Không chỉ chấm cùng nước xíu mại như ở Đà Lạt, bánh căn còn biến hoá khôn lường với vô vàn kiểu nước chấm độc đáo
Nếu đã trót lỡ yêu thích những chiếc bánh căn thơm lừng và bắt vị thì bạn phải trải nghiệm những hương vị của các loại nước chấm ăn kèm. Mỗi chiếc bánh căn chấm vào mỗi loại nước chấm khác nhau đã mang đến những đặc sắc riêng cho từng vùng miền.
Bánh căn từ lâu được biết đến như là món ăn đặc trưng của vùng đất miền Trung. Hiện nay, hương vị dân dã này không còn “yên vị” một chỗ mà đã có mặt ở nhiều vùng. Qua quá trình tiếp biến, người dân mỗi nơi lại học hỏi và sáng tạo nhiều cái mới, làm món ăn này thêm đặc sắc và trông hấp dẫn hơn. Trong đó phải kể đến phần nước chấm phối hợp khi ăn kèm bánh, mỗi vùng miền lại mang một hương vị riêng biệt.
Phan Rang được xem là “cội nguồn” của bánh căn, món ăn do người Chăm Ninh Thuận sáng tạo và trở thành đặc sản của vùng đất này. Bột bánh được làm theo công thức khá đặc biệt. Bột gạo, sau khi ngâm nước, pha trộn thêm cơm nguội khi xay bột, quan trọng là phải canh đo tỉ lê giữa nước và bột để bánh có độ giòn xốp khi nướng mà không bị nhão.
Bánh phải được nướng trên chiếc lò đất nung, than hồng mới đúng điệu. Chiếc bánh căn trắng tinh, nóng hổi, nhân là trứng cút, trứng gà đánh loãng hay thịt… là kiểu ăn truyền thống của người Phan Rang. Bánh khi vừa chín tới là được thả ngay vào tô hành lá xắt nhuyễn. Chiếc bánh điểm thêm màu xanh của hành lá, nhìn càng ngon. Khi chín bánh phồng nhẹ lên, hường thơm tỏa ra thơm lừng.
Ở Phan Rang thực khách có thể thưởng thức những chiếc bánh căn với mắm nêm hoặc mắm đậu phộng. Nếu mắm nêm bắt vị với cái cay cay, hăng hăng của mùi mắm nồng thì mắm đậu phộng lại mang đến cái béo thơm hài hòa cùng món ăn.
Bạn có thể ăn bánh cùng bánh tráng và rau cuốn
Vỏ bánh giòn, lớp bột bên trong thì mềm mịn hòa lẫn cái béo thơm của trứng, thịt. Khi chấm cùng mắm thì tiếp thêm vị cay nồng đậm đà lẫn trong vị chua của xoài xanh băm nhỏ, một ít hành lá trộn chung tóp mỡ, hấp dẫn làm sao.
Video đang HOT
Bánh căn Đà Lạt
Bánh căn khi du nhập đến phố núi cũng đã trở thành món ăn mà bất kì ai đến Đà Lạt cũng phải thưởng thức một lần. Hình dáng, nguyên liệu cũng không khác gì bánh căn Phan Rang nhưng xét về bột bánh thì có lẽ bánh căn Đà Lạt có phần cứng và dày hơn.
Người Đà Lạt đổ nhân bánh cùng với trứng cút, trứng gà và cả thịt bò băm nhuyễn. Không mang hương vị biển mà lại thoang thoảng hương vị tinh tế và ngọt đậm hơn. Bánh chín sẽ được bày thành từng cặp, dùng kèm với một ít chả lụa, xíu mại và nước chấm. Điểm tạo nên hương vị độc đáo riêng của bánh căn đó chính là nước mắm được pha thêm chút mỡ hành và chút ớt hoặc sa tế, tạo nên hương vị đặc trưng riêng của Đà Lạt.
Chấm ngập chiếc bánh nóng giòn trong chén nước chấm, khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị cay nồng của sa tế, mùi mắm dậy lên còn hành lá thì đầy ắp mang đến cái thơm lừng khó cưỡng. Đặc biệt, món ăn còn có sự hiện diện của viên xíu mại, beo béo và đậm đà.
Trong không khí se lạnh, ngồi quây quần bên bếp than, thưởng thức từng chiếc bánh nóng hổ và cay hít hà thì còn gì hợp hơn với khí trời nơi đây.
Khi đến thành phố biển Nha Trang thì món bánh căn như được “khoát màu áo mới”, sang trọng và bắt mắt hơn với những chiếc bánh căn hải sản. Nha Trang có đủ hương vị bánh căn như nhân thịt bò, trứng, nhưng ngon và quyến rũ vị giác nhất là tôm với mực. Nếu đã từng được ăn bánh căn tôm, mực ở Nha Trang, bạn sẽ thấy bánh căn hải sản ở những nơi khác, dù thế nào cũng khó lòng bì kịp.
Bánh căn tôm mực mang đến vị ngọt tươi của tôm, cái giòn của lát mực hoà quyện cùng mùi thơm, cái cay nhẹ của nước chấm, vị chua của xoài bào… tạo nên một món ăn tinh tế và bắt vị.
Ăn kèm với bánh căn là rau sống, xà lách cùng các loại húng, quế… đặc biệt không thể thiếu món xoài xắt mỏng chua chua để tăng vị. Vì có hương vị hải sản nên nước mắm chua ngọt sẽ hợp vị với món. Nước chấm gồm ớt, chanh và mắm đường được pha sền sệt. Nhiều người còn cầu kỳ phi thơm hành mỡ rồi đổ vào nước chấm cho dậy vị.
Những chiếc bánh căn có màu vàng tươi của trứng, tôm tươi đỏ au, mực siêu bự, một chút hành lá điểm vào cho thực khách vô cùng thích thú, mang đặc trưng hương vị Nha Trang.
Đến Phan Thiết, bạn sẽ thích thú khi được thưởng thức không một hương vị nước chấm khá độc đáo, nước chấm cá kho. Đây được xem là “linh hồn” của mỗi đĩa bánh căn nơi đây.
Cá kho được dùng thường là cá nục, cá cơm… kho thật nhiều nước, nếm vừa ăn đủ làm nước dùng. Bí quyết kho cá là phải dậy lên mùi thơm, không tanh thịt cá dai nhưng vẫn mềm, còn xương và đầu cá mềm rục ăn đc.
Nước kho cá nêm nếm vừa ăn để khi chấm ngập hết bánh vào, ăn vừa vị không bị quá nhạt cũng như quá mặn. Ngoài ăn kèm với nước cá kho, bánh căn Phan Thiết còn thêm một số món ăn kèm như: xíu mại, trứng cút, da heo và xoài sống. Bánh căn ở đây ngon nhờ sự giản dị của bột bánh, của tô nước mắm pha đỏ au, của sự đa vị của thức ăn kèm, đậm đà hương vị.
Mỗi chiếc bánh căn chấm vào mỗi loại nước chấm khác nhau cũng mang đến những trải nghiệm khác nhau. Mùi thơm nhẹ của nước mắm chua ngọt dễ ăn nhưng cũng vì vậy mà hương thơm, vị ngon của bánh không đậm đà như khi kết hợp với chén mắm mêm, hay không nồng vị biển như khi kết hợp với nước và những miếng cá kho bùi, béo.
Bánh ướt lòng gà, bánh căn Đà Lạt ở Sài Gòn
Bánh ướt lòng gà vừa miệng, bánh căn nóng hổi quyện với chén xíu mại béo có thể giúp bạn thỏa cơn thèm đồ Đà Lạt.
Quán ăn chuyên các món Đà Lạt nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Đồng Nai, quận 10 là điểm ăn xế quen thuộc của các tín đồ ẩm thực "thành phố ngàn hoa" tại Sài Gòn. Thực đơn chỉ vài món đặc trưng, trong đó bánh ướt lòng gà và bánh căn được lòng khá nhiều người.
Quán gồm tầng trệt và một lầu. Không gian trong nhà khá chật chội, hơi nóng vào mùa hè, đặc biệt là tầm chiều tối vì lúc này khá đông khách ghé quán. Đôi lúc thực khách phải ngồi chen chúc nhau. Ngoài bánh căn và bánh ướt, quán còn bán bún riêu, bún bò và mì Quảng nấu theo kiểu Đà Lạt vào một vài ngày cố định trong tuần.
Để giữ đúng bản chất của món bánh căn, chủ quán đổ bột bánh làm từ bột gạo pha loãng vào khuôn đất và nướng trực tiếp bằng bếp than. Bánh chín có lớp vỏ ngoài cứng, giòn còn bên trong thì xốp mềm. Có ba loại nhân bánh cho bạn lựa chọn là gà, vịt, trứng cút với giá từ 28.000 đến 33.000 đồng/đĩa. Bánh chín thì xếp thành từng cặp lên đĩa.
Đĩa bánh căn Đà Lạt.
Món này ăn nóng mới ngon nên có khách thì đầu bếp mới bắt đầu làm bánh. Những lúc quán đông, 2-3 người đứng đổ bánh không ngơi tay. Bạn có thể gọi bánh không, tuy nhiên sẽ thiếu sót nếu không ăn kèm chén xíu mại gồm hai viên thịt băm, hành và nước mắm ngọt. Khi ăn, bạn thêm một ít ớt xắt tạo vị cay the, ăn đỡ ngấy. Sau đó bạn nhúng cả miếng bánh vào chén xíu mại rồi thưởng thức.
Bên cạnh đó, bạn nên gọi thêm chả cây ăn kèm. Chả có giá 6.000 đồng/cây, xíu mại giá 7.000 đồng/chén. Khách ăn bao nhiêu thì gọi bấy nhiêu. Bánh giòn xốp, thấm nước mắm chấm pha loãng mang chút vị ngọt, vị béo ngậy của thịt mỡ, hành lá thơm và mùi bánh, trứng... rất thích hợp để ăn vào chiều mưa.
Chén xíu mại ăn kèm bánh căn.
Món đinh của quán phải kể đến là bánh ướt lòng gà, khoái khẩu của nhiều người. Lá bánh ướt không quá mềm nhưng cũng không bị cứng, ăn vừa miệng. Phần nhân ăn kèm gồm có gà và mề trộn gỏi với rau thơm, hành tây cùng một ít hành phi. Phần bánh ướt có giá 32.000 đồng, nếu gọi trứng non thì bạn phải trả thêm 10.000 đồng.
Gỏi gà thấm vị, khi ăn thực khách rưới thêm nước mắm loãng pha chút ớt xắt lên trên, trộn đều rồi thưởng thức. Trứng non và mề gà sần sật, nhai vui miệng. Thịt gà không bị dai. Một phần ăn không nhiều, vừa đủ lót dạ vào buổi chiều. Ngoài những món chính ra, quán còn bán vài món ăn vặt Đà Lạt như kem bơ, yogurt phô mai béo ngậy, xắp xắp, bánh bèo... với giá từ 7.000 đến 25.000 đồng/phần. Quán mở cửa từ 15h đến 21h mỗi ngày, là gợi ý không tồi khi bạn nhớ đồ ăn Đà Lạt.
Bánh ướt lòng gà.
Bánh căn Đà Lạt tại Sài Gòn, cần gì phải đi xa Gốc là người Đà Lạt nên chủ quán Dalat Foods mang đúng hương vị của món ăn phố núi xuống Sài Gòn. Món bánh căn Đà Lạt hấp dẫn bao người. Bánh căn là một loại bánh làm từ bột gạo xay có hình dáng gần với bánh khọt ở các tỉnh phía Nam, nhưng cách làm hoàn toàn khác. Khuôn đúc bánh...