Không chỉ Nga thèm miếng bánh Iran
Không chỉ có Nga mà ngay cả các đối thủ trên bàn đàm phán cũng muốn nắm bắt cơ hội làm ăn với Iran
Kế hoạch của Nga
Một số lượng lớn các công ty Nga đang khẩn trương xúc tiến kế hoạch quay trở lại thị trường Iran nhằm nắm bắt các cơ hội đầu tư mới.
Chủ tịch Công ty dầu khí Lukoil, ông Vagit Alekperov phát biểu trên tờ “Business Insider” khẳng định rằng công ty này đang lên phương án chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc quay trở lại thị trường Iran, ngay sau khi các biện pháp trừng phạt của Phương Tây được dỡ bỏ.
Tổng thống Nga Putin tiếp người đồng cấp Iran Rouhani tại Ufa chỉ ít ngày trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân
Teheran và Moskva từ lâu đã có quan hệ tốt trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Hiện Iran và Nga đang sở hữu khoảng 20% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt của thế giới.
Andrei Baklitsky, Giám đốc của Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Nga cho biết Iran sẽ chứng kiến một sự phát triển như vũ bão trong các lĩnh vực từng phải hứng chịu các lệnh trừng phạt, trong đó có dầu khí.
Đây là thời cơ có một không hai cho các công ty và tập đoàn nước ngoài đang mong muốn tham gia đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực này tại quốc gia Hồi giáo.
Video đang HOT
Ngoài dầu khí, lĩnh vực vận tải cũng đang nhận được sự quan tâm của Nga. Hôm 15/7, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nga Maxim Sokolov thông báo Moskva đang đàm phán với Teheran về dự án cung cấp các máy bay chở khách Sukhoi Superjet nhằm hiện đại hóa đội bay của quốc gia Hồi giáo.
Ông Sokolov nói: “Theo tôi được biết, các cuộc đàm phán như vậy đang được tiến hành. Không chỉ Superjet mà ô tô, máy móc và các mặt hàng khác cũng được đặt ra với đồng nghiệp Iran của chúng tôi”.
Ngoài ra, tất cả các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC) đang có ý định nghiên cứu khả năng phát triển quan hệ thương mại-kinh tế với Iran. Đơn đặt hàng về công tác nghiên cứu thích hợp đã được Ủy ban Kinh tế Á-Âu triển khai chỉ một ngày sau khi kết thúc cuộc đàm phán giữa Iran và các cường quốc.
Đề cập tới yếu tố “nhạy cảm” là dầu mỏ có thể khiến Nga và Iran xung đột lợi ích, đài Sputnik của Nga khẳng định quan hệ giữa Moskva và Tehran sẽ càng được củng cố, bất chấp việc giới truyền thông Phương Tây nhận định yếu tố dầu mỏ Iran trên thị trường thế giới có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương này.
Theo đó, Iran và Nga sẽ tăng kim ngạch mua bán vũ khí thêm nhiều tỷ USD bởi các nước khác đều thua Nga về chất lượng và sự đa dạng của vũ khí phòng thủ. Ngoài ra, lưu lượng khách du lịch từ cả hai phía cũng được dự báo sẽ tăng lên.
Trong nhiều năm qua, Nga và Iran duy trì hợp tác chặt chẽ về công nghệ hạt nhân và thỏa thuận mới đạt được giữa P5 1 và Tehran chắc chắn sẽ tạo thêm động lực để mở rộng hoạt động này.
Nhiều nước sốt sắng
Trên thực tế, không chỉ có Nga tỏ ra sốt sắng trước miếng bánh thị trường Iran. Nhiều nước phương Tây, trong đó có cả những “đối thủ” của Iran trên bàn đàm phán hạt nhân như Anh, Pháp, Đức và cả Mỹ cũng muốn nắm bắt cơ hội làm ăn với Tehran.
Đức đã cử một phái đoàn thương mại quy mô lớn tới Tehran vào ngày 19/7. Tây Ban Nha cũng đã có kế hoạch tương tự trong khi nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp hiện đang cân nhắc một chuyến công du tới nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Các quảng cáo về xe hơi và hàng hóa xa xỉ của châu Âu đã bắt đầu xuất hiện tại Tehran. Các hãng hàng không của Dubai cũng nhanh chóng xây dựng các chặng bay tới Iran để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Vũ khí là một trong những lợi thế của Nga
Giới kinh doanh Mỹ cũng háo hức, song trên thực tế đang bị các lệnh trừng phạt không liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran cản trở. Giới phân tích cho rằng điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Mỹ sẽ thất thế trước các doanh nghiệp châu Âu và châu Á – mà nhiều trong số này đã có các mối quan hệ thương mại với Iran trước khi lệnh trừng phạt được siết chặt những năm gần đây.
Iran được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng. Với diện tích rộng gấp 2,5 lần bang Texas của Mỹ, dân số Iran hiện ở vào khoảng 80 triệu người. Đây là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về trữ lượng dầu mỏ và thứ hai thế giới về trữ lượng khí đốt tự nhiên.
Ngành sản xuất và nông nghiệp của quốc gia này cũng được trang bị khá hiện đại và đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế với tổng trị giá 400 tỷ USD.
Tổ chức Capital Economics có trụ sở tại London ước tính tăng trưởng thường niên của nền kinh tế Iran có thể đạt 6-8% trong vài năm tới khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng dần.
Theo_Báo Đất Việt
Trung Quốc hối thúc Philippines trở lại bàn đàm phán
Trung Quốc ngày 6-7 đã lên tiếng hối thúc Philippines quay trở lại bàn đàm phán để giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông.
Tàu Hải quân Mỹ và Philippines trong một lần tập trận
"Chúng ta cần nối lại đàm phán song phương mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Tôi nghĩ đây là cách tốt nhất chúng ta có thể làm để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình", Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa nói với các phóng viên tại Thủ đô Manila.
Động thái trên diễn ra một ngày trước khi Tòa Trọng tài Thường trực của Liên hợp quốc tại The Hague, Hà Lan mở phiên xử vụ Philippines kiện Trung Quốc, trong đó Manila yêu cầu tòa án bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Cũng theo ông Triệu Giám Hoa, Bắc Kinh vẫn giữ vững quyết định không tham gia vào phiên tòa này.
Trước khi cuộc chiến pháp lý chính thức khai màn, Antonio Carpio - trợ lý tư pháp cấp cao tham gia đoàn luật sư Philippines tham gia phiên tòa này cho rằng, Philippines tin tưởng sẽ thắng kiện bởi họ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Cũng theo luật sư Antonio Carpio, Philippines đặt quyết tâm mạnh mẽ vào vụ kiện vì: "Vấn đề ở đây là liệu Philippines sẽ giữ 80% vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông hay là để rơi vào tay Trung Quốc. Nếu Philippines mất đi 80% EEZ trong khu vực Biển Đông, điều đó có nghĩa là sẽ mất đi 80% sản lượng đánh bắt cá tại vùng biển này, chưa kể nhiều tổn thất khác", ông Carpio trả lời phỏng vấn với tờ Rappler.
Cũng trong ngày 7-7, một thủy thủ Philippines cho biết từng phát hiện nhiều chiếc phao cao su có chữ Trung Quốc ở Biển Đông từ hồi tháng 5-2015. Phía Philippines cho rằng, các phao trên được thả để ngư dân Trung Quốc báo hiệu vị trí tàu cá của họ, sau đó nếu hải quân Philippines tìm cách xua đuổi ngư dân, các tàu Trung Quốc sẽ xuất hiện để bảo vệ người Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Philippines phát hiện "vật thể lạ" như vậy. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên.
Theo_An ninh thủ đô
48 giờ phán quyết tương lai Hy Lạp tại Eurozone Sau thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý trong nước, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm nay 7/7 sẽ tới Brussels mang theo các đề xuất mới để bước vào những cuộc thương thảo có tính quyết định tương lai của Athens tại Eurozone trong 48 giờ tới. Trước khi nhà lãnh đạo Athens bước vào các cuộc đàm phán được...