Không còn được hỗ trợ tiền ăn, học sinh bỏ lớp, thầy cô đi từng nhà vận động
Khi xã Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu) đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều chính sách bị cắt, học sinh bỏ lớp khiến các thầy cô vất vả thuyết phục học sinh đi học lại.
Câu chuyện đầy nghịch lý này đã xảy ra tại Thu Lũm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) vào năm 2020 khi xã về đích nông thôn mới.
Theo đó, khi thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng nghĩa với việc từ năm học 2021 – 2022 này, học sinh các trường trên địa bàn xã sẽ không còn được hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực.
Trước đây, Thu Lũm là xã nghèo biên giới của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Toàn xã có tới 33,45% hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người ở xã chỉ đạt 8 triệu đồng/người/năm. Sau hơn 10 năm xây dựng chương trình Nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở Thu Lũm đã thay đổi đồng bộ, tích cực.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao hơn trước.
Một góc xã Thu Lũm sau khi đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Báo Lai Châu.
Đến nay, Thu Lũm là xã biên giới đầu tiên của huyện Mường Tè hoàn thành 19/19 tiêu chí và được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Tuy nhiên, khi đạt chuẩn nông thôn mới, một nghịch lý đã xảy ra tại các trường học trên địa bàn xã khi học sinh lần lượt bỏ lớp về bản.
Nguyên nhân được xác định là do chính sách hỗ trợ học sinh bị cắt đột ngột khiến nhiều phụ huynh không cho con đến trường mà quay về điểm bản để học.
Ngày 19/10, phóng viên đã trao đổi với ông Tống Thanh Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè để tìm hiểu về tình trạng học sinh bỏ lớp về bản.
Theo thông tin từ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ/2021, các xã khu vực III, khu vực II được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I.
Cùng với đó, xã sẽ thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II. Điều này đã tác động không nhỏ đến đời sống, xã hội của người dân.
Đặc biệt là chính sách đối với học sinh bán trú. Sau ngày khai giảng năm học, các trường học trên địa bàn xã Thu Lũm tổ chức họp phụ huynh thông báo về việc Quyết định 861 có hiệu lực, một số chính sách hỗ trợ cho con em đồng bào đi học sẽ không còn, nên rất nhiều phụ huynh thấy bất ngờ và lo lắng khi phải thực hiện việc đóng góp cho con em ăn bán trú…
Video đang HOT
Thời gian đầu thì các gia đình đã cho các cháu về nhà không cho đi học.
Sau 2 tuần, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè đã cùng với cấp ủy, chính quyền xã, giáo viên các trường học kiên trì tới từng nhà tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục đưa con em mình tới trường.
Đến nay, số học sinh đến trường đã đạt trên 94% rồi”, ông Sơn cho biết.
Học sinh lớp ghép ở bản Pá Thắng, nhà trường đã thuyết phục nhưng rất khó các em trở lại trường vì bị cắt chế độ đột ngột. Ảnh: TP
Nói về việc hiện tượng các em học sinh quay lại điểm bản để học thay vì ra trung tâm học, ông Sơn cho biết hiện chỉ còn 2 điểm bản ở cấp Tiểu học còn cấp Trung học cơ sở học sinh đã đi học đầy đủ.
Để thuyết phục được các gia đình cho con em ra lớp, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, các thầy cô giáo phải kiên trì vận động:
“Trước mắt các trường trên địa bàn đang sử dụng tiếp tục sử dụng những thực phẩm còn dư từ năm học trước để tiếp tục hỗ trợ cho các em học sinh.
Hiện các gia đình cũng đã dần hiểu các chính sách của nhà nước”.
Nói về việc đóng góp của học sinh, ông Sơn cũng cho biết: “Về cơ bản các em đều không phải đóng góp gì nhiều tuy nhiên, chế độ sẽ giảm dần theo thời gian.
Ví dụ như các em học sinh người La Hủ trước đây hưởng theo chế độ 57 (Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 05 năm 2017 – phóng viên) thì mức độ hưởng đãi ngộ của các em tương đối là cao.
Tuy nhiên, hiện nay, dân tộc La Hủ đã có quyết định ra khỏi mức độ dân tộc còn dưới 10.000 người nên chế độ 57 bị cắt, hiện các em hưởng theo chế độ 116 (Nghị định Số: 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2016).
Chế độ 116 tuy thấp hơn 1 chút nhưng vẫn có cái vướng là quy định số km đối với từng bậc học. Học sinh ở xa quá mới được hưởng chế độ, các cháu ở trung tâm xã thì bị cắt. Do vậy có nhiều gia đình còn có băn khoăn.
Chế độ bị cắt đột ngột khiến nhiều gia đình không cho con em đến trường trung tâm để học. Ảnh minh họa: Giờ ăn ở trường Phổ thông bán trú Tiểu học Thu Lũm, ảnh phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Lỳ Xừ Po – Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm cho biết, năm học 2021 – 2022, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm đón 273 học sinh.
Nhà trường có 1 điểm trường trung tâm với 10 lớp học và 4 lớp ở các điểm bản. Trong đó, có 144 học sinh về ăn, ở bán trú tại trường.
Vừa qua, cũng có một số học sinh bị cắt chế độ đột ngột nên có hiện tượng bỏ về. Sau khi có những quyết định điều chỉnh của cấp trên, giáo viên, nhà trường kết hợp với các đoàn thể đến thuyết phục gia đình thì học sinh cũng đã quay lại trường trung tâm đi học.
Cũng theo thầy Po thông tin, hiện chỉ còn 1 điểm bản Pá Thắng có học sinh lớp 1, 2, 3 vẫn ở bản chưa huy động được về trung tâm.
Nói về học sinh ở điểm bản này, thầy Po cho biết, điểm bản này cơ sở vật chất không đảm bảo, hiện phải học ở nhà học tạm và lớp học đi muộn.
Thầy Po cũng thẳng thắn chia sẻ: “Ở điểm bản này năm nay không có chế độ nên chắc không về được. Nhà trường cũng đi vận động nhiều lần rồi nhưng phụ huynh không đồng tình về điểm trung tâm. Điểm này cách trung tâm gần 9km. Bản này thì không được chế độ gì”.
Kể về việc vận động học sinh, thầy Po cho biết, về cơ bản thì các phụ huynh học sinh cũng hiểu chính sách của nhà nước nhưng vì điều kiện gia đình họ không thể đưa con về trung tâm để nuôi ăn được. Hiện nhà trường mới chỉ huy động được lớp 4 lớp 5 của bản này.
“Mỗi tháng thì ở bản Pá Thắng mỗi học sinh phải đóng góp 150.000 tiền ăn và sự hỗ trợ của nhóm tình nguyện 150.000 nữa. Học sinh trường trung tâm còn lại vẫn được hưởng những chế độ”.
Nói về học sinh bị cắt chế độ, ông Tống Thanh Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: Thực hiện Quyết định số 861, năm học 2021 – 2022, số trẻ Mầm non trên địa bàn huyện không còn chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND là 718 em; số học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở không còn chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ/CP là 359 học sinh; số học sinh Trung học cơ sở không còn chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND là 37 em.
Hàng ngàn học sinh Gia Lai có nguy cơ bỏ học
Từ năm học 2021-2022, nhiều xã tại tỉnh Gia Lai đã không còn là vùng đặc biệt khó khăn, những học sinh tại các địa phương này không còn được nhận các khoản hỗ trợ và đang có nguy cơ bỏ học
Ngành giáo dục tỉnh Gia Lai và Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đang phối hợp rà soát lại số đối tượng bị ảnh hưởng sau khi đã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn để có những phương án hỗ trợ cụ thể.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Krong hỗ trợ cho các em học sinh
Khó có thể cho con theo học tiếp
Từ những năm trước, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nghị định để hỗ trợ học sinh và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ ăn ở, sinh hoạt và học tập trung tại các ngôi trường bán trú. Thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm học 2021-2022, các địa phương không còn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn thì học sinh sẽ bị cắt những chế độ trên.
Từ năm học 2021-2022, hàng ngàn học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị cắt giảm các chế độ dành cho học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn
Những năm học trước, cứ sáng thứ hai là Đinh Hợi (lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Krong, huyện Kbang) lại được người thân chở đến trường cách nhà 10 km để học và cuối tuần thì tới đón về. Nhưng năm học này, Hợi bị cắt các chế độ. Những bữa cơm của Hợi tại trường bây giờ đều là do các bạn được hưởng chế độ san sẻ và công sức các thầy cô đi vận động.
Theo nhiều phụ huynh, đời sống của người dân địa phương còn rất khó khăn, nương rẫy xa nhà nên không thể sáng chở con đi, trưa chở về được. Do đó, nếu không thể để con tại trường theo học thì đành phải cho con nghỉ học, theo cha mẹ đi làm rẫy.
Ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đang lo lắng trước nguy cơ bỏ học của hàng ngàn học sinh, đặc biệt đối với những học sinh nội trú, bán trú khi các chế độ trợ cấp không còn nữa.
Thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Krong tới tận nhà để vận động học sinh ra lớp
Tìm cách gỡ khó
Xã Đắk Smar, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nên từ năm học 2021-2022, học sinh tại nhiều làng của xã này không còn được nhận hỗ trợ theo chế độ bán trú và các hỗ trợ khác. Theo ông Nguyễn Thế Anh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đăk Smar, những năm học trước, ở xã Đắk Smar, từ nguồn tiền hỗ trợ của Nghị định 116, hằng tháng mỗi em được hưởng 596.000 đồng tiền ăn, 15 kg gạo cùng các khoản hỗ trợ khác.
Nhà trường đã vận động giáo viên trồng thêm rau, nuôi heo và kêu gọi từ các tổ chức khác để gần 200 học sinh ở nội trú. Đến năm học này, có 176 em học sinh đã bị cắt chế độ bán trú. Thương các em đi lại xa, khó khăn và lo lắng học sinh vì điều này có thể bỏ học, nhà trường đã vận động để những học sinh bị cắt chế độ có thể ăn trưa ở trường 3 buổi/tuần. Những ngày khác thì các em phải về nhà ăn.
"Chúng tôi tìm mọi cách, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để các em lên lớp. Nhiều học sinh tiểu học được cha mẹ chở tới trường rồi đi làm nương rẫy đến tối. Các em học sinh không thể đi bộ 5-6 km về nhà rồi lại đi bộ tới trường học buổi chiều được. Về lâu dài, chúng tôi sẽ kêu gọi xã hội hóa để tạo điều kiện cho các em học tập, không thể để các em bỏ học được" - thầy Anh bày tỏ.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Kbang, năm học 2021-2022, toàn huyện có 558 học sinh bị ảnh hưởng, trong đó học sinh vùng III bị ảnh hưởng là 314 em, học sinh vùng II bị ảnh hưởng là 244 em. Ngoài ra, 169 giáo viên từ vùng II lên vùng III bị ảnh hưởng, trong đó 29 giáo viên là người dân tộc thiểu số.
Ông Phan Danh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Krong (huyện Kbang), cho biết năm học này nhà trường có 56 học sinh bị cắt chế độ. Để các em đến lớp đều đặn, nhà trường đã phải vận động gia đình, động viên học sinh nên chưa có em nào nghỉ học.
Cần cơ chế đặc thù
Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết học sinh không tiếp tục được hưởng các chế độ đã ảnh hưởng lớn đến việc huy động học sinh ra lớp của các trường, điều kiện ăn ở, học tập của học sinh. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và sự phát triển của địa phương.
Cũng theo ông Định, Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét trình HĐND tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho các học sinh bị ảnh hưởng khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cần kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương có chế độ chính sách đặc thù đối với các học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số mới được đưa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, cần có thời gian để người dân nơi đây ổn định đời sống, như vậy học sinh mới tiếp tục an tâm học tập.
Quảng Nam, Đà Nẵng kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Khuyến học Trong 30 năm qua, Hội Khuyến học ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã trao học bổng đến hàng vạn học sinh, sinh viên khó khăn và học giỏi. Sáng 26/10, Hội Khuyến học TP Đà Nẵng tổ chức tọa đàm "Phong trào học tập suốt đời trong trạng thái bình thường mới" nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập...