Không có cầu, không làm xiếc thì dân biết làm gì?
Không có cầu cũng phải làm xiếc, mà có cầu cũng phải làm xiếc, đương nhiên những chuyện này chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam.
Dân “làm xiếc” qua suối Ea Rếch (ảnh báo Thanh Niên)
Sau phát hiện chấn động về việc dân Tây Bắc qua suối bằng túi nilon, giờ đến lượt dân Tây Nguyên trổ tài qua suối bằng sợi cáp mỏng manh như làm xiếc. Làm xiếc cho ai xem, ai dám đem tính mạng mình ra làm xiếc? Nhưng không làm xiếc thì dân biết làm gì?
Nếu tính hai vụ “làm xiếc” ấn tượng gần đây nhất của dân Việt Nam, tôi xin kể ra hai vụ này. Một vụ may mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, còn một vụ đã khiến 26 người bị thương, đọc tin tức mà thấy vừa buồn, vừa đau, vừa chua chát.
Vụ thứ nhất là của những người dân nghèo ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), báo Thanh niên cho biết con suối Ea Rếch chảy qua thôn 7 và thôn 8, xã Ea Huar, H.Buôn Đôn đổ ra sông Sêrêpốk vào mùa này nước chảy xiết, lòng suối rộng hơn 15 m, sâu từ 3 – 4 m nước.
Phần lớn nương rẫy canh tác của hai thôn đều bên kia suối, muốn qua rẫy đi đường vòng tránh suối thì mất 15 km, người dân không còn cách nào khác là phải đu mình trên dây cáp thép nối hai bên bờ suối. Ở thôn 7 có một dây cáp, còn thôn 8 có hai dây kéo qua suối. Mỗi dây một đầu buộc vào một gốc cây rừng, đầu kia buộc vào cọc gỗ, chiếc giỏ sắt tạm bợ treo vào dây cáp bằng hai ròng rọc để di chuyển qua lại.
Xe chui qua gầm cầu vượt bị gạt bay trần.
Video đang HOT
Bài báo “ Vượt sông như làm xiếc” viết, trước đây ở suối Ea Rếch cũng có cầu, nhưng cầu đã bị lũ cuốn trôi, chưa có kinh phí làm cầu, trên huyện thì bảo phải chờ. Hỏi Sở thì ông Phó Giám đốc Sở GTVT bảo qua thống kê thì cả tỉnh có đến 300 cây cầu phải làm lại, kinh phí chưa đủ, cũng phải chờ.
Và trên cái nhạc nền bài ca “dài cổ chờ kinh phí”, dân chả còn cách nào khác là làm xiếc mỗi ngày, mỗi ngày trình độ làm xiếc của dân lại càng thành thục hơn, dù thỉnh thoảng cũng có vài ca té xuống suối, ai biết bơi thì không sao, ai không biết bơi thì đành chép miệng, âu cũng là cái số.
Chuyện thứ hai, một lái xe khách đã có một tiết mục làm xiếc bất đắc dĩ ở xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) khi lái xe đi chui xuống dưới cầu vượt giáp ranh hai xã Vĩnh Hưng A và Vĩnh Hưng. Toàn bộ 42 hành khách bị hất văng xuống đất, 26 người bị thương, trần xe bay hoàn toàn.
Chiếc cầu vượt kỳ lạ này chỉ có độ cao giao thông tĩnh là 2,1m thôi, may mà ông Robert Pershing Wadlow – người đàn ông cao nhất trong lịch sử khi đạt tới chiều cao 2,72 m đã qua đời, chứ ông sang Việt Nam mà gặp phải cái cầu vượt này, chắc ông cũng có phen vỡ đầu mẻ trán.
Ông Ngô Hữu Dũng- Giám đốc Sở GTVT Bạc Liêu nói trên báo Tuổi trẻ: “Đã phê bình tổ đi kiểm tra vì trước đó có biển báo cho xe rẽ theo đường vòng, không đi thẳng qua gầm cầu vượt nhưng khi xảy ra tai nạn thì… mất biển báo này”.
Cũng theo ông Dũng, đối với tỉnh lộ đã có quy định về độ tĩnh không (trên 4,5m) nhưng với đặc điểm của địa phương mà làm cầu cao quá thì suất đầu tư cao, vì vậy đã hạ thấp tĩnh không cầu vượt, làm đường vòng cho các phương tiện lưu thông tránh cầu.
Nghe cứ như chuyện đùa, cầu đáng lẽ phải có độ tĩnh trên không 4,5m, nhưng vì để tiết kiệm chi phí đầu tư, chủ đầu tư bèn hạ béng độ cao xuống còn 2,1m, lựa chọn giải pháp “gọn nhẹ” bằng cách lắp biển báo cho xe đi vòng. Nhưng biển báo mất, thế là xe lao vào “làm xiếc” dưới cầu, hành khách văng ra tứ tung, bị thương la liệt, phải đưa vào bệnh viện.
Thật là khốn khổ khốn nạn, không có cầu cũng phải làm xiếc, mà có cầu cũng phải làm xiếc, đương nhiên những chuyện này chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam.
Đọc những tin tức thế này, tôi lại nhớ ra chuyện cách đây vài năm, lãnh đạo Trường Xiếc Việt Nam- ngôi trường mới đây có vụ thầy giáo ném cốc vào đầu thầy hiệu trưởng trong cuộc họp khoa ấy, đã kêu ca rằng trường rất khó tuyển sinh, học sinh giờ đây không còn mặn mà với xiếc.
Quý bạn đọc nghĩ mà xem, vì sao dân không còn mặn mà với nghệ thuật xiếc nữa? Là bởi vì dân ta hàng ngày vừa sống vừa phải làm xiếc thường xuyên đó rồi. Chui vào túi nilon qua suối, trượt cả người cả xe máy trên một sợi cáp mong manh qua suối, chui gầm cầu vượt “hạ độ cao vì tiết kiệm chi phí” người bay tứ tung… Còn cái gì mạo hiểm hơn được nữa mà họ không phải trải qua, cơn cớ gì họ phải vào trường xiếc mà khổ công học thêm vài năm nữa mới được đi diễn xiếc?
Cả xã hội nháo nhào làm xiếc, những cái phi lý nhất lại thành hợp lý nhất cũng nhờ do tài “làm xiếc”. Các chú “cò mồi” không những biết làm xiếc mà còn kiêm thêm cả tài của ảo thuật gia, dắt cả đoàn xe voi to lù lù qua trước mũi CSGT, CSGT vẫn bảo khăng khăng bảo chúng tôi không trông thấy gì hết đâu nhé. Đấy chả phải do thành quả của “làm xiếc” thì còn cái gì nữa?
Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ những người dân nghèo là khốn khổ nhất. Họ sung sướng cái nỗi gì khi phải mang tính mạng mình ra mà làm xiếc với dòng nước lũ? Họ chẳng bao giờ biết được những công trình chục tỷ, trăm tỷ bị bỏ hoang phơi mưa phơi nắng. Họ chỉ được biết mình không có cầu đi vì trên đang phải chờ kinh phí, đơn giản thế thôi.
Dân cứ yên tâm mà trổ tài làm xiếc nữa đi, làm xiếc cho giỏi vào. Tương lai dù có ra sao thì vẫn còn có cánh cửa trường xiếc giang tay đón nhận. Chả đi đâu mà thiệt.
Theo Báo Đất Việt
Xe bay nóc vì chui gầm cầu: Thiếu biển báo, lỗi tại ai?
Xe chở phật tử hành hương đâm vào gầm cầu Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) làm cho 19 người bị thương, vào đêm 9/8, cảnh báo tình trạng công trình xây dựng tùy tiện, cẩu thả và vô trách nhiệm.
Cầu Vĩnh Hưng cho phương tiện đường bộ lưu thông trên tuyến đường liên xã của huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), có chiều rộng mặt đường 3,5 m, điểm cuối của tuyến đường chính là cầu Vĩnh Hưng, đè ngang tỉnh lộ Ninh Qưới (Hồng Dân) thông ra Quốc lộ 1A thuộc huyện Hòa Bình.
Theo thiết kế, cầu Vĩnh Hưng rộng 7 m, trọng tải 13 tấn, với tổng vốn xây dựng 18,5 tỷ đồng. Gầm cầu Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) có vẽ bằng nước sơn, trên mặt bê- tông với hình xe ô- tô, chiều cao lưu thông 2 m. Ông Phạm Tấn Thiện, Trưởng BQLDA xây dựng huyện Vĩnh Lợi cho biết: "Thực tế chiều cao 2,6 m nhưng đơn vị thi công chưa hoàn thiện nên chưa làm biển báo".
Đường vào gầm cầu Vĩnh Hưng không có biển báo đường rẽ tránh
Trước đó, dự án cầu Vĩnh Hưng thuộc địa bàn ấp Trung Hưng, xã Vĩnh Hưng A (Vĩnh Lợi) do Sở GTVT Bạc Liêu làm chủ đầu tư, Cty tư vấn xây dựng Bạc Liêu thiết kế, giao cho UBND huyện Vĩnh Lợi. Ông Phạm Tấn Thiện, Trưởng BQLDA xây dựng huyện Vĩnh Lợi cho biết: "Công trình cầu Vĩnh Hưng khởi công vào đầu năm 2010, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2012 nhưng ngưng thi công khoảng 2 năm vì thiếu vốn".
Công trình xây dựng cầu Vĩnh Hưng do Cty CP Xây dựng Hằng An (TPHCM) trúng thầu xây dựng nhưng vì thiếu vốn nên ngưng, còn bỏ dở dang lan can cầu, tráng nhựa mặt cầu, đèn chiếu sáng...Trước khi chui vào gầm cầu, có 2 đường rẽ bằng đá xô bồ, ổ trâu, ổ bò và bụi bặm... Rất tiếc, 2 đường rẽ tránh chui qua gầm cầu, hạn chế chiều cao, chỉ dành cho xe mô- tô, xe ô- tô nhỏ đã không cắm biển báo rẽ, đèn chiếu sáng, cảnh giới chiều cao.
Bà Lê Thanh Thủy, 70 tuổi, ở gần chân cầu, ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Hưng A nói: "Khoảng hơn 5 năm qua, khi chiếc cầu xây dựng, hàng chục vụ tai nạn giao thông xảy ra, hư hỏng xe cộ, bị thương nhẹ. Khi xe tải mui trần chở hàng hóa chui ngang thì hàng hóa rơi đổ xuống đất. Xe tải có mui thùng thì mui thùng vướng gầm cầu, hư hỏng".
Chiếc xe bị tai nạn hư hỏng hoàn toàn
Phóng viên Tiền Phong đã trao đổi với ông Ngô Hữu Dũng, GĐ Sở GTVT Bạc Liêu. Lý giải về việc hai đường nhánh rẽ hai bên gầm cầu Vĩnh Hưng chưa hoàn thiện, không có biển báo, dẫn đến tai nạn, ông Ngô Hữu Dũng cho rằng lỗi này thuộc chủ đầu tư, đơn vị thi công. "Hiện chúng tôi đã yêu cầu cho cắm biển báo, đèn chiếu sáng, cảnh báo và sẽ hoàn thành trong chiều ngày 12/8"- ông Duy cũng nói.
Được biết trong 19 người bị thương, chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ gồm sư thầy Lê Văn Quốc, bà Tàu Kim Gấm và bé gái Như Ý. Sư thầy Lê Văn Quốc đã được giải phẫu não, hôn mê sâu. Riêng bà Tàu Kim Gấm và bé Như Ý có dấu hiệu hồi phục.
Ngày 13/8, Sở GTVT, Ban an toàn giao thông Bạc Liêu và UBND huyện Vĩnh Lợi thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những nạn nhân đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ.
Tai nạn nghiêm trọng, thương tâm vừa xảy ra, vào lúc 22 giờ 25 ngày 9/8, chiếc xe khách mang biển số 83N- 3505, chở 42 hành khách ở Đông Hải, Giá Rai (Bạc Liêu) hành hương Vía Bà (An Giang) quay về theo tỉnh lộ từ xã Ninh Qưới (Hồng Dân) về hướng Cầu Sập (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) đã chui thẳng vào gầm cầu Vĩnh Hưng. Toàn bộ mui xe hất tung, hành khách bị gạt xuống đường, làm 19 người bị thương.
Theo Nguyễn Tiến Hưng (Tiền Phong)
Bị vợ đánh gã chồng vũ phu thành kẻ sát nhân Vì bực tức trươc hanh đông chửi măng va 2 cai bat tai cua vơ nên Y Dôn đa lấy chai thuốc diệt cỏ đổ vào miệng của vơ. Người vợ bị gã chồng sát hại bằng thuốc diệt cỏ Đổ thuốc diệt cỏ vào mồm vợ đến chết Theo cáo trạng, Y Dôn Êban và chị H'Pun Kbuôr mặc dù không có...