Không có vùng cấm khi kiểm tra, giám sát tài sản lãnh đạo cao cấp
Trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội xung quanh quy định kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, đại biểu Lê Thị Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho biết, thực hiện công việc này không có vùng cấm, chỉ cần có một căn cứ là tiến hành kiểm tra.
Về vụ biệt thự ở “khu đất vàng” của các lãnh đạo tỉnh Lào Cai được báo phản ánh, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã nắm tình hình đến đâu rồi thưa bà?
- Các công việc của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư luôn được bàn tập thể, vì vậy khi nào các đồng chí được giao nhiệm vụ nắm tình hình về báo cáo mới có thông tin. Còn từ hôm khai mạc và họp Quốc hội đến nay, Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư chưa họp.
Đại biểu Lê Thị Thủy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Khi cán bộ đi nắm tình hình thì có báo cáo luôn không thưa bà?
- Theo quy định, khi nắm tình hình xong, các đồng chí, tổ công tác được phân công nắm tình hình sẽ báo cáo thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư trong kỳ họp gần nhất.
Thời gian tới Ủy ban Kiểm tra T.Ư xây dựng kế hoạch thế nào để tiến hành kiểm tra việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý?
- Mọi việc đều do Thường trực của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, nhưng đến giờ phút này, quy định mới của Bộ Chính trị ra ngày 23.5 và thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư chưa họp nên chưa có thông tin gì về việc đã bàn về việc này.
Về việc kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ trong diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có ý kiến lo ngại sẽ có vùng cấm, không kiểm tra đến cán bộ đang đương chức không thưa bà?
- Quy định này là của Bộ Chính trị nên sẽ được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Đối tượng nằm trong quy định này sẽ không có vùng cấm.
Ngoài cán bộ đương chức, đối với cán bộ đã nghỉ hưu có dấu hiệu sai phạm về kê khai tài sản thì vẫn có thể kiểm tra?
- Trong quy định đã nói rõ toàn bộ cán bộ là đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà khi có 3 căn cứ đã nêu thì sẽ phải kiểm tra.
Thứ nhất, đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì giao cho Ủy ban Kiểm tra T.Ư làm.
Thứ hai, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực.
Video đang HOT
Thứ ba, khi có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.
Như vậy cần cả 3 căn cứ mới tiến hành kiểm tra, xác minh hay chỉ cần 1 căn cứ thôi đã tiến hành?
- Tức là trong 3 căn cứ trên, chỉ cần một cái có căn cứ là tiến hành kiểm tra. Ví dụ, khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ tiến hành kiểm tra hoặc khi có phản ánh, tố cáo có căn cứ về việc cán bộ nào đó kê khai tài sản không trung thực, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra. Trường hợp nữa là khi cán bộ nào đó có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước về việc kê khai tài sản không trung thực cũng bị tiến hành kiểm tra, xác minh, không cần đủ cả 3 căn cứ.
Việc kiểm tra tài sản của cán bộ cấp cao là công việc khó, làm sao để việc kiểm tra, giám sát để quy định được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả?
- Việc này là việc của các cơ quan mà trực tiếp là Ủy ban Kiểm tra T.Ư được giao nhiệm vụ. Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ căn cứ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm, theo quy định thì không có vùng cấm, đồng nghĩa với việc không có né tránh.
Xin cảm ơn bà!
Bộ Chính trị vừa ban hành quy định kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nội dung kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản gồm việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Việc giải trình về biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm cũng sẽ nằm trong nội dung kiểm tra, giám sát. Đối với việc kiểm tra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư được quyền yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình về việc kê khai tài sản, biến động tài sản và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản, thu nhập của cán bộ được kiểm tra. Xác minh, kết luận về sự trung thực, đầy đủ, rõ ràng, kịp thời của việc kê khai tài sản và biến động tài sản phải kê khai; tính xác thực, hợp pháp về nguồn gốc của tài sản tăng thêm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng sẽ xử lý, hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ theo quy định. Đối với việc giám sát, ngoài Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt cũng sẽ tham gia giám sát, trong đó có quyền yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình về việc kê khai tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm. Đối tượng kiểm tra, giám sát có trách nhiệm giải trình, cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc kê khai tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm. Quy định cũng nêu các vi phạm về kê khai tài sản gồm không kê khai, kê khai không trung thực, không đúng quy định; không giải trình, giải trình không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời. Việc xử lý vi phạm trong việc kê khai tài sản được thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Theo Danviet
Bộ Chính trị quy định kiểm tra tài sản khoảng 1.000 cán bộ lãnh đạo
Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện này.
Trao đổi với báo chí, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Lê Thị Thủy cho biết, quy định này được Bộ Chính trị ban hành ngày 23.5 vừa qua.
Với các đối tượng khác, giao cho tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ vào quy định này để quy định với đối tượng thuộc diện cấp ủy mình quản lý bảo đảm việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản hiệu quả.
3 trường hợp kiểm tra, giám sát
Bà Lê Thị Thủy cho biết:
Kê khai tài sản là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng được đánh giá chưa hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đã kiểm tra, giám sát nhưng chưa đầy đủ, chưa thành hệ thống bài bản.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Lê Thị Thủy. Ảnh: Hoàng Anh
Trong quy định của Bộ Chính trị đã quy định rõ, chủ thể kiểm tra đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UB Kiểm tra T.Ư. Còn chủ thể giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra T.Ư và các chi bộ mà các cán bộ đó đang sinh hoạt.
Ở cấp dưới cũng có quy định tương tự như vậy.
Vậy khi nào sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát?
- Thứ nhất, từ nay trở đi sẽ có lộ trình kế hoạch xem việc kiểm tra, giám sát như nào. Khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ này vì lý do nào đó thì UB Kiểm tra T.Ư sẽ tiến hành làm.
Đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì giao cho UB Kiểm tra T.Ư làm.
Thứ hai, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực.
Thứ ba, khi có dấu hiệu vi pham quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.
Nếu thuộc trong 3 trường hợp ấy sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát.
Việc kiểm tra kê khai tài sản khi bổ nhiệm sẽ như thế nào?
- Quy trình kiểm tra khi bổ nhiệm đã có từ lâu, tất cả các khâu đã được cơ quan tổ chức làm. Trong bảng báo cáo luôn có dòng kê khai tài sản trung thực đầy đủ. Nay vẫn tiếp tục quy trình làm bình thường, không phải vì có quy định này mà việc đó thay đổi đi.
Quy định này chỉ điều chỉnh khi có 3 yếu tố như đã nói ở trên. Chẳng hạn, nếu báo chí phản ánh thì thuộc trường hợp là khi có phản ánh, kiến nghị, đơn thư tố cáo.
Công khai kết quả
Vậy có bao nhiêu đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý chịu sự điều chỉnh của văn bản này?
- Hiện nay con số chính xác thì ở Ban Tổ chức T.Ư, nhưng cũng có khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện quản lý.
Về đối tượng khi làm quy trình để bước vào diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì cơ quan làm tổ chức cán bộ sẽ làm việc này.
Ví dụ mỗi lần bầu Chủ tịch QH khóa mới thì trên bàn của các đại biểu đều có bản kê khai tài sản của người được bầu để đại biểu xem xét. Nếu thấy có vấn đề gì, biểu hiện kê khai không đầy đủ, trung thực thì lập tức sẽ có đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xác minh.
Sau kiểm tra phát hiện có việc kê khai tài sản không trung thực thì việc xử lý như thế nào?
- Toàn bộ việc kê khai tài sản không trung thực được xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước và trong văn bản 181 (Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Ban Chấp hành T.Ư) đang sửa có điều khoản quy định nếu kê khai tài sản không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời sẽ xử lý theo điểm nào, khoản nào.
Còn quy định của Nhà nước, tới đây sửa luật phòng chống tham nhũng cũng sẽ nói rõ, đồng thời Chính phủ sẽ sửa nghị định về kỷ luật cán bộ liên quan đến việc này.
Sau khi làm xong, UB Kiểm tra T.Ư sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ đến các cơ quan báo chí và nhân dân.
Diện kê khai rất rộng, vậy hàng năm khi xây dựng kế hoạch ta có đặt ra chỉ tiêu như kiểm tra bao nhiêu phần trăm không?
- Sau khi có quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì lập tức UB Kiểm tra T.Ư sẽ có văn bản hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch, việc thực hiện yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, việc xử lý đơn thư kiến nghị phản ánh như thế nào...
Sẽ có một hướng dẫn cụ thể, trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch để tiến hành kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc và như nào.
Việc bao nhiêu cuộc trong 1 năm không phải vấn đề quan trọng. Vấn đề là ta thấy được rằng có các trường hợp dấu hiệu vi phạm, trường hợp có đơn thư phản ánh việc kê khai không trung thực thì được kiểm tra xem xét ngay, kịp thời.
Quy định là giao cho cấp tỉnh kiểm tra các đối tượng thuộc diện mình quản lý, nhưng lâu nay việc phát hiện trong nội bộ yếu. Vậy UB Kiểm tra T.Ư có giám sát ngược lại không?
- Sau khi có quy định của Bộ Chính trị, các tỉnh sẽ có quy định giao nhiệm vụ cho UB Kiểm tra các tỉnh làm nhiệm vụ này. UB Kiểm tra T.Ư hàng năm vẫn kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đối với cấp ủy, ban thường vụ và ủy ban cấp dưới.
Trả lời câu hỏi UB Kiểm tra T.Ư có vào cuộc kiểm tra thông tin báo chí đăng tải về phố biệt thự của quan chức Lào Cai gần đây không, bà Lê Thị Thủy cho biết, khi có thông tin, dư luận phản ánh thì phải làm, vấn đề là đối tượng thuộc diện ai quản lý. "Khi đã xác định xong, nếu đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì chắc chắn UB Kiểm tra TƯ sẽ vào cuộc. Còn thuộc diện Ban thường vụ quản lý thì Ban thường vụ sẽ chỉ đạo làm", bà Thủy nói.
Theo Hương Quỳnh (VNN)
Tông vào hông xe container, 2 mẹ con tử vong tại chỗ Chiếc container đang chuyển hướng rẽ phải thì một xe máy lưu thông cùng chiều chạy tới tông thẳng vào bên hông xe. Cú đâm mạnh khiến hai mẹ con đi trên xe máy tử vong tại chỗ. Vụ tại nạn xảy ra vào khoảng 12h30 ngày 5/4 tại ngã tư Lộc An (đoạn giao cắt giữa quốc lộ 51 và đường tỉnh...