Tiên do Mỹ và Canada chủ trì dự kiến diễn ra vào ngày 16/1 tới với sự tham gia của đại diện nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hiện danh sách các nước tham dự hội nghị này chưa được công bố.
Trong khi đó, Trung Quốc hoan nghênh kết quả tích cực của cuộc đàm phán cấp cao hôm 9/1 giữa Hàn Quốc và Triều Tiên và hy vọng hai bên có thể tận dụng cơ hội Thế vận hội mùa đông Pyeong vào tháng tới ở Seoul để hạ nhiệt căng thẳng.
Nga cũng lên tiếng ủng hộ cuộc hội đàm cấp cao giữa Seoul và Bình Nhưỡng và cho rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên là thông qua các biện pháp ngoại giao, chính trị và hòa bình.
Cuộc đàm phán hôm 9/1 là đàm phán cấp cao đầu tiên hơn 2 năm giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Sau hội đàm, Triều Tiên nhất trí nối lại đường dây nóng quân sự, cử đoàn tham dự Thế vận hội tại Seoul. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán quân sự để giảm căng thẳng.
Đổi lại, Hàn Quốc cho biết cân nhắc tạm dỡ lệnh trừng phạt với Triều Tiên, tạo cơ hội để phái đoàn Triều Tiên tham dự Thế vận hội.
Minh Phương
Theo Dantri
10 vấn đề "nóng" thế giới phải đối mặt trong năm 2018 Thế giới đã trải qua năm 2017 với nhiều biến động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống, kinh tế, chính trị toàn cầu. Dưới đây là 10 vấn đề nóng tiềm ẩn mà thế giới sẽ đối mặt trong năm 2018. 1. Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn Một Trung Quốc hùng mạnh và hiện đại dự đoán sẽ có vị...