‘Không để tình trạng học dốt mới đi bộ đội’
“Việc sửa đổi quy định tuyển quân vừa để tăng chất lượng, số lượng bộ đội vừa giải quyết công bằng xã hội, không để người học giỏi đi đại học, người học dốt mới đi bộ đội”, Đại tá Nguyễn Minh Diệp, Cục Quân lực (Bộ Quốc phòng) cho biết.
- Tại sao thời điểm này Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT lại ban hành thông tư 13 sửa đổi đối tượng tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự?
- Hiện nay, thông tư 175 hướng dẫn thi hành luật, xác định đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ quân sự không phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự và nghị định 38 – quy định không tạm hoãn cho đối tượng có giấy báo nhập học mà chỉ hoãn cho các em đang học.
Trong quá trình thực hiện thông tư 175 nhiều tiêu cực đã xảy ra. Hiện nay các trường đại học mọc lên nhiều, thậm chí một số cao đẳng, trung cấp thí sinh không cần thi vẫn có giấy báo trúng tuyển. Một số em đã dùng những giấy báo này nộp lên địa phương (thực chất không đi học) để qua đợt tuyển quân.
Mặt khác, phần lớn học sinh tốt nghiệp trung học đều đi học đại học, cao đẳng, thanh niên tòng quân nhập ngũ ít, chất lượng lại không cao. Việc sửa đổi vừa tăng chất lượng, số lượng bộ đội vừa giải quyết công bằng xã hội, không để người học giỏi đi học đại học, chỉ người học dốt đi bộ đội, đến khi học xong thì hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Nhiều địa phương cũng đã phản đối thông tư 175 vì nguồn tuyển ít, việc gọi công dân đi bộ đội cũng khó khăn. Họ đề nghị không mở rộng đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ quân sự nữa. Thông tư 13 vừa rồi mới sửa đổi đã đáp ứng đề nghị ấy. Theo đó, số học sinh đã trúng tuyển đại học, cao đẳng, có giấy gọi đi bộ đội thì phải tòng quân, bảo lưu kết quả, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì đi học tiếp, các trường có nghĩa vụ nhận những em này vào học.
Thực chất thông tư 13 bãi bỏ đối tượng hoãn nhập ngũ theo thông tư 175 hướng dẫn chứ không phải là quy định mới.
Học sinh đỗ đại học phải tòng quân để đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng bộ đội. Ảnh: Hoàng Hà.
- Theo quy định mới, những học sinh đỗ đại học sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự như thế nào?
Video đang HOT
- Theo Luật Nghĩa vụ quân sự, công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ. Độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 đến hết 25 tuổi. Đối với học sinh đỗ đại học vẫn bị gọi bình thường, trừ khi các em đi học rồi thì được tạm hoãn.
Thông tư 175 hướng dẫn tạm hoãn nhập ngũ cho đối tượng đã trúng tuyển vào học đại học nhưng với điều kiện khi trúng tuyển phải báo cáo với ban chỉ huy quân sự xã trước 10 ngày kể từ ngày giao quân (nhập ngũ), báo sau 10 ngày thì không được tạm hoãn. Đây là quy định mở rộng đối tượng tạm hoãn nên bộ đội chất lượng cao thiếu vì học sinh trúng tuyển nhiều, lại sai quy định của luật.
- Thời điểm nhập ngũ trong năm cũng trùng với thời điểm kết quả thi. Nếu các em đỗ đại học mà chưa nhận giấy trúng tuyển thì khả năng nhập ngũ thế nào?
- Mỗi năm có hai đợt tuyển quân là vào tháng 1 và tháng 8, sau đó một tháng thì công dân nhập ngũ. Thông thường sẽ gọi những thanh niên đủ tiêu chuẩn trước 15 ngày, có nơi gọi trước 1 tháng. Tháng 8 là thời gian các trường gọi nhập học, cũng là thời điểm địa phương gọi thanh niên đi bộ đội. Nếu trong tháng ấy, các em vừa nhận được giấy báo nhập học, vừa nhận được giấy gọi nhập ngũ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thiện Minh cho biết: “Không thể vì hai năm đi bộ đội mà mai một kiến thức, bởi học tập là suốt đời, dù ở môi trường nào vẫn có thể học. Trong quân đội, công dân không chỉ học kiến thức quân sự, chiến đấu mà còn có thể học văn hóa, ứng xử…Việc tuyển quân cả với những em đỗ đại học cũng là cách nâng cao chất lượng quân đội nhân dân Việt Nam”.
- Nhiều học sinh lo lắng sau 2 năm đi bộ đội kiến thức sẽ mai một, khi về trường sẽ khó theo kịp chương trình. Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT đã cân nhắc vấn đề này thế nào?
- Luật Nghĩa vụ quân sự đã nêu rõ, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân. Thế nên, công dân tòng quân nếu không muốn mai một kiến thức thì mang sách, tài liệu đi học tranh thủ trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ.
Việc học tập là suốt đời, và đảm bảo kiến thức là trách nhiệm của công dân, kể cả khi đi học ngay, nếu không chú ý cũng không thể theo kịp. Các trường có nghĩa vụ tiếp nhận học sinh đã đỗ sau khi làm nghĩa vụ quân sự thì công dân có nghĩa vụ rèn luyện, học tập thật tốt.
- Ngoài lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, có ý kiến đề xuất huấn luyện quân sự cho mọi công dân, thời gian rút xuống khoảng 6 tháng đến 1 năm. Ông nghĩ sao về đề xuất trên?
- Hiện nay, thanh niên nếu nằm trong độ tuổi, đảm bảo tiêu chuẩn thì vẫn gọi đi bộ đội. Tuy nhiên, hiện thanh niên rất đông, không thể gọi hết mấy triệu cháu đi nghĩa vụ được vì chúng ta không đủ doanh trại, chưa đủ cán bộ để huấn luyện. Nếu giảm thời gian huấn luyện thì không đảm bảo chất lượng bởi bộ đội phải huấn luyện để đánh nhau được chứ không phải chỉ biết bắn súng.
Hiện tại, thời gian huấn luyện đang cần tăng lên vì vũ khí trang bị hiện đại hơn. Xưa chỉ có tay gậy, tay gộc thì huấn luyện 3 tháng là bộ đội có thể ra chiến trường, nhưng giờ một năm, hai năm mới nắm được kĩ thuật, sử dụng được vũ khí. Khi quân đội ngày càng được hiện đại thì trình độ bộ đội càng phải cao, thời gian huấn luyện càng dài, nếu không, khi cần bấm nút phóng tên lửa mà lại bấm nút bom thì nguy hiểm.
Theo Luật Nghĩa vụ quân sự thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là mười tám tháng. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là hai mươi bốn tháng.
Những công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình gồm người chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khoẻ Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến làm việc ở những vùng này Đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận Đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học do Chính phủ quy định Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu.
Thông tư 175 hướng dẫn thực hiện việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ xác định trường hợp đã nhận được lệnh gọi nhập ngũ và nhận được giấy báo nhập học vào các trường đào tạo trình độ cao đẳng, đại học trở lên phải báo cáo với ban chỉ huy quân sự cấp xã trước mười ngày kể từ thời điểm giao nhận quân quy định tại lệnh gọi nhập ngũ để được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Trường hợp không báo cáo hoặc báo cáo sau thời hạn trên thì không được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Ngoài ra, công dân nhận được giấy báo nhập học đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và cao đẳng nghề, khi nhận được lệnh gọi nhập ngũ chậm nhất sau ba ngày phải báo cáo với ban chỉ huy quân sự cấp xã để được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Trường hợp không báo cáo hoặc báo cáo sau thời hạn trên thì không được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Công dân đến trường làm thủ tục nhập học phải mang theo giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự do ban chỉ huy quân sự cấp huyện, giấy xác nhận đăng ký vắng mặt do ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi cư trú cấp.
Theo VNE
Đỗ đại học vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự
Từ 7/3, nếu công dân cùng nhận giấy báo nhập học và lệnh gọi nhập ngũ, dù thời hạn nhập học quy định có mặt trước thời gian nhập ngũ, vẫn phải thực hiện lệnh gọi nhập ngũ. Kết quả thi đại học, cao đẳng được bảo lưu.
Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư liên tịch số 13 sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ.
Theo quy định hiện nay, công dân không thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình gồm: người đang theo học nhưng bị buộc thôi học, tự bỏ học hoặc ngừng học tập một thời gian liên tục từ 6 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng, hết thời hạn học tập tại trường một khoá học, chỉ ghi danh, đóng học phí nhưng thực tế không học tại trường.
Từ 7/3, công dân cùng nhận được giấy báo nhập học và lệnh gọi nhập ngũ, dù thời hạn nhập học quy định có mặt trước thời gian nhập ngũ, vẫn phải thực hiện lệnh gọi nhập ngũ. Ảnh: Hoàng Hà.
Thông tư liên tịch số 13 bổ sung trường hợp không được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, đó là công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học cùng một thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Trường hợp cùng nhận được giấy báo nhập học và lệnh gọi nhập ngũ mà lệnh gọi nhập ngũ quy định thời gian có mặt sau thời gian nhập học, công dân vẫn thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đối với các trường hợp trên, công dân phải báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành giấy báo nhập học) được bảo lưu kết quả nhập học. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công dân đến trường làm thủ tục nhập học, mang theo giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện cấp, giấy xác nhận đăng ký vắng mặt do Ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi cư trú cấp.
Riêng công dân sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận được lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn nhưng phải có xác nhận của hiệu trưởng và cơ quan quân sự địa phương. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 7/3/2013.
Ngay sau khi được công bố, thông tư bổ sung đối tượng tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự đã gây xôn xao trên các diễn đàn. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là tiền đề tạo ra sức mạnh bảo vệ đất nước trong mọi hoàn cảnh. Trong môi trường quân đội, thanh niên sẽ rèn luyện được ý thức và kỷ luật tốt, đồng thời, đó cũng là cách đảm bảo công bằng cho mọi người. Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, nếu đỗ đại học, bảo lưu 1,5 năm đi nghĩa vụ quân sự lúc về sẽ phải học lại từ đầu vì quãng thời gian đó kiến thức bị mai một.
Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nguyên hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) nhận định, trước đây, số lượng thanh niên vào quân ngũ tương đối lớn vì học sinh tốt nghiệp THPT học đại học chỉ chiếm 20-30%. Hiện nay, tỉ lệ này là khá lớn khi các trường đại học ngày càng nhiều lên. "Có thể vì thế mà số lượng thanh niên nhập ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại", thầy Đại nói.
Thầy Đại cho rằng, nhiều học sinh đang rất băn khoăn bởi quy định này chỉ được thực hiện trong thời chiến, khi đó ưu tiên số 1 cho chiến trường. Trong điều kiện thời bình này, Bộ Quốc phòng, Bộ GD&ĐT cần giải thích để nhân dân và học sinh hiểu rõ nguyên nhân của việc thay đổi, bổ sung quy định về nhập ngũ.
"Nếu thực hiện thì cần phải công bằng, không được miễn trừ cho con cán bộ có chức, có quyền và cần kiểm tra chặt chẽ để tránh tiêu cực", thầy Đại nói.
Theo quy định, người được tạm hoãn gọi nhập ngũ bao gồm: công dân có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ và học viên là hạ sĩ quan, binh sĩ đang học tập tại các trường quân đội, trường ngoài quân đội theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng; công dân đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hình thức giáo dục chính quy tập trung; học viên đang học tập trung theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS hoặc THPT tại các cơ sở giáo dục; công dân du học tại các trường ở nước ngoài có thời gian đào tạo 12 tháng trở lên.
Theo VNE
Bộ GD lên tiếng về quy định nhập ngũ mới "Quân đội rất cần các em. Các em cần hiểu mình có vai trò rất lớn quyết định sức mạnh quân đội..." - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thiện Minh nói. Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư liên tịch số 13 sửa đổi bổ sung một số điều về việc tạm hoãn gọi...