‘Không dành thời gian bên gia đình thì không bao giờ là người đàn ông đích thực’
Trong những câu chuyện trà dư tửu hậu của cánh đàn ông, có lẽ câu thường được nghe nhất là những tuyên ngôn không sợ vợ hay nhậu đi về nhà làm gì.
ảnh minh họa
Còn với đội chị em “Tâm sự EVA” thì là những thần thoại về “soái chồng” bỏ bạn để về với vợ con “vì em thương vợ em lắm”.
Thực là kỳ diệu, khi đến 90% những câu chuyện đó là chuyện bịa – làm gì có mấy ông chồng không sợ vợ, mà cũng làm gì có ai đi kiểm chứng những chuyện “ngôn tình gia đình” được share trên các page bán hàng?
Video đang HOT
Thế nhưng, những chuyện đó rõ ràng là đã phản ánh vấn đề to lớn của cánh đàn ông: quản lý quỹ thời gian cho các mối quan hệ.
Câu trích mở đầu, vốn dĩ là một câu được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong cuộc sống và các tác phẩm khác, ví dụ như “Rồi sau đó” của Guillaume Musso, hay thậm chí là Batman – như một kinh Thánh cho khía cạnh gia đình của người đàn ông.
Nhưng ít người nhận ra rằng, có lẽ Bố già Vito Corleone khi nói câu này, muốn hoàn thành nốt mảnh ghép cuối cùng để làm nên người đàn ông, chứ không có ý định bắt lũ con mình ngồi nhà chăm vợ.
Không, rõ ràng là con trai Bố già không như vậy, và đàn ông nói chung, cũng không như vậy. Mỗi con người đều là tập hợp của các mối quan hệ xã hội, và đặt trong bối cảnh hiện tại thì rõ ràng là người đàn ông, sẽ còn là sinh vật có nhiều mối quan hệ hơn ai hết.
Vấn đề ở đây, chỉ còn lại là, cách anh ứng xử với các mối quan hệ như thế nào.
Đến một ngưỡng cửa nào đó của cuộc đời, mỗi người đàn ông đếu sẽ đứng trước một “nan đề”: cái thời “bỏ qua cho nó, còn trẻ cứ để nó chơi cho thoả thích” đã chính thức chấm dứt.
Bước qua cái ngưỡng đó, một nửa dân số trên thế giới này sẽ phải chịu trách nhiệm với cả gia đình (vợ, bố mẹ, con cái, năm trăm người họ hàng, giỗ chạp, tết nhất – tôi đang nói tới những người đàn ông Việt Nam điển hình) và các mối quan hệ xã hội khác (bạn bè, đồng nghiệp, sếp, bạn nhậu, đội bóng – cũng vẫn là ca thường gặp của gã đàn ông điển hình).
Không có chuyện anh đi nhậu ngày ba bữa tuần bảy buổi rồi về cả nhà cười tươi chào đón, cũng không có cánh cửa nào rộng mở với anh chàng cứ năm giờ chiều là vội chạy về làm con ngoan chồng tốt. Không, tồn tại, với đàn ông, là một nghệ thuật.
Thứ nghệ thuật đi trên dây đó bắt người đàn ông phải hoàn thành cả hai vai trò của mình: thành đạt trong sự nghiệp, và hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.
Đó là một gánh nặng, nhưng cũng đồng thời là một thử thách: không có thứ thành công nào không đi kèm những điều kiện của nó, nhất là khi đó là thứ thành công “trăm phần trăm”.
Chỉ có vượt qua sợi dây đó, anh mới đến được với danh hiệu “tấm gương đàn ông mẫu mực”, chứ không phải là đạt được đỉnh cao ở bất kỳ thái cực nào mà bỏ bẵng đi phần còn lại, hay hô hào những câu nói cho sướng mồm bên bàn nhậu.
Nếu tình cờ trong một thoáng, anh cảm thấy hậm hực thì – để nhắc thôi – các chị em cũng có một sợi dây tương tự, song song với anh, để mà đi.
Thế nên, hãy leo lên dây đi, và chúc anh thành công, người anh em!
Theo Soha