Không có việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Long – Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Long Biên, Hà Nội với phóng viên chiều 21/7.
Việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề là hoàn toàn không xảy ra
Theo ông Nguyễn Quốc Long, thông tin thất thiệt đầu tiên xuất hiện trên mạng Internet từ trung tuần tháng 7. Ngay sau khi nắm bắt thông tin, lãnh đạo quận Long Biên đã chỉ đạo phòng chức năng quận phối hợp với cơ quan hữu trách, chùa Bồ Đề kiểm tra, xác minh.
Theo báo cáo của sư thầy trụ trì, tính đến ngày 16/7/2014, nhà chùa đang nuôi dưỡng 145 trường hợp gồm trẻ em, người già không nơi nương tựa, người tàn tật, trong đó có nhiều trẻ em bị tàn tật, khuyết tật nặng, bị cha mẹ bỏ rơi. Việc nhận chăm nom, nuôi dưỡng trẻ nói riêng đều xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện của nhà chùa. Đại diện CAQ Long Biên cho biết, CAQ và phường Bồ Đề thường xuyên kiểm tra, quản lý biến động về nhân khẩu tại chùa; hướng dẫn nhà chùa thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng, và thời gian qua chưa phát hiện hiện tượng mua bán trẻ em.
Ngày 17/7, phòng chức năng quận Long Biên, đại diện UBND phường Bồ Đề phối hợp cùng phòng nghiệp vụ CATP Hà Nội đã làm việc với sư trụ trì chùa Bồ Đề. Trên cơ sở tường trình của những người liên quan, xác minh mọi thông tin và kiểm tra các hồ sơ, tài liệu, con người, đoàn liên ngành kết luận không có việc mua bán và xao nhãng chăm nom trẻ em tại chùa Bồ Đề như thông tin nêu trên mạng Internet.
Đoàn liên ngành đánh giá chùa Bồ Đề đã phối hợp với chính quyền cơ sở làm tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu tại chùa; kịp thời báo cáo chính quyền địa phương khi có sự thay đổi các đối tượng lưu trú. Đoàn liên ngành cũng đã đề nghị, hướng dẫn sư trụ trì liên hệ với các cơ quan chức năng của quận, thành phố để được hướng dẫn, giúp đỡ, giải quyết việc chăm sóc, nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi tại chùa theo đúng quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Theo Xahoi
Thực hư chùa Bồ Đề thành "kênh trung gian" mua bán trẻ mồ côi
Chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội)- nơi từng được mệnh danh là "thiên đường" của những "mầm sống bị bỏ rơi" đang chao đảo trước nghi vấn của dư luận:kênh trung gian mua bán trẻ mồ côi.
Có nguồn tin cho biết, mỗi đứa trẻ được đưa vào chùa Bồ Đề, người môi giới sẽ nhận được 5-7 triệu đồng tiền "lại quả" (?) Cũng có thông tin rỉ tai, nếu đứa trẻ này được nhận làm con nuôi, nhà chùa sẽ được "cung tiến" vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ cha mẹ nuôi chúng (?!). Vậy đâu là sự thật của nghi vấn này? Và trên thực tế, còn bao nhiêu cơ sở hoạt động núp dưới dạng trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi... kiếm tiền phi pháp?
Nhà chùa khẳng định không có chuyện mua bán trẻ em như tin đồn
Chỉ cách trung tâm Thủ đô một con sông, cũng chẳng khác là bao so với vô vàn ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội, thế nhưng Bồ Đề lại vô cùng đặc biệt và nổi tiếng. Bởi nơi đó không chỉ văng vẳng tiếng chuông chùa, tụng kinh gõ mõ, mà còn có tiếng khóc, tiếng nói bi bô của hàng trăm trẻ thơ - những sinh linh bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn... trôi dạt tứ xứ được đưa về chùa chăm sóc, nuôi dưỡng. Thú thực, khi nghe những thông tin nghi vấn chùa Bồ Đề quanh chuyện nuôi trẻ mồ côi có vấn đề, tôi đã không thể kìm nén được cảm xúc và cố gắng tìm hiểu thực hư vấn đề này.
Có nguồn tin cho biết, mỗi đứa trẻ được đưa vào chùa Bồ Đề, người môi giới sẽ nhận được 5-7 triệu đồng tiền "lại quả". Cũng có thông tin nói rằng, nếu đứa trẻ này được nhận làm con nuôi, nhà chùa sẽ được "cung tiến" vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ cha mẹ nuôi chúng(?!). Để làm rõ những nghi vấn trên, PV đã trao đổi với sư thầy Thích Đàm Lan - sư trụ trì ngôi chùa nổi tiếng này.
Sư thầy chia sẻ, thời gian vừa rồi nhà chùa quá bận rộn với những khóa tu tập và cuộc sống của các cháu nên không để ý tới những thông tin trên báo. "Khi các phật tử khắp nơi lo lắng gọi về chùa, nhà chùa mới nắm được thông tin. Dù rất buồn lòng, nhưng nhà chùa xuất gia nên rất tin vào luật nhân quả, nhà chùa không làm gì sai trái nên hoàn toàn thanh thản và coi như cái nghiệp nên nhà chùa không muốn đôi co ồn ào", sư thầy Đàm Lan cho biết.
Trước thông tin nghi ngờ khi đứa trẻ được nhận làm con nuôi, nhà chùa sẽ được "cung tiến" vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ cha mẹ nuôi chúng, sư thầy Đàm Lan khẳng định: "Từ trước tới nay, nhà chùa chưa từng cho người ngoài nhận xin con nuôi. Dù có đưa bao nhiều tiền thì chúng tôi cũng sẽ không đồng ý". Sư thầy cũng chia sẻ: "Cha mẹ đã bỏ các con một lần nên tôi không nỡ bỏ các cháu thêm lần nữa. Rồi khi cha mẹ chúng tới đón thì biết nói ra sao?".
Theo thông tin sư thầy Đàm Lan cung cấp, từ khi nuôi các bé đến nay (từ năm 1989), chỉ có một lần duy nhất nhà chùa đồng ý cho một gia đình ra phường làm thủ tục pháp lý nhận con nuôi theo đúng quy định của pháp luật. "Tuy nói là trẻ bị bỏ rơi nhưng nhà chùa đều biết nguồn gốc của các bé. Có nhiều người mẹ từng lầm lỡ sau này đã đến xin lại con mình", sư thầy cho hay.
Các cháu bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn... đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề.
Những "mái ấm"... lợi dụng các em để trục lợi cần bị lên án
Trở lại những nghi vấn xảy ra tại chùa Bồ Đề, để làm rõ thông tin liên quan, PV đã liên lạc với nhiều cơ quan chức năng để xác minh. Trao đổi với PV qua điện thoại, một vị thuộc Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội cho biết, do đang đi công tác nên chưa nghe được thông tin nói trên.
Ở một diễn biến khác, cũng trao đổi với PV, một sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (đề nghị giấu tên) cho biết, ông và nhiều người trong Giáo hội Phật giáo đã nghe được thông tin về sự việc trên, tuy nhiên cũng chưa xác minh được thực hư. Theo lời vị này, việc nhà chùa cưu mang những trẻ em bất hạnh là đáng ghi nhận, tuy nhiên việc để lại những băn khoăn trong dư luận là điều không nên. Cơ quan chức năng cần sớm làm rõ những nghi vấn để đảm bảo linh thiêng chốn cửa Phật.
Nhân vấn đề này, chúng tôi muốn đề cập đến một hiện tượng đã từng xảy ra nếu không có sự giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền. Đấy là sự kiện tai tiếng xảy ra ở tỉnh Nam Định hồi cuối năm 2008. Hàng chục cán bộ lãnh đạo các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm y tế... đã lợi dụng nghề nghiệp của mình, thành lập đường dây đẻ thuê rồi bỏ rơi. Trong đó, trung tâm huyện ý Yên thu gom được 112 trẻ thì có tới 102 cháu được làm hồ sơ giả, 101 cháu được đưa đi nước ngoài trót lọt. Trung tâm huyện Trực Ninh thu gom 242 trẻ, làm giả hồ sơ 164 cháu và đã đưa 222 trẻ ra nước ngoài làm con nuôi. Các đối tượng trên đều thực hiện hành vi nhiều lần và chiếm hưởng từ 5 triệu đến vài chục triệu đồng một cháu.
Những câu chuyện nhãn tiền trên đã phản ánh ma lực của đồng tiền khiến con người ta quên đi những giá trị căn bản nhất của con người, đó là tình thương và đạo lý. Không ai phủ nhận hành vi nhận con nuôi là nghĩa cử cao đẹp, thế nhưng, việc lợi dụng các em để mưu lợi thì đáng bị lên án.
Chính quyền sở tại phủ nhận nghi vấn
Cũng đề cập đến thông tin chùa Bồ Đề "kinh doanh" con nuôi, trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) khẳng định, không có chuyện buôn bán trẻ em, hay kênh trung gian nào cả. Theo ông Quang, từ trước đến nay, chùa Bồ Đề chưa có sai phạm nào.
Ngoài làm việc thiện, sư thầy còn chăm lo cho các cháu. Khi tiếp nhận một bé bị bỏ rơi vào chùa, sư thầy phối hợp với địa phương làm hồ sơ khai sinh, bảo đảm các quyền cho trẻ em như chế độ bảo hiểm, làm thủ tục đăng ký để các bé được đi học... "Các cấp chính quyền đã liên tục tới thị sát và nắm tình hình, kiểm chứng thông tin. Cơ quan công an đã điều tra xác minh nhưng hoàn toàn không có chuyện chùa là "kênh trung gian" mua bán trẻ mồ côi như loạt bài báo mạng đã nêu...", ông Quang nhấn mạnh.
Theo Đời sống & Pháp luật
Nhà chùa nhận trẻ bỏ rơi làm con nuôi là trái luật? Trẻ em bị cha mẹ đẻ "để quên" tại chùa vốn dĩ rất đáng thương nên chuyện nhà chùa, sư trụ trì chùa chăm sóc, nuôi dưỡng các bé cũng là việc làm hết sức nhân đạo. Tuy nhiên, nhà chùa không phải là môi trường gia đình lý tưởng cho trẻ phát triển, các sư thì không thể là cha, là mẹ...