Không dễ đóng cửa thị trường động vật hoang dã 73 tỷ USD ở TQ
Chính phủ Trung Quốc đã siết chặt lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, nhưng các chuyên gia cho rằng việc này khó có thể bị loại bỏ hoàn toàn, do thói quen và văn hóa.
Lệnh cấm nghiêm ngặt đối với việc tiêu thụ và chăn nuôi động vật hoang dã đã được triển khai và áp đặt trên khắp Trung Quốc sau khi dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Tới nay, virus gây bệnh được cho là bắt đầu lây lan từ một khu chợ động vật ở thành phố Vũ Hán.
Mặc dù vẫn chưa có kết luận chính thức về việc virus lây sang người từ loại vật nào – dơi, rắn hay tê tê – chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã cảm thấy sự cần thiết của việc phải kiểm soát chặt chẽ hơn ngành buôn bán động vật hoang dã đầy lợi nhuận – nhằm ngăn chặn sự bùng phát của một bệnh dịch khác trong tương lai.
Khu chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, được cho là nơi virus corona bắt đầu lây sang người và bùng phát. Ảnh: AFP.
Cách khẳng định địa vị
Cuối tháng 2 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc – cơ quan lập pháp cao nhất đất nước, đã ban hành dự thảo lệnh cấm hoàn toàn các hành vi buôn bán, nhân giống và tiêu thụ “những loài động vật hoang dã trên cạn có giá trị sinh thái, khoa học và xã hội quan trọng”, dự kiến sẽ được ký thành luật vào cuối năm nay.
Nhưng để chấm dứt hoàn toàn hoạt động này sẽ là việc rất khó khăn. Thói quen tiêu thụ động vật hoang dã của người Trung Quốc đã in sâu trong văn hóa, không chỉ với mục đích sử dụng làm thực phẩm, mà còn cho y học cổ truyền, làm trang phục, đồ trang trí hay thậm chí là làm vật nuôi.
Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Trung Quốc cố gắng kiềm tỏa ngành kinh doanh này. Năm 2003, cầy hương đã bị tiêu hủy với số lượng lớn và cấm buôn bán sau khi các nhà khoa học phát hiện chúng có khả năng truyền virus gây bệnh SARS sang người. Việc bán rắn cũng bị cấm trong một thời gian ngắn ở Quảng Châu sau khi dịch SARS bùng phát.
Nhưng, ít nhất là cho đến cách đây vài tháng, những loài vật này vẫn được tiêu thụ ở nhiều vùng tại Trung Quốc.
Các chuyên gia y tế công cộng ví lệnh cấm này như một “bước đi đầu tiên quan trọng”, nhưng kêu gọi chính phủ cần phải tận dụng cơ hội này để lấp các lỗ hổng pháp lý – tiêu biểu như việc sử dụng động vật hoang dã làm nguyên liệu trong y học cổ truyền – và bắt đầu tác động để thay đổi thái độ văn hóa của người Trung Quốc với việc tiêu thụ động vật hoang dã.
Cô Huang, 24 tuổi, sinh viên đại học đến từ tỉnh Quảng Tây, cho biết mình và gia đình thường xuyên đến dùng bữa tại những nhà hàng phục vụ món ăn làm từ động vật hoang dã. Cô cho biết việc ăn những món như vậy – bao gồm lợn rừng và công – được tin là bổ dưỡng cho sức khỏe, và người dùng sẽ hấp thụ những đặc tính của loài vật đó.
Việc tiêu thụ động vật hoang dã cũng thể hiện địa vị của bạn, vì chúng thường rất đắt. Một con công có thể có giá tới 800 nhân dân tệ (144 USD).
Huang hoài nghi về sự hiệu quả của lệnh cấm lần này trong tương lai. “Việc buôn bán có thể giảm đi trong vài tháng, nhưng sau một thời gian, có thể trong vài tháng nữa, mọi người sẽ quay lại ăn uống”, Huang nói.
Việc ăn các món chế biến từ động vật hoang dã đã là một văn hóa của người Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Bắc Kinh chưa đưa ra một danh sách cụ thể những loài nào được xếp vào dạng “động vật hoang dã”, nhưng luật bảo vệ động vật hiện tại của nước này liệt kê chó sói, cầy hương, gà gô là động vật hoang dã, và nên “có biện pháp” để bảo vệ chúng.
Lệnh cấm mới không bao gồm các loại được coi là “gia súc” – trong đó có cả thỏ và chim bồ câu – mới được phân loại thành vật nuôi để tiếp tục cho phép buôn bán và tiêu thụ.
“Không thể thay đổi trong một đêm”
Nỗ lực kiểm soát sự lây lan của bệnh tật cũng bị cản trở bởi thực tế là ngành công nghiệp buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ở Trung Quốc có giá trị quá lớn. Một báo cáo khoa học do chính phủ tài trợ năm 2017 ước tính thị trường buôn bán động vật hoang dã của nước này có giá trị hơn 73 tỷ USD và sử dụng tới 1 triệu lao động.
Kể từ khi virus xuất hiện vào tháng 12/2019, gần 20.000 trang trại động vật hoang dã trên bảy tỉnh của Trung Quốc đã phải ngừng hoạt động, hoặc bị kiểm dịch, bao gồm những nơi nuôi công, cáo, hươu và rùa.
Thêm một rào cản đáng kể nữa với lệnh cấm là việc sử dụng động vật hoang dã như nguyên liệu trong y học cổ truyền của Trung Quốc.
Dưới thời Chủ tịch Tập, Bắc Kinh đã và đang quảng bá mạnh mẽ khả năng trị bệnh của y học cổ truyền Trung Quốc, và ngành này hiện có trị giá khoảng 130 tỷ USD. Tháng 10/2019, báo China Daily dẫn lời ông Tập nói rằng “y học cổ truyền là kho báu của nền văn minh Trung Quốc và nó chứa đựng tài trí của quốc gia và dân tộc”.
Nhiều loài động vật hoang dã được sử dụng để chế biến món ăn cũng được sử dụng để làm nguyên liệu trong y học cổ truyền. Lệnh cấm mới của chính phủ có ngoại lệ dành cho động vật hoang dã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, nhưng cho biết sẽ có sự “giám sát chặt chẽ”. Tuy nhiên không có chỉ thị hoặc hướng dẫn để thực thi sự giám sát chặt chẽ này, và cũng không có thông tin về hình phạt nếu vi phạm.
Cơ quan lập pháp cao nhất của Trung Quốc sẽ họp cuối năm nay để chính thức thay đổi một số điều của Luật Bảo vệ Động vật hoang dã. Người phát ngôn của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc cho biết lệnh cấm hiện tại chỉ là biện pháp tạm thời, cho đến khi từ ngữ mới trong luật có thể được soạn thảo và phê chuẩn.
Các chuyên gia cho rằng sẽ khó để người Trung Quốc, trong thời gian ngắn, từ bỏ thói quen tiêu thụ động vật hoang dã. Ảnh: Getty.
Nhà virus học nổi tiếng Hong Kong, Leo Poon, cho rằng sẽ là một quyết định lớn của chính phủ Trung Quốc nếu như chấm dứt hoàn toàn buôn bán động vật hoang dã, và có thể họ sẽ chỉ tìm những lựa chọn an toàn hơn.
“Nếu đây là một phần của nền văn hóa Trung Quốc, và họ vẫn muốn tiêu thụ một loài động vật kỳ lạ cụ thể, thì đất nước có thể quyết định giữ văn hóa này, điều đó không sao cả”, ông Poon nhận xét.
Nhưng theo ông Poon, điều đó sẽ đặt ra một loạt câu hỏi khác, như làm cách nào để đảm bảo thịt động vật hoang dã được cung cấp đảm bảo vệ sinh? Làm thế nào để kiểm tra và quản lý?
Ông Poon nhận định hiệu quả cuối cùng của lệnh cấm sẽ phụ thuộc vào quyết tâm của chính phủ trong việc thực thi luật.
“Văn hóa không thể thay đổi trong một đêm, nó cần có thời gian”, ông nói.
Sơn Trần
Hiểm họa dịch bệnh từ "điểm nóng" động vật hoang dã tại Trung Quốc
Cảnh sát Trung Quốc hai tuần qua đã đột kích nhiều căn hộ, nhà hàng và khu chợ trên cả nước, bắt giữ gần 700 người vi phạm lệnh cấm mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
Hải quan Trung Quốc thu giữ vảy tê tê trên một con tàu ở Quảng Đông năm 2017. (Ảnh: Reuters)
Chiến dịch truy quét của cảnh sát Trung Quốc đã thu giữ gần 40.000 động vật, gồm trong đó có sóc, chồn và lợn rừng. Điều này cho thấy thói quen ăn động vật hoang dã và sử dụng các bộ phận của động vật hoang dã làm thuốc không thể biến mất chỉ trong một đêm, ngay cả khi chúng có liên quan tới dịch corona đang hoành hành khắp thế giới.
Những người buôn bán hợp pháp các loài động vật như lừa, chó, hươu, cá sấu và một số loại thịt khác nói với Reuters rằng, họ vẫn có kế hoạch quay trở lại ngành nghề kinh doanh này ngay sau khi các chợ mở cửa trở lại.
"Tôi vẫn muốn bán ngay sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Mọi người thích mua động vật hoang dã. Họ mua để họ ăn hoặc làm quà vì chúng rất phù hợp để làm quà và thể hiện sự trân trọng của họ", Gong Jian, chủ một cửa hàng động vật hoang dã trên mạng và vận hành các cửa hàng tại vùng Nội Mông Trung Quốc, cho biết.
Gong cho biết sẽ tích trữ thịt cá sấu và hươu trong các tủ đông cỡ lớn, nhưng sẽ phải giết toàn bộ số chim cút mà anh đã nuôi vì các siêu thị bây giờ không còn mua trứng của anh nữa và số chim này cũng không thể ăn được nếu để đông lạnh.
"Chúng tôi đang kinh doanh ế ẩm. Ít người ăn thịt chó bây giờ, còn 20 năm trước rất phổ biến", Xiang Chengchuan, một chủ cửa hàng bán buôn động vật hoang dã tại tỉnh An Huy, cho biết.
Xiang bán các hộp quà là gạc hươu, cùng các loại thịt chó, lừa và công, cho các khách hàng giàu có. Xiang cho biết anh đã để đông các loại thịt trong lúc chờ xem liệu lệnh cấm tạm thời của chính phủ có tiếp tục được áp dụng hay không.
"Tôi sẽ tiếp tục bán nếu chính sách vẫn cho phép chúng tôi bán, nhưng bây giờ tôi không biết lệnh cấm đó kéo dài bao lâu", Xiang nói.
Mặc dù chưa có bằng chứng xác thực, song các nhà khoa học nghi ngờ virus corona chủng mới (COVID-19) được truyền từ dơi sang người thông qua tê tê, loài động vật ăn kiến và có vảy được xem là bài thuốc quý trong y học cổ truyền của Trung Quốc.
Một số ca nhiễm virus corona mới nhất là những người từng tiếp xúc với chợ hải sản ở Vũ Hán, nơi có bán các loài động vật hoang dã như dơi, rắn, cầy hương. Trung Quốc hồi tháng 1 đã tạm thời đóng cửa toàn bộ các khu chợ như vậy, đồng thời cảnh báo việc ăn thịt động vật hoang dã có thể gây ra mối đe dọa cho sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.
Tuy nhiên, động thái trên chưa đủ để thay đổi thói quen và nhận thức vốn ăn sâu vào văn hóa và lịch sử Trung Quốc.
"Trong tư tưởng của nhiều người, động vật sống là để phục vụ con người, chứ không phải chia sẻ trái đất với con người", Wang Song, nhà nghiên cứu đã nghỉ hưu tại Viện Khoa học Trung Quốc, nhận định.
Vấn đề tranh cãi
Chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán, nơi được cho là khởi phát dịch corona. (Ảnh: Kyodo)
Sự bùng phát của dịch corona, với hơn 1.700 ca tử vong tại Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại, đã làm dấy lên cuộc tranh cãi về việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm và thuốc men. Vấn đề này cũng từng rộ lên hồi năm 2003, trong giai đoạn bùng phát đại dịch SARS. Thời điểm đó các nhà khoa học tin rằng virus SARS đã truyền từ dơi sang người thông qua loài cầy hương.
Nhiều học giả, nhà môi trường học và người dân Trung Quốc đã tham gia các nhóm bảo tồn quốc tế, kêu gọi cấm vĩnh viễn việc buôn bán động vật hoang dã và đóng cửa các chợ bán động vật hoang dã.
"Một thói quen xấu là chúng ta dám ăn bất kể thứ gì. Chúng ta phải dừng việc ăn động vật hoang dã và những ai làm như vậy nên bị bỏ tù", một người bình luận trên một diễn đàn thảo luận của trang web Sina (Trung Quốc).
Tuy nhiên, một bộ phận người Trung Quốc vẫn thích ăn thịt động vật hoang dã vì họ tin rằng chúng thực sự tốt cho sức khỏe. Đây là lý do các chợ động vật hoang dã vẫn được duy trì, như khu chợ ở Vũ Hán, và ngành kinh doanh động vật hoang dã trên mạng rất phát triển, mặc dù phần lớn là kinh doanh bất hợp pháp.
Vỏ bọc trái phép
Việc nuôi và buôn bán một số loài động vật hoang dã tại Trung Quốc được chính phủ ủng hộ và mang lại lợi nhuận cho nhiều người tại nước này.
Sau đại dịch SARS, Cục Rừng Vườn Quốc gia Trung Quốc đã tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh động vật hoang dã, cấp phép nuôi và mua bán hợp pháp 54 loài động vật hoang dã gồm cầy hương, rùa và cá sấu, đồng thời cho phép nhân giống các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như gấu, hổ và tê tê vì mục đích môi trường và bảo tồn.
Theo một báo cáo của chính phủ Trung Quốc hồi năm 2016, các hoạt động nuôi động vật hoang dã mang lại khoảng 20 tỷ USD doanh thu hàng năm.
Nhiều hoạt động nuôi và buôn bán động vật hoang dã diễn ra ở các vùng nông thôn hoặc các vùng có điều kiện kinh tế nghèo hơn tại Trung Quốc dưới sự bảo trợ của chính quyền địa phương, những người coi ngành kinh doanh này là động lực cho nền kinh tế của địa phương đó. Các chương trình truyền hình của nhà nước Trung Quốc cũng thường xuyên chiếu cảnh người dân nuôi động vật, trong đó có chuột, để kinh doanh thương mại hoặc tự tiêu thụ.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động, những người kêu gọi thông qua lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã, cho rằng các trang trại được nhà nước cấp phép cũng chỉ là vỏ bọc cho hoạt động buôn lậu trái phép động vật hoang dã. Tại đây, các loài động vật được nhân giống để làm thực phẩm hoặc thuốc, chứ không phải để thả về nơi hoang dã.
"Họ chỉ mượn cớ để kinh doanh bất hợp pháp. Không có trang trại tê tê thực sự ở Trung Quốc, họ chỉ sử dụng giấy phép để làm những việc bất hợp pháp", Zhou Jinfeng, người đứng đầu Hội Phát triển Xanh và Bảo tồn Đa dạng sinh học tại Trung Quốc, nói với Reuters.
Các sản phẩm từ động vật, từ mật gấu cho tới vảy tê tê, vẫn được sử dụng trong một số bài thuốc y học cổ truyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, ranh giới phân biệt giữa buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp động vật hoang dã rất khó phân biệt. Liên Hợp Quốc ước tính hoạt động kinh doanh động vật hoang dã trái phép toàn cầu có giá trị khoảng 23 tỷ USD mỗi năm.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dân trí
WHO: Dịch corona là mối đe dọa nghiêm trọng với thế giới Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố bệnh viêm phổi do virus corona là "mối đe dọa nghiêm trọng", kêu gọi đẩy nhanh việc tìm thuốc và vacccine. Tuyên bố được ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra ngày 11/2 trong cuộc họp hai ngày của WHO tại Geneva nhằm thảo luận về việc tăng tốc quá trình điều chế...