Không đẩy phần khó cho dân
Trước sự phản ứng từ người tiêu dùng về quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm (MBH) rởm sắp có hiệu lực, Bộ GTVT đã quyết định, bỏ việc xử phạt này.
Mũ bảo hiểm chất lượng kém vẫn được bày bán trên phố Khâm Thiên
Khó phân biệt thật giả
Theo đó, 4 Bộ gồm KHCN, Công Thương, Công an và GTVT đã ký Thông tư liên tịch số 06/2013 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi mô tô, xe máy. Trong đó, MBH phải có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Mũ có kiểu dáng nhái, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật trên thì không được coi là MBH. Người đi đường khi đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị xử phạt như đối với hành vi không đội MBH hoặc đội mũ mà không cài quai đúng quy cách. Tại dự thảo Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Bộ GTVT, mức phạt cho hành vi trên là 100.000-200.000 đồng, dự kiến việc xử phạt sẽ được thực hiện khi Thông tư liên tịch trên có hiệu lực từ ngày 15-4.
Tuy nhiên, ngay khi quy định này vừa được ban hành đã gặp phải sự phản ứng từ phía người dân. Hầu hết người dân đều cho rằng, cơ quan chức năng đang đẩy phần khó về phía người tiêu dùng. Anh Nguyễn Hoài Lâm, trú tại Đê La Thành bày tỏ, để người dân phải sống cùng hàng giả và dùng hàng giả là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Đại tá Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (Bộ Công an) cũng cho rằng, lực lượng công an không thể lập một biên bản vi phạm mà không có điều khoản. Trong khi, chỉ có Chính phủ mới được quy định hành vi vi phạm và chế tài xử phạt. Bên cạnh đó, Luật Hình sự có quy định xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, lực lượng quản lý thị trường phải xử lý việc này. Lực lượng công an không thể rải quân làm hết được.
Mũ bảo hiểm chỉ cần đủ 3 bộ phận!
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính (Bộ Tư pháp) băn khoăn, để người tham gia giao thông phân biệt MBH thế nào là thật giả rất khó. “Không phải cứ mua MBH đắt tiền là đảm bảo chất lượng và ngược lại. Tôi rất phân vân điều này. Thậm chí, đặt vấn đề xử lý mũ phải có đủ kết cấu ba phần cũng là phức tạp”, bà Thoa bày tỏ. Còn ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, quy định tại Thông tư liên tịch vừa ký kết giữa 4 Bộ chỉ phù hợp với các loại MBH được mua từ nay trở đi. MBH được hiểu theo quy định mới này là MBH có dán tem hợp quy. Nhưng, trên thực tế hiện có hơn 30 triệu người đi mô tô, xe máy, trong đó chiếm đến hơn 90% là đội MBH, xuất xứ nhiều nơi, bao gồm cả mũ nhập khẩu. Song, giai đoạn trước chưa có quy định MBH phải dán tem hợp quy. Rồi, hàng loạt MBH từ các nước đưa sang viện trợ cũng không có tem nhưng mũ rất dầy, đẹp. Vì vậy, nếu quy định xử phạt thì phải có lộ trình giải quyết hết số MBH này, không thể bảo người dân vứt hết MBH đang đội đi dù nó đảm bảo chất lượng.
Phần lớn các quan điểm đều cho rằng, rất khó khăn cho người sử dụng để phân biệt MBH thật, giả. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, quy định xử phạt người đội MBH không đủ 3 bộ phận gồm vỏ, lớp đệm hấp thụ xung động và quai đeo, cần phải bổ sung. “Tuy nhiên, người dân đội MBH không cần chứng minh mũ phải có tem hợp quy, cứ có 3 lớp như NĐ quy định là được. Không phạt người đội mũ rởm, kém chất lượng, trách nhiệm này thuộc về quản lý thị trường. Vì lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm trong hoạt động phân phối hàng hóa đảm bảo chất lượng”, ông Đinh La Thăng cho biết. Tuy nhiên, quy định này lại một lần nữa làm dấy lên sự băn khoăn. Một chuyên gia phân tích: “Nếu chỉ căn cứ đủ 3 bộ phận như quy định thì những chiếc MBH bán đầy ở vỉa hè chỉ với 30.000-50.000 đồng/chiếc cũng đảm bảo tiêu chí này. Vấn đề là quy định vỏ mũ ra sao, độ dày lớp đệm bao nhiêu là đủ… Chứng minh vấn đề này rồi đưa ra xử phạt còn rắc rối hơn”.
Theo ANTD
Lấy lại niềm tin của người dân trong bảo trì đường sá
Là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại hội nghị Thanh tra ngành GTVT diễn ra sáng qua 8-3.
Theo đó, mục tiêu ngành giao thông đặt ra trong năm 2013 là đổi mới trong công tác bảo dưỡng, bảo trì đường bộ, lấy lại niềm tin của người dân, chấm dứt tình trạng công trình chưa làm xong đã hỏng hay vừa hết bảo hành đã hỏng. "Qua thời gian triển khai thu phí bảo trì đường bộ, nhiều phản ánh từ nhân dân cho biết, người dân sẵn sàng nộp phí, nhưng vấn đề là phải sử dụng công khai, có hiệu quả phí bảo trì đường bộ. Người dân phải nộp phí bảo trì đường bộ thì phải sử dụng công khai, minh bạch, có hiệu quả, chứng minh cho người dân nhờ có quỹ bảo trì nên đường sá tốt hơn, êm thuận hơn", ông Thăng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, trong năm 2013, Bộ yêu cầu biển báo trên đường phải rõ ràng đúng quy định, Bộ đang chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội phối hợp công an, lực lượng CSGT rà soát lại toàn bộ hệ thống biển báo, đèn tín hiệu đảm bảo đúng quy định để người dân dễ thấy, dễ thực hiện. "Không dùng biển báo để đánh bẫy người dân để phạt. Phạt không phải mục tiêu của chúng ta", ông Thăng nhấn mạnh.
Theo ANTD
Cần bổ sung chế tài xử lý đội mũ bảo hiểm kém chất lượng Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ chiều 6-3, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT- CATP Hà Nội cho biết: - Hàng ngày làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô, chúng tôi nhận thấy hầu hết người dân khi tham gia giao thông, điều khiển xe máy đều chấp hành tốt việc...