“Không để người dân màn trời, chiếu đất sau bão”
Sáng 16/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi khảo sát về tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 11 tại Quảng Nam, TP Đà Nẵng và làm việc với lãnh đạo 4 địa phương từ TT-Huế đến Quảng Ngãi về tình hình thiệt hại do cơn bão gây ra.
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – ông Văn Hữu Chiến – trong cơn bão số 11 vừa qua, lãnh đạo các địa phương trên địa bàn đã sơ tán trên 9.000 hộ dân với trên 45 ngàn nhân khẩu; ngoài ra còn tổ chức sơ tán trên 41 ngàn sinh viên và công nhân trên địa bàn quận Liên Chiểu. Về tàu thuyền, đã kêu gọi trên 1.800 phương tiện của Đà Nẵng và các địa phương lân cận vào tránh trú bão an toàn với gần 7.500 lao động.
Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 11
Đối với tình hình thiệt hại của Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến cho biết trên địa bàn không có người bị chết nhưng có 11 người bị thương. Thiệt hại về tài sản, Đà Nẵng có 122 nhà sập hoàn toàn, 178 nhà sập một phần, có 4.137 nhà bị tốc mái một phần, 1.134 nhà tốc mái hoàn toàn.
Đối với trường học có 100 phòng học bị tốc mái, 35 phòng học và các cơ sở mẫu giáo bị hư hại. Có khoảng 40 ngàn cây xanh bị ngã đổ, một số tuyến đường bị sạt lở và hư hại. Theo ước tính, tổng thiệt hại tại Đà Nẵng trên 868 tỉ đồng chưa kể thiệt hại của các doanh nghiệp. TP Đà Nẵng đề nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỉ để khắc phục hậu quả.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình thiệt hại tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng)
Đối với tỉnh Quảng Nam, báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh – ông Lê Phước Thanh – cho biết tỉnh có 3 người chết, 6 người bị thương, trên 5.500 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn, trên 15.700 nhà bị tốc mái một phần, 66 phòng học bị tốc mái, 89 công sở bị tốc mái, 47 chiếc ghe bị chìm và hư hỏng. Ngoài ra nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng gây ách tắc giao thông. Tổng thiệt hại gần 500 tỉ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ hỗ trợ 100 tỉ đồng để sửa chữa nhà dân, trường học, trạm y tế, cơ quan nhà nước. Hỗ trợ 15 tỉ đồng để mua giống cây trồng vụ đông xuân và hóa chất xử lý môi trường, hỗ trợ 100 tỉ đồng để xây dựng đê chắc sóng khu neo đậu tàu thuyền An Hòa, hỗ trợ 130 tỉ đồng để xây dựng bờ kè sông Quảng Huế với bờ kè biển Cửa Đại và bờ kè chống nước biển xâm thực tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành).
Video đang HOT
Lực lượng Công an giúp dọn dẹp cây đỗ trên đường sau bão trong sáng ngày 16/10
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh QK5 cho biết, để chủ động PCLB, QK5 đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra trên địa bàn. Sở chỉ huy quân khu ứng phó bão lụt, điều động lực lượng quân khu tại các vùng ngập lụt, giúp dân, các xe cứu hộ, cứu nạn. Sau khi bão xảy ra, QK5 đã điều động 1.300 quân xuống địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, giải phóng giao thông QL1A, sửa chữa nhà cửa, trường học, trạm y tế.
Tại hai địa phương là TT-Huế và Quảng Ngãi cũng đã có báo cáo thiệt hại khoảng 140 tỉ đồng do bão số 11 gây ra. Tổng thiệt hại của các địa phương ước tính trên 1.500 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương cấp ủy các địa phương đã sâu sát, quyết liệt, chủ động triển khai tốt công tác chuẩn bị phòng chống bão, nhất là chỉ đạo quyết liệt việc di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người.
Sáng ngày 16/10, xe tải, xe xúc được điều động để dọn dẹp cây xanh ngã đổ
Trước và trong bão, lãnh đạo các địa phương chủ động cử cán bộ nắm địa bàn, chỉ đạo sát sao công tác phòng chống. Sau bão kịp thời giải quyết ngay vấn đề môi trường. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị Quân đội, Công an với cấp ủy, chính quyền các địa địa phương trong việc di dời nhân dân, kêu gọi tàu thuyền tránh trú an toàn.
Sau bão, các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị của Bộ quốc phòng đứng chân trên địa bàn đã sát cánh cùng với địa phương chủ động điều lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả, từng bước ổn đinh cuộc sống…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không được để dân màn trời chiếu đất, không được để dân đói, ốm đau, bệnh tật. Trước mắt phải đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men và các đồ dùng thiết yếu hỗ trợ cho đồng bào vùng bị thiệt hại do bão lũ”.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục hệ thống đường giao thông, tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh…
Về lâu dài, các Bộ, Ngành trung ương quan tâm đầu tư hỗ trợ giúp các địa phương quy hoạch, xây dựng và cải tạo lại môi trường đô thị. Đối với kè biển mà Quảng Nam yêu cầu hỗ trợ sửa chữa để bảo vệ xóm làng, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm.
Về các vấn đề địa phương kiến nghị trong công tác khắc phục hậu quả bão lũ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
Công Bính
Theo Dantri
Bão gây sự cố đường dây 500kV, mất điện diện rộng
Bão Nari đã khiến hệ thống truyền tải điện 500kV bị sự cố, làm mất liên kết hệ thống điện quốc gia, và khiến 10 nhà máy điện ngừng hoạt động khẩn cấp.
Bão Nari đã khiến hệ thống truyền tải điện 500kV bị sự cố (Ảnh minh họa)
Ngày 15/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, vào lúc 22h25 ngày 14/10, hệ thống truyền tải điện 500kV đã bị sự cố trên các đoạn đường dây Nho Quan - Hà Tĩnh, Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Dốc Sỏi - Pleiku, làm mất liên kết Hệ thống điện quốc gia dẫn đến hệ thống điện hai miền Bắc Nam vận hành độc lập.
Sự cố bất khả kháng này đã khiến hơn 10 nhà máy thủy điện khu vực miền Trung phải ngừng hoạt động khẩn cấp (Bản Vẽ, A Vương, Đak Mi 4, Sông Tranh...) và làm mất điện một số phụ tải khu vực miền Bắc (khoảng 1250 MW) và khu vực miền Trung (khoảng 580 MW).
EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, Tổng Cty Truyền tải điện quốc gia nhanh chóng khắc phục sự cố, khôi phục cung cấp điện. Vào hồi 23h05 đã cấp điện trở lại hoàn toàn cho các phụ tải bị mất ở khu vực miền Bắc, 23h55 ngày 14/10/2013 cấp điện trở lại cho các phụ tải bị mất ở khu vực miền Trung và đến 00h13 ngày 15/10/2013 đã khôi phục liên kết Hệ thống điện quốc gia.
Vào lúc 03h50 ngày 15/10, do ảnh hưởng của bão, gió giật mạnh và mưa lớn tiếp tục gây sự cố đường dây 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh và lưới điện 500kV Bắc - Nam vận hành độc lập. Tuy vận hành độc lập nhưng EVN vẫn chỉ đạo các đơn vị thành viên bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các khu vực không bị ảnh hưởng của cơn bão số 11.
Cơn bão Nari đã khiến lưới điện trung thế bị ảnh hưởng, khiến cho Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam mất điện toàn bộ.
Tại Quảng Ngãi, hiện tại bão số 11 gây sự cố trên 16 xuất tuyến trung thế làm mất điện toàn bộ huyện Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Bình Sơn và 5 xã thuộc huyện Sơn Tịnh, 8 xã thuộc huyện Tư Nghĩa, 9 xã thuộc huyện Nghĩa Hành. Ước công suất mất khoảng 30MW/110MW (27,3%).
Tại Bình Định, sự cố trên 4 xuất tuyến trung thế, làm mất điện toàn bộ huyện Vĩnh Thạnh, 4 xã thuộc huyện Phù Mỹ, 5 xã thuộc huyện Hoài Nhơn. Ước công suất mất khoảng 10MW/210MW (4,8%).
Tại Thừa Thiên - Huế, sự cố trên 13 xuất tuyến trung thế làm mất điện huyện Nam Đông, A Lưới, thị xã Hương Thủy,7 xã thuộc huyện Phú Vang, 5 xã thuộc huyện Hương Trà, 6 xã thuộc huyện Quảng Điền, 2 xã thuộc huyện Phong Điền, 4 phường thuộc thành phố Huế. Ước công suất mất khoảng 42MW/160MW (26,3%).
Tại Quảng Bình, sự cố trên 4 xuất tuyến trung thế làm mất điện 9 xã thuộc huyện Lệ Thủy, 4 phường thuộc thành phố Đồng Hới, 11 xã thuộc huyện Quảng Trạch, 1 xã thuộc huyện Tuyên Hóa. Ước công suất mất khoảng 15MW/120MW (12,5%).
Tại Quảng Trị, sự cố trên 4 xuất tuyến trung thế làm mất điện toàn bộ huyện Gio Linh, Đăkrông, 3 xã thuộc huyện Vĩnh Linh, 1 xã thuộc huyện Cam Lộ. Ước công suất mất khoảng 13MW/70MW (18,6%).
Theo EVN, ước tổng công suất không cung cấp được do ảnh hưởng của bão số 11 đến lưới điện do Tổng Cty Điện lực miền Trung quản lý vận hành khoảng 520MW/1700MW (30,6%).
Hiện, EVN đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương tập trung lực lượng và phương tiện nhằm khắc phục hoàn toàn các sự cố lưới điện do mưa bão gây ra, khôi phục cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị.
Theo Xahoi
Bão tàn phá đảo Lý Sơn tan hoang Sau hàng chục giờ hoành hành, với gió giật cấp 11-12, cơn bão số 11 đã gây nhiều thiệt hại cho huyện đảo Lý Sơn. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng ước tính có hàng trăm nhà tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị tốc mái đổ sập, hàng loạt tiện tàu cá của ngư dân bị va đập...