“Không có trường hợp cán bộ nào bổ nhiệm nhanh như ông Nguyễn Văn Cảnh”
Từ vị trí ông chủ một doanh nghiệp tư nhân, chỉ mất hơn 5 tháng, ông Nguyễn Văn Cảnh – vị đại biểu Quốc hội vừa xin “cáo quan”, thôi “chức” đại biểu chuyên trách ở Trung ương có bước thăng tiến thần tốc khiến dư luận xôn xao. Trưởng Ban Tổ chức tỉnh uỷ lý giải, ông Cảnh “được Trung ương ưu ái nên tỉnh cũng tạo điều kiện giúp đỡ cho đi”.
Đặc cách trong tuyển dụng?
Như Dân trí đã đưa tin, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã ban hành Nghị quyết cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương đối với ông Nguyễn Văn Cảnh, dời vị trí uỷ viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội từ 15/2/2017.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh tại một phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội trên cương vị uỷ viên thường trực UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định tiến hành kiểm điểm về những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ tại địa phương, trong đó có việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Cảnh.
Sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, từ tháng 3 – 8/2013, ông Nguyễn Văn Cảnh (40 tuổi, quê ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, Bình Định) có sự thăng tiến “thần tốc” trong quá trình công tác tại Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định.
Cụ thể, ngày 20/3/2013, khi đang là chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Bình Định, ông Cảnh có hồ sơ xin việc gửi đến Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định. Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định có công văn đồng ý tiếp nhận ông Cảnh, phân công làm chuyên viên có nhiệm vụ trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Trưởng đoàn, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này.
Ngày 21/3/2013, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có tờ trình gửi UBND tỉnh Bình Định, Sở Nội vụ về việc xin xét tuyển đặc cách cán bộ công chức có trình độ cao đối với ông Cảnh. Căn cứ tờ trình của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Sở Nội vụ tỉnh, ngày 25/3/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt kết quả tuyển dụng công chức không qua thi tuyển đối với ông Cảnh.
Video đang HOT
Ngày 26/3/2013, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định ra quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch công chức đối với ông Cảnh về công tác tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định từ ngày 1/4/2013.
Đến ngày 17/7/2013, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định có quyết định bổ nhiệm ông Cảnh giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 15/8/2013, ông Cảnh tiếp tục được đề bạt giữ chức Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội – HĐND tỉnh.
Đến ngày 28/11/2014, Ban Công tác đại biểu – Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công văn thông báo đồng ý chủ trương điều ông Cảnh về làm Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Quy trình đảm bảo nhưng… quá nhanh?
Chiều 15/3, trao đổi với các cơ quan báo chí về việc thăng tiến nhanh bất thường của ông Cảnh, ông Trần Kim Hùng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định, cho biết vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp và có kết luận về việc này. Tuy nhiên, thời điểm này, UB Kiểm tra TƯ chưa công bố kết luận.
“Theo lịch, trong tuần tới, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã thông báo sẽ về làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định để công bố kết luận giải quyết tố cáo liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có công tác cán bộ của tỉnh, có nội dung liên quan đến trường hợp bổ nhiệm đồng chí Cảnh”- ông Hùng cho hay.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định Trần Kim Hùng trả lời với báo chí xung quanh vấn đề của ông Nguyễn Văn Cảnh
Ông Hùng cho biết thêm: “Khi đoàn kiểm tra làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đoàn yêu cầu chúng tôi chỉ nêu sự việc, hỏi gì trả lời đó, còn đúng sai, mức độ nào, vi phạm đến đâu, tính chất mức độ vi phạm thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có đánh giá. Sau đó, tập thể và cá nhân có liên quan đến nội dung sai phạm nào thì sau khi có kết luận sẽ kiểm điểm tương ứng”.
Theo ông Hùng, Đoàn kiểm tra yêu cầu đối với những nội dung đang được tiến hành thẩm tra, xác minh thì chưa cung cấp thông tin
“Chỉ còn vài ngày nữa, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ công bố kết luận và chỉ đạo để Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cá nhân liên quan sẽ kiểm điểm trách nhiệm, sai đến đâu xử lý đến đó. Khi có kết quả công khai chúng tôi sẽ cung cấp thông tin nếu báo chí yêu cầu” – ông Hùng nói.
Lý giải thêm về việc thăng tiến “thần tốc” của ông Cảnh, Trưởng Ban Tổ chức tỉnh uỷ Bình Định khái quát: “Quy trình bổ nhiệm thì đảm bảo nhưng các bước bổ nhiệm nhanh như thế tạo dư luận không đồng tình là có căn cứ. Tuy nhiên, kết luận sự việc phải chờ Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trường hợp đồng chí Cảnh là đầu tiên ở Bình Định thế này. Hồi đó, đồng chí được Trung ương ưu ái nên lãnh đạo tỉnh cũng tạo điều kiện giúp đỡ cho đi. Mong muốn của tỉnh cũng là có người địa phương ra Trung ương nên mới có trường hợp đầu tiên việc bổ nhiệm thực hiện như thế. Tôi giữ cương vị này ở đây 6 năm, tôi khẳng định chắc chắn không có trường hợp nào bổ nhiệm nhanh vậy. Nếu mà bổ nhiệm tại chỗ mà làm nhanh như thế sẽ bị phản ứng ngay”.
Doãn Công
Theo Dantri
Vì sao ông Nguyễn Văn Cảnh xin thôi đại biểu Quốc hội chuyên trách?
Vị trí công tác ông Nguyễn Văn Cảnh vừa mới xin thôi là Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Chức danh này được hưởng các chế độ tương đương với chức Tổng cục trưởng thuộc các bộ, ngành.
Mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban Nghị quyết, trong đó nêu rõ: "Ông Nguyễn Văn Cảnh - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Định - thôi làm Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIV kể từ ngày 15.2.2017".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh. (Ảnh: quochoi)
Theo một vị lãnh đạo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chức danh Ủy viên Thường trực thuộc Hội đồng Dân tộc hay một ủy ban nào đó của Quốc hội, được hưởng lương, phụ cấp cũng như các chế độ công vụ tương đương như một tổng cục trưởng của các bộ, ngành.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay, ông làm đại biểu Quốc hội khá lâu nhưng đến nay mới thấy trường hợp ông Nguyễn Văn Cảnh xin thôi nhiệm vụ đại biểu chuyên trách là lần đầu tiên.
"Lý do như anh ấy trình bày trong đơn là do điều kiện hoàn cảnh gia đình nên xin thôi không làm chuyên trách nữa. Một vị đại biểu Quốc hội chuyên trách làm tiếp hay xin thôi theo tôi cũng rất bình thường, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cá nhân để lựa chọn công việc phù hợp" - vị lãnh đạo này đánh giá.
Chức danh Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn hoặc cho thôi làm nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Cảnh từng là đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV (năm 2016), ông Nguyễn Văn Cảnh được giới thiệu ứng cử với cơ cấu đại biểu Quốc hội chuyên trách ở TƯ. Ông là đại biểu thường xuyên có nhiều phát biểu góp ý tại phiên thảo luận của Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (tháng 10 và 11.2016), ông Cảnh có bài phát biểu rất đáng chú ý khi góp vào dự thảo Luật quản lý, tài sản nhà nước (sửa đổi).
Ông Cảnh nói: Trong quy định về phân loại tài sản công cần quy định thêm kho biển số xe và số điện thoại. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng phát biểu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kho biển số xe nếu biết khai thác quản lý tốt, đem đấu thầu góp phần tăng thu ngân sách là tốt.
Theo ông Cảnh, hiện ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, cần tận dụng tối đa để phát triển kinh tế xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường huy động vốn trong dân nhưng chưa khả thi.Chính vì thế việc đấu giá và cấp số xe, điện thoại là nên làm vì phù hợp với nhu cầu của người dân, nguồn thu không phải nhỏ mà Nhà nước không phải trả lãi hay vốn.
Ông Nguyễn Văn Cảnh ước tính nếu thực hiện thì nguồn thu trong vài chục năm tới lên đến cả triệu tỷ đồng. Nếu triển khai trong gia đoạn 2018-2020 sau khi luật này có hiệu lực thì có thể thu 100.000 tỷ đồng. Để thực hiện hiệu quả, khả thi, theo ông Cảnh, sau này nên quy định số đẹp mà người nào đó có được thông qua đấu giá thì được tiếp tục sử dụng số đó cho phương tiện, thiết bị mới, không bắt buộc đấu giá lại.
"Dự tính số xe ô tô bán năm 2016 là 300.000 chiếc, với mức tăng trưởng thị trường ô tô vừa qua thì trong 3 năm 2018-2020 sẽ có thêm 1,8 triệu xe ô tô. Nếu bình quân 25 triệu đồng/biển số thì 3 năm 2018-2020 sẽ có thêm nguồn thu 45.000 tỷ đồng. Với 2,8 triệu chiếc xe máy 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 tăng 8% thì có thể thu từ biển số xe máy còn cao hơn biển số xe ô tô" - ông Cảnh dẫn chứng.
Theo Danviet
Nữ trưởng phòng Sở Xây dựng dừng đóng BHXH từ tháng 9.2016? Theo thông tin từ BHXH Thanh Hóa, bà Trần Vũ Quỳnh Anh - người được bổ nhiệm "thần tốc" gây xôn xao dư luận ở tỉnh này, đã dừng đóng BHXH từ tháng 9.2016. Bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bầu vào Ban chấp hành đảng bộ Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020. Chiều 8.3, thông tin từ Bảo hiểm...