Không để “hòa cả làng” vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cùng nhắc tới vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa như một ví dụ điển hình về việc “đầu độc” môi trường và yêu cầu hướng xem xét để vụ việc không… hòa cả làng.
Ngày 19/9, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Báo cáo giải trình tiếp thu của Chính phủ cho thấy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và những dự án trong danh mục Chính phủ quy định “phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong giai đoạn báo cáo đầu tư”, như vậy, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án này phải được tiến hành 2 bước: “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” và “đánh giá tác động môi trường”.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn: “Vụ chôn thuốc sâu, hậu quả để lại phải có người chịu trách nhiệm”.
Gạt lo ngại về việc quy định 2 bước lập ĐTM sẽ phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, ĐTM sơ bộ có thể gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội, cơ quan thẩm tra dự án luật (UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường) nhận định, thực tiễn trong thời gian qua, có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư nhưng sau khi lập ĐTM thấy xuất hiện những tác động xấu đến môi trường, buộc phải điều chỉnh dự án, thậm chí phải đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy việc quy định 2 bước lập ĐTM đối với một số dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường phải do Chính phủ quy định là cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, luật này là một trong những cơ chế đảm bảo để con người được sống trong bầu không khí trong lành như Hiến pháp đã ghi. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến, rà soát, nghiên cứu và chỉnh lý thật kỹ trước khi trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tồn tại trong bảo vệ môi trường hiện nay liên quan chế độ trách nhiệm. Do đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định rõ việc xử lý trách nhiệm.
Người đứng đầu Quốc hội chỉ rõ những vi phạm về quản lý đất đai, tài nguyên, cấp phép sai đằng sau nó là vấn đề môi trường. Quy định đã có nhưng trạm xăng mọc lên chẳng có tiêu chuẩn gì cả. Hay như vụ cháy ở Hải Dương, người ta nói cơ sở đó không có khả năng phòng cháy chữa cháy…
Video đang HOT
“Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản… dẫn đến ô nhiễm môi trường sẽ xử lý thế nào chưa rõ. Anh cấp phép lung tung để người ta phá hoại môi trường thì trách nhiệm thế nào? Những vi phạm thấy rõ mà anh không chịu giải quyết thì trách nhiệm của anh đến đâu?” – Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Những trường hợp như vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm, nếu chủ đầu tư làm không đúng thì rút giấy phép, đình chỉ hoạt động, còn không làm, để buông lỏng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Cấp phép sai để doanh nghiệp phá hoại môi trường cũng phải chịu trách nhiệm”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn không biết trong Luật hiện hành, điểm yếu nhất về quản lý nhà nước trong vấn đề bảo vệ môi trường nằm ở điểm nào, để từ đó có giải pháp, chế tài phù hợp.
Đề cập một số vụ việc nhà máy gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc và báo chí đang phản ánh, ông Ksor Phước bày tỏ: “Môi trường liên quan không những đời sống hiện tại mà còn cả tương lai thế hệ sau nên người dân quyết tâm ngăn chặn vi phạm. Hãy lấy cuộc sống của dân làm mục tiêu bảo vệ. Luật cần trao cho chính quyền địa phương một quyền giải quyết thế nào khi có những sự việc như trên”.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nếu không phát huy nội lực của nhân dân, của hệ thống chính quyền cơ sở thì có xây dựng luật và đầu tư lớn cũng không thể đảm bảo thành công trong bảo vệ môi trường.
Chia sẻ bức xúc về việc cơ quan quản lý vẫn thường xuyên “bó tay” trước các hành vi hủy hoại môi trường của doanh nghiệp, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị ban soạn thảo cần rà soát thêm về chính sách bảo vệ môi trường. Ông Hiển dẫn chứng vụ chôn thuốc sâu độc hại ở Thanh Hóa, cần phải xử lý thế nào thì chưa thể hiện rõ, và cần được cụ thể hóa vào luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn góp ý hướng quy định gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường với khắc phục hậu quả để các vùng ô nhiễm trở lại bình thường. Ông Sơn đề cập chuyện hàng năm, tại Việt Nam, bom mìn còn sót lại làm chết cả nghìn người hay các loại chất độc tồn dư sau chiến tranh, không chỉ ở Tây Nguyên mà còn ở khu sân bay, ví dụ như ở Đà Nẵng, Tuy Hòa, Bình Định… như những ví dụ điển hình cần can thiệp. Hệ quả của vấn đề là “nhãn tiến” khi thực tế nhiều người vào Tây Nguyên khai khẩn, làm ăn trước đây tiếp xúc với chất độc nên con cái bị nhiễm.
Gần đây nhất, ông Sơn nhắc vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa với câu hỏi “hậu quả để lại ai chịu trách nhiệm”. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Luật cần quy định chứ hòa cả làng thì không được”.
P.Thảo
Theo Dantri
'Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm nếu đúng là phải xử bắn'
Bức xúc trước vụ việc nhân bản hàng nghìn kết quả xét nghiệm máu ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội), Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng tội này là phải xử bắn.
Sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012. Qua thực tế tiếp xúc cử tri, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho hay, người dân phản ánh đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế mà không có tiền thì bị y tá "chích đau hơn".
Dẫn trường hợp liên quan tới việc trục lợi từ bảo hiểm y tế, coi thường y đức trong vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức và làm con dấu giả để báo cáo khống ở Thăng Bình (Quảng Nam), Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, ông rất bức xúc. "Bệnh viện tuyến huyện của thủ đô mà nhân bản hàng loạt kết quả, làm như thế nếu đúng là người ta đem ra bắn", Phó chủ tịch Sơn nói.
Ông cho rằng, nhiều vấn đề liên quan tới khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế còn nhiều bất ổn, báo cáo giám sát vì thế phải chỉ rõ hơn các bất cập chứ không phải "để lấy lòng nhau".
Bệnh viện Hoài Đức, nơi xảy ra vụ nhân bản kết quả xét nghiệm gây bức xúc dư luận thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Chia sẻ với Phó chủ tịch Quốc hội về tình trạng phân biệt đối xử, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho hay, đa phần người có thẻ bảo hiểm y tế đến bệnh viện là than vãn. Số kết dư quỹ bảo hiểm y tế được báo cáo giám sát chỉ ra lên tới 13.000 tỷ đồng chưa chắc đã tốt, bởi nó liên quan đến việc chi trả cho người bệnh. "Người có thẻ được cấp toàn thuốc vớ vẩn, đi bệnh viện rất cực, không được đối xử công bằng như người có tiền", Phó chủ tịch nước nói.
Ngoài ra, trong việc khám chữa bệnh, ở bệnh viện tuyến dưới xảy ra tình trạng giữ người có bảo hiểm không muốn chuyển lên tuyến trên dẫn đến bệnh thêm trầm trọng...Tuy nhiên, Phó chủ tịch nước cũng nhìn nhận, bức xúc của ngành y là một quá trình tích tụ từ trước đến nay. "Nhiều khi đồng chí bộ trưởng (bà Nguyễn Thị Kim Tiến) cũng bị oan ức. Nhưng tại sao tình trạng này để lâu thế, trong khi bộ máy thanh tra, kiểm tra của chúng ta rất lớn?", bà Doan đặt vấn đề.
Ở một khía cạnh khác, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu thực trạng có huyện "số thẻ bảo hiểm y tế được phát còn cao hơn dân số huyện đó, có cán bộ khoe có 3 cái thẻ, có người 4 thẻ". "Vậy quản lý của ta như thế nào? Báo cáo giám sát phải làm rõ hơn ở phần chi trả, trùng tên", ông đề nghị.
Ông cũng đặt vấn đề về tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến, tình trạng quá tải ở những bệnh viện chuyên khoa, phải xử lý kỹ thuật cao. Điều này liên quan đến quy hoạch bệnh viện, ví dụ như khu vực miền Trung, Tây Nguyên mới chỉ có bệnh viện ung bướu ở Đà Nẵng...
Nhìn nhận những bất cập của lĩnh vực này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn cho rằng: "Hạn chế thì chắc có rất nhiều. Vài thập kỷ sau vẫn còn nhiều hạn chế". Theo bà, ở các nước, Bộ Y tế và An sinh xã hội là một, tức là phải hai bộ (Y tế và Lao động) ghép vào nhau. Bảo hiểm y tế cần quản lý đặc thù nhưng ở Việt Nam lại quản lý chồng chéo. Bộ Y tế quản lý nhà nước nhưng không được quản lý tiền, chủ tịch quỹ là ở Bộ Tài chính, còn quỹ bảo hiểm y tế thuộc bảo hiểm xã hội quản.
"Chúng tôi quản lý nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quân cũng không có, quyền cũng không đủ", bà Tiến nêu thực tế.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng cho rằng, vấn đề an sinh của Việt Nam đã tốt hơn trước cũng như đang tốt hơn nhiều nước. Lộ trình của bảo hiểm y tế cũng chỉ mới được 20 năm trong khi các nước tiên tiến đi trước cả trăm năm nhưng hiện vẫn còn nhiều bất cập, biến động.
Theo báo cáo giám sát, số tiền thu từ bảo hiểm y tế tăng nhanh qua các năm, từ trên 13.000 tỷ đồng (2009) lên trên 40.000 tỷ đồng, tương ứng với số chi cũng tăng mạnh, từ gần 15.500 tỷ lên gần 35.500 tỷ đồng. Việc quản lý quỹ ngày càng hiệu quả, từ chỗ lũy kế bội chi 2009 là 3.083 tỷ đến 2012 kết dư 12.892 tỷ đồng. Tình trạng trùng thẻ bảo hiểm y tế xảy ra khá phổ biến tại nhiều tỉnh (cá biệt có người nhận được 4-5 thẻ. Giai đoạn 2009-2012 có trên 700.000 thẻ cấp trùng, trong đó Nam Định trùng khoảng 100.000 thẻ, Vĩnh Phúc trên 70.000 thẻ, Hà Nội gần 53.000 thẻ, TP HCM trên 42.000 thẻ... Theo đoàn giám sát, nguyên nhân của tình trạng này là do quy định việc lập danh sách các nhóm đối tượng được giao cho nhiều ngành khác nhau, trong khi một người có thể thuộc nhiều nhóm đối tượng, trong khi chưa có cơ chế phối hợp để rà soát danh sách nên khó kiểm soát trùng thẻ.
Nguyễn Hưng
Theo VNE
Vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa: Truy cứu trách nhiệm hình sự Theo kết luận của UBND tỉnh Thanh Hóa: Trong khuôn viên xưởng sản xuất của Công ty CP Nicotex Thanh Thái có tổng số 10 hố chôn chất thải. Người dân dựng lều để ngăn cản công ty Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu Đồng thời với việc ra quyết định xử phạt hành chính hơn 420 triệu đồng về các vi...