Không để dịch chồng dịch
Dịch cúm gia cầm A/H5N6, AH5N1 đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Vì vậy, việc phòng, chống dịch đang được triển khai quyết liệt, nhằm kiểm soát chặt, phát hiện sớm, không để bùng phát ra diện rộng và “không để dịch chồng dịch”. Bộ NNPTNT cũng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất những giải pháp mạnh để xử lý.
Tiêu độc khử trùng để chặn dịch cúm gia cầm tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.
Ổ dịch xuất hiện chủ yếu ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Thông tin Bộ NNPTNT, từ đầu tháng 1 đến nay, cả nước xuất hiện 34 ổ dịch cúm gia cầm. Trong đó có 29 ổ dịch do vi rút cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do vi rút cúm A/H5N1 tại 10 tỉnh, TP: Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Trà Vinh, Thái Bình, Bình Dương, Ninh Bình và Hải Phòng (1 ổ dịch tại Quảng Ninh đã qua 21 ngày). Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy là hơn 100.000 con.
Bộ NNPTNT dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân như: Tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao.
Video đang HOT
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nêu những yếu tố làm dịch cúm dễ xảy ra ở Việt Nam, như: Mầm bệnh ở nhiều nơi, mật độ chăn nuôi cao, thời tiết cực đoan, tập quán buôn bán, giết mổ lạc hậu… Từ thực tế trên, Bộ trưởng đề nghị các địa phương không chủ quan vì nếu dịch xảy ra ở điểm nhỏ lẻ mà lơ là thì nguy cơ lây lan, bùng phát rất lớn.
Theo đó, ngay sau khi những ổ dịch cúm gia cầm H5N6 đầu tiên xuất hiện từ đầu tháng 2/2020, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã ban hành hàng loạt văn bản yêu cầu các địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng chống, cứ có ổ dịch là Bộ cử người xuống tận nơi giám sát, chỉ đạo. Hiện, những ổ dịch cúm gia cầm mới xuất hiện chủ yếu trên những nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện an toàn sinh học kém.
TS. Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết: Nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Cục đã tổ chức triển khai lấy mẫu hàng chục ngàn con gia cầm trên phạm vi cả nước để chủ động giám sát tình hình lưu hành virus cúm gia cầm, khi phát hiện xử lý ngay. Như vậy đã giảm thiểu nguy cơ nhiễm cúm gia cầm rất nhiều. Song song với viêc đó, Cục đã khuyến cáo và đề nghị các địa phương cũng như doanh nghiệp cung ứng vacxin chuẩn bị dự phòng để đảm bảo có đủ nguồn vacxin chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của từng địa phương, nhằm giúp việc tiêm phòng đạt hiệu quả cao. Gần đây nhất, Cục đã báo cáo Bộ chủ quản, Chính phủ để có quyết định xuất cấp từ nguồn dự trữ Quốc gia 4,5 triệu liều vacxin giúp các địa phương có nguy cơ cao tiêm phòng cúm gia cầm. Phải khẳng định, đến thời điểm này, việc tổ chức triển khai ngăn chặn cùm gia cầm từ Chính phủ đã rất quyết liệt. Trong năm 2020, dự kiến có khoảng 500 triệu liều vacxin cho tổ chức tiêm phòng.
Tránh tình trạng bùng phát
Theo đó, vấn đề chính bây giờ là việc đề nghị các địa phương chủ động triển khai theo đúng Luật và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NNPTNT, tránh tình trạng bệnh dịch bùng phát và lây lan diện rộng.
Là địa phương xuất hiện ổ dịch sớm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh: Nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh, Chi cục phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng bằng cách rắc vôi bột, phun hóa chất tại các điểm giết mổ, chợ đầu mối, cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để phòng ngừa dịch bệnh.
Tuy nhiên, với Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y lại lo ngại: Tổng đàn gia cầm của Hà Nội khoảng 31 triệu con, trong đó, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ khoảng 60%. Thời tiết diễn biến phức tạp cùng với môi trường bị ô nhiễm làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh. Trong khi đó, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học cũng như việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp. Mặt khác, lượng gia cầm từ các địa phương vận chuyển vào thành phố khá lớn và rất khó kiểm soát. Đáng lo ngại, một số chủng cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người.
Còn ông Phạm Văn Tuấn – Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai, Hà Nội nêu thực tế: Hiện nay vẫn còn tình trạng các điểm kinh doanh gia cầm sống không đúng nơi quy định, giết mổ gia cầm ngay tại chợ dân sinh, trong khi công tác khử trùng tiêu độc môi trường tại chợ chưa được tiến hành thường xuyên nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Lực lượng cán bộ thú y tại các xã, thị trấn rất mỏng khó có thể vừa rà soát đàn gia cầm nhập nuôi mới ở từng hộ dân, kiểm soát công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm, vừa ngăn chặn việc giết mổ không đúng quy định…
Do đó, để ngăn chặn dịch cúm bùng phát, TS. Nguyễn Văn Long đặc biệt lưu ý: Một giải pháp rất quan trọng là các địa phương sớm kiện toàn lại hệ thống thú y cơ sở. Thực tế giám sát trong việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm thời gian qua cho thấy, thiếu hệ thống chân rết thú y cơ sở khiến việc phát hiện dịch, kiểm soát dịch bệnh vô cùng khó khăn, ngay cả tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia cầm ở một số địa phương còn thấp cũng là do thiếu hệ thống thú y cơ sở.
Hạnh Nhân
Theo ĐĐK
Hòa Bình: Xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trên đàn gà 5.500 con
Tại xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã xuất hiện một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên đàn gà 5.500 con của một hộ dân. Đây là ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình từ đầu năm 2020 đến nay.
Theo theo phiếu trả lời xét nghiệm (ngày 25/2) từ Chi cục Thú y vùng I, đối với 3 mẫu bệnh phẩm đơn (1 mẫu gộp) vừa lấy từ đàn gia cầm mắc bệnh của gia đình ông Đàm Kim Toại, xã Liên Sơn (Lương Sơn) cho kết quả dương tính với virus cúm A/H5N6.
Hiện đàn gia cầm của gia đình ông Toại đã được tiêu hủy theo đúng quy định. Chính quyền nơi đây đang tăng cường các biện pháp tiêu độc, khửa trùng, lập chốt gác trên con đường chính dẫn vào xã Liên Sơn.
Đàn gà 5.500 con của gia đình ông Toại bị nhiễm bệnh cúm gia cầm, hiện đã được tiêu hủy theo đúng quy định.
Theo lời ông Toại, gia đình ông đã nuôi gà đã nhiều năm nay. Năm 2020, ông đã nuôi trên 5.500 con gà, cách đây 2 ngày đàn gà tự dưng lăn ra chết hàng loạt với các triệu chứng như bỏ ăn, sốt, chết nhanh và chết nhiều, phần đầu có biểu hiện tím tái, khô chân, phân trắng. Gia đình có dùng một số loại vaccine điều trị số gà ốm nhưng không hiệu quả.
Trước sự việc trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản số 127/CCCN&TY-TY ngày 25/2/2020 đề nghị UBND huyện Lương Sơn công bố dịch cúm gia cầm xuất hiện tại xã Liên Sơn. Đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp quyết liệt chống dịch, kịp thời khống chế không để dịch virus cúm A/H5N6 lây lan ra diện rộng.
Theo Danviet
Cúm gia cầm gây ra 34 ổ dịch, người chăn nuôi cần nắm rõ điều gì? Dịch cúm gia cầm đến thời điểm này đã xuất hiện tại 10 tỉnh thành, với 34 ổ dịch, hơn 100.000 con gia cầm bị tiêu hủy. Để ngăn chặn và phòng chống bệnh dịch này hiệu quả, Bộ NN&PTNT đã ra công điện đề nghị các địa phương tổ chức, đôn đốc công tác chống dịch, trong đó một trong những giải...