Không có tội phạm, cảnh sát Nhật điều tra cả vụ mất quần đùi
Tỷ lệ tội phạm liên tục giảm trong 13 năm trở lại đây khiến cảnh sát Nhật Bản phải điều tra cả những vụ phạm pháp vặt vãnh.
Cảnh sát tuần tra trên đường phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: The Economist.
Trong một tuần, một toán cảnh sát mẫn cán của thành phố Kagoshima, phía nam Nhật Bản, theo dõi cả ngày lẫn đêm một chiếc xe ôtô không khóa, đỗ bên ngoài một siêu thị. Trong xe là một thùng bia mạch nha. Sau nhiều ngày, cuối cùng cũng có một người đàn ông trung niên đi ngang qua, không nén được lòng tham, đã quyết định “chôm chỉa” thùng bia. Ngay lập tức, 5 cảnh sát lao ra và tóm gọn một trong những tên tội phạm hiếm hoi còn sót lại trong thành phố.
Đường phố của Nhật rất an toàn. Số liệu thống kê đã chứng minh điều đó. Tỷ lệ tội phạm tại đất nước mặt trời mọc liên tục giảm trong 13 năm qua. Nhật Bản chỉ có 0,3 vụ sát nhân trên 100.000 người. Con số này quả thực ấn tượng nếu so sánh với tỷ lệ tương tự ở Mỹ là xấp xỉ 4/100.000. Cả năm 2015, cảnh sát Nhật chỉ ghi nhận một trường hợp nổ súng gây sát thương. Kể cả yakuza, tổ chức tội phạm lớn nhất tại đây, cũng suy yếu do luật pháp ngày càng cứng rắn và tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh, Economist đưa tin.
Tuy nhiên, thay vì cho nhân viên nghỉ theo chế độ để cắt giảm bớt nhân lực, lực lượng Nhật Bản vẫn tuyển mộ thêm người để bổ sung cho các đội tuần tra khu phố. Nhật Bản hiện có hơn 259.000 sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục, gấp hơn 17 lần so với 10 năm trước, bất chấp tỉ lệ tội phạm giảm mạnh.
Thống kê cho thấy tỉ lệ cảnh sát so với số lượng cư dân ở thủ đô Tokyo rất cao, nhiều hơn so với New York sầm uất 25%. Tokyo là nơi có lực lượng cảnh sát đô thị lớn nhất thế giới.
Do số lượng cảnh sát đông đảo mà số vụ phạm tội lại thấp nên cảnh sát Tokyo sẵn sàng điều tra cả những vụ vi phạm mà ở hầu hết các quốc gia khác bị coi là vặt vãnh, ví dụ như trộm xe đạp hoặc tàng trữ một lượng nhỏ thuốc gây nghiện.
Không khó bắt gặp đâu đó những vụ việc như 5 cảnh sát “ập” vào một căn hộ chật hẹp sau khi chủ nhà báo mất một chiếc quần đùi trên dây phơi. Năm ngoái, nguyên một nhóm thám tử hùng hậu được điều đi vây bắt 22 người trồng cần sa để dùng riêng tại nhà ở vùng nông thôn vắng vẻ.
Gần như chẳng có việc để làm, cảnh sát Nhật tập trung vào những hành vi có thể dẫn tới hành động phạm tội, theo giáo sư Kanako Takayama đến từ trường đại học Kyoto. Một trong những vụ điển hình gần đây, bà Takayama cho biết, cảnh sát đã “tóm gọn” một nhóm người đi chung taxi và chia tiền với nhau, coi đây là hành động gian lận khi sử dụng dịch vụ taxi. Nhật Bản có quy định chặt chẽ trong việc chở khách bằng taxi. Mỗi xe taxi chỉ chở đúng 4 người. Nếu chỉ thừa một người, tài xế cũng không được phép chở.Một vài nơi ở Nhật thậm chí còn tiến hành khởi tố những người đi xe đạp dám vượt đèn đỏ.
Trong một trường hợp hy hữu xảy ra cách đây 15 năm, cảnh sát ở thành phố Hokkaido đã “móc nối” với băng đảng xã hội đen khét tiếng yakuza để dàn dựng một vụ vận chuyển lậu súng vào Nhật nhằm hoàn thành chỉ tiêu bắt giữ tội phạm.
Video đang HOT
Bất chấp nỗ lực “nằm vùng” của cảnh sát, tòa án ra phán quyết cuối cùng không truy tố vụ trộm bia ở thành phố Kagoshima.
Theo luật sư Yoshihiro Yasuda, tỷ lệ tội phạm ở Nhật thấp không phải do năng lực của cảnh sát mà chủ yếu do người dân sống có kỷ luật.
An Hồng
Theo VNE
Kho đồ thất lạc triệu đô không ai nhận ở Nhật Bản
Cảnh sát Tokyo, Nhật Bản, chật vật quản lý hàng triệu món đồ bị thất lạc mỗi năm.
Ông Shoji Okubo, giám đốc trung tâm xử lý đồ thất lạc của Sở cảnh sát Tokyo, đứng giữa những chiếc ô vô chủ. Ảnh: Japan Times
Trung tâm chứa đồ thất lạc rộng 660 mét vuông của thủ đô Tokyo mỗi năm tiếp nhận hàng triệu món đồ thất lạc, từ vật dụng hàng ngày như mắt kính, chìa khóa, điện thoại hay bằng lái xe cho đến những thứ tưởng như không thể bị bỏ quên ở nơi công cộng như hũ đựng tro cốt, theo Japan Times.
Ô che mưa là món đồ bị thất lạc nhiều nhất, theo quản lý trung tâm Shoji Okubo. Ước tính chỉ trong một ngày mưa, trung bình khoảng 3.000 chiếc ô bị thất lạc ở Tokyo. Năm 2016, trung tâm đã tiếp nhận tổng cộng gần 400.000 chiếc.
Theo thống kê, trong năm 2016, có tới 3,83 triệu đồ vật bị thất lạc, không kể tiền mặt, được trao cho cảnh sát Tokyo, tăng gần ba lần so với năm 1997.
Nhật Bản quy định đồ vật thất lạc phải được trả lại cho chủ sở hữu hoặc giao tại đồn cảnh sát địa phương. Những người tìm được đồ vật thất lạc sẽ được thưởng 5% - 20% giá trị món đồ. Nếu sau ba tháng mà không ai đến nhận thì người tìm thấy chúng sẽ đương nhiên được sở hữu món đồ đó.
Năm ngoái, hơn 32 triệu USD tiền mặt được giao nộp cho cảnh sát Tokyo nhưng chỉ 74% số tiền được trả lại cho đúng chủ nhân, còn khoảng 8,3 triệu USD không có người nhận đã được sung công.
Bệnh đãng trí của xã hội hiện đại
Ông Shigeru Haga, giáo sư khoa tâm lý của trường đại học Rikkyo ở Tokyo cho biết ngày nay, các thiết bị công nghệ như máy tính bảng hay điện thoại thông minh làm con người mất khả năng tập trung. Do vậy, số lượng các món đồ thất lạc ngày càng nhiều.
"Khả năng tập trung của chúng ta có hạn", giáo sư Haga đưa ra lời khuyên cho những người hay quên đồ trên tàu điện là hãy cất điện thoại vào trong túi hoặc cầm ô trong tay trước một bến.
Bên cạnh đó, các vật dụng hàng ngày như quần áo, giày dép, hay ô dù ngày nay được sản xuất hàng loạt nên rẻ hơn nhiều so với trước kia. Nhiều người không muốn tốn thời gian khai nhận tại sở cảnh sát để tìm lại đồ. Họ cho rằng mua mới còn nhanh hơn.
Xử lý các món đồ không chủ
Trước khi cất vào kho, các nhân viên tại trung tâm này phải cẩn thận dán nhãn thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm vật bị thất lạc được tìm thấy.
"Chúng tôi thực sự phải làm việc rất vất vả để lưu trữ các món đồ một cách có hệ thống", ông Okubo cho biết thêm tòa nhà 6 tầng của trung tâm không còn đủ rộng để chứa hết các món đồ thất lạc.
Mỗi ngày, nhân viên của ông Okubo phải thực hiện trung bình 250 cuộc điện thoại và gửi hàng trăm thông báo để tìm chủ nhân cho các món đồ. Chưa kể, họ phải tiếp đón hàng trăm người đến nhận lại đồ.
"Khối lượng công việc rất lớn", Okubo nói.
Ngoại trừ những món đồ dễ lần ra danh tính của chủ sở hữu như thẻ tín dụng, chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu, đa phần các vật dụng hàng ngày như mũ nón và ô dù đều không thể tìm được người nhận lại. Năm 2016, chỉ 0,8% ô che mưa và 3,8 % quần áo hoặc giày dép được trả lại.
Sau một thời gian cất giữ mà không tìm được chủ sở hữu, các món đồ thất lạc sẽ được bán để lấy tiền sung công.
Một buổi bán đấu giá đồ cũ. Ảnh: Japan Times
Saneyoshi Yogi, giám đốc công ty Saitama-based PX Co., chuyên mua bán đồ cũ, cho biết ông thường xuyên tham gia các buổi bán đấu giá những món đồ thất lạc.
"Chả khác gì đi đánh bạc", ông Yogi nói, "Có trời mới biết bạn sẽ tìm thấy gì".
Năm ngoái, công ty của ông Yogi đã chi hơn nửa triệu đô tại 4 buổi đấu giá. Ông Yogi ước tính có khoảng 40.000 món đồ như vali du lịch, đàn guitar điện, đồng hồ hàng hiệu và cả thú nhồi bông được rao bán tại mỗi buổi đấu giá.
"Thiên hạ bỏ quên đủ thứ", ông Yogi nói, "Có lần chúng tôi mua được một chiếc đàn bass. Tôi không thể hiểu làm sao người ta có thể bỏ quên một vật to như thế".
Công ty của ông Yogi sau đó xuất khẩu những đồ thu mua được sang thị trường Philippines, Myanmar và Thailand.
"Chúng tôi vừa đóng thùng 20.000 chiếc ô sang Myanmar", ông Yogi cho biết.
An Hồng
Theo VNE
Ngày tàn của băng đảng Nhật: Trộm đồ ăn sống qua ngày Cuộc sống của những thành viên băng đảng yakuza khét tiếng Nhật Bản đang ngày càng khó khăn, đến mức một số người đã phải liều lĩnh ăn trộm thực phẩm để sống qua ngày. Thành viên băng đảng Yakuza Nhật Bản ngày càng giảm sút. Theo Daily Mail, hai thành viên băng đảng tội phạm ở Nhật mới đây đã bị bắt...