“Không chuyển giao 202.000 tỷ đồng nợ xấu cho nền kinh tế”
“Hơn 202.000 tỷ đồng nợ xấu cần phải được xử lý bằng cách yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn này, chứ không được “chuyển giao” cho nền kinh tế”.
Đây là một trong những nội dung mà TS.Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM khuyến nghị khi trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội chiều ngày 22/10 về những chính sách cần thực hiện trong thời gian tới để giải quyết những khó khăn, bất ổn của nền kinh tế hiện tại.
TS.Trần Du Lịch trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 22.10
(ảnh: Việt Hưng).
Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, ông đánh giá thế nào về “ sức khỏe” của nền kinh tế qua những chỉ số này?
Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nói rất rõ, xét về hình thức quý sau cao hơn quý trước nhưng chất lượng tăng trưởng và niềm tin thị trường là vấn đề rất lớn. Điều này cho thấy, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc xử lý tình thế, xử lý vấn đề cục bộ tăng trưởng nhưng lại phải tính toán lồng ghép cho được những giải pháp mang tính tái cơ cấu. Nếu không chúng ta sẽ loay hoay mãi mà không làm được.
Video đang HOT
Tình hình mỗi ngày một khó khăn hơn, chồng chất dồn lại. Nền kinh tế Việt Nam có hệ quả dồn lại từ 5 năm (từ 2008 đến giờ), các chính sách thay đổi liên tục nhưng lại chậm lồng ghép với cái chung. Có thể nói chúng ta chỉ mới giải quyết được bên ngoài, còn “cơ thể” vẫn chưa đề kháng được.
Vậy theo đánh giá của ông, những bất ổn đó từ đâu ra?
Phải nhìn nhận một thực tế hiện nay là bất ổn kinh tế của Việt Nam ảnh hưởng từ bất ổn kinh tế thế giới. Chưa bao giờ tôi thấy dự báo tài chính của thế giới lại thay đổi hàng tuần và thật sự chúng ta cũng không có khả năng để dự báo hơn thế giới. Chính vì vậy, chúng ta cũng không nên trói buộc ý kiến đầu năm đưa ra như thế nào thì cuối năm phải thực hiện như thế. Thế giới họ còn phải thay đổi thì mình cũng cần phải linh động và nên tìm những biện pháp tháo gỡ.
Tôi cho rằng nên nhìn lại 3 năm qua và đánh giá lại, từ đó có một chương trình cụ thể dài hơi cho 3 năm tiếp theo, kể cả mục tiêu tăng trưởng, hơn là chỉ giải quyết đến năm 2013.
Những khó khăn của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp đã được nêu ra từ kỳ họp thứ 3, cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra, theo ông, những khó khăn ấy hiện được giải quyết đến đâu?
Tôi đã có đề cập vấn đề này từ giữa năm, vì thực tế nguồn Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ doanh nghiệp một mức nào đó thôi. Bởi với tình hình hiện nay, Nhà nước không thể làm nhiều hơn được mà chính thị trường lại điều tiết.
Chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao nhiều doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Nhưng cũng trong bối cảnh này, tại sao khối doanh nghiệp FDI lại phát triển bình thường kể cả xuất khẩu, ngay cả cạnh tranh thị trường nội địa thì khối doanh nghiệp này cũng vẫn tiến triển tốt, trong khi đó xuất khẩu của ta lại kém đi. Phải chăng vì họ làm ăn căn cơ hơn, bài bản hơn, họ dựa vào vốn chủ sở hữu nhiều hơn, còn ta dựa vào vốn vay ngân hàng là chủ yếu? Chính vì vậy, chúng ta phải chấp nhận một bộ phận doanh nghiệp do thị trường tự điều tiết.
Điều mà chúng tôi quan tâm và lo đầu tiên là vấn đề hàng tồn kho trong lĩnh vực công nghiệp, đừng để những doanh nghiệp có khả năng phát triển lại bị vạ lây. Cái phải làm cho được là giúp doanh nghiệp giải quyết được hàng tồn kho, trở lại sản xuất, không tăng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể.
Để có thể làm được những điều này, theo ông, chính sách sẽ phải đi theo hướng nào trong thời gian tới?
Tôi đã từng đề xuất, một số ngân hàng thương mại phải nghĩ đến kiểu “cho vay nợ để đòi nợ”. Hiện có những doanh nghiệp có triển vọng phát triển kinh doanh nhưng chỉ vì nợ xấu mà ngân hàng không cho vay tiếp thì họ sẽ chết. Doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng đâu có đòi được nợ, vì vậy nên khoanh nợ, cho vay mới, vực họ dậy dần dần.
Đến thời điểm này, những khó khăn của nền kinh tế đã hiện hữu và ai cũng thấy rõ, ứng phó thế nào phụ thuộc vào chính sách và tâm lý của người dân. Từ nay đến hết năm, chúng ta không nên để các chính sách tác động xấu đến thị trường, có thể điều chỉnh chậm lại, nhất là một số loại giá cơ bản. Ví dụ như giá điện, hiện nay chúng ta đang điều chỉnh theo kiểu nửa thị trường và nửa không thị trường, cái này cũng cần phải xem xét.
Theo ý kiến của tôi, bước vào năm 2013, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề tăng trưởng GDP, mà quan trọng hơn, phải ổn định kinh tế vĩ mô và tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Muốn lấy lại được niềm tin, không thể thực hiện bằng các biện pháp chung chung, mà phải bằng những biện pháp cụ thể để doanh nghiệp định hướng đầu tư, xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh.
Hơn 202.000 tỷ đồng nợ xấu ngân hàng cần phải được xử lý bằng cách yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn này, chứ không được “chuyển giao” cho nền kinh tế. Hoặc như mục tiêu của Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, bình quân phải giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ 21.000 tỷ đồng thì phải thực hiện nghiêm túc, tắc khâu nào phải tìm cách tháo gỡ ngay.
- Xin cảm ơn ông!
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2013
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5% so với năm 2012. Trong đó: Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,3% khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 5,7% khu vực dịch vụ tăng khoảng 6,5%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt khoảng 124,3 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2012.
- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 8%.
- Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP không quá 4,8%.
- Tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP khoảng 29,7%.
- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7-8%.
Theo Dantri