“Không chiến lược gia nào giỏi hơn Lý Quang Diệu”
Đó là những lời ca ngợi mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger dành cho ông Lý Quang Diệu, người đã đưa đảo quốc Singapore “tới nơi chưa từng đến”.
Ngày 23/3, chính phủ Singapore thông báo cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từ trần sau một thời gian lâm trọng bệnh, thọ 91 tuổi, và quốc đảo này sẽ tổ chức quốc tang trong 7 ngày để tưởng niệm vị cha đẻ của đất nước Singapore.
Mặc dù đã qua đời, nhưng ông Lý Quang Diệu sẽ luôn được nhớ đến như một trong những “ chiến lược gia vĩ đại nhất” của châu Á, người đã biến hòn đảo thuộc địa đầy muỗi thành một trung tâm tài chính thịnh vượng với những con đường sạch bong, những tòa nhà chọc trời hoành tráng và một chính phủ trong sạch, ổn định.
Sinh năm 1923, ông Lý trở thành Thủ tướng vào năm 1959, khi Singapore vẫn còn là một hòn đảo tí hon thuộc lãnh thổ của Anh, không có tài nguyên thiên nhiên, và đang chìm trong những cuộc nổi loạn và bất ổn.
Lý Quang Diệu lúc mới nhậm chức Thủ tướng Singapore
Sinh ra trong một gia đình có gốc gác 4 đời từ Trung Quốc, từ nhỏ Lý Quang Diệu đã bộc lộ được tố chất thông minh trên ghế nhà trường, và sau đó theo học luật tại Đại học Fitzwilliam ở Cambridge.
Sau khi trải qua thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Singapore trong Thế Chiến II, ông Lý đã quyết định tham gia chính trường, vì ông “hiểu rõ ý nghĩa của quyền lực” trong việc quyết định số phận của con người hay cả một dân tộc.
Năm 1959, thành phố Singapore do ông Lý đứng đầu vẫn đang trong quá trình hồi phục sau chiến tranh và khác xa một trời một vực so với Singapore ngày nay. Lúc đó, với tư cách là Thủ tướng, ông Lý đã tập trung vào thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, xây dựng một thị trường ngách trong lĩnh vực chế tạo thiết bị điện tử nhằm biến Singapore thành một Hong Kong thứ hai.
Năm 1965, ông đã quyết tâm tách Singapore ra khỏi Malaysia và gây dựng một đất nước độc lập, một “ốc đảo theo tiêu chuẩn thế giới thứ nhất trong tình cảnh của một nước thuộc thế giới thứ ba”.
Những người ủng hộ tung hô ông Lý Quang Diệu sau khi đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 1963
Tư duy chiến lược của ông Lý Quang Diệu đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên trường quốc tế. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã học theo nguyên tắc xây dựng chính phủ trong sạch và hiệu quả cùng các chính sách kinh tế thân thiện với doanh nghiệp, đề cao trật tự xã hội của ông.
Trong một cuộc gặp với ông Lý tại Nhà Trắng vào năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi ông là “một trong những huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20 và 21″, và là người “đã góp phần tạo nên sự thần kỳ của kinh tế châu Á”.
Tuy nhiên, ông Lý cũng là một nhân vật gây nhiều tranh cãi và không ít người đã chỉ trích ông vì các chính sách hạn chế các quyền tự do ngôn luận và chính trị.
Trong khi xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng, phát triển mạnh mẽ, ông cũng đồng thời tạo ra một Singapore nơi những điều luật và quy định khắt khe gần như chi phối mọi khía cạnh của đời sống xã hội, thậm chí cả việc bán kẹo cao su ở Singapore cũng có những quy định riêng.
Video đang HOT
Ông Lý Quang Diệu cũng là nhân vật gây tranh cãi về các chính sách của mình
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào năm 2008, ông Lý tuyên bố: “Tôi muốn trật tự xã hội và ổn định trong đất nước. Tôi không hề tuân theo bất cứ hình mẫu của nhà lý luận nào về dân chủ”.
Chính vì điều đó, rất nhiều người dân Singapore, những người đã chứng kiến thời kỳ đất nước chìm trong đói nghèo, bạo lực, đều ngưỡng mộ và tự hào về ông. Thế nhưng những thế hệ trẻ hơn không phải trải qua thời kỳ khó khăn đó, lại bắt đầu đặt câu hỏi về sự kiểm soát của gia tộc họ Lý đối với nền chính trị Singapore.
Chính vì lẽ đó, vào năm 2011, Đảng Hành động Nhân dân của ông Lý đã mất 6 ghế về phe đối lập, và ông Lý Quang Diệu trở thành nguyên thủ đầu tiên ở châu Á tự nguyện từ chức.
Trong lá thư gửi quốc hội, ông giải thích rằng ông “quyết định rời khỏi Nội các và để một đội ngũ các bộ trưởng trẻ hơn tham gia cùng thế hệ trẻ định hình nên tương lai của Singapore”.
Một phụ nữ Singapore khóc nức nở khi nghe tin ông Lý Quang Diệu từ trần
Dù đã rời ghế Thủ tướng và nhường lại cho con trai là Lý Hiển Long, song ông Lý Quang Diệu vẫn là một nhân vật rất có uy tín ở Singapore, và vào năm 2010, tạp chí Time đã bình chọn ông là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Trong một bài báo viết về ông Lý, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã ca ngợi: “Dấu hiệu của một nhà lãnh đạo vĩ đại là đưa xã hội tới được nơi mà nó chưa từng đến. Trên thế giới ngày nay không còn chiến lược gia nào giỏi hơn thế”.
Trong những năm tháng cuối đời, ông Lý Quang Diệu đã gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Năm 2010, ông phải nhập viện vì bị viêm ngực, và đầu năm 2013, ông tiếp tục phải điều trị ở bệnh viện với các triệu chứng của đột quỵ.
Đến ngày 5/2 vừa qua, ông được đưa vào khoa chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Singapore để điều trị chứng viêm phổi, và sau 6 tuần phải thở máy, ông đã trút hơi thở cuối cùng và “ra đi thanh thản”.
Theo Trí Dũng/AFP…
Dân Việt
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: "Dấu ấn" Lý Quang Diệu là rất ấn tượng và đáng nể
Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng sự phát triển của Singapore ngày nay mang dấu ấn sâu sắc tư duy lãnh đạo của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Làm thế nào Singapore trở thành một trong những quốc gia tham nhũng ít nhất thế giới thực sự là điều đáng nể, đáng học tập...
Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trò chuyện với bà Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, người đã từng có dịp gặp ông Lý Quang Diệu, về những dấu ấn mà vị cố thủ tướng này để lại cho đảo quốc sư tử.
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người đã có công đưa Singapore từ một thành phố cảng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính giàu có bậc nhất châu Á, đã qua đời vào hồi 3h18 sáng nay (23/3) ở tuổi 91.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh (Ảnh: www.dw.de)
Được biết, bà đã từng có dịp gặp Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu? Bà có thể chia sẻ với độc giả về những cuộc gặp đó không?
Tôi đã có một vài dịp gặp ông Lý Quang Diệu. Có một cuộc gặp tôi đã đề cập trong cuốn sách có tiêu đề "Tư duy và chia sẻ" của tôi, đó là khi tôi tháp tùng Cố Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang Thụy Sĩ tham dự Diễn đàn Kinh tế Davos vào năm 1990. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Việt Nam tham dự sự kiện này.
Bên lề diễn đàn, Cố Phó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có một cuộc trao đổi hẹp, ít xã giao và mang tính thực chất với ông Lý Quang Diệu. Theo tôi thấy, trong cuộc tiếp xúc, ông Lý Quang Diệu rất sẵn sàng trao đổi một cách thực chất, không khách sáo. Khi đề cập đến vấn đề nhân lực và cán bộ, ông nói rằng: "Đương nhiên tối ưu có cả đức và tài, nhưng lỡ phải chọn một ưu tiên thì chọn đức." Tôi nghĩ, câu nói này vẫn còn ý nghĩa với chúng ta ngày nay.
Câu nói này của ông làm tôi rất ngạc nhiên và thấy vô cùng thú vị. Tôi không nghĩ một người như ông Lý Quang Diệu lại đề cao vấn đề đạo đức như vậy. Tuy nhiên, đạo đức ông nói ở đây không phải đạo dức theo kiểu tôn giáo như làm việc từ thiện, đi giúp người khác mà tôi hiểu là sự liêm khiết, chính trực với công việc của nhà nước, ranh giới giữa công tư rõ ràng...
Quan điểm trên của ông rất logic và đặc biệt phù hợp với Singapore, quốc gia nổi tiếng về việc đề cao một bộ máy nhà nước trong sạch, nghiêm túc, chặt chẽ và công khai minh bạch.
Một dịp khác tôi gặp ông ở Singapore trong buổi ra mắt cuốn sách của nhà báo người Mỹ Tom Plate. Hồi đó, sức khỏe của ông Diệu đã có phần giảm sút. Nhiều người nói, sức khỏe ông đi xuống sau khi bà vợ mất. Tôi chưa có dịp tiếp xúc với bà. Nhiều người cho rằng, sự ra đi của bà là cú sốc có ảnh hưởng đến sức khỏe của ông.
Lần thứ 3 tôi gặp ông tại TP. Hồ Chí Minh khi tôi đã nghỉ hưu. Hôm đó, trong chuyến thăm TP. Hồ Chí Minh, ông tổ chức buổi gặp mặt với một số chuyên gia trí thức, cựu quan chức. Mọi người đã có một cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn đồng thời đưa ra những nhận định về tình hình, phương hướng và triển vọng của Việt Nam. Tôi thấy ông Lý Quang Diệu vẫn có sự quan tâm nhất định đối với Việt Nam, tuy nhiên, ông không có bình luận đặc biệt lạc quan gì về Việt Nam.
Trong một cuốn sách ông viết sau này, ông có đưa ra những suy nghĩ riêng về Việt Nam và cho rằng Việt Nam chưa đáp ứng được hứa hẹn như ông hy vọng khi ông bắt đầu theo dõi công cuộc đổi mới, cải tổ, cải cách của đất nước chúng ta.
Ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần đến thăm Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Cao cấp và Bộ trưởng Cố vấn của Singapore và đã có khá nhiều khuyến nghị cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam? Bà có bình luận gì về những khuyến nghị ấy?
Tôi được biết là ông đã đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cho Việt Nam, trong đó có việc đầu tư tập trung, dồn sức lực vào một đầu tàu (theo ông là Tp. Hồ Chí Minh và khu vực phía nam) để tạo xung lực cho cả nền kinh tế Việt Nam. Có thể là ông quan sát thấy Việt Nam đầu tư dàn trải quá vì đã có một thời, tỉnh nào cũng muốn xây cảng nước sâu hay nhà máy đường....
Tôi hiểu tư duy ông đưa ra là tư duy hiệu quả, tuy nhiên, nếu áp dụng ở Việt Nam thì chưa phù hợp. Singapore, một quốc gia nhỏ bé về cả địa lý lãnh thổ và dân số, nên việc đầu tư tập trung sẽ phù hợp hơn; đường truyền mệnh lệnh từ trên xuống dưới, từ trung tâm lan tỏa ra sẽ ngắn và thông suốt hơn nên quản lý dễ dàng hơn.
Còn Việt Nam, diện tích lớn hơn, địa chính trị văn hóa, đặc thù con người.. khác Singapore nên việc áp dụng cách đầu tư tập trung là khó khả thi.
Tuy nhiên, có cách làm của Singapore chúng ta nên nghiên cứu thật kỹ, đó là họ làm rất hiệu quả để phòng chống tham nhũng. Ở đảo quốc này, các bộ trưởng được trả lương ngang với CEO của một tập đoàn lớn. Được trả như vậy thì người ta sẽ không có cớ phải nghĩ đến cách làm thêm, kiếm thêm và sẽ giảm được tham nhũng.
Gần đây, lương của CEO có chiều hướng hơi giảm tại Singapore và đã có một số ý kiến cho rằng, cần giảm lương của các bộ trưởng.
Tôi thấy, cách làm như vậy rất có tính logic và hợp lý.
Như bà vừa nói, ông Lý Quang Diệu đã đưa Singapore trở thành quốc gia thuộc hàng ít tham nhũng nhất thế giới?Điều này có là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam?
Theo tôi, để giải bài toán chống tham nhũng cần một giải pháp đồng bộ vì nếu bộ trưởng được trả lương như CEO mà thứ trưởng nhận lương thấp thì lại tạo nguy cơ cho tham nhũng ở bậc dưới . Ý tôi muốn nói là bài toán này cần phải có biện pháp sáng tạo, bạo dạn và dám đầu tư. Tuy có tốn kém nhưng thà rằng có cơ chế bồi dưỡng rõ ràng cho các cán bộ ở vị trí quyền lực để họ toàn tâm toàn ý với công việc, cống hiến cho đất nước còn hơn là để tiền của người dân, của người đóng thuế bị thất thoát bằng phong bì.
Tôi cho rằng, cách làm của Singapore là đáng xem xét, nhưng điều này đòi hỏi một đề án nghiên cứu và cân nhắc các mặt, các vấn đề tương quan và tính khả thi. Chẳng hạn như khi chúng ta quyết định giảm 1/3 bộ máy nhà nước đồng thời tăng lương gấp 3-4, thì có thể sẽ rất nhiều người muốn vào làm cho nhà nước. Tôi nghĩ rằng, cần đặt vấn đề mạnh dạn, chứ không nên cứ nói mãi là phải trận trọng, phải cân nhắc.
Tôi thấy tư duy này Singapore của rất hay, mạnh dạn và đáng để học tập.
Bà đã từng có một nhận xét rằng " Nếu phải nêu hai cái tên không thể tách rời nhau thì đó phải là Singapore và Lý Quang Diệu, và Lý Quang Diệu và Singapore". Bà có thể nói rõ hơn về lời nhận xét này không?
Tôi thấy trong lịch sử của các quốc gia, Singapore là một quốc gia rất trẻ. Sự ra đời của quốc gia này sau khi tách khỏi Malaysia đã gắn với tên tuổi của ông Lý Quang Diệu. Có thể nói ông là "cha đẻ" của quốc gia-dân tộc Singapore. Có thể có người không ủng hộ ông Lý Quang Diệu, hay không thích ông ở cách ông quản trị đất nước đi nữa, nhưng tôi dám chắc không ai dám phủ nhận công sức ban đầu của ông để xây dựng Singapore thành một đất nước phát triển trong thời gian ngắn như vậy.
Tương tự, không ai không thừa nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là cha đẻ của nước Việt Nam hiện đại. Có người nói Gandi và Nehru là hai cha đẻ của nước Ấn Độ hậu thực dân.
Với rất nhiều người Singapore hiện nay, Cố Thủ tướng Singapore được coi như bậc "khai quốc công thần", là "cha đẻ của đất nước Singapore" hiện đại. Tuy nhiên, với một phần thế giới, quan điểm "trị quốc, bình thiên hạ" của ông còn gây nhiều tranh cãi. Bà đánh giá gì về điều này?
Có một số người cho rằng ông lãnh đạo đất nước bằng "bàn tay sắt". Câu chuyện "bàn tay sắt" này không chỉ áp dụng cho ông mà còn cả cho cả Cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-Hee của Hàn Quốc.
Có hai quan điểm trái chiều về cách trị quốc bằng "bàn tay sắt". Có người cho rằng, giai đoạn lịch sử lập quốc đòi hỏi biện pháp này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng sau một thời gian đất nước ổn định, biện pháp quản lý đất nước phải nhẹ nhàng và dân chủ hóa hơn. Theo họ, Singapore với dấu ấn của Lý Quang Diệu hơi chuyên chế và mạnh tay.
Có người nói việc duy trì biện pháp trừng phạt như đánh đòn roi từ thời thực dân Anh là quá rắn. Nước Anh hiện nay đã bỏ rồi, nhưng Singapore vẫn áp dụng.
Ở đây, tôi muốn nói rằng, cách tổ chức đất nước cuối cùng chính là sản phẩm của lãnh đạo, của toàn bộ quần chúng nước đó.
Tôi cũng muốn đề cập đến câu chuyện về thu hút nhân tài. Phải nói rằng, Mỹ và Singapore có điểm giống nhau, đó là họ rất giỏi về thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao. Mỹ đã mời được GS Ngô Bảo Châu sang làm việc cũng như nhiều giáo sư có tiếng khác. Chúng tôi vẫn nói vui rằng, cả thế giới, đặc biệt là châu Âu đào tạo nhiều nhà khoa khọc, nhưng về sau Mỹ lại "hút" hết. Tất nhiên, Mỹ cũng bỏ nhiều công và đầu tư nguồn lực để thu hút họ.
Khi tôi đến thăm trường Đại học Irvine ở California, đi ngang qua mấy phòng thí nghiệm của các nhóm nghiên cứu, tôi thấy rất nhiều tên của các giáo sư có gốc Hàn, gốc Hoa...Không phải tình cờ mà Giáo sư Ngô Bảo Châu sang Đại học Chicago dù trước đó anh từng được đào tạo và nghiên cứu một thời gian tại Pháp.
Một số trường đại học hàng đầu của Singapore mời các giáo sư kinh nghiệm, trình độ cao từ nhiều nơi như Mỹ, châu Âu và Úc đến giảng dạy. Một đất nước nhỏ như vậy với dân số hạn chế nhưng lại thu hút được nhiều người giỏi. Có người nói đó là vì Singapore giàu nhưng tôi thấy ở đó có dấu ấn của Lý Quang Diệu.
Khi đã hạ quyết tâm với một chủ trương mang tính chất chiến lược, Singapore rất thực tế, thực dụng và hiệu quả. Họ hiểu cần phải đầu tư, cần phải bố trí nguồn lực và họ làm cho bằng được. Điều này thực sự là đáng nể. Trước kia, cái mạnh của Singapore là vai trò một nút giao thông, hàng hải quốc tế....nhưng họ thấy phải đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ từ Hong Kong và một số cảng lớn khác dù đã cố gắng hết sức phát huy, sau đó, họ chuyển sang định hướng trở thành một trung tâm giáo dục quốc tế và phát huy được hiệu quả. Ở đây cho thấy rõ ràng một tư duy chiến lược.
Singapore ngày nay vẫn mang dấu ấn "trị quốc" của Lý Quang Diệu, có điều, thời cuộc thay đổi nên không thể tập trung quyền lực như xưa. Điều này được dánh dấu bằng sự thất cử của ông George Yeo, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, từng là bộ trưởng văn hóa, một quan chức kỳ cựu trong bộ máy nhà nước Singaprore. Việc thất cử này là một cú sốc lớn và cho thấy cần phải đa dạng hóa tư duy chính trị để phù hợp vời từng thời kỳ.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nam Hằng
Thực hiện
Lãnh đạo thế giới chia buồn với Singapore Lãnh đạo các nước trên thế giới hôm nay đã gửi lời chia buồn tới Singapore sau khi cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, người có công lớn biến Singapore trở thành một trong những câu chuyện thành công nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, qua đời. Thủ tướng Cameron và cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. (Ảnh: AFP) Thông qua...