Không để dịch bùng phát ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang
Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đều có những biện pháp chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt như xét nghiệm diện rộng, tiêm vắc xin, sớm hơn 1 bước và cao hơn 1 mức… để dịch không lây lan, bùng phát trên diện rộng.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN
Hà Nội: tập trung tách các ca F0
Ông Khổng Minh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết hiện nay các ổ dịch cũ trên địa bàn TP đã kiểm soát hết, nhưng lại bung ra một số ổ dịch mới đáng ngại như ổ dịch tại khu chung cư HH 4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai).
Ngoài ra, TP có các ổ dịch mới ở huyện Hoài Đức, quận Đống Đa (khu vực Văn Chương, Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất cũng vừa ghi nhận các ca bệnh mới và vẫn còn những đối tượng chưa giám sát hết.
Còn theo giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27-4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.695 ca mắc, trong đó có 1.262 ca ngoài cộng đồng.
“TP đã tập trung mọi nguồn lực, bằng mọi biện pháp, tận dụng tối đa thời gian vàng các ngày giãn cách xã hội nhằm thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Qua đó, đảm bảo an toàn, kết hợp với các hoạt động xét nghiệm truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất tách triệt để các F0, kiểm soát để dịch bệnh không lây lan, bùng phát” – bà Hà nói.
Theo bà Hà, ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp thuộc nhóm đỏ, da cam, nhóm xanh; lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao, mỗi gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao.
Đến sáng 21-8, toàn TP đã lấy được 753.597 mẫu để xét nghiệm diện rộng, trong đó có 42 mẫu dương tính, nhiều trường hợp không có biểu hiện dịch tễ nên nếu không xét nghiệm thì không thể phát hiện.
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cho biết mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0, tăng cường tiêm vắc xin; nâng cao năng lực của y tế thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Video đang HOT
Bắc Ninh: sớm hơn 1 bước và cao hơn 1 mức
Sau 21 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, ngày 14-8 đã xuất hiện ổ dịch ngoài cộng đồng với chùm 9 ca mắc ở Viettel Post huyện Lương Tài. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết ngay khi ghi nhận chùm ca mắc tại Lương Tài, bà đã trực tiếp làm việc với huyện Lương Tài, yêu cầu huyện khẩn trương, quyết liệt thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, tỉnh quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn huyện Lương Tài theo chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 15-8.
Bà Giang cũng yêu cầu huyện cần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo đúng quy định, nâng mức phòng dịch cao hơn, theo tinh thần “nội bất xuất – ngoại bất nhập”, thực hiện triệt để, nghiêm túc việc giãn cách theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, nhà cách ly với nhà, xóm cách ly với xóm, yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đó”, không để tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng lẻo”.
Chia sẻ thêm, ông Hoàng Văn Trường – phó chủ tịch UBND huyện Lương Tài – cho biết xác định ổ dịch tại Viettel Post có tính chất phức tạp do mức độ di chuyển, gặp gỡ của những người giao hàng lớn, tiếp xúc nhiều người, huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn, kích hoạt mọi biện pháp quyết liệt theo tinh thần “sớm hơn 1 bước và cao hơn 1 mức”, huy động mọi nguồn lực tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện.
Lực lượng công an, quân đội, y tế đã khẩn trương phong tỏa chặt chẽ khu vực thôn, xóm có ca bệnh, truy vết triệt để các khu vực có nguy cơ cao, kịp thời đưa các trường hợp F0 lên khu điều trị và tổ chức quản lý, cách ly các trường hợp F1, F2 theo quy định.
Đồng thời, tỉnh kịp thời lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 các trường hợp liên quan đến Công ty Viettel Post và giao nhận hàng với shipper của Viettel Post, lấy mẫu cho toàn bộ hộ dân trên địa bàn theo nguyên tắc thôn có ca F0 lấy mẫu gộp tất cả thành viên trong hộ gia đình, thôn không có ca F0 lấy mẫu gộp đại diện hộ gia đình.
Sau 1 tuần, các ca bệnh tại Bắc Ninh hầu hết nằm trong khu cách ly và không có nguy cơ bùng phát, lây lan cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước diễn biến dịch phức tạp trên địa bàn, tỉnh đã có yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công nhân đang ở trọ tại tỉnh Bắc Ninh nếu không có việc thật sự cần thiết hoặc lý do công vụ thì không di chuyển ra ngoài tỉnh (đặc biệt dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9) để tránh lây nhiễm COVID-19.
Đối với công nhân các tỉnh khác đến làm việc và thuê trọ, tỉnh cũng yêu cầu các chủ nhà trọ khi tiếp nhận người đến thuê nhà phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ…
Bắc Giang: lập tổ đặc trách truy vết nguồn lây
Ông Từ Quốc Hiệu, giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, cho biết từ ngày 17 đến 21-8, tỉnh Bắc Giang phát hiện 25 ca F0 liên quan đến 2 ổ dịch ở TP Bắc Giang và huyện Lục Ngạn.
“Đây là 2 ổ dịch phức tạp do các trường hợp F0 có tiếp xúc với nhiều cán bộ, công chức các ngành khác nhau trên địa bàn tỉnh, tham dự nhiều sự kiện đông người, trong khi chưa xác định rõ nguồn lây từ bên ngoài.
Hiện các lực lượng chức năng của tỉnh đang khẩn trương điều tra, truy vết F1, F2 để cách ly. Bước đầu, đã rà soát được 782 F1, 2.957 F2. Ngành y tế tỉnh đang tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để xác định nguồn lây, khoanh vùng, thực hiện cách ly y tế chính xác” – ông Hiệu thông tin.
Với ổ dịch mới xuất hiện trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết công an tỉnh và các huyện đã có phản ứng nhanh, bước đầu đã khống chế không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Tuy nhiên, do số F1, F2 lớn nên những ngày tới sẽ còn xuất hiện nhiều F0 trong khu cách ly tập trung và có thể có F0 trong cộng đồng, hiện dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát.
“Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu trong 1 tuần phải tập trung dập bằng được ổ dịch này. Không để dịch bùng phát rộng, đặc biệt không để dịch xâm nhập vào khu công nghiệp. Đồng thời, phải ngăn chặn, không để dịch từ nơi khác xâm nhập vào địa bàn, quyết tâm bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ sản xuất” – ông Dương nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Dương, tỉnh cũng cho tạm dừng hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các khu vui chơi giải trí, các hoạt động thể dục thể thao trong nhà, ngoài trời và du lịch nội địa. Không tập trung quá 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Các địa phương lập các chốt để kiểm soát người ra vào địa bàn.
Quân đội sẵn sàng điều trực thăng vận chuyển vắc xin để tiêm đúng tiến độ
Bộ Quốc phòng cho biết lực lượng quân đội sẵn sàng trực 24/24, thậm chí có thể điều trực thăng vận chuyển vắc xin đến các hải đảo, vùng có địa bàn khó khăn để tiêm cho người dân đạt tiến độ.
Sáng 10/8, tại Sở chỉ huy chiến dịch, Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc đã tổ chức giao ban nhằm đánh giá tiến độ các hoạt động để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn vào quý 4.
Sau một tháng khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc, các công đoạn chuẩn bị đang được gấp rút tiến hành.
Nhấn để phóng to ảnh
Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc tổ chức giao ban sáng 10/8.
8 kho bảo quản vắc xin đã được thiết lập tại 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô với công suất bảo quản lên đến 60 triệu liều vắc xin. Bộ Y tế cũng đã bàn giao 63 xe đông lạnh cho các quân khu để vận chuyển vắc xin đi các địa phương.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tới đây, số lượng vắc xin về lớn, tần suất nhiều, một số loại vắc xin phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ âm sâu. Vì thế, cần phải có kế hoạch chi tiết, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế với quân đội, giữa trung ương với địa phương và các quân khu.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần phải hoàn thiện và phê duyệt ngay các quy trình vận chuyển, bảo quản vắc xin, mỗi loại có nhiệt độ bảo quản khác nhau.
Đến cuối năm, số lượng vắc xin sẽ về nhiều và dồn dập, do vậy công tác chuẩn bị luôn sẵn sàng, đặc biệt mùa đông ở miền Bắc. Vì thế, Bộ trưởng Long yêu cầu trong tuần này phải xong kho bảo quản tại các quân khu trong tuần này phải xong.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản cho biết thêm lực lượng quân đội sẵn sàng trực 24/24, thậm chí có thể điều trực thăng vận chuyển vắc xin đến các hải đảo, vùng có địa bàn khó khăn để tiêm chủng cho nhân dân đúng tiến độ. Bộ Quốc phòng sẽ có kế hoạch vận chuyển ngay khi vắc xin về Việt Nam.
Cuối năm vắc xin về nhiều, dồn dập
Tiểu ban tiêm chủng cho biết, đến ngày 10/8 đã có hơn 18 triệu liều vắc xin từ các nguồn khác nhau về đến Việt Nam. Trong đó để tiêm cho đối tượng ưu tiên là các lực lượng tuyến đầu và địa bàn dịch bùng phát như Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM, TP Hà Nội...
Trong 2 tuần gần đây, tiến độ tiêm chủng được đẩy mạnh, trung bình mỗi ngày tiêm gần 400.000 nghìn mũi. Đã có hơn 10,5 triệu liều vắc xin được tiêm. Hiện nay trong các kho đang để lại 2,5 triệu liều vắc xin Moderna và 250.000 liều vắc xin Verocell để tiêm mũi thứ 2 cho những người đã tiêm mũi một loại vắc xin này.
Bộ Y tế đã có văn bản về dự kiến phân bổ vắc xin từ nay đến hết năm 2021 để các địa phương nắm được số lượng, lên phương án tiêm nhằm bảo đảm tiến độ, trong đó cần phải bảo đảm nguồn vắc xin để những người đã tiêm mũi 1 khi đến thời hạn, được tiêm mũi 2.
"Chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo nguyên tắc nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất. Vừa qua chúng ta cũng đã rà soát và đã điều chỉnh các quy trình khám sàng lọc, đối tượng tiêm cũng như thời gian chờ đợi sau tiêm chủng để tạo thuận lợi cho người dân được tiêm", Bộ trưởng Long nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý tại các điểm tiêm, cần có sự tham gia của các ngành đoàn thể, đặc biệt huy động lực lượng đoàn thanh niên giúp tiếp đón, khai báo y tế và đăng ký tiêm trên phần mềm tiêm chủng. Nhân viên y tế tập trung nhiệm vụ chuyên môn như khám sàng lọc, thực hiện tiêm và theo dõi sau tiêm.
Về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, đến nay đã có 2,4 triệu người tải áp Sổ sức khỏe điện tử; 63 tỉnh đã cập nhật dữ liệu lên phần mềm. Đã có 5.568 điểm tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành được cập nhật lên nền tảng tiêm chủng.
Nhiều địa phương vẫn đang xem xét hỗ trợ lao động tự do Nửa tháng sau khi gói an sinh 26.000 tỷ được thông qua, nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh vẫn đang rà soát, xem xét kế hoạch hỗ trợ lao động tự do. Trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch (Nghị quyết 68 ban hành ngày 1/7), lao động tự do nằm...