“Không có chuyện Formosa không cho bác sỹ vào cấp cứu nạn nhân”
Đó là khẳng định của ông Phạm Trần Đệ, Phó trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh khi trao đổi với chúng tôi vào lúc 0 giờ 20 phút.
“Không có chuyện Formosa không cho bác sỹ vào cấp cứu nạn nhân”
Ông Phạm Trần Đệ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khoảng 20h25, khi công nhân đang lắp giàn giáo thi công đúc giếng chìm để làm đê chắn sóng của cảng thì xảy ra tai nạn.
Theo ông Đệ, hiện hàng trăm người của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đang tập trung, phối hợp cứu hộ, cấp cứu cho các nạn nhân trên công trường ở Khu kinh tế Formosa.
“Hiện nay, đồng chí Chủ tịch, các Phó Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và hàng trăm người thuộc các lực lượng công an, quân đội, y tế… của tỉnh cũng như các tỉnh xung quanh đã có mặt.
Các lực lượng đã và đang tâp trung sức vào việc cứu hộ, cấp cứu cho các nạn nhân được nhanh nhất”, ông Đệ nói.
Các y, bác sỹ đang tập trung cấp cứu các nạn nhân.
Theo ông Đệ, hiện nay, vẫn chưa thể, xác định được con số công nhân gặp nạn khi vụ việc xảy ra là bao nhiêu.
“Trên công trường có hàng vạn công nhân nên số lượng công nhân lúc gặp nạn chưa thể xác định được chính xác. Các lực lượng chức năng đang tích cực tháo dỡ đống đổ nát để cứu công nhân bị kẹt”, ông Đệ nói.
Đồng thời, ông Đệ cũng bác bỏ thông tin cho rằng, phía ban quản lý khu kinh tế Formosa ngăn không cho các bác sỹ vào cấp cứu.
“Không hề có chuyện ngăn các bác sỹ vào cấp cứu mà các lực lượng, trong đó, có y tế đang tập trung mọi sức để đưa được người ra và cấp cứu được nhanh nhất”, ông Đệ nói.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Võ Kim Cự – Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết:
Video đang HOT
“Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo huy động tối đa lực lượng vào cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân.
Chúng tôi cũng đã huy động tối đa lực lượng y bác sĩ ở Bệnh viện huyện Kỳ Anh và Bệnh viện đa khoa tỉnh để cứu chữa các nạn nhân bị thương trong vụ sập giàn giáo”.
Theo Tri Thức Trẻ
Kể lại lúc sập giàn giáo làm 14 người chết
Đầu giờ làm ca đêm, anh Thế cùng 9 người khác được chọn đi làm ở hạng mục khác kề bên hiện trường vụ sập. Khoảng một giờ sau, anh Thế hoảng hồn khi tận mắt thấy hệ thống giàn giáo bên cạnh đổ ập xuống vùi lấp hàng chục người.
1h sáng 26/3, anh Nguyễn Văn Thế (SN 1974), công nhân quê xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vẫn chưa hết hoàn hồn khi vào thăm cháu ở khoa Chấn thương, BVĐK Hà Tĩnh.
Anh Thế chính là một trong những công nhân may mắn thoát nạn trong vụ sập kinh hoàng.
Anh Nguyễn Văn Thế, công nhân may mắn thoát nạn trong vụ sập kinh hoàng. Ảnh: Cao Nam
"Ca đêm của chúng tôi bắt đầu từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Đầu ca trực tối, tôi đang làm việc ở khu vực giàn giáo thì được điều đi làm hạng mục cạnh đó.
Cùng đi với tôi còn có 9 người khác. Đội chúng tôi làm sát ngay bên cạnh khu vực giàn giáo. Lúc ấy khoảng 20h, tôi đang làm bỗng nghe tiếng động lớn bên cạnh. Tôi vừa kịp định thần thì đã thấy cả khung giàn giáo đổ ập xuống trước mắt.
Những tiếng la hét kinh hoàng. Công nhân chạy tán loạn!", anh Thế nhớ lại.
Anh Thế vào làm việc tại công trường 1 năm rưỡi qua. Tại đây còn có một người cháu của anh là Nguyễn Văn Sỹ. Anh Sỹ không may mắn như anh Thế.
Sỹ có mặt trên giàn giáo và khi sự cố xảy ra, anh bị hất văng xuống và bị lấp dưới đống đổ nát.
"Tôi cùng một số người khác chạy đến đống giàn giáo bị đổ để cứu những người bị nạn. Tôi nhìn quanh không thấy cháu đâu. Một lúc sau tôi biết tin Sỹ bị thương nặng và được chở ra BVĐK Hà Tĩnh. Lúc này tôi theo xe ra luôn. Sỹ bị gãy 2 xương đùi, bị thương nặng không trò chuyện được.Rất may là nó vẫn còn sống!", anh Thế kể.
Nằm bất động trên giường cấp cứu, nạn nhân Phan Anh Dũng mệt mỏi nhớ lại phút kinh hoàng. Anh Dũng bị thương nặng vùng đùi, gãy xương và mất rất nhiều máu.
"Chúng tôi đang mài phom trên giàn giáo cao chừng 30m. Lúc xảy ra sự cố, tôi và các công nhân bên cạnh bị hất xuống, rơi cùng với khung sắt thép", anh Dũng thều thào.
Các bác sỹ BVĐK Hà Tĩnh băng bó cho các nạn nhân gãy xương. Ảnh: Cao Nam
Theo ghi nhận của VietNamNet, hầu hết công nhân bị thương nặng nằm tại Khoa Chấn thương, BVĐK Hà Tĩnh đều có quê quán Quảng Bình.
Đến 1h30' ngày 26/3, BVĐK Hà Tĩnh tiếp nhận tổng cộng 18 nạn nhân.
Theo Bác sỹ Trần Thị Dung, Phó Giám đốc BVĐK Hà Tĩnh, hầu hết các nạn nhân đều bị đa chấn thương, gãy tay chân. Có 2 trường hợp nguy kịch đang nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu tích cực chờ lên bàn mổ.
Danh sách 18 nạn nhân cấp cứu tại BVĐK Hà Tĩnh:
1. Lê Văn Bình (41 tuổi), Triệu Sơn, Thanh Hóa
2. Nguyễn Thái Đức (30 tuổi), Hà Tĩnh.
3. Hoàng Văn Tuân, Quỳ Hợp, Nghệ An.
4. Hoàng Đăng Thuận, Nghệ An
5. Nguyễn Văn Hoàng
6. Nguyễn Văn Sỹ (25 tuổi), Bố Trạch, Quảng Bình
7. Phan Đăng Hiển, Nghệ An
8. Trần Văn Bằng (SN 1969), Thanh Hóa
9. Phan Anh Dũng (SN 1992), Bố Trạch, Quảng Bình
10. Đàm Trung Hiếu (SN 1988), Quảng Bình
11. Nguyễn Đại Phong (Sn 1991), Quảng Bình
12. Nguyễn Ngọc Sơn (Sn 1993) Quảng Bình
13. Cao Xuân Hòa (Sn 1981), Nghĩa Đàn, Nghệ An
14. Thái Đình Tài (41 tuổi), Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
15. Hoàng Văn Thụ (Sn 1978), Diễn Châu, Nghệ An
16. Nguyễn Văn Quý (Sn 1993), Quảng Bình
17. Nguyễn Thanh Bình (Sn 1987), Sơn Tịnh, Quảng Ngãi
18. Phạm Văn Xô (Sn 1972), Nghi Xuân, Hà Tĩnh
Theo Vietnamnet
Hàng nghìn người đội mưa gió giải cứu nạn nhân vụ sập giàn giáo Ngay từ đêm qua 25/3, đã có khoảng hơn 1.000 người thuộc nhiều lực lượng cứu hộ của tỉnh Hà Tĩnh, các nhà thầu tham gia giải phóng hiện trường, tìm kiếm nạn nhân với hy vọng cứu thêm được công nhân sống sót trong vụ sập giàn giáo. Những thiết bị hiện đại có sức giải phóng đống sắt thép đổ nát...