Khống chế giá trần, hãng hàng không càng bay nhiều càng lỗ?
“Trước Tết Âm lịch, chiều từ Nam ra Bắc có nhu cầu cao trong khi chiều từ Bắc vào Nam lại rất thấp. Vì sự khống chế của giá vé, trong giai đoạn cao điểm, chúng tôi bay càng nhiều càng lỗ” – ông Dương Trí Thành – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho hay.
Hôm qua (19/3), lần đầu tiên Cục Hàng không Việt Nam đứng ra tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không. Ngoài các hãng bay, tham dự hội nghị còn có các doanh nghiệp khai thác cảng, các đơn vị phục vụ mặt đất.
Ông Dương Trí Thành – Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines – cho biết, thị trường hàng không nội địa hiện không còn tình trạng khai thác độc quyền trên các đường bay có dung lượng lớn, trong khi đó, ở các giai đoạn cao điểm, tính cao điểm lại thường chỉ trên một chiều.
“Trước Tết Âm lịch, chiều từ Nam ra Bắc có nhu cầu cao trong khi chiều từ Bắc vào Nam rất thấp. Điều này làm hệ số ghế chuyến bay khứ hồi trong giai đoạn cao điểm lệch đầu, thậm chí thấp hơn giai đoạn bình thường. Vì sự khống chế của giá vé, trong giai đoạn cao điểm, chúng tôi bay càng nhiều càng lỗ” – ông Thành nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines nêu lên đề xuất xoá bỏ giá trần vé máy bay nội địa đối với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên, bởi điều này không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam nói chung.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Vận tải – Bộ Giao thông Vận tải – cho rằng, trần máy bay được áp dụng với những đường bay nội địa có độc quyền. Mà độc quyền hay không thì lại phải căn cứ theo Luật Cạnh tranh.
“Nếu một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần trở lên thì đã gọi là độc quyền, 2 doanh nghiệp cộng vào với nhau trên 50% thì đã gọi là độc quyền” – đại diện Vụ Vận tải khẳng định.
Trên thực tế, thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia của 4 hãng hàng không khai thác bay thương mại là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Vasco. Trong đó, Vietnam Airlines chiếm 60% thị phần, Vietjet Air chiếm 30% thị phần và 10% thị phần còn lại chia cho các hãng khác.
Video đang HOT
Các hãng hàng không kiến nghị giảm thuế nhập khẩu xăng dầu
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Tâm – Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air – cho biết, do là hãng hàng không “sinh sau đẻ muộn” nên hãng hoàn toàn không có mặt bằng tại các sân bay, không có các công ty phục vụ mặt đất, không có công ty cung ứng trực thuộc hãng.
“Vietjet Air là hãng hàng không duy nhất mà toàn bộ dịch vụ cung ứng tại sân bay và các cảng hàng không đều không do hãng cung cấp. Chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng của chúng tôi tại các cảng hàng không phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp giữa các bên, từ khâu làm thủ tục cho hành khách, tiếp nhận hành lý, dịch vụ sân đỗ, trả hành lý trên băng chuyền…” – ông Tâm nhấn mạnh.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, đại diện Vietjet đề nghị các công ty dịch vụ mặt đất tạo điều kiện cho Vietjet cùng tham gia trong khâu tuyển chọn những nhân viên phục vụ cho chuyến bay của VietJet, đồng thời phát động chương trình khen thưởng, khích lệ trực tiếp tới các cá nhân nhân viên phục vụ tốt khách hàng cũng như có quyền được đề nghị kỷ luật thay thế nhân viên nếu có vi phạm về tiêu chuẩn dịch vụ khách hàng.
Một khó khăn khác được hãng bay nêu ra tại Hội nghị này là giá nhiên liệu hàng không. Theo số liệu chung của Hiệp hội các hãng Hàng không châu Á-Thái Bình Dương (AAPA), chi phí nhiên liệu chiếm tới 35,3% tổng chi phí. Tuy nhiên, ở mỗi một hãng, tùy vào cách thức kinh doanh mà tỷ lệ chi phí có thể khác nhau, nhưng về cơ bản chi phí nguyên liệu xê dịch từ 35-45%, tiếp đó là chi phí cho tàu bay (bao gồm chi phí đầu tư tàu bay và chi phí bảo dưỡng) cũng chiếm một phần lớn, dao động từ 12-20%.
Ông Lê Hồng Hà – Tổng Giám đốc Jetstar Pacific – cho hay, 3 tháng đầu năm 2015 giá nhiên liệu bay (Jet A1) giảm sâu so với 2014, mức hiện nay khoảng 70 USD/thùng. Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu lại tăng lên 25%.
“Trong tình hình khó khăn và cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì viêc nôp thuê nhâp khâu nhiên liêu 25% la môt ganh năng tai chinh đối với hãng hàng không. Để tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ Jetstar Pacific và các hãng hàng không, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bô Tài chính xem xet giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không xuống còn 7%” – ông Hà kiến nghị.
Ông Hà cũng cho biết thêm, hiện Bộ Tài chính đã có chủ trương tăng thuế môi trường từ 1000đ/lít lên 3000đ/lít, mức tăng này làm ảnh hưởng đến chi phí của Jetstar Pacific dự kiến trong năm 2015 là gần 150 tỷ đồng. Để giảm thiểu rủi ro cũng như hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn kính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính cho phép hãng hãng hàng không đưa thuế môi trường này vào cơ cấu giá vé.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ GTVT "chốt" danh sách lãnh đạo cấp cao của Vietnam Airlines
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa cử 4 người đại diện phần vốn nhà nước và giới thiệu ứng cử vào các chức vụ quan trọng tại Vietnam Airlines - CTCP. Trong đó, giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc vẫn là những nhân sự đương nhiệm.
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - được giao đại diện cho 35% vốn điều lệ, giới thiệu ứng cử Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Thanh cũng được Bộ Giao thông vận tải giao phụ trách chung việc thực hiện nhiệm vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty.
Ông Phạm Ngọc Minh - Thành viên Hội đồng thành viên là nhân sự thứ 2 được giao đại diện phần vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines - CTCP (Công ty cổ phần). Ông Minh sẽ đại diện cho 30% vốn điều lệ, tham gia ứng cử Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines.
Nhân sự thứ ba là ông Lưu Văn Hạnh và ông Nguyễn Huy Tráng - Thành viên Hội đồng thành viên - đều được giao đại diện số phần trăm vốn điều lệ bằng nhau 14,7215% và được giới thiệu ứng cử Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị.
Nhân sự lãnh đạo cấp cao của Vietnam Airlines đã được Bộ chủ quản "chốt" danh sách
Được biết, Vietnam Airlines đang đề nghị Bộ GTVT thông qua phương án trình Đại hội cổ đông nhân sự Hội đồng quản trị gồm 5 người, trong đó có 4 người đại diện phần vốn Nhà nước, 1 thành viên độc lập và Ban kiểm soát gồm 3 người. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị sẽ còn có sự thay đổi sau khi Vietnam Airlines hoàn thành công tác lựa chọn đối tác chiến lược dự kiến kết thúc vào quý II/2015. Phương án nhân sự này sẽ được trình Đại hội cổ đông lần thứ nhất của Vietnam Airlines - CTCP thông qua vào ngày 12/3 tới.
Theo Bộ GTVT, việc tiếp tục giới thiệu ông Phạm Viết Thanh và ông Phạm Ngọc Minh ứng cử hai vị trí lãnh đạo then chốt tại Vietnam Airlines - CTCP sẽ giúp cho đơn vị giữ được sự ổn định về nhân sự, đặc biệt là trong giai đoạn hậu cổ phần hóa.
Ông Phạm Viết Thanh sinh năm 1962, là Tiến sỹ quản trị kinh doanh; giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines từ tháng 6/2011. Trước đó, ông Thanh được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines từ tháng 8/2003.
Ông Phạm Ngọc Minh sinh năm 1960, là Kỹ sư kinh tế vận tải hàng không tại Đại học hàng không dân dụng Kiev, Tiến sỹ kinh tế; giữa chức vụ Tổng giám đốc Vietnam Airlines từ cuối tháng 12/2007. Ông Minh được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines từ tháng 5/1993.
Nếu trúng cử, "dàn" lãnh đạo mới của Vietnam Airlines sẽ phải hoàn thành những mục tiêu kinh doanh trong giai đoạn 2015 - 2018 được đánh giá là khá nặng. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2018, ngoài việc giữ vững vai trò chủ đạo trong ngành giao thông hàng không trong nước, Vietnam Airlines đặt mục tiêu giữ vị thế chi phối tại khu vực Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng.
Trong 3 năm tới, tổng sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines sẽ đạt khoảng 84,9 triệu lượt khách, tăng trưởng 16,1%/năm và hàng hóa đạt 0,976 triệu tấn, tăng trưởng 13,9%; tổng doanh thu đạt 383.674 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ là 293.605 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân hợp nhất đạt 7,13%.
Năm 2015 cũng là năm ghi nhận kế hoạch đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Vietnam Airlines với tổng số vốn đầu tư lên tới 22.953,9 tỷ đồng, tăng 2,44 lần so với năm 2014, tập trung chủ yếu cho việc mua 7 tàu bay, gồm 3 A321, 4 B787 (21.208 tỷ đồng).
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Việt Nam sắp có thêm hãng hàng không mới? Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT kết quả thẩm định hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty CP Dịch vụ Globaltrans Air, với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, phương án tàu bay khai thác và các điều kiện khác... Theo Cục Hàng không Việt Nam, kết quả thẩm định...