Không chồng nhưng khát con – Kỳ 1: Hành trình ‘tìm con’ của mẹ đơn thân
Không chỉ xuất hiện ở xã hội phương Tây, mà tại VN, ngày càng nhiều phụ nữ không muốn lấy chồng nhưng vẫn khát khao có con để thực hiện thiên chức làm mẹ. Câu chuyện nuôi con một mình của những bà mẹ đơn thân có quá nhiều thách thức. Và xã hội đang có cái nhìn thế nào về lựa chọn mạo hiểm này?
Nhiều phụ nữ quyết định mang thai, trở thành bà mẹ đơn thân khi không muốn có chồng mà muốn có con – Ảnh: Shutterstock
Kỳ 1: Hành trình ‘tìm con’ của người mẹ đơn thân
Gian nan thụ tinh nhân tạo
Một buổi chiều thứ bảy, ngồi nhìn cô con gái 3 tuổi chạy chơi trong khu vui chơi thiếu nhi, ánh mắt người mẹ 40 tuổi rạng ngời niềm hạnh phúc, sự trìu mến dịu dàng mà tôi chưa bao giờ bắt gặp ở chị trước khi có con. Đó là kết quả của quá trình gần hai năm “đi tìm con” của chị.
Làm việc trong một công ty truyền thông lớn ở TP.HCM, chị N.N.H. là một phụ nữ cứng cỏi, mạnh mẽ với thu nhập cao, tài chính vững vàng. Với đặc thù công việc, chị có mối quan hệ rộng, giao thiệp, tiếp xúc nhiều và chị tự nhận mình là “đi guốc trong bụng” nhiều giới đàn ông. Tất cả những điều đó đã tạo nên một cô gái “kiêu kỳ” trong tình yêu.
Hiện nay, dù có cởi mở hơn nhưng suy nghĩ, quan điểm xã hội ở ta vẫn chưa thoáng về chuyện “không chồng mà có con” nên người phụ nữ phải bản lĩnh lắm mới thụ tinh nhân tạo để có thai một mình
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc, Trưởng Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ
Bước qua tuổi 35, chị vẫn chưa “chấm” được anh nào tương xứng để có thể xây dựng mối quan hệ đi đến hôn nhân. Nhưng “nhìn bạn bè đồng trang lứa quanh mình đều có gia đình đề huề, con cái bi bô nên chồng thì thôi chẳng có với tôi cũng không sao nhưng tôi thèm được làm mẹ, có con”, chị H. tâm sự.
Video đang HOT
Sau khi tìm hiểu cân nhắc, chị H. đã đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) để được tư vấn, làm hồ sơ thụ tinh nhân tạo, làm mẹ đơn thân. Trong đó, điều kiện đầu tiên là phải có người hiến tinh trùng. Bệnh viện sẽ lấy mẫu tinh trùng được hiến đó trữ trong ngân hàng tinh trùng và hoán đổi cho người muốn thụ tinh mẫu tinh trùng khác để thực hiện thụ tinh nhân tạo.
May mắn cho chị là người em trai vừa đi du học về, vì thương chị và cũng khá thoáng trong tư duy, đã đồng ý hiến tinh trùng vô ngân hàng để chị mình được hoán đổi tinh trùng (của người khác trong ngân hàng tinh trùng), thực hiện ước mơ làm mẹ. Thế là sau hàng loạt thủ tục, xét nghiệm, can thiệp y khoa, chị cũng đã được thụ tinh. Bé Su, con chị đã ra đời hơn 9 tháng sau đó.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc, Trưởng Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, cho biết nhiều phụ nữ vì lý do này hay lý do khác, không muốn có chồng mà chỉ muốn có con đã đến Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, xin tư vấn, thực hiện thụ tinh nhân tạo. Xu hướng nhiều người muốn làm mẹ đơn thân đang gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, dù có cởi mở hơn nhưng suy nghĩ, quan điểm xã hội ở ta vẫn chưa thoáng về chuyện “không chồng mà có con” nên người phụ nữ phải bản lĩnh lắm mới thụ tinh nhân tạo để có thai một mình. Đồng thời, bệnh viện cũng có quy định, thủ tục chặt chẽ khi xét thực hiện thụ tinh nhân tạo đối với phụ nữ độc thân. So với khoảng 400 – 500 em bé chào đời nhờ thụ tinh nhân tạo tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ mỗi năm thì số trường hợp thụ tinh cho phụ nữ độc thân thực hiện được chỉ là số đếm trên đầu ngón tay.
“Xin gì chứ xin tinh trùng nhạy cảm lắm, ai dám cho”
Tại một phòng khám phụ sản, điều trị hiếm muộn có tiếng tại TP.HCM, một người phụ nữ 33 tuổi, đang kiên nhẫn ngồi trong hàng dài đông nghẹt để chờ bác sĩ gọi vô đọc kết quả xét nghiệm của người cho tinh trùng.
Chỉ khi tất cả các kết quả xét nghiệm sức khỏe, máu, các bệnh di truyền, truyền nhiễm của người đàn ông mà chị “xin” tinh trùng đạt yêu cầu thì chị mới có thể được hoán đổi tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Chị tâm sự: “Xin gì chứ xin tinh trùng nhạy cảm lắm, ai dám cho. Tôi đã dọ hỏi một số bạn bè, người thân quen nhưng không được”. Nghe tôi tâm sự cũng đến đăng ký chờ bác sĩ tư vấn làm thụ tinh nhân tạo, chị hướng dẫn kinh nghiệm chị đã tìm trên mạng được một trang Facebook về hiến tặng tinh trùng và tìm được một thanh niên “hiến” tinh trùng. Tất nhiên, mình phải trả toàn bộ chi phí khám, xét nghiệm, đi lại cho anh ta. Đồng thời, người này cần tiền nên không hiến tặng mà lấy thù lao gần 20 triệu đồng.
“Tôi thấy ngoại hình, thể chất bên ngoài của anh tốt. Anh ta nói đã tốt nghiệp đại học thì mình biết thế thôi, chứ lý lịch, nhân thân thì anh ta không tiết lộ vì không muốn có chuyện dây dưa về sau. Giờ tôi chờ bác sĩ đọc kết quả xét nghiệm xem đạt yêu cầu không”, chị cho biết.
Bác sĩ thực hiện thụ tinh nhân tạo cho một trường hợp tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ – Ảnh: Độc Lập
Tương tự, chị A. (kế toán ngân hàng tại Hà Nội) sau khi tham khảo, tìm hiểu lý lịch tự giới thiệu của nhiều người đăng hiến tặng tinh trùng trên một trang mạng, cũng đã chọn được “cha” cho con mình. Tuy nhiên, người đàn ông của chị chỉ đồng ý cho tinh trùng trực tiếp theo cách tự nhiên. Khát khao được làm mẹ, người phụ nữ U40 này đành chịu đồng ý “nhắm mắt xin con” như thế.
Có con theo cách tự nhiên, với thỏa thuận chỉ cần một người đàn ông làm “chồng”, làm “bố” sinh học tạo ra em bé, sau khi mọi việc hoàn thành thì không còn bất cứ liên hệ nào. Đó cũng là hình thức chứa nhiều rủi ro mà một số bà mẹ đơn thân đành quyết định thực hiện khi không có nhiều điều kiện về kinh tế để trang trải chi phí ít nhất 40-50 triệu đồng cho một ca thụ tinh nhân tạo.
Chọn lựa, chấp nhận trải qua nhiều khó khăn, chướng ngại lẫn chịu đựng cả hoàn cảnh chua chát, thế nhưng không phải lúc nào ước muốn làm mẹ của nhiều phụ nữ không chồng cũng thành hiện thực.
Bác sĩ Tuyết kể lại bà vẫn chạnh lòng khi nhìn theo hình ảnh một người phụ nữ lặng lẽ bước ra khỏi phòng khám Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, với gương mặt thẫn thờ, đầy thất vọng. Ở tuổi 39, đây là đợt thứ hai chị trở lại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, khi đã có người hiến tinh trùng, để thực hiện thụ tinh nhân tạo, làm mẹ đơn thân. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, siêu âm, xét nghiệm, bác sĩ cho biết chị đã không còn khả năng có trứng để thụ tinh nhân tạo. Khoảng 5 năm trước, khi ở tuổi 34 – 35, chị đã từng đến Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ lần đầu tiên với niềm hi vọng và mong muốn có con bằng cách thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, lần đó chị chưa thể thực hiện được vì chưa tìm được người hiến tặng tinh trùng – điều kiện tiên quyết để người phụ nữ độc thân thụ tinh nhân tạo. (Còn tiếp)
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), cho biết quy trình thực hiện thụ tinh nhân tạo với một người phụ nữ độc thân, tại bệnh viện như sau: 1. Người muốn thụ tinh nhân tạo phải tìm được người hiến tặng để xin tinh trùng. 2. Có giấy xác nhận độc thân (do địa phương chứng thực) và xác nhận có đủ khả năng nuôi con (do công đoàn cơ quan hoặc hội phụ nữ địa phương chứng nhận). Với người hiến tặng tinh trùng, phải đảm bảo đủ các điều kiện: – Nam giới từ 18-45 tuổi (Quốc tịch VN), tốt nghiệp THPT; khỏe mạnh và đồng ý cho tinh trùng. – Bệnh viện sẽ khám sức khỏe, tiến hành các xét nghiệm cho người hiến tặng tinh trùng để đảm bảo không mắc các bệnh về: tình dục, HIV, máu, bệnh di truyền; làm tinh dịch đồ để đảm bảo tinh trùng đạt chuẩn. – Người hiến tinh trùng thỏa các điều kiện sức khỏe trên sẽ được lấy 3 mẫu tinh trùng để chờ nhập vào ngân hàng tinh trùng. – Sáu tháng sau, người hiến tinh trùng phải quay lại bệnh viện để làm lại xét nghiệm HIV. Nếu kết quả HIV âm tính thì mẫu tinh trùng đã được lấy mới hợp pháp được đưa vào ngân hàng tinh trùng để sử dụng. – Người hiến tặng tinh trùng chỉ được hiến tặng một lần. – Người phụ nữ muốn thụ tinh nhân tạo khi đó mới được bệnh viện hoán đổi cho mẫu tinh trùng của người khác trong ngân hàng tinh trùng để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Vì theo quy định, người cho và nhận tinh trùng phải hoàn toàn được bảo mật, không biết nhau.
Theo TNO
Vì con, sản phụ 'ôm' khối u nặng 4,5 kg trong lồng ngực
Vì giữ thai, sản phụ đã để khối u 4,5 kg phát triển trong ngực. Chỉ đến khi sinh xong chị mới đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị và được các bác sĩ phẫu thuật cứu tính mạng.
Bệnh nhân Phượng (ngồi) phục hồi sức khỏe, vui vẻ sau khi được cắt bỏ khối u - Ảnh: Nguyên Mi
Sáng nay 24.4, bác sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: "Lần đầu tiên trong nghề, tôi chứng kiến khối u to như thế, vừa mổ vừa lo bệnh nhân có thể bung tim tử vong bất cứ lúc nào".
Bệnh nhân là chị Nguyễn Thị Phượng (41 tuổi, quê Vĩnh Long), vừa sinh con được hơn 2 tháng. Chị được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật cắt bỏ khối u nặng tới 4,5 kg; kích thước 30 x 70 x 25 cm (tương đương trái mít) trong lồng ngực.
Theo bác sĩ Vĩnh, căn cứ vào kích thước của khối u thì nó phải nằm trong cơ thể bệnh nhân ít nhất một năm rưỡi và phát triển rất mau trong quá trình bệnh nhân mang thai. Tuy nhiên, do muốn giữ em bé trong bụng nên dù biết có u lớn, sản phụ vẫn cố chịu đựng, không điều trị.
Ngay sau khi sinh em bé an toàn, bệnh nhân đã nhanh chóng đến Bệnh viện Chợ Rẫy để khám, điều trị.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở khi đi lại, nặng nề ngực phải.
Các chẩn đoán cho thấy khối u đã chiếm hết cả lồng ngực. U dính vào cơ hoành, màng tim và các mạch máu chính trong lồng ngực, thành ngực, đồng thời, đè xẹp luôn toàn bộ phổi phải, chèn ép các cấu trúc khác trong lồng ngực.
Theo chẩn đoán của các bác sĩ, đây là khối u sợi thần kinh. Một điều rất hiếm là từ trước tới nay, dạng u này có tính chất cứng nhưng nhỏ chứ không to như vậy. Đồng thời, thông thường khối u dạng này bắt nguồn từ thần kinh cột sống, nhưng khối u của sản phụ lại bắt nguồn từ thần kinh liên sườn phải.
Các bác sĩ không ngờ với tình trạng tim, phổi bị chèn ép như thế mà bệnh nhân vẫn sống. Với kích thước và tình trạng của khối u, các bác sĩ đã rất dè dặt khi đưa ra quyết định mổ. Theo hội chẩn thì bệnh nhân có thể tử vong trên bàn mổ vì mất máu hoặc bung tim trong quá trình phẫu thuật.
Thế nhưng, "cô ấy rất quyết tâm mổ, muốn sống để được nuôi con, nhìn thấy con mình trưởng thành dù cơ hội chỉ ít ỏi. Chính nghị lực khát khao sống của người mẹ đã khiến các bác sĩ chúng tôi cũng quyết tâm theo. Ca mổ đã được tiến hành sau hơn một tháng chuẩn bị kỹ lưỡng", bác sĩ Vĩnh cho biết.
Cuối cùng, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công. Các bác sĩ đã lấy khối u trong ngực bệnh nhân.
Hiện tại, bệnh nhân đang hồi phục sức khỏe tốt và có thể tiếp tục cuộc sống bên đứa con mới chào đời.
"Phải công nhận bản năng người mẹ thật đáng nể, có thể chịu đựng mang trong ngực khối u khổng lồ lâu như vậy và vượt qua ca phẫu thuật để tiếp tục cuộc sống bên con", bác sĩ Vĩnh nhận định.
Theo TNO
Thủ tướng nhắc nhở ngành y tế rút kinh nghiệm để phòng chống dịch bệnh tốt hơn Tại cuộc họp khẩn về phòng chống dịch sởi diễn ra vào chiều tối qua 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong nắm tình hình, trong công tác thông tin tuyên truyền... để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh thời gian...