Không có ‘kế hoạch B’, Italy mong mỏi lệnh phong tỏa phát huy tác dụng
Italy bước vào tuần thứ 4 của cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến 2 mà chưa có dấu hiệu kết thúc khi số ca mắc Covid-19 vẫn tăng mạnh từng ngày.
Hơn 60 triệu dân đang sống trong lệnh phong tỏa chặt chẽ và vẫn đang được siết chặt thêm từng ngày. Các cửa hàng đóng cửa, cảnh sát đi tuần tra với số lượng lớn chưa từng thấy và buộc các gia đình đang đi dạo bên ngoài phải trở về nhà, để đảm bảo không ai đi ra ngoài mà không có các lý do hợp lý.
Các y bác sỹ bác sỹ mặc đồ bảo hộ khi di chuyển bệnh nhân mắc Covid-19. (Ảnh: Reuters)
Tuy vậy, số trường hợp nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 tại nước này đang ngày càng tăng. Hiện Italy đã ghi nhận 35.713 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 2.978 ca chết người.
Phần lớn số ca mắc bệnh tập trung ở khu vực miền Bắc, nơi hàng trăm thi thể đang chờ được hỏa thiêu do dịch vụ tang lễ ở thời điểm này đang bị cấm một cách nghiêm nhặt.
Trong khi đó, những người đang sống cũng phải “xếp hàng chờ đợi” khi các bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại các bệnh viện quá đông. Nhiều y, bác sỹ bị nhiễm virus do thiếu đồ bảo hộ cần thiết.
Rất nhiều người tự đặt câu hỏi rằng mọi chuyện sẽ kết thúc như thế nào và liệu cái giá phải trả về kinh tế của sự phong tỏa là có đáng không. Có những dấu hiệu tích cực rằng số ca mắc mới ở “vùng đỏ” ban đầu ở miền bắc Italy có thể giảm dần, tuy nhiên các chuyên gia nói rằng, vẫn còn quá sớm để xem đây là một xu hướng đáng tin cậy.
Chưa có dấu hiệu tích cực
Hiện có hơn 2.000 người trong các đơn vị chăm sóc sức khỏe đặc biệt trên khắp Italy – quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất ở Châu Âu – theo các số liệu chính thức mới nhất. Hầu hết những người này tập trung chủ yếu ở Lombardy, nơi mà cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu bùng phát ngày 23/2.
Italy phong toả toàn quốc.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại sẽ có thêm các điểm nóng mới ở khu vực miền nam, nơi mà cơ sở hạ tầng vốn yếu hơn và người dân vẫn chưa bị phong tỏa chặt chẽ như khu vực miền Bắc.
Giorgio Palù, Giáo sư về virus học và vi trùng học của Đại học Padova, nói với CNN rằng ông đã hy vọng có thể nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi sau 1 tuần lệnh phong tỏa được thực hiện trên cả nước, nhưng điều này đã không trở thành hiện thực.
“Hôm qua, chúng tôi đã hy vọng có sự thay đổi sau gần 10 ngày kể từ khi áp lệnh phong tỏa toàn quốc, nhưng số ca mắc mới của ngày hôm sau vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với ngày hôm trước. Vì thế tôi không nghĩ chúng ta có thể đưa ra dự đoán gì hôm nay”, giáo sư Palù nói.
Theo ông Palù, nhìn vào biểu đồ số ca mắc mới, phần dốc của đường cong vẫn theo hướng đi lên, khiến cho chúng ta khó có thể dự đoán được khi nào thì lệnh phong tỏa bắt đầu phát huy tác dụng. Trong khi sự bùng phát vẫn tập trung ở miền Bắc, cũng vẫn khó có thể so sánh giữa các vùng với nhau. “Virus không có biên giới, và nó cũng không phải chỉ ở Italy”, ông nói.
Tuy nhiên, ông tin rằng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phong tỏa nếu mọi người đều có ý thức hợp tác.
Theo ông Palù, lệnh phong tỏa lẽ ra nên được áp dụng sớm hơn, rộng rãi hơn, hơn là chỉ tập trung vào 11 khu vực ban đầu trong “vùng đỏ”. Và nó cũng nên được siết chặt hơn nữa.
“Chẳng có ý nghĩa gì trong việc cố đi tới siêu thị 1 lần/tuần. Bạn phải hạn chế thời gian ra ngoài, tự cách ly là yếu tố chủ chốt”.
Ông Palù cho rằng chính phủ Italy đã chậm trễ ngay từ đầu.
“Có một đề xuất về việc cách ly lập tức những người đến từ tâm dịch, đến từ Trung Quốc. Khi đó điều này lại bị coi là cực đoan, nhưng họ là những người đến từ vùng dịch và chính sự chậm trễ đã dẫn đến tình hình hiện nay”, ông nói.
Căng mình chống dịch
Giáo sư Alessandro Grimaldi, Trưởng Khoa các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Salvatore ở L’Aquila, hiện đang điều trị cho Chiara Bonini – một bác sỹ 26 tuổi đến từ Bergamo.
Hai tuần sau khi Bonini nhiễm SARS-CoV-2 từ bạn trai mình, cô bác sỹ này đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên cô vẫn bị cách ly cho đến khi có kết quả âm tính lần thứ 2. Đến khi đó, cô mới có thể trở lại làm việc.
“Ở Lombardy, quê nhà tôi, hệ thống y tế đã sụp đổ”, cô nói với CNN, đồng thời cho biết thêm, các bác sỹ phải lựa chọn để quyết định sẽ điều trị cho ai. “Ở đó không có đủ các thiết bị. Họ chọn những người trẻ – một quy tắc y khoa trong việc cố gắng cứu những người có nhiều khả năng sống sót hơn”.
Một nữ y tá Italy tranh thủ nghỉ ngơi ngay tại bàn làm việc. Ảnh: Reuters
Giáo sư Grimaldi nói rằng, cách duy nhất để tránh cho hệ thốngy tế khỏi bị sụp đổ là tăng cường các nguồn lực.
“Có lẽ chính phủ nên nghĩ về điều này từ trước, chuẩn bị tốt hơn. Nhưng nếu bạn không thấy tình hình cấp bách trước mắt thì bạn sẽ tìm cách bỏ qua nó”, ông nói.
Grimaldi nói rằng nếu không được bổ sung thêm nguồn lực, các bác sỹ sẽ tiếp tục phải căng mình để chống đỡ. “Italy hiện giờ đang nằm trong tay các y, bác sỹ: Có một nhóm làm việc ở tuyến đầu đang chiến đấu vì bệnh nhân. Chúng tôi là những chiến sỹ chiến đấu vì đất nước mình. Nếu chúng tôi có thể chấm dứt dịch bệnh ở Italy, chúng ta có thể chấm dứt dịch bệnh ở châu Âu và thế giới”.
Ông cũng đồng ý rằng cách duy nhất lệnh phong tỏa phát huy tác dụng là nó có bắt buộc một cách cứng rắn hay không. “Chiến đấu với một kẻ thù như thế này còn khó hơn bất cứ ai. Trung Quốc cho chúng ta thấy cần phải có các biện pháp quyết liệt”.
Video: Y tá chăm sóc cho em nhỏ tại khu cách ly Covid-19
Alessandro Vergallo, một chuyên gia về chăm sóc sức khỏe chuyên biệt, nói rằng ông đã lo ngại EU chậm trễ trong việc cứu vãn nền kinh tế.
“Tất nhiên, chính phủ Italy đã phản ứng nhanh chóng hơn và tốt hơn nhiều nước khác ở châu Âu trong khi rất nhiều nước khác vẫn còn đang lúng túng”, ông nói.
Ông Vergallo cảnh báo rằng cuộc sống bình thường sẽ không trở lại trong vòng vài tháng.
“Chúng tôi đang cố tìm hiểu xem khi nào tình huống làm phẳng đường cong có thể xảy ra. Do đây là loại virus mới, rất khó có thể làm sáng tỏ các dữ liệu. Hy vọng đến 26/3, chúng ta có thể thấy số ca mới mắc giảm. Tôi nghĩ nhiều cơ quan của EU đang lo sợ sự tàn phá đối với nền kinh tế châu Âu sẽ lớn hơn so với hậu quả của virus. Giờ đây chúng ta đang phải trả cái giá khá đắt, cả về con người lẫn kinh tế”.
Lệnh phong tỏa khiến đời sống xã hội ở Italy trở nên căng thẳng hơn. Người dân lo ngại và nền kinh tế lao đao.
Ở miền đông, nơi lẽ ra đã khởi động mùa du lịch truyền thống, nhưng tất cả đã bị hoãn, hủy. Điều này đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào khó khăn. Nhiều công ty thậm chí tuyên bố sẽ không bao giờ mở cửa trở lại. Khi mà nhiều cá nhân, nhiều công ty phá sản vì các khoản nợ, các ngân hàng sẽ phải trợ giúp và tác động domino của cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài thậm nga cả khi dịch bệnh kết thúc.
HOÀNG PHẠM (Nguồn: VOV)
Theo vtc.vn
Trận chiến chống dịch Covid-19 toàn cầu: Sáng bừng lạc quan từ Trung Quốc, Hàn Quốc
Bên cạnh những thông tin tiêu cực ở Tây Ban Nha hay Italy, cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên toàn cầu đang ghi nhận rất nhiều tín hiệu khả quan.
Các "ổ dịch cũ"
Liên tiếp 2 trong ngày 16-17/3, Trung Quốc đại lục chỉ ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19 mới "nội địa" tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Trong hơn 1 tuần qua, số bệnh nhân nhiễm bệnh mới tại quốc gia tỷ dân luôn dưới 20 trường hợp.
"Ngày 18/2, số bệnh nhân nằm viện ở Vũ Hán là hơn 28.000 người, tổng số ca bệnh nặng là hơn 9.000 người. Khi đó, tỷ lệ khỏi bệnh chỉ có 9,9%. Hôm nay, số bệnh nhân nằm viện còn hơn 8.200 người, bệnh nhân nặng và nguy kịch hơn 2.800 người, tỷ lệ chữa khỏi đã đạt tới 75,3%. Do vậy, có thể nói, hiện chúng ta đã bước vào giai đoạn về đích", Tiêu Nhã Huy, quan chức của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc nói trong cuộc phỏng vấn hôm 16/3.
Bác sỹ ngả lưng tại một bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán trước đêm đóng cửa. (Ảnh: Giải Phương Nhật báo)
Một chuyên gia y tế của Trung Quốc dự đoán Vũ Hán có thể sẽ không còn ca nhiễm mới nào vào cuối tháng 3 này.
Ở Hàn Quốc - "ổ dịch" nổi lên hồi cuối tháng 2 với hàng nghìn ca nhiễm mới được báo cáo mỗi ngày, số bệnh nhân được xác nhận mắc Covid-19 trong 4 ngày gần đây đều ở mức dưới 100 ca.
Hàn Quốc từng là ổ dịch lớn thứ 2 sau Trung Quốc đại lục. Nhưng với các biện pháp chống dịch hiệu quả như chủ động xét nghiệm hàng trăm nghìn trường hợp, tích cực truy dấu các ca nghi nhiễm, xứ kim chi giờ trở thành hình mẫu để về dập dịch cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Hàn Quốc hiện ghi nhận 8.413 ca mắc Covid-19, nhưng 1.540 bệnh nhân đã hồi phục và chỉ còn 59 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Nhiều khu vực ở Italy cũng đang đẩy mạnh công tác xét nghiệm, cách ly với các bệnh nhân thay vì lơ là trong các khâu này trước đó.
Video: Mỹ thử vaccine chống virus corona trên người
Nghiên cứu, điều chế vaccine
Hôm 16/3, Viện nghiên cứu công nghệ sinh học Flemish (VIB) của Bỉ cho biết họ vừa phát hiện ra một loại kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu tới từ Flemish tin rằng đây là bước tiến quan trọng trong việc phát triển vaccine phòng dịch.
Trước đó 2 ngày, nhóm nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Công nghệ hóa học Hàn Quốc (CEVI) cũng khẳng định đã tìm ra các kháng thể có thể trung hòa COVID-19 và vô hiệu hóa hoạt động của virus trong tế bào chủ.
Công tác nghiên cứu và điều chế vaccine đang có các dấu hiệu tích cực. (Ảnh: Reuters)
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, các nhà khoa học tới Viện Truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty tại Australia nói họ đã nhận diện được cơ chế hệ thống miễn dịch chống lại chủng virus corona mới.
Tại Ấn Độ, các bác sỹ tại nước này chữa khỏi bệnh cho 3 bệnh nhân mắc Covid-19 bằng thuốc điều trị HIV.
Một loại thuốc chống virus corona của Cuba có tên Interferon Alfa 2B mới đây cũng được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
Về vaccine, hãng dược phẩm sinh học tư nhân CureVac của Đức cho biết tới tháng 6 hoặc tháng 7 tới, họ sẽ có được vaccine thử nghiệm và sau đó sẽ xin cấp phép để thử nghiệm trên người.
Mỹ hôm 16/3 cũng bắt đầu thử nghiệm vaccine trên các tình nguyện viên đầu tiên. Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia cho biết, việc điều chế vaccine thử nghiệm trong thời gian kỷ lục là bước đầu tiên quan trọng trong nỗ lực tìm ra giải pháp cho dịch Covid-19 hiện nay.
Các ca hồi phục
Bệnh nhân mắc Covid-19 nhỏ tuổi nhất thế giới ở Anh hiện được xác nhận là không còn nguy hiểm.
Cụ bà 98 tuổi mắc Covid-19 trong ngày xuất viện. (Ảnh: Reuters)
Ở Vũ Hán, cụ bà Trương Nghiễm Phân, 103 tuổi trở thành bệnh nhân mắc Covid-19 cao tuổi nhất được chữa khỏi. Truyền thông Trung Quốc trước đó cũng đưa tin về trường hợp cụ bà 98 tuổi nhiễm bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch nhưng vẫn kiên cường chống lại bệnh tật và ra viện trong sự vui mừng của các y bác sỹ tại bệnh viện Lôi Thần Sơn.
Tại Vũ Hán, giới chức thành phố này hôm 10/3 đã đóng cửa toàn bộ các bệnh viện tạm thời được cải hoán từ các sân vận động, trung tâm hội nghị để chống dịch. Và ngày đóng cửa các bệnh viện dã chiến chắc chắn cũng đang ở không xa.
SONG HY (Tổng hợp)
Theo vtc.vn
Đồ họa cho thấy sự lây lan chóng mặt của virus corona ở châu Âu Đồ họa cho thấy Tây Ban Nha thậm chí vượt Italy về số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày vào ngày 17/3. Đồ thị ngày tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha, Đức, Pháp (17/3) với các ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt, trong khi ở Iran giảm. (Số liệu các ca nhiễm mới ở các nước trên đồ thị lần lượt là...