‘Không có chuyện dừng cổ phần hóa Hãng phim truyện VN’
Đó là khẳng định đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Zing.vn trước thông tin Bộ sẽ dừng cổ phần hóa vì sự phản đối của nghệ sĩ.
Chiều ngày 5/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức gặp gỡ đại diện của một số cơ quan thông tấn, báo chí để thông tin rõ hơn về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, sự việc đang thu hút sự quan tâm của không chỉ nghệ sĩ, những người làm phim mà còn của công chúng.
“Tất nhiên là không có chuyện dừng cổ phần hóa. Đây là chủ trương chung của Nhà nước, do vậy thông tin Bộ sẽ dừng cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là hoàn toàn không chính xác” – ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính chia sẻ với Zing.vn.
Hãng phim truyện Việt Nam tọa tại số 4, Thụy Khê, Hà Nội.
Trước đó, liên quan đến việc chủ sở hữu mới của Hãng phim truyện là một đơn vị không có kinh nghiệm, thậm chí không liên quan gì đến việc làm phim, các nghệ sĩ gạo cội như NSND Minh Châu, NSND Nhuệ Giang và họa sĩ Vũ Huy đã chia sẻ với Zing.vn quan điểm cá nhân về sự việc. NSND Minh Châu mong muốn các cơ quan, ban ngành hãy cứu số 4 Thụy Khê còn họa sĩ Vũ Huy thắc mắc về việc tại sao lại bán với giá quá rẻ trong khi tổng tài sản của Hãng phim truyện không hề nhỏ với số “đất vàng” ở giữa thủ đô.
Trả lời báo chí về việc này, ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính cho rằng: “Không hiểu mọi người lấy cơ sở ở đâu để cho rằng chúng tôi bán đổ bán tháo Hãng phim. Chúng tôi có quy trình định giá đàng hoàng minh bạch. Mọi người nên hiểu rằng, khu đất vàng mà Hãng phim đang ngự lại là đất thuê cho nên khi định giá, không thể tính cả giá trị khu đất đó vào được.
“Kể cả nhà đầu tư chiến lược sau này hoạt động tại đây, họ cũng phải trả tiền thuê. Tất nhiên, dưới sự bao cấp của Nhà nước trước kia, Hãng phim truyện Việt Nam được thuê với giá ưu đãi, khi cổ phần chắc chắn giá sẽ phải cao hơn” – đại diện ban cổ phần hóa trả lời thắc mắc của báo chí.
Đại diện Bộ VHTT&DL cũng chia sẻ khu đất tại số 4 Thụy Khuê mà Hãng phim truyện Việt Nam đang thuê thuộc quy hoạch khu chính trị Ba Đình chưa được phép xây dựng mà chỉ có thể sửa chữa nâng cấp nên nói Tổng Công ty vận tải Thủy “mua” hãng phim chỉ vì mảnh đất “vàng” này là không có căn cứ.
Video đang HOT
Họa sĩ Vũ Huy là một trong những nghệ sĩ có rất nhiều thắc mắc về việc cổ phần hóa hãng phim truyện.
Cũng theo đại diện Bộ VHTT&DL thì Tổng Công ty vận tải Thủy sẽ phải tuân thủ nhiều cam kết sau khi cổ phần hóa hãng phim, trong đó có cam kết sử dụng đúng mục đích để phục vụ việc sản xuất phim. Nếu không làm đúng cam kết này, đơn bị sẽ phải bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật và Bộ VHTT&DL sẽ có ý kiến với UBND TP Hà Nội để thu hồi lại khu đất này.
Sau khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam sẽ được đổi tên thành Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Mặc dù Tổng Công ty Vận tải Thủy nắm phần lớn cổ phiếu nhưng Nhà nước vẫn sẽ có 3 người đại diện tham gia vào các vị trí lãnh đạo gồm: thành viên Hội đồng quản trị, ban Tổng Giám đốc và ban kiểm soát.
Theo Zing
Dàn diễn viên làm nên quá khứ lẫy lừng ở hãng phim truyện VN
NSND Trà Giang, NSND Thế Anh hay NSND Như Quỳnh là những gương mặt nổi bật của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với nhiều vai diễn sống mãi trong lòng công chúng.
NSND Trà Giang là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam. Không chỉ sở hữu kỹ năng diễn xuất điêu luyện, gương mặt rạng rỡ, nữ diễn viên còn được nhớ đến với đôi mắt đen láy lay động lòng người. NSND Bạch Diệp từng nói: "Trà Giang không phải là người đẹp nhất khóa nhưng đôi mắt thì vô địch". Bà tham gia nhiều bộ phim nhưng ấn tượng hơn cả là chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên và Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.
NSND Trịnh Thịnh là một trong những diễn viên tham gia bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam - Chung một dòng sông. Không được đào tạo bài bản, nhưng với kinh nghiệm có được trong khoảng thời gian làm công việc lồng tiếng, ông đã vào vai rất thành công. Trịnh Thịnh sau đó đóng nhiều phim và đều được đánh giá cao như ông nội thằng Bờm trong phim Thằng Bờm, ông Củng trong Vợ chồng anh Lực. Ông được cho là thích hợp với những vai các cụ già nhà quê hoặc những nhân vật mang đậm dấu ấn của làng quê nông thôn Việt Nam. NSND Trịnh Thịnh mất năm 2014.
NSƯT Thanh Tú xuất thân là một diễn viên kịch trước khi được đạo diễn Phạm Kỳ Nam mời đóng vai Thảo trong bộ phim Biển lửa. Là diễn viên được đào tạo bài bản về diễn xuất, Thanh Tú ghi dấu ấn với nhiều vai khác nhau như Hương Giang trong Tiền tuyến gọi, mẹ Hà trong Em bé Hà Nội nhưng thành công hơn cả là vai Nhu trong Sao tháng Tám. Với vai diễn này, bà đã giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở Liên Hoan phim Việt Nam lần thứ IV năm 1977, được Ủy ban phụ nữ toàn Liên bang Xô Viết trao giải đặc biệt khi dự Liên hoan phim Moskva.
NSƯT Đức Hoàn xuất thân là một diễn viên lồng tiếng cho phim nước ngoài ở Hãng phim truyện Việt Nam. Năm 1961, bà được đạo diễn Mai Lộc mời đóng vai cô Mỵ trong Vợ chồng A Phủ. Đây là vai diễn đầu tiên cũng là vai diễn xuất sắc nhất của Đức Hoàn. Những vai diễn tiếp theo của bà tiếp tục gây ấn tượng mạnh như Hoan trong Đi bước nữa, vợ Đoàn trongBình minh trên rẻo cao, Kiều Trinh trong Sao tháng Tám. Trong cuộc đời diễn viên của mình, mặc dù chỉ đóng 4 vai lớn nhưng Đức Hoàn trở thành một trong những diễn viên tên tuổi của điện ảnh Việt Nam. Sau này bà theo nghề đạo diễn. Bà qua đời năm 2003.
NSND Thế Anh là một diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Việt Nam. Ông gây ấn tượng nhiều vai như Ba Duy trong Mối tình đầu, Dư trong Đường về quê mẹ, tiểu đoàn trưởng pháo binh trong Em bé Hà Nội,.. Trong đó nổi tiếng nhất là vai Ba Duy trong Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh. Đóng vai này năm 1977, khi đã gần 40 tuổi, Thế Anh lại vào vai chàng sinh viên mới hai mươi tuổi yếu đuối, nghiện ngập. Bộ phim này đã giành được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả và mang lại cho Thế Anh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V năm 1980. Tổng cộng ông đã đóng hơn 60 bộ phim nhựa và phim truyền hình.
NSƯT Bùi Cường đóng không nhiều phim nhưng là gương mặt không thể không nhắc đến của điện ảnh Việt Nam. Ông để lại ấn tượng mạnh với khán giả qua vai Chí Phèo trong phimLàng Vũ Đại ngày ấy. Sau vai Chí Phèo, Bùi Cường thử sức với vai trò đạo diễn, phim đầu tay của ông là Người hung râu quặp với diễn xuất của NSƯT Minh Vượng. Sau đó, Bùi Cường làm một vài bộ phim khác như Kẻ cướp cô dâu, Chuyện tình ngôi sao, Con bạc cháu vàng trước khi về hưu.
Sở hữu vẻ đẹp nền nã, đậm chất Á Đông với lối diễn xuất tinh tế, NSND Như Quỳnh được xem là một trong những minh tinh của màn ảnh Việt. Nhắc đến Như Quỳnh, khán giả nhớ ngay đến những vai diễn trong các bộ phim Đến hẹn lại lên, Mối tình đầu, Ngày lễ thánh, Hà Nội mùa chim làm tổ, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng... Trong đó, vai Nết là vai diễn đầu tiên của Như Quỳnh, giúp nữ diễn viên đoạt giải diễn viên xuất sắc nhất LHP Việt Nam lần thứ 3.
NSND Minh Châu về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam từ khi ra trường vào năm 1977 đến khi về hưu, với gần 40 năm gắn bó. Nữ diễn viên ghi dấu ấn trong lòng khán giả với nhiều vai diễn như Nguyệt trong Cô gái trên sông và Liên trong Người đàn bà nghịch cát. Sự lao động nghệ thuật đích thực đã mang về cho chị 2 giải Nữ diễn viên xuất sắc trong LHP Việt Nam lần 8 và 9. Hiện tại, NSND Minh Châu là một trong những gương mặt diễn viên truyền hình quen thuộc với nhiều dạng vai khác nhau.
NSƯT Thanh Quý được biết đến nhờ những vai diễn có số phận éo le, phải đối mặt với sự lựa chọn ngang trái cũng như người phụ nữ có tính cách ngang ngạnh, sắt đá. Sự nghiệp điện ảnh của Thanh Quý bắt đầu năm 1976 khi mới 18 tuổi và còn đang học năm thứ 3, với vai Vân - một cô gái thanh niên xung phong đấu tranh với những hành vi tiêu cực như lối cư xử cửa quyền của chị bán vé trong phim Chuyến xe bãi táp. Sau đó, Thanh Quý tham gia nhiều dự án phim Tình yêu và khoảng cách, Không có đường chân trời, Chuyện tình bên dòng sông... trước khi trở thành gương mặt quen thuộc trên truyền hình.
NSND Phương Thanh đoạt Bông Sen Vàng tại LHP quốc gia lần thứ 5 (1980) ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc với vai Hiền "cá sấu" trong bộ phim Tội lỗi cuối cùng. Hiền "cá sấu" được đánh giá là vai diễn để đời của Phương Thanh - người nghệ sĩ luôn cần mẫn, chịu khó, chăm chỉ với từng vai diễn, dù chỉ là vai diễn nhỏ.. Năm 2009, NSƯT Phương Thanh đã qua đời tại bệnh viện 108 sau 5 ngày hôn mê do tai biến mạch máu não. Nữ diễn viên được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012.
NSƯT Lê Vân sở hữu nhiều vai diễn để đời trong sự nghiệp diễn xuất của mình như vai chị Dậu trong bộ phim cùng tên của đạo diễn, vai Duyên phim Bao giờ cho đến tháng Mười, vai Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Đêm hội Long Trì. Lê Vân có thể diễn xuất ở nhiều dạng vai khác nhau và đều gây ấn tượng. Năm 2006, Lê Vân ra mắt cuốn tự truyện "Lê Vân, yêu và sống" nói về cuộc đời nữ diễn viên, trong đó có một phần viết khá chi tiết về gia đình. Cuốn tự truyện của Lê Vân nhận nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay, Lê Vân không còn xuất hiện trên màn ảnh và cũng ít xuất hiện trước công chúng.
NSND Bùi Bài Bình tham gia vai diễn đầu tiên khi đang học năm 2 với vai Trác trong Kén rểcủa đạo diễn Phạm Văn Khoa. Sau đó nam diễn viên chủ yếu vào vai bộ đội trong các bộ phim Bức tường không xây, Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh, Thị trấn yên tĩnh... Nhưng phải đến vai Hòa trong Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh, NSND Bùi Bài Bình mới thật sự thể hiện được "chất" của mình. Năm 2015, Bùi Bài Bình tiếp tục gây ấn tượng với vai Bác Hồ trong phim Nhà tiên tri - một bộ phim của Hãng phim truyện Việt Nam do Nhà nước đặt hàng.
Theo Zing
Nghệ sĩ nghi có khuất tất trong vụ bán Hãng phim truyện VN "Tổng tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam với đất đai và thương hiệu lên tới nghìn tỷ tại sao lại bán cho công ty vận tải đường thủy với giá 19,5 tỷ" - họa sĩ Vũ Huy đặt câu hỏi. Liên quan đến thông tin Tổng công ty vận tải thủy sẽ là chủ sở hữu mới của hãng phim truyện...