Không cứng nhắc trong việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén
Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc áp dụng bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén tới đây cũng sẽ tương tự như ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Huỳnh Văn Nén trả lời báo chí Ảnh: Quế Hà
Hôm qua 26.4, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết TAND tối cao đã nắm được thông tin về việc gia đình ông Huỳnh Văn Nén gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục để được bồi thường oan sai và đã có văn bản hướng dẫn tới TAND tỉnh Bình Thuận để thực hiện việc bồi thường.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về quy định của Thông tư 05 buộc phải có hóa đơn chứng từ để chứng minh thiệt hại là đánh đố người bị oan sai, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng quy định này là từ Bộ Tài chính và TAND tối cao cũng phải có nghĩa vụ chấp hành. “Đây cũng là thực tế khó khăn cho người bị oan. Tuy nhiên, quy định này được đặt ra để tránh những chuyện tiêu cực khác, bởi có những trường hợp đi thuê mướn đi khiếu kiện rất phức tạp”, ông Bình lý giải.
Theo ông Bình, việc áp dụng bồi thường của ông Nén tới đây cũng sẽ tương tự như ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. “Tức là không phải khoản nào cũng phải yêu cầu có hóa đơn, chứng từ thì mới bồi thường. Các cơ quan chức năng sẽ xem xét những khoản yêu cầu bồi thường nào hợp lý, thuyết phục thì sẽ được chấp nhận chứ không phải cứng nhắc”, ông Bình nói.
Video đang HOT
Đề cập đến khoản tiền 18 tỉ đồng mà ông Huỳnh Văn Nén yêu cầu bồi thường cho 17 năm tù oan, ông Nguyễn Hòa Bình thừa nhận đang có rất nhiều ý kiến bức xúc của người dân về việc sử dụng tiền ngân sách để gánh cái sai của cán bộ. “Đây là một trong những vấn đề bất cập của luật Bồi thường trách nhiệm nhà nước mà tới đây QH cũng sẽ xem xét để sửa đổi, bổ sung”, ông Bình nói.
Thái Sơn
Theo Thanhnien
Ông Huỳnh Văn Nén: 'Tòa yêu cầu hóa đơn bồi thường là đánh đố tôi'
Trong tâm thư gửi TAND Bình Thuận, ông Nén cho rằng việc cơ quan này yêu cầu ông cung cấp hóa đơn chứng từ các khoản bồi thường là "đánh đố mình và gia đình".
Ngày 22/4, ông Huỳnh Văn Nén gửi đơn đến TAND tỉnh Bình Thuận để trần tình về việc không thể cung cấp hóa đơn chứng từ trong hồ sơ đòi bồi thường mà cơ quan này yêu cầu bổ sung.
Trong đơn, ông Nén cho rằng việc một công dân bình thường vướng vào lao lý là điều không ai mong muốn. "Khi tôi bị tù oan, người nhà tôi bán đất chỉ với niềm tin mãnh liệt là kêu oan cho tôi mà không bao giờ lường trước được việc phải giữ hóa đơn chứng cứ ngần ấy năm để sau này nộp cho quý vị khi được giải oan như bây giờ", ông phân trần.
Ông Nén khó cung cấp hóa đơn chứng từ các khoản yêu cầu bồi thường. Ảnh:Phước Tuấn
Cha ông và thầy Nguyễn Thận mấy năm trời bôn ba khắp cả nước đi kêu oan không thể tính bao nhiêu là đủ, không biết lấy hóa đơn từ đâu? Các khoản vợ con tốn rất nhiều tiền bạc, tài sản để thăm nuôi, động viên. "Những thiệt hại này nó đánh đổi bằng danh dự, nhân phẩm, tài sản vật chất và tinh thần của cả một dòng họ, cả 3 thế hệ trong nhà tôi thì làm sao chúng tôi có những hóa đơn", ông nói.
Theo người mang 2 bản án oan, việc TAND Bình Thuận yêu cầu cung cấp hóa đơn chứng từ là "đánh đố ông và gia đình". "Có ai dám đánh đổi cả đời mình, đời con mình, đời cha mình và hệ lụy cả ba thế hệ gia đình vợ mình để nhận được khoản tiền đền bù này. Nếu vì không có các hóa đơn chứng từ để xem xét bồi thường 2 bản án oan của tôi thì đúng là sự bất công của công lý nên mong các cơ quan xem xét", ông nói.
Trước đó, sáng 11/4, ông Huỳnh Văn Nén và người thân đến TAND tỉnh Bình Thuận nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại 18 tỷ đồng vì phải mang hai án oan về tội Giết người - xảy ra ở xã Tân Minh (huyện Hàm Tân) gần 20 năm trước. Ông bày tỏ mong muốn được Nhà nước sớm xem xét giải quyết số tiền này để lo cho gia đình và các con đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong thời gian ông vướng lao lý.
Thẩm phán Trần Thị Thiên Hương - đại diện TAND tỉnh Bình Thuận - tiếp nhận đơn của ông Nén, giải thích về quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước và yêu cầu ông bổ sung một số tài liệu, chứng từ liên quan theo quy định của pháp luật.
Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội Giết người. Tháng 4/1998, ông bị cho là dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp chiếc nhẫn, bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản.
Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Do không chứng minh được hành vi phạm tội, 12 năm sau đó cơ quan điều tra phải minh oan cho họ, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết.
Cuối năm ngoái, ông Nén được TAND tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương do cảnh sát tìm được hung thủ giết bà Bông. Ngay khi được minh oan, ông đề nghị xử lý hình sự 14 cán bộ trong ngành công an, VKS, TAND tỉnh Bình Thuận gây oan sai cho ông và 9 thành viên trong gia đình vợ. Trong đó chỉ rõ điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra ký kết luận điều tra, kiểm sát viên, lãnh đạo VKS ký cáo trạng, thẩm phán xét xử cấp sơ thẩm.
Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã đến thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận làm việc với ông Truyện, 8 người trong gia đình vợ ông Nén và với anh Nguyễn Phúc Thành - người có đơn từ trong trại giam tố cáo hung thủ thật sự giết bà Bông chứ không phải ông Nén.
Phước Tuấn
Theo VNE
Những thiệt hại khiến ông Nén yêu cầu bồi thường 18 tỷ đồng Đưa ra số tiền yêu cầu bồi thường oan sai 18 tỷ đồng, luật sư và ông Huỳnh Văn Nén cho đây là con số chỉ mang tính tương đối. Ông Nén đến tòa sáng nay. Ảnh: Tư Huynh Sáng 11/4, ông Huỳnh Văn Nén và người thân đến TAND tỉnh Bình Thuận nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại 18 tỷ...