Không còn cảm nhận tình yêu của bạn trai
Tôi và bạn trai yêu nhau hơn 6 năm, đang trong giai đoạn tiến đến hôn nhân. Tình trạng hiện tại có nhiều điều tôi phải suy nghĩ lại mối quan hệ này.
Yêu lâu, tôi không còn cảm nhận được tình yêu và sự kiên nhẫn nơi anh. Anh nóng tính, tôi góp ý về cách quan tâm, cách xây dựng tình cảm mà luôn nhận được câu trả lời: “Con người anh là vậy, nếu muốn thì tiếp tục, không thì chia tay”. Những khi tôi làm gì chưa vừa ý, anh quát nạt, mặc kệ mọi thứ diễn ra xung quanh. Chỉ khi hết giận anh mới trở về trạng thái bình thường.
Tình yêu đã vượt qua nhiều bước ngoặt, cùng vui buồn, tôi vẫn mong anh có thể vì những điều đó mà giảm bớt cái tôi, thấu hiểu và quan tâm tôi hơn. Dường như, thời gian yêu càng lâu, số lần giận hờn và chia tay càng tăng, anh càng không trân trọng tôi hơn? Xin nói thêm, nếu cưới nhau, tôi sẽ từ bỏ công việc tại Hà Nội để theo anh về quê và làm dâu, anh là con một. Chấp nhận, im lặng để đi đến hôn nhân, tôi có nên làm vậy không?
Tôi không biết nên quyết định ra sao. Yêu càng lâu, càng sâu, tôi lại tiếc quá trình đã trải qua cùng nhau. Xin chuyên gia và mọi người cho lời khuyên.
Ánh
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Chào bạn Ánh!
Với rất nhiều người, hôn nhân luôn là một cột mốc quan trọng, đem lại nhiều kỳ vọng về một cuộc sống mới hạnh phúc bên người mình yêu thương. Điều này có lẽ cũng không ngoại lệ với bạn, một người con gái đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân. Chính vì tầm quan trọng này nên việc cần thời gian để bạn cân đo đong đếm, suy nghĩ kỹ về mối quan hệ hiện giờ là điều cần thiết.
Video đang HOT
Qua những gì bạn chia sẻ, dường như những mâu thuẫn giữa bạn và người yêu đã xuất hiện từ trước, giờ đây khi đối mặt với quyết định hôn nhân, những điều đó trở thành khúc mắc lớn ở bạn, khiến bạn thận trọng hơn rất nhiều: lo lắng, lưỡng lự, không chắc chắn đều là những cảm giác cần được tháo gỡ trước khi hai bạn tiến tới xây dựng gia đình chung. Hôn nhân chỉ nên được thực hiện khi cả hai đều an tâm với lựa chọn của mình.
6 năm có thể là khoảng thời gian dài cho một mối quan hệ lãng mạn, nhưng sẽ là rất ngắn nếu so với hạnh phúc của cả đời người. Trong thư, tôi nhận được rất nhiều thông tin về người bạn trai, nhưng hiếm thấy bạn nói về điều quan trọng nhất giúp bạn giải quyết vấn đề, đó là cảm xúc, mong muốn, hay định hướng cá nhân của chính bạn. Việc bạn quyết định có tiến đến hôn nhân với người yêu hay không sẽ hoàn toàn dựa vào nhu cầu lớn nhất của bản thân ở thời điểm hiện tại, bạn sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó.
Với những tâm sự của bạn, dường như bạn đã biết rõ về điều mình mong muốn, nhưng còn một số trở ngại đến từ bên trong bạn, tạo nên sự trì hoãn bấy lâu nay. Yếu tố này, theo như bạn chia sẻ, là cảm giác tiếc nuối khi phải kết thúc một mối quan hệ đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài.
6 năm yêu nhau chắc chắn đã để lại trong bạn nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều cảm xúc khó quên, tiếc nuối là điều hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu. Sự tiếc nuối của bạn còn có thể liên quan đến cảm giác quen thuộc mà mối quan hệ đem lại. Đó là sự quen thuộc khi có người yêu bên cạnh, quen với việc mình đang trong một mối quan hệ lâu dài, quen với việc mọi người xung quanh nhìn hai bạn là một đôi, quen với việc đi lại chào hỏi hai bên gia đình,… Những tiếc nuối của bạn, có chăng chính là tiếc nuối cho những thói quen đã xây dựng trong khoảng thời gian quá lâu.
Việc bỏ đi một thói quen tồn tại đã lâu chưa bao giờ dễ dàng, vì bấy lâu nay thói quen này đem lại cho bạn cảm giác ổn định. Đối lập với sự ổn định này chính là những băn khoăn, sợ rằng sau này bản thân sẽ khó có thể tìm được cho mình “thói quen mới” với người mới, sợ phải bắt đầu lại từ đầu. Sự lo ngại của bạn có thể được củng cố thêm với nỗi sợ rằng khi bạn bước vào mối quan hệ mới, bạn cũng nhận được sự đối xử giống như hiện tại, khó có được hạnh phúc như mong muốn. Với nhiều người, việc tìm ra một người có thể đem lại hạnh phúc cho mình là ước muốn cả đời. Tuy nhiên, trước khi tìm ra một người ngoài kia có thể làm được điều đó, chúng ta cần tập trung vào chính mình và khả năng tự làm đem lại hạnh phúc.
Một cuộc hôn nhân lý tưởng là khi ở đó mỗi người hoàn toàn có khả năng sống hạnh phúc một cách độc lập và quyết định nhân lên nhiều lần niềm hạnh phúc đó bằng việc ở cạnh một người có khả năng làm điều đó giống mình. Vì vậy, việc hiểu về cảm xúc, mong muốn và xu hướng của bản thân một cách toàn diện sẽ giúp bạn biết được mình cần làm gì ở thời điểm hiện tại. Với quan điểm chuyên môn của tôi, thay vì tiếp tục tập trung vào bạn trai và cảm giác tiếc nuối, bạn hãy dành không gian, thời gian riêng nhiều hơn cho bản thân để tập trung vào chính mình.
Với những băn khoăn đang mang trong mình của bạn: Để giúp bạn có cái nhìn rành mạch, tránh bị rối khi suy nghĩ, tôi khuyến khích bạn kẻ ra giấy hai cột, mỗi cột tương ứng với hai trường hợp dưới đây, nội dung đều miêu tả chính bạn trong từng trường hợp, với đầy đủ các chi tiết về: cảm xúc, mong muốn, dự định, hành động có thể xảy ra, kết luận xem đâu là phương án bạn cảm thấy sẵn sàng để bước theo, với đầy đủ kế hoạch để ứng phó.
Một: Nếu bạn quyết định cưới: Lựa chọn này sẽ đem lại và lấy đi của bạn điều gì? Nó đáp ứng được đến đâu so với mong muốn bạn đang hướng đến? Lúc đó bạn sẽ cảm thấy thế nào về quyết định này? Bạn đang có nhiều lo lắng về người chồng hiện tại, vậy bạn sẽ có những kế hoạch gì để giải quyết những lo lắng đó? Để thực hiện được kế hoạch này, bạn sẽ cần chuẩn bị điều gì, cần trợ giúp của những ai? Bạn tự tin với bản thân rằng mình sẽ thành công được bao nhiêu %?
Hai: Nếu bạn quyết định rời bỏ mối quan hệ hiện tại: Lựa chọn này sẽ đem lại và lấy đi của bạn điều gì? Nó có phù hợp với nhu cầu lớn nhất hiện tại của bạn không? Bạn sẽ cảm thấy như thế nào?
Ngoài việc tiếc nuối, bạn còn cảm thấy điều gì khác? Bạn có thể làm gì cho bản thân để tự hỗ trợ cho mình khi những cảm xúc tiêu cực xuất hiện? Kế hoạch nào là hiệu quả để bạn thích nghi dần trở lại với cuộc sống độc thân và bắt đầu những hành trình mới? Chắc bạn cũng đồng ý với tôi rằng: Bất cứ điều gì cũng có hai mặt, hiếm có một lựa chọn nào hoàn hảo 100%. Việc lựa chọn điều gì sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc lựa chọn nào sẽ đáp ứng được nhu cầu và phù hợp với cảm xúc của bạn ở thời điểm hiện tại. Cùng lúc đó, bản thân bạn có tiềm lực gì để ứng phó, thích nghi với những điều sắp xảy đến.
Mong rằng sau khi đọc bức thư này của tôi, bạn sẽ dành cho mình đủ thời gian riêng để suy nghĩ về những điều có thể làm trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù lựa chọn của bạn là gì. Chúc bạn luôn tỉnh táo để yêu thương và trân trọng chính mình.
Theo vnexpress.net
"Khi mẹ già đi, xin con hãy... kiên nhẫn với mẹ một chút!"
"Về già, mẹ chẳng mong gì hơn, chỉ mong con hãy kiên nhẫn nói chuyện và ở bên mẹ lâu hơn một chút".
"Khi mẹ già đi, xin con hãy... kiên nhẫn với mẹ một chút!"
"Con à, ai rồi cũng sẽ già đi, không chỉ nhan sắc mà trí tuệ cũng sẽ bị mài mòn theo năm tháng. Tuổi cao, mẹ sẽ thường nói nhảm, xin con đừng vì vậy mà ghét bỏ mẹ. Tuổi cao, chân tay mẹ thường run rẩy, tác phong cũng trở nên chậm chạp, khó tránh khỏi việc làm rơi vỡ đồ, xin con đừng vì vậy mà ghét bỏ mẹ. Tuổi cao, trí nhớ mẹ ngày một kém, lúc nhớ lúc quên, có những chuyện khó lòng hiểu được, xin con đừng vì vậy mà ghét bỏ mẹ.
Ngày nhỏ, khi con còn tập nói, mẹ vẫn luôn kiên nhẫn với con từng từ. Ngày nhỏ, khi con tập đi, mẹ đã từng kiên nhẫn dìu dắt con từng bước. Ngày nhỏ, những lúc con làm rớt cơm lên áo, hỏi mẹ những điều ngây ngô, mẹ vẫn luôn kiên nhẫn ở bên bảo vệ và dạy dỗ con. Về già, mẹ chẳng mong gì hơn, chỉ mong con hãy kiên nhẫn nói chuyện và ở bên mẹ lâu hơn một chút".
Thực tế đáng buồn: Con cái ngày càng thiếu kiên nhẫn với cha mẹ
Khi cha mẹ già đi, dường như mọi lời nói của con cái đều có sức nặng vô cùng. Nếu con cái cứ lặp lại những câu đại loại như mẹ yếu rồi, ba yếu rồi, thôi ba vào nhà đừng làm nữa... sẽ khiến cha mẹ cảm thấy mình là người vô dụng, chỉ làm vướng chân các con. Và lúc này thì thật nguy hiểm, bởi cha mẹ sẽ chỉ nghĩ tới cái chết.
Ảnh minh họa
Già đi là một hành trình, con cái chúng ta phải làm cùng với cha mẹ mình. Hãy kiên nhẫn với cha mẹ một chút, cùng khuyến khích cha mẹ học hỏi những điều mới lạ và cấp tiến trong nhịp sống ngày càng hiện đại. Hãy để cha mẹ hiểu, già đi là bình thường và là một niềm hạnh phúc, vì còn có con cái ở bên.
Theo Xuân Quỳnh/Khỏe & Đẹp
Câu chuyện vợ đột nhiên bị hắt hủi 1 cách kì lạ và "phép toán" thách đố sự thông minh của phụ nữ: Duy trì hôn nhân hay ly hôn sẽ "lãi" hơn? Sự thật là đấu tranh để duy trì 1 cuộc hôn nhân sẽ ít tốn kém hơn việc cố sống thoải mái sau một cuộc ly hôn. Vợ tôi thay đổi thật rồi. Cô ấy càng ngày càng làm tôi chán nản. Cô ấy hay quên, làm gì cũng sai cái này, sót cái kia. Cô ấy lại còn nóng giận, tính khí...