Không dám tố cáo vì sợ trả thù
Người tố giác tội phạm, người làm chứng… thường đứng trước nhiều mối đe dọa, trong khi những quy định của pháp luật để bảo vệ nhân thân của những đối tượng này vẫn còn nhiều hạn chế, chung chung khiến nhiều người không dám nói ra sự thật…
Khó công bằng cho người tố cáo
Thực tế hiện nay cho thấy, do cơ chế bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn thiếu và yếu nên chưa khuyến khích được công dân mạnh dạn đấu tranh công khai, trực diện với những đối tượng vi phạm pháp luật.
Theo ông Nguyễn Công Phú, cán bộ hưu trí phường Đức Giang, quận Long Biên: “Trong các vụ án, vai trò của người cung cấp thông tin, tố giác tội phạm là rất quan trọng. Ngay trong vụ án bắt cóc cháu bé mới 2 ngày tuổi xảy ra tại bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa qua, vai trò của người lái xe taxi trong việc tìm ra cháu bé là không thể phủ nhận. Đáng buồn là hiện nay, người tố cáo tố giác tội phạm thường khá dè dặt khi cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng do yếu thế hơn người bị tố cáo, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước. Cán bộ công chức tố cáo lãnh đạo của mình nhiều khi sẽ gặp bất lợi. Người có vị trí sẽ lợi dụng địa vị, khả năng kinh tế để trả thù, trù dập người tố cáo: nhẹ thì phân công những công việc không phù hợp, nặng có thể buộc thôi việc… Chính bởi lẽ đó tố cáo nặc danh luôn có số lượng nhiều hơn những tố cáo có đề tên, địa chỉ cụ thể trong hoàn cảnh khi pháp luật chưa có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ người tố cáo. Do vậy, muốn bảo vệ người tố cáo trước hết là phải xử lý thông tin nhanh chóng kịp thời, triệt để. Nếu không, người bị tố cáo sẽ có các ưu thế, điều kiện để trả thù, trù dập người tố cáo”.
Trên thực tế đã không ít lần, nhiều bạn đọc gọi điện đến đường dây nóng Báo ANTĐ phản ánh những bức xúc của họ trước một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị họ gửi đơn thư khiếu nại hay cung cấp những thông tin cần thiết thì họ từ chối vì “sợ” bị trả thù. Điều này, đã gây khó khăn không nhỏ trong vấn đề điều tra, xác minh thông tin của phóng viên…
Quy định còn nhiều bất cập
Theo Luật sư Võ Đình Hải, Đoàn luật sư Hà Nội, trong nhiều vụ án hình sự, người tố giác, người làm chứng, người bị hại tỏ ra e ngại, bất hợp tác hoặc hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm. Nguyên nhân không chỉ do chính bản thân họ mà còn do sự bất cập của các quy định pháp luật.
Video đang HOT
Ở nước ta, những nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân đã từng bước được pháp luật ghi nhận trong pháp luật tố tụng hình sự, BLTTHS năm 2003 (“Công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác”, “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng”, “Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”), Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000, Nghị định số 99/2002/NĐ-CP ngày 27-11-2002 của Chính phủ và Thông tư số 09/2004/TT-BCA(V19) ngày 16-6-2004 hướng dẫn áp dụng một số biện pháp bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong các vụ án về ma tuý của Bộ Công an… Tuy vậy, trừ lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và lĩnh vực phòng, chống ma túy, còn lại hầu hết các quy định chỉ mới dừng lại ở nguyên tắc, thiếu hướng dẫn cụ thể, nhất là các biện pháp bảo vệ, trình tự, thủ tục, lực lượng tiến hành bảo vệ, kinh phí để bảo vệ.
Luật sư Hải cũng cho rằng, mặc dù chưa có thống kê chính thức về tình hình đe doạ, xâm hại đối với người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự, nhưng thực tế cho thấy việc họ bị mua chuộc, đe doạ, khống chế, gây thiệt hại là có thật. Điều này đã khiến người dân hoang mang, lo sợ, không dám tố giác. Mặt khác, từ khi BLTTHS năm 2003 có hiệu lực đến nay, những quy định về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự chưa được hướng dẫn chi tiết và được triển khai thực hiện nghiêm túc.
Mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm phải bảo vệ những người này, nhưng do chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm, thủ tục, biện pháp và sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực nên còn lúng túng trong việc quyết định và triển khai các biện pháp bảo vệ. Trong khi đó, người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng do hiểu biết pháp luật còn hạn chế, không biết quyền được bảo vệ của mình và cũng do không tin tưởng vào cơ quan tố tụng nên thường thoái thác nghĩa vụ pháp lý nên không nhiệt tình hợp tác. Mặt khác, hiện cũng chưa có cơ quan, đơn vị chức năng nào chủ động trong việc bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc sớm xây dựng một chế định pháp lý hoàn chỉnh về bảo vệ người tố giác, người làm chứng, người bị hại là việc làm cần thiết cần được tiến hành trong thời gian sớm nhất, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Theo ANTD
Truy lùng kẻ giết lái xe ôm, thay tên đổi họ
Ngày 29/12, CQĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố Nguyễn Văn Tuấn, 21 tuổi trú tại huyện Phù Cừ (Hưng Yên) về tội giết người, cướp tài sản, kết thúc hành trình 20 ngày người lái xe ôm, xảy ra tại địa bàn huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Việc bắt giữ Tuấn có sự phối hợp chặt chẽ của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH và Công an quận Bình Tân, TP HCM.
Người dân phát hiện một xác chết bị chôn lấp dưới ruộng
Sáng 8/12, một số người dân đi làm đồng sớm tại khu vực xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) vô tình phát hiện một xác chết bị vùi lấp dưới đất ruộng. Nhận được tin báo, Đội Trọng án - Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) cùng với Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hòa Bình, Công an huyện Kim Bôi có mặt ngay tại hiện trường điều tra vụ án. Tử thi đang trong quá trình phân hủy nên rất khó nhận dạng.
Qua khám nghiệm, lực lượng Công an xác định đây là một vụ án bởi nạn nhân bị hung thủ đâm hơn 10 nhát dao vào vùng ngực và gáy. Theo kết quả giám định, nạn nhân đã bị sát hại vào khoảng 1 tháng trước khi được phát hiện. Hiện trường hầu như đã mất hết dấu vết, việc xác minh danh tính nạn nhân là rất khó khăn. Nút mở đầu tiên chính là tìm ra danh tính nạn nhân.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ tổng hợp, cộng với phát động phong trào quần chúng tham gia tố giác tội phạm, tìm thông tin về người mất tích, đưa các thông tin tìm người trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như dày công đến các điểm công cộng để truy tìm... cuối cùng, các trinh sát đã có trong tay thông tin quý giá.
Đối tượng Nguyễn Văn Tuấn
Ngày 5/11, anh Nguyễn Văn Nhiên, 53 tuổi, hành nghề xe ôm tại khu vực Bến xe Yên Nghĩa, TP Hà Đông bỗng nhiên mất tích. Theo người nhà cung cấp, đêm 5/11, anh Nhiên có gọi về nhà và nói đang chở khách quen đến khu vực huyện Kim Bôi (Hòa Bình), tối sẽ không về nhà ngủ. Tuy nhiên, những ngày sau đó, gia đình không thấy anh Nhiên về, gọi vào điện thoại di động không được. Khi đi, anh Nhiên có mang theo một xe máy hiệu Wave màu vàng, BKS 33B5 - 4913 và một điện thoại di động cùng một số tiền mặt.
Chắp nối các dữ kiện lại và qua nhận dạng của gia đình anh Nhiên, lực lượng Công an xác định nạn nhân chính là anh Nguyễn Văn Nhiên. Tuy nhiên, người khách anh Nhiên chở là ai? Đi tìm ẩn số đó, các trinh sát đã mất 20 ngày đêm truy lùng kẻ sát nhân giấu mặt.
Thay tên đổi họ, trốn vào miền Nam vẫn không thoát
Tìm được danh tính nạn nhân đã khó, nhưng lần ra được đối tượng đã thuê anh Nhiên chở đi càng khó hơn bởi các mối quan hệ của nạn nhân khá phức tạp. Lực lượng Công an phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, dựng lại quá trình sinh hoạt và hành nghề xe ôm của nạn nhân mới khoanh vùng được những người anh Nhiên hay qua lại. Trong số đó, có đối tượng nghi vấn là Nguyễn Văn Tuấn (tức Tường), trú tại huyện Phù Cừ (Hưng Yên).
Thời điểm trước khi anh Nhiên mất tích, có người đã nhìn thấy anh Nhiên đứng nói chuyện với Tuấn. Xác minh lý lịch của Tuấn cho thấy, tên này đã từng có một tiền án về tội trộm cắp tài sản ở Sơn La năm 2007, hiện Tuấn đang trốn truy nã về tội không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, khi xác minh, gia đình Tuấn cho biết hiện giờ họ cũng không biết Tuấn ở đâu và không liên hệ về nhà. Bản thân Tuấn cũng có mối quan hệ rất phức tạp, sống lang thang ở TP Hà Nội, đặc biệt là ở khu vực các bến xe. Qua điều tra, tổ công tác xác định, trong khoảng thời gian anh Nhiên mất tích, Tuấn đã xuất hiện ở địa bàn tỉnh Hòa Bình và ở TP Phủ Lý (Hà Nam) nhưng sau đó không ai thấy nữa.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định, Tuấn chính là hung thủ gây án, sát hại anh Nhiên, cướp tài sản rồi vùi xác nạn nhân xuống ruộng, hòng phi tang. Mất nhiều thời gian công sức, các trinh sát có thông tin về việc Tuấn có giao du với một nhóm người đang làm ăn ở TP HCM.
Ngay sau đó, một tổ công tác Phòng PC45 Công an tỉnh Hòa Bình đã lên đường vào Nam, phối hợp với Phòng PC45 Công an TP HCM truy lùng đối tượng. Rà soát các bến xe, nhà ga, các điểm công cộng, các khu nhà trọ, nơi có nhiều người miền Bắc vào Nam làm ăn thuê trọ, cuối cùng, các trinh sát phát hiện một người thợ xây tên là Thanh có đặc điểm nhân dạng giống Tuấn. Liệu Tuấn có phải là Thanh?
Các trinh sát đã mất nhiều thời gian xác minh và được biết, thời gian mới vào làm thuê cho một chủ thầu xây dựng, người thanh niên tên Thanh chỉ nói quê mình ở Hưng Yên, đã từng làm ăn nhiều nơi và chưa lấy vợ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định, Tuấn chính là Thanh.
Việc lên kế hoạch bắt Tuấn được tính toán một cách kỹ lưỡng bởi hắn là kẻ đã có tiền án, lại đang có lệnh truy nã. Giữa trưa, khi Tuấn đang đi ăn cơm về, các trinh sát đã tiến hành bắt khẩn cấp tại khu vực phường Bình Tân. Ngày 28/12, Tuấn đã được tổ công tác di lý an toàn từ TP HCM về Hòa Bình.
Tại CQĐT, bước đầu Tuấn khai nhận, trong khi lang thang tại khu vực Hà Nội, Tuấn có thuê ở trọ tại một nhà nghỉ và thường lang thang ra Bến xe Yên Nghĩa. Do không có công việc ổn định nên số tiền mà Tuấn mang theo đã hết nên hắn nảy sinh ý định giết người cướp tài sản. Ngày 5/11, Tuấn chuẩn bị sẵn một con dao bấm giắt trong người và ra Bến xe Yên Nghĩa để tìm "con mồi". Đang lang thang thì Tuấn gặp anh Nhiên, nên nảy ngay ý định giết anh để cướp chiếc xe máy. Do có quen biết từ trước nên anh Nhiên không nghi ngờ gì khi chở Tuấn đến Kim Bôi. Lúc này đã chập choạng tối, Tuấn yêu cầu anh Nhiên dừng lại cho hắn đi vệ sinh, đó cũng chính là thời điểm nạn nhân gọi điện thoại về nhà báo không về ngủ.
Khi đến địa phận xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi thì trời đã tối, Tuấn lại yêu cầu anh Nhiên dừng xe cho hắn đi vệ sinh và lần này hắn đã ra tay sát hại người lái xe ôm. Gây án xong Tuấn lấy xe máy và đi về hướng trung tâm huyện Kim Bôi. Hắn nảy sinh ý định phi tang xác nạn nhân nhằm tránh sự phát hiện của Công an nên đã đi tìm mua xẻng nhưng không mua được.
Trên đường đi, phát hiện một nhà ven đường đóng than xỉ có để xẻng xúc than ở ngoài, Tuấn đã lấy trộm xẻng, sau đó quay về chỗ sát hại nạn nhân, phi tang thi thể nạn nhân xong, hắn mang xe máy đi đến nhà nghỉ nơi thuê trọ ở Ba La, quận Hà Đông (Hà Nội) để lấy đồ đạc và tiếp tục đi xuống TP Phủ Lý (Hà Nam). Tại đây, Tuấn bán chiếc xe máy và chiếc điện thoại cướp được hơn 6 triệu đồng, rồi trốn vào miền Nam. Hắn lấy tên là Thanh, và xin làm xây dựng.
Việc nhanh chóng khám phá thành công vụ án giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng trên của các chiến sỹ Công an Phòng PC45 Công an tỉnh Hòa Bình, Công an TP HCM đã thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ an toàn Tết Nguyên đán 2010.
Theo CAND
Truy bắt những tên giết người trong đêm Một trong 3 đối tượng của vụ án mạng. Như kẻ mất hết nhân tính, Trần Đăng Cường dùng kiếm chém vào người ông Quang, tiếp đến Nguyễn Sỹ Quân cầm ống tuýp nhảy vào đánh làm ông Quang bất tỉnh nhân sự. Sau khi gây án xong, cả bọn lên xe chạy thục mạng. Gần nửa đêm 26/7/2010, tại xóm 5B xã...