Không chỉ Covid-19, người dân cần đề phòng các bệnh khi giao mùa
Bên cạnh phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan với những bệnh lý khác khi thời tiết giao mùa.
Dịch Covid-19 tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2, với diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng lên từng ngày. Quan tâm hàng đầu của chính quyền và người dân hiện nay là làm sao ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh việc phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan với những bệnh lý khác.
Không chỉ Covid-19, người dân cần đề phòng các bệnh khi giao mùa. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị, bên cạnh việc phòng ngừa dịch Covid-19, người dân cần chú ý thêm về những bệnh lý thường gặp khi thời tiết thay đổi thất thường hiện nay.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm khuyến cáo, hiện là thời điểm giao mùa, do vậy chỉ virus SARS-CoV-2 mà các virus cúm mùa, vi khuẩn viêm phổi cũng có thể phát tác trong thời tiết như thế này.
Video đang HOT
“Biểu hiện chung của các bệnh đường hô hấp chủ yếu là ho, sốt, có đờm, xổ mũi. Nếu chúng ta không có tiền sử tiếp xúc với những người mắc hay có nguy cơ mắc Covid-19, thì chúng ta có thể tạm thời yên tâm dùng các thuốc điều trị triệu chứng, theo dõi tại nhà. Trường hợp nặng thì chúng ta có thể gọi điện đường dây nóng của Bộ Y tế để tham vấn thêm”, Bác sĩ Khiếm khuyến cáo.
Về phòng tránh, vẫn là các biện pháp cơ bản như chống dịch Covid-19, gồm giữ ấm, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, nâng cao thể trạng và sức đề kháng. Bên cạnh đó là giữ môi trường sạch tại nhà, tại nới làm việc.
Với những người có bệnh lý nền, thì đương nhiên khi nhiễm Covid-19 sẽ bị nặng lên. Vì vậy, nhóm bệnh nhân có bệnh nền cần tăng cường phòng bệnh không chỉ với Covid-19 mà với cả các bệnh theo mùa.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị.
“Không chỉ người bệnh, mà bất cứ ai cũng cần ăn đủ chất, uống đủ nước, cung cấp đủ vitamin. Tăng cường các biện pháp đó giúp tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng. Một điều nữa tuyệt đối không được quên là chúng ta phải tập trung điều trị bệnh nền theo đúng phác đồ chỉ định của các bác sĩ”, bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.
Theo thống kê đến sáng 26/3, Việt Nam ghi nhận thêm 14 trường hợp mới mắc Covid-19 trong 24h trước đó, nâng tổng số ca mắc tại 23 tỉnh thành phố trên cả nước lên 148 người. Trong số 14 ca mắc mới, có 10 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 1 ca là thầy thuốc bị lây bệnh từ bệnh nhân đang được điều trị cách ly. 11 ca này không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, trong khi 3 ca còn lại đã có thời gian sống trong cộng đồng.
Trong giai đoạn 1 của diễn biến dịch Covid-19 (tính từ ngày 23/1-13/2), Việt Nam đã chữa khỏi cho toàn bộ 16 bệnh nhân. Giai đoạn 2 (từ 6/3), đã chữa khỏi cho 1 bệnh nhân./.
Bộ Y tế khuyến cáo:
* Người dân không ra đường, nếu không có việc thực sự cần thiết. Những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian.
* Thông báo cho chính quyền và công an sở tại về những người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả công dân Việt Nam và nước ngoài) từ 8/3/2020 đến nay không thực hiện cách ly.
* Các địa phương chấp hành nghiêm quy định tạm thời dừng hoạt động tại các điểm vui chơi, giải trí; xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.
Thiên Bình
Giao mùa dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp
Theo Trưởng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, thời tiết miền Bắc trong trạng thái nồm, ẩm, người già trên 65 tuổi và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi rất dễ mắc hoặc tái phát bệnh viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi do virus.
Ảnh minh họa
Bệnh viêm phổi có các triệu chứng gồm ho, sốt, khó thở, đau tức ngực. Ban đầu, bệnh nhân có thể ho khan, sau đó có đờm vàng, xanh đặc. Trong khi đó cảm cúm thông thường khiến bệnh nhân mệt mỏi, ho khan, sốt không cao nhưng rét run như bị nhiễm vi khuẩn. Bệnh nhân có triệu chứng viêm long đường hô hấp trên kèm theo hắt hơi, sổ mũi và đau rát họng.
Virus xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp gồm mũi, họng. Nếu lượng virus đủ lớn, hàng rào bảo vệ của cơ thể không đủ mạnh, virus sẽ xâm nhập vào phế quản, vào phổi, sinh sôi tại đó và gây các phản ứng viêm, tổn thương phổi. Bác sĩ Khiêm cảnh báo tự ý mua kháng sinh để uống sẽ làm tăng vi khuẩn kháng kháng sinh, khiến người bệnh và các bác sĩ gặp khó khăn trong điều trị. Việc sử dụng lại đơn thuốc nhiều lần không được khuyến khích do có thể không phù hợp với triệu chứng hoặc bệnh mắc phải cùng tình trạng cơ thể. Người dân không nên tự ý dùng thuốc khiến bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, làm giảm cơ hội điều trị.
L.Chi
Theo daidoankét
Những việc người cao tuổi cần làm để không bị COVID-19 tấn công Từ thực tế diễn biến dịch bệnh COVID-19 cho thấy, người cao tuổi là đối tượng dễ bị tấn công và "gục ngã" khi mắc phải bệnh COVID-19 do hệ miễn dịch của họ đã suy yếu, và đa số người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính kèm theo. BS. Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Hữu Nghị...