Không điện giữa vùng thủy điện
Khó ai có thể tin, sống ngay khu vực nằm giữa 3 nhà máy thủy điện nhưng hơn 260 hộ dân của 4 thôn trong xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Người dân chưa được hưởng ánh sáng văn minh, kinh tế kém phát triển, lạc hậu, không được cập nhật tin tức, những kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp…
Ước mơ được xem tivi, có tủ lạnh
Thuận Hòa là một xã vùng cao của huyện Vị Xuyên, đường vào xã trải nhựa phẳng lì do được các đơn vị xây dựng nhà máy thủy điện đầu tư. Càng đi càng thấy núi non trùng điệp, dốc cao, vực sâu nhưng hai bên cây cối xanh tươi, cảnh đẹp nên thơ. Thế nhưng, ở một nơi chỉ nằm cách TP Hà Giang trên 20km lại có tới 4 thôn với trên 260 hộ dân chưa có điện lưới quốc gia. Thật khó tin khi chúng tôi được biết, ngay trong xã có tới 3 nhà máy thủy điện đã hòa lưới điện quốc gia.
Ông Phàn Văn Hồn, người dân tộc Dao ở thôn Lũng Rầy luôn mơ ước một ngày nào đó người dân trong thôn được hưởng ánh sáng của đèn điện, được xem một chương trình tivi trọn vẹn về “câu chuyện nhà nông” để cập nhật kiến thức vào sản xuất nông nghiệp. Từ khi lập địa, người dân thôn Lũng Rầy chưa biết đến ánh sáng của điện lưới. Thôn có 54 hộ đều là người dân tộc Dao, sống quây quần dọc theo dải núi cao. Mùa đông rét cắt da cắt thịt, mùa hè khí hậu thoáng mát, phù hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cây keo, cây mỡ. Thế nhưng do không có điện, cuộc sống của gia đình ông cũng như nhân dân trong thôn vô cùng cơ cực.
Nhắc tới điện, ông Hồn buồn buồn nói: “Chúng tôi thiệt thòi đủ thứ, nếu có điện thì có máy xay thóc, xát ngô, xay cám, dùng máy thái rau lợn… Đằng này mọi việc đều phải làm bằng tay”.
Báo CAND và Ngân hàng BIDV cùng Công an tỉnh Hà Giang trao quà Tết cho đồng bào nghèo xã Thuận Hòa.
Kể về nỗi khổ thiếu điện, bà Tẩn Thị Ài ở thôn Lũng Rầy nói tiếng Kinh không sõi nhưng qua câu chuyện của bà tôi được biết, buổi tối bà đều phải dùng đèn dầu, nếu có việc đi lại trong thôn thì đốt đuốc. Sống với người con trai út không được nhanh nhẹn như những thanh niên khác, tuy đã 64 tuổi nhưng bà Ài vẫn phải xay thóc, chăn nuôi, làm nương. Mỗi khi muốn liên lạc, bà phải đi bộ ra tận xã vì không có điện thoại. Nhắc tới điện, bà ao ước lắm. Vì là hộ nghèo, chật vật quanh năm cũng không đủ ăn nên bà không có tiền thuê người ta xay xát ngô, thóc.
Đứng trên đỉnh núi mờ sương, quan sát những ngôi nhà thấp lè tè dưới chân núi, mới cảm thấy cuộc sống nếu không có điện thì thiệt thòi và buồn tẻ cỡ nào. Thôn Lũng Pù có 100 hộ thì cả 100 hộ đều là hộ nghèo và cận nghèo. Không điện, kinh tế trì trệ không phát triển, người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, dù đã được các cấp quan tâm.
Là hộ nghèo của xã Thuận Hòa, anh Vàng Seo Phềnh (37 tuổi) kể: “Khổ nhất là vào tết không có tủ lạnh dự trữ thức ăn, giết con lợn cũng không có chỗ để, thịt chỉ biết ngâm muối phơi trên bếp. Nếu gặp mưa phùn thì thịt bị mốc, hỏng. Tất cả người dân chúng tôi nhà nào cũng chỉ ao ước có điện để mua tủ lạnh nhỏ về sử dụng”.
Theo lời anh Phềnh thì anh phải mang thóc, ngô sang thôn khác xay thuê. Tiền công cao, nhà nghèo, đi lại xa xôi, chờ đợi vô cùng bất tiện. “Nhiều lúc muốn xem chương trình khuyến nông để học tập kinh nghiệm nhưng chỉ là ao ước thôi” – anh Phềnh cảm thán.
Ông Phàn Văn Hồn ao uớc có điện để cập nhật kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp.
Thiếu điện, thiếu nước
Cuộc sống của người dân xã Thuận Hòa trông chờ nhất là vào nguồn nước nhưng xem ra vô cùng khó khăn vào mùa khô, đặc biệt là ở 4 thôn không có điện lưới quốc gia. Lũng Pù là thôn xa nhất trong 4 thôn không có điện, cách trung tâm xã 9km, giáp với huyện Quản Bạ và nhà máy thủy điện Thái An. 100% dân sống ở Lũng Pù là người dân tộc Mông. Do tập quán định canh, định cư ở trên núi cao nên việc thiếu nước càng diễn ra trầm trọng. Một số hộ trong thôn tự lắp máy phát điện mini chạy bằng sức nước, tự mua dây kéo về nhà.
Video đang HOT
Nhưng, những nhà ở trên núi cao thì việc dẫn nước về khó khăn nhân lên gấp bội. Cả con suối cứ đi một đoạn lại có một máy phát điện mini để bên bờ. Nước vốn đã khan hiếm, vào mùa khô nước càng không có. Theo anh Vàng Seo Phềnh thì một năm mất khoảng 4-5 tháng mùa khô suối cạn, không dùng được điện nước, cả thôn chỉ có ánh sáng leo lét của đèn dầu. Nhìn ra khoảng vườn trước mặt, anh Phềnh nói: “Ra tết là mùa khô, không có nước. Tôi muốn đào ao thả cá cũng đành chịu”.
Không có điện lưới, một số hộ dân ở 4 thôn sử dụng điện nước kéo từ suối vào nhưng chỉ đủ thắp đèn. Nhà có tiền mua tivi thì hỏng liên tục do điện chập chờn. “Ti vi loại công suất lớn điện nước không chạy được, chỉ mua công suất nhỏ nhưng điện lúc có lúc không, tivi nhà tôi hỏng lâu rồi” – ông Phàn Văn Hồn cho biết.
Người dân trong thôn phải tích cóp tiền cả năm mới mua được chiếc máy phát điện mini của Trung Quốc nhưng rất nhanh hỏng. “Nhà tôi phải chở ra thị trấn sửa suốt, mỗi lần sửa vài trăm nghìn” – ông Hồn than thở.
Bà Tẩn Thị Sìu (giữa) đang kể về cuộc sống đổi thay sau khi có điện với bà Tẩn Thị Ài (ngoài cùng bên trái).
Cùng cảnh như gia đình ông Hồn, nhiều hộ dân khác cũng điêu đứng vì để có ngọn đèn thắp sáng, họ phải bỏ ra nhiều chi phí cho máy phát điện. Thế nhưng, có đêm họ mất trắng cả số tiền tích cóp do mưa lũ tràn về bất ngờ. Trận mưa lũ năm 2014, cả thôn có 8 máy phát điện để bên bờ suối bị cuốn trôi trong đêm. Và đau lòng nhất là trận lũ quét vào rạng sáng 2-9-2018, khi tại xã Thuận Hòa mưa rất to.
Lo lắng cho máy phát điện để bên bờ suối bị nước lũ cuốn trôi, vợ chồng ông Vàng Seo Man (62 tuổi, ở thôn Lũng Pù) và con trai ra bờ suối thu máy về. Đúng lúc ông Man và con trai Vàng Seo Út (27 tuổi) lội qua suối thì lũ bất ngờ ập đến cuốn trôi hai bố con. Anh Út trôi theo dòng nước khoảng hơn 10m thì bơi được vào bờ, con ông Man thì bị lũ cuốn mất tích.
Trước đây, vụ xuân nhà ông Phàn Văn Hồn còn cấy được 4-5 ha lúa, giờ không cấy được, ao cá cũng gần như bỏ vì mỗi năm thiếu nước nghiêm trọng kéo dài tới 5-6 tháng. Người dân trong thôn thì cho rằng, nhiều khả năng thiếu nước là do nhà máy quặng đang đóng ở thôn Lũng Cù đào đường hầm xuyên qua đồi giữa Lũng Cù và Lũng Rầy đã ngăn dòng chảy.
“So với thôn bên cạnh có điện, cuộc sống của họ khác chúng tôi một trời một vực. Kinh tế chúng tôi không phát triển, chỉ trồng ngô, sắn bán không được giá. Cái bán được giá cao thì chúng tôi không có điện để sản xuất” – ông Hồn tiếc nuối.
Mong được thắp sáng bản làng
Ông Vi Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho hay xã có 15 thôn với 1.894 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm 41,2% với gần 700 hộ. Người dân Thuận Hòa sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Thiếu nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Xã hiện còn 4 thôn với trên 260 hộ dân không có điện là Lũng Cáng, Lũng Rầy, Minh Phong và Lũng Pù, ngoài ra còn các điểm lẻ của thôn khác.
Dân ở 4 thôn hạ sơn từ nhiều năm trước nhưng do không có điện nên đời sống còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm cao nhất của xã. Vì sao xã Thuận Hòa có 3 nhà máy thủy điện nhưng người dân vẫn không có điện?
Theo ông Trung thì nguyên nhân là do các thôn nằm ở xa, sâu, dân cư sống rải rác. Khi chúng tôi hỏi việc xây dựng nhiều nhà máy thủy điện ở xã có ảnh hưởng đến việc sản xuất và cuộc sống của người dân hay không. Ông Trung cho biết, dòng chảy có thay đổi, nguy cơ sạt lở, ngập lụt cao hơn. Trận mưa lũ vào tháng 6-2018 đã gây ngập lụt toàn bộ khu trung tâm vùng lòng hồ thủy điện Sông Miện 5.
Không chỉ xã Thuận Hòa mà vào thời điểm tháng 6-2018 ở TP Hà Giang và nhiều địa bàn khác cũng bị ngập lụt nghiêm trọng. Người dân sống ở TP Hà Giang thì cho rằng, hơn 50 năm qua họ mới chứng kiến một trận lũ lớn gây ra ngập úng như vậy. Dù chỉ là một phụ lưu của sông Lô nhưng sông Miện hiện đang phải “cõng” 6 thủy điện, trong đó có 3 thủy điện là Sông Miện 5A, Sông Miện 5 và Thuận Hòa nằm trên xã Thuận Hòa. Những dòng sông cuồn cuộn đã bị ngăn lại thành những hồ đập khổng lồ, lòng sông bị thắt khúc như túi nước đe dọa đến an toàn của người dân vùng hạ lưu.
Suối Lũng Pù, nơi ông Vàng Seo Man bị lũ cuốn trôi.
Ông Trung cho biết, năm 2014 Thuận Hòa có 8 thôn và nhiều nhóm hộ gia đình không có điện lưới. Trong một chuyến làm việc với tỉnh Hà Giang năm 2014, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã giao cho Điện lực Hà Giang đầu tư, xem xét làm đường điện cho 4 thôn của xã Thuận Hòa. Năm 2015 điện lưới đã về đến 4 thôn này, người dân rất phấn khởi. Năm 2018, Điện lực Hà Giang cũng cấp điện cho 2 nhóm hộ gia đình ở thôn Pồng Trằm và thôn Mịch B với 40 hộ dân.
Theo ông Trung thì xã đã nhiều lần kiến nghị tới Điện lực Hà Giang về 4 thôn còn lại và nhận được trả lời trước sau sẽ có nhưng phải thực hiện theo lộ trình từng giai đoạn, khoảng năm 2020 sẽ làm xong.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên di dời dân ở 4 thôn Lũng Cáng, Lũng Rầy, Minh Phong, Lũng Pù đến vùng có điện để thay đổi cuộc sống. Nhưng theo chính quyền xã Thuận Hòa thì phương án đó không khả thi do dân đông, hầu hết đều hạ sơn từ huyện Quản Bạ về, xã không đủ quỹ đất để cho các hộ làm nhà và canh tác.
Theo ông Trung, mỗi năm xã phấn đấu giảm từ 4-5% hộ nghèo nhưng để đạt được mục tiêu thoát nghèo ở 4 xã không có điện là rất khó khăn. Khoe với chúng tôi việc gia đình mới được cấp điện lưới vào năm 2018, bà Tẩn Thị Sìu, ở thôn Mịch B vui vẻ: “Trước không có điện nhọc lắm, giờ có máy băm rau lợn, có máy xát ngô nên đỡ vất vả hơn nhiều. Tối đến còn được xem thời sự, biết thêm nhiều tình hình của đất nước, có điện thoại để gọi”.
Có điện là mơ ước chính đáng của người dân, có điện không chỉ mang lại ánh sáng mà còn mở ra cả một cuộc sống văn minh cho những con người bao đời chịu tăm tối, để không xảy ra những câu chuyện đau lòng như gia đình ông Vàng Seo Man, vì “cứu” máy phát điện mà thiệt mạng. Lại một cái tết sắp về, thêm một năm người dân ở 4 thôn tiếp tục chưa có điện lưới. Hy vọng trong một ngày gần đây, người dân ở xã Thuận Hòa, nơi chỉ cách TP Hà Giang không bao xa sẽ được ngành điện đầu tư mang điện về tới thôn, bản.
Trần Hằng
Theo ANTG
Niềm hi vọng của một thầy lang từng sa đọa vì "ma men"
Bình thường Vũ Thế Hợi là một thầy lang giỏi nhưng khi có rượu, anh ta chẳng khác nào kẻ điên, đập phá tài sản, kể cả bát hương thờ tổ tiên...
Thậm chí Hợi còn xách dao đuổi bố vợ và vợ con đòi xin "tí tiết". Trong một lần say, Hợi cầm dao chạy vào UBND xã, dọa chém tất cả những người có mặt.
Được cha vợ truyền nghề bốc thuốc
Sau lần xách dao chạy vào nơi công sở, đòi giết những người có mặt, Vũ Thế Hợi, SN 1976, trú tại thôn Trang, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) bị đưa vào cơ sở giáo dục Thanh Hà cải tạo lao động. Công việc của Hợi là chăm sóc đàn lợn khoảng 20 con.
Kể về cuộc đời mình, Hợi bảo quê anh ta ở Thanh Hóa, nhà đông con nên cuộc sống khá chật vật. Việc học hành cũng chỉ hết cấp 2 là nghỉ. Hợi cũng đi lính nhưng chỉ là lính nghĩa vụ. Thời gian đóng quân ở biên giới, Hợi tình cờ lọt vào "mắt xanh" của một ông chủ hiệu thuốc bắc.
Được ông chủ hiệu thuốc đề nghị ở lại sẽ truyền nghề cho, Hợi đã cân nhắc rất lâu rồi mới quyết định ở lại.
Theo Hợi thì anh ta đã đặt lên bàn cân về hoàn cảnh nghèo khó của gia đình với một tương lai đầy triển vọng khi về làm việc cho ông chủ hiệu thuốc bắc nổi tiếng trong vùng. Hợi bảo vì nghĩ tới cảnh về quê, phải vật lộn với công cuộc mưu sinh nên quyết định ở lại mảnh đất biên cương học nghề. Được khoảng 2 năm thì Hợi chính thức trở thành con rể của ông chủ tiệm thuốc bắc. Năm 2002, vợ chồng Hợi được bố vợ cho một cửa hàng thuốc đông y để lập nghiệp.
Được học từ nhỏ nên vợ Hợi rất giỏi trong việc phân loại các loại cây rừng. Chị thường đi chợ vùng cao, mua những mớ cây thuốc do đồng bào đi rừng hái, đem về, phơi phong, tẩm sấy rồi chia vào các ô đựng thuốc theo tên gọi để Hợi làm nốt phần việc kê đơn, bốc thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, khi vợ Hợi sinh con nhỏ thì việc đi mua nguyên liệu do Hợi đảm nhiệm.
Từ một thầy lang suốt ngày chỉ quanh quẩn bên cạnh tủ thuốc lúc nào cũng đầy ắp nguyên liệu do vợ mua về, tẩm sấy, giờ phải tự mình làm đủ các công đoạn nên thời gian đầu Hợi không khỏi chới với. Đã rất nhiều lần Hợi mua về những bao cây rừng chỉ có tác dụng để tắm mát chứ không thể là vị trong thang thuốc bởi do chỉ tiếp xúc với cây, lá đã phơi khô. "Mấy lần thấy vợ không nói gì, chỉ lặng lặng dồn đống lá cây tôi mua về cho vào bao để góc bếp, thi thoảng nấu nước tắm cho con, tôi cay mũi lắm. Tôi quyết định phải vào sâu trong bản để tìm mua hàng thật", Hợi kể.
Điều Hợi không ngờ là mặc dù lá cây thuốc không còn bị nhầm như trước song khả năng uống rượu của anh ta cũng ngày càng nhiều hơn. Theo lời thanh minh của Hợi là do dân bản quý mến, lần nào vào mua nguyên liệu cũng được họ mời uống rượu, lâu dần thành quen miệng.
Là thầy thuốc, Hợi hiểu tác hại của rượu nhưng lại không đủ lý trí để từ bỏ. Mỗi khi về nhà, nhớ rượu, anh ta lại ra quán, làm vài chén. Rồi trong nhà bắt đầu xuất hiện những bình rượu thuốc và Hợi bắt đầu khề khà hơn trong bữa ăn. Đang là một cửa hàng thuốc có uy tín, lúc nào cũng nườm nượp người tới thăm bệnh, lấy thuốc, từ ngày sa đà vào rượu, cửa hàng của Hợi vắng khách dần. Hợi không quan tâm vì càng có nhiều thời gian để nhậu nhẹt. Chẳng biết có phải vì uống nhiều rượu quá hay chán vì sự sa sút trong công việc mà Hợi trở nên bi quan, tiêu cực.
Theo hồ sơ lưu tại đội giáo dục, cơ sở giáo dục Thanh Hà, Hợi nhiều lần uống rượu say đập phá bàn ghế, cầm dao đuổi vợ con, đòi giết. Điển hình nhất là lần Hợi say rượu quá, gọi mãi không thấy vợ con đâu vì họ đã sang hàng xóm lánh nạn từ lúc nhìn thấy Hợi khật khưỡng lôi bình rượu ra uống. Điên tiết vì cho rằng vợ coi thường mình không làm ra tiền, Hợi xách dao đến nhà bố vợ, đòi xử vợ tội dám hỗn với mình và xử luôn cả mẹ vợ vì chính bà là người đẻ ra vợ.
Lúc Hợi còn chưa tìm được ngõ vào nhà, miệng không ngớt lè nhè chửi vợ, mẹ vợ thì ông bố vợ, do ốm yếu, nằm nghỉ ở nhà, nghe tiếng ầm ĩ liền chống gậy đi ra. Thấy Hợi vẻ mặt tã tượi, áo quần xộc xệch, ông không nói được câu nào, quay vào nhà. Có lẽ quá thất vọng vì người con rể tưởng giữ được nghề thuốc cho gia đình, không để thất truyền, ai ngờ rước thêm tiếng xấu. Còn Hợi, vốn rất sợ bố vợ nên khi thấy bóng dáng ông đi ra, Hợi như tỉnh hẳn rượu, lủi nhanh về nhà nhưng khi vừa bước chân về, anh ta nổi điên, đập phá tài sản, bát hương thờ tổ tiên rồi xách dao chạy sang UBND xã Trung Thành, đòi giết ai dám không cho mình nói.
Không muốn mất nghề bao công người bố đã gây dựng, vợ Hợi chuyển cửa hàng về nhà bố mẹ, tiếp tục kê đơn bốc thuốc cho người bệnh và truyền nghề cho hai con trai. Thế nhưng cuộc sống của ba mẹ con với người bà ngoại đơn chiếc nào có được yên. Cứ vài ba bữa, Hợi lại mò tới, quậy phá, biến những nong thuốc ngăn ngắn đang phơi thành mớ hỗn lộn, tung tóe. Không thể nhịn hơn được nữa, sau rất nhiều lần nộp phạt hành chính, viết cam kết, bảo lãnh cho chồng để khuyên bảo nhưng Hợi vẫn chứng nào tật nấy, vợ anh ta đã làm đơn xin chính quyền cho chồng đi cơ sở giáo dục.
Vũ Thế Hợi đang chăm đàn lợn tại cơ sở giáo dục Thanh Hà.
Những ngày cải tạo
Từ ngày vào cơ sở giáo dục Thanh Hà, phải lao động chân tay, mỗi khi đêm về ôm cánh tay đau nhức vì chưa quen với công việc nặng nhọc, Hợi lại cảm thấy hận vợ vì cho rằng mình say mới quậy nhưng chưa gây tổn hại đến ai, chưa đến mức phải đi "trại". Anh ta bảo hận vợ vì dám làm đơn đưa chồng vào trại, giờ phải lao động ở trại chăn nuôi trong khi sức khỏe không cho phép.
Từ một người khỏe mạnh, ma men đã biến anh ta trở thành người khác hẳn. Thân hình mỏng manh nhưng có lẽ đặc trưng nổi bật nhất của kẻ nát rượu là một khuôn mặt bủng với đôi mắt sụp mí và hai khóe miệng chảy xệ.
Hợi bảo ngày mới vào đi đứng còn run lẩy bẩy, giờ sức khỏe đã khá hơn nhiều rồi. Thời gian đầu, Hợi vẫn còn giận vợ nên khi người nhà lên thăm, không ra gặp nhưng mấy tháng gần đây nhận thức đã có nhiều biến chuyển, anh ta đã cởi mở hơn rất nhiều.
Rút lá thư có lẽ đã được đem ra đọc rất nhiều, từ trong túi áo, Hợi tươi tắn khoe vợ thông báo cuối năm đợi Hợi đủ thời gian được về, cả nhà sẽ cưới vợ cho con trai. Hỏi về nhà có uống rượu nữa không, Hợi cười đáp "có chứ nhưng mà không say như trước đâu, mình phải về đỡ vợ bốc thuốc thôi". Chắc hẳn những ngày phải gánh đôi thùng cám nặng cho lợn ăn, Hợi đã thấm thía nỗi vất vả của việc lao động tay chân. Nhưng cứ nghĩ tới cái miệng còn vài cái răng liêu xiêu của Hợi, tôi không chắc anh ta sẽ đoạt tuyệt hẳn được với rượu.
Nguyễn Vũ
Theo phapluatxahoi
Lạ mà hay: "Nhốt" táo hồng trong nhà lưới, trái đẹp, giá tăng gấp 3 Từ tháng 3/2018 đến nay, lão nông Phạm Văn Út ( Út Cơ), ấp Trà Canh B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã mạnh dạn làm lưới "bao, nhốt" vườn táo hồng 60 gốc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với cách làm lạ mà hay này, cây táo ít bị sâu bệnh tấn công, trái táo đẹp, bán...