Không để nông dân tiếp tục chịu tổn thất vì phân bón giả, phân bón rởm
Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác giữa T.Ư Hội NDVN và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, bà Bùi Thị Thơm (ảnh) – Phó Chủ tịch T.Ư NDVN khẳng định, việc hợp tác sẽ giúp nông dân giảm chi phí, tránh tổn thất và nâng cao thu nhập…
Thưa Phó Chủ tịch, T.Ư Hội NDVN đánh giá thế nào về tình hình thực tiễn sản xuất, cung ứng và sử dụng phân bón trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta hiện nay?
- Phân bón có vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp, nếu sử dụng đúng quy cách, kỹ thuật thì nó góp phần tăng 35-45% năng suất cây trồng. Có tầm quan trọng như vậy nhưng thị trường phân bón hiện nay vẫn còn không ít sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng và nhiều bất cập trong quản lý. Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp mỗi năm thiệt hại tới 2 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Vấn nạn sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng tồn tại ở nước ta từ nhiều năm nay, đã và đang trực tiếp ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân…
Đó có phải là lý do để T.Ư Hội NDVN ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Phân bón Việt Nam?
- Đúng vậy, với trách nhiệm của mình, Hội NDVN sau quá trình chuẩn bị đã chính thức ký kết chương trình phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam.
Video đang HOT
Hội NDVN đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: T.L
Thông qua chương trình phối hợp, Hội và Hiệp hội giám sát việc sản xuất, cung ứng, sử dụng phân bón. Hai bên sẽ phát hiện ra những vướng mắc, bất cập trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón để từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ có chủ trương, chính sách phù hợp trong sản xuất, quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón nhằm lập lại trật tự thị trường phân bón.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu về nông sản an toàn đang được đề cao, việc sử dụng phân bón phải đảm bảo quy định, liều lượng. T.Ư Hội NDVN sẽ phối hợp tham mưu xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sạch.
Hội viên nông dân sẽ được hưởng lợi gì từ chương trình hợp tác này?
- Thông qua việc ký kết, Hội NDVN sẽ có những hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và hỗ trợ người nông dân nhận diện phân bón thật, phát hiện phân bón giả, phân bón kém chất lượng, qua đó bảo vệ cho thành viên Hiệp hội sản xuất, cung ứng phân bón và người nông dân sử dụng phân bón. Hội và Hiệp hội hỗ trợ nông dân tiếp cận những sản phẩm phân bón chất lượng tốt, nắm vững quy cách sử dụng,… Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn T.Ư Hội NDVN và Trung tâm hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội ND các tỉnh, thành phố sẽ lựa chọn các doanh nghiệp phân bón bảo đảm chất lượng, có uy tín trên thị trường để phối hợp, liên kết cung cấp trực tiếp sản phẩm phân bón tốt đến tận tay hội viên nông với giá cả hợp lý và kịp thời đến tận tay nông dân dưới hình thức trả chậm.
Việc hợp tác giữa hai bên sẽ giúp cho nông dân giảm bớt chi phí, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đảm bảo sức khỏe gia đình và cho cộng đồng. Chúng ta không thể để người nông dân chịu tổn thất vì phân bón giả thêm nữa.
Nông dân hiện nay vẫn canh tác theo hướng manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng và chất lượng không cao… vậy thông qua ký kết, Hội NDVN và Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ có những hành động cụ thể nào để thay đổi thực tế này?
- Chương trình phối hợp sẽ có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bên liên quan. Trong đó, các doanh nghiệp hội viên thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp, hỗ trợ Hội ND các cấp trong việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sạch, gắn với thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong thời gian tới, các cấp Hội cũng sẽ chú trọng tập hợp, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón phù hợp, đặc biệt là phân bón hữu cơ, phân vi sinh, sản xuất nông nghiệp sạch theo nội dung phối hợp.
Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!
Theo Danviet
Giúp ND sản xuất đáp ứng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm vừa ký ban hành Công văn số 565-CV/HNDTW về việc hướng dẫn nông dân sản xuất đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Công văn 565 nêu rõ, từ nhiều năm nay, với tổng sản lượng từ 70-80% thị phần, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, có tới 60-70% nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua con đường tiểu ngạch khiến giá trị nông sản xuất khẩu thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu bền vững.
Vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc không có lá, phải có chứng nhận vùng trồng và đóng gói đúng quy chuẩn. Ảnh: P.V
Từ ngày 1/5/2019, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch được áp dụng nhiều quy định mới liên quan đến chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trong đó có 2 yêu cầu quan trọng là có mã số vùng trồng (chứng nhận vùng sản xuất) và mã số cơ sở đóng gói (do Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT cấp).
Đây là thách thức, nhưng đồng thời là cơ hội tốt không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho chính người nông dân Việt Nam vì các hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu giữa 2 bên có tính pháp lý cao hơn, tránh rủi ro và thiệt thòi cho nông dân và doanh nghiệp phía Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để thị trường nông sản ổn định, bền vững hơn, có điều kiện để xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài, ổn định ở trong nước; nông dân thoát khỏi tình trạng thương lái chi phối thị trường, ép giá.
Để đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung mà nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tập trung triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất: Tăng cường chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp hội viên, nông dân nắm vững các quy định mới về tiêu chuẩn thị trường của Trung Quốc đối với nông sản nhập khẩu từ Việt Nam; xác định rõ đây không còn là thị trường dễ tính để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thứ hai: Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng canh tác nhỏ lẻ. manh mún; tham gia, liên kết, hợp tác sản xuất để mở rộng quy mô, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao sản lượng, chất lượng từng ngành, hàng, sản phẩm... Chú trọng xây dựng các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, từng bước phát triển lên hợp tác xã, tổ hợp tác.
Thứ ba: Tiếp tục phối hợp các ngành, doanh nghiệp trong xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quy trình, thủ tục đăng ký mã vùng sản xuất, mã cơ sở đóng gói nông sản theo quy định; vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP; định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, phát triển bền vững...
Thứ tư: Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, năng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, tạo điều kiện để nông dân được học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu chuyển giao khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm ...
Theo Danviet
Trà Vinh phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp công nghệ cao Chiều qua (7/6), Đoàn công tác của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam do bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã có buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh và Ban Dân vận Tỉnh uỷ Trà Vinh về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân....