Không chấp nhận “củi, rác” làm rường cột quốc gia
Cán bộ chủ chốt ở các cấp là rường cột của hệ thống chính trị, của bộ máy nhà nước. Đặc biệt, với cán bộ cấp chiến lược phải được tập hợp từ những gương mặt sáng giá, đại diện cho tinh hoa trí tuệ của dân tộc. Không thể chấp nhận “củi, rác” làm rường cột quốc gia – Đó chính là ý Đảng, lòng Dân.
Những ngày tháng qua, cả nước chứng kiến việc xử lý kỷ luật nghiêm minh của BCT, BBT đối với nhân sự lãnh đạo các cấp. Có hàng chục cán bộ, từ UVBCT, UV BCHTW, Bí thư tỉnh uỷ cho đến cán bộ cấp tướng, cấp tá của ngành công an. Và mới đây thôi, BBT đã cách hết các chức vụ đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH Đồng Nai.
Việc kỷ luật hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng trong thời gian qua đang khẳng định quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng và lộng hành quyền lực, đặc biệt là việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ ở các cấp. Trái lại với những ý kiến lo lắng về sự biến động trong công tác tổ chức cán bộ, việc làm ấy đã và đang được các tầng lớp nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, ủng hộ và tuyệt đại đa số nhân dân đều cho rằng, Đảng cần có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn nữa để chỉnh đốn kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng nhân sự để xứng tầm với sứ mệnh lịch sử của một đảng chính trị cầm quyền.
Việc kỷ luật hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng trong thời gian qua đang khẳng định quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng và lộng hành quyền lực (Ảnh Dân trí)
Từ những vi phạm nghiêm trọng của cán bộ vừa bị kỷ luật thời gian qua, có hàng loạt câu hỏi đặt ra, cần được giải quyết.
Vì sao, không ít cán bộ ở các cấp có quá trình vi phạm liên tục, “được đánh giá là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng” nhưng lại vẫn đều đặn thăng tiến trong suốt hàng chục năm qua? Vì sao, đến tận bây giờ mới xử lý nghiêm trường hợp này?
Vì sao, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước ở địa phương trong nhiều năm qua không phát hiện và xử lý kịp thời? Cá nhân nào, tổ chức nào, cơ quan nào đã tiến cử, đề bạt, bổ nhiệm những con người này liên tục thăng tiến trong một thời gian dài? Xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức ấy ra sao?
Vai trò của tổ chức đảng cấp trên ở đâu? Trách nhiệm thẩm định chất lượng nhân sự và công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của nhân sự theo phân cấp quản lý như thế nào?
Những trường hợp tương tự chắc chắn không hề ít, đã và đang có ở tất cả các cấp.
Đến nay, những quy định mới của Đảng đã được sửa đổi, bổ sung đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn và cái “lò” của Đảng, do Tổng Bí thư nhóm lên đang ngùn ngụt cháy bằng ngọn lửa chí thành của lòng Dân.
Video đang HOT
Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khoá XII sẽ bàn và quyết định việc thông qua Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là một văn kiện vô cùng quan trọng, tạo cơ sở vững chắc cho việc củng cố tổ chức, rà soát lại chất lượng nhân sự ở các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
Để những chủ trương, quyết sách của Đảng được triển khai đồng bộ, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, khẳng định triệt để tinh thần nhất quán “không có vùng cấm, không có thiên vị, ưu ái cho bất cứ cá nhân nào” và để ai đó “không thể, không muốn, không dám” lạm dụng quyền lực khi giới thiệu, thẩm định, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, man trá bằng cấp, gian lận trong kiểm phiếu, hay dối trên, lừa dưới… thì việc tổng rà soát công tác nhân sự trong hai nhiệm kỳ gần đây là việc làm vô cùng cấp bách lúc này.
Cán bộ chủ chốt ở các cấp là rường cột của hệ thống chính trị, của bộ máy nhà nước. Đặc biệt, với cán bộ cấp chiến lược phải được tập hợp từ những gương mặt sáng giá, đại diện cho tinh hoa trí tuệ của dân tộc. Đó là lực lượng ưu tú, có năng lực vượt trội về tư duy chiến lược và phẩm hạnh, đủ tầm sáng tạo thể chế, chính sách ưu việt, dẫn dắt đất nước phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đó cũng là lực lượng tinh thông luật pháp, nhận rõ đúng, sai để vận hành bộ máy quản lý đất nước và xã hội, với tinh thần “dĩ công vi thượng”.
Không thể chấp nhận “củi, rác” làm rường cột quốc gia. Đó cũng chính là ý Đảng, lòng Dân vậy.
Chỉ có thể làm được như thế, mới thu phục được muôn triệu nhân tâm lúc này!
Theo Danviet
Cán bộ cấp chiến lược phải khác cán bộ bình thường thế nào?
"Có thể nói đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là lực lượng nòng cốt của đất nước, quyết định đến bản chất của chế độ, đường hướng phát triển của đất nước. Cần phải nhìn nhận như vậy từ đó mới đi đến vấn đề tiêu chuẩn", PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM) nói khi trao đổi với PV Dân Việt.
PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh PV).
Sáng nay (7.5), tại Hà Nội, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII sẽ khai mạc. Một trong những nội dung quan trọng được trình ra Hội nghị là Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. PV Dân Việt có trao đổi với PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay, việc lựa chọn xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng có ý nghĩa quyết định thế nào?
- Các thời kỳ trước đây Đảng ta đều hết sức quan tâm đến xây dựng, tạo dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Trong công cuộc đổi mới phát triển đất nước hiện nay Đảng ta đã xác định lấy xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, còn trong xây dựng Đảng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua có nhấn mạnh, phải lấy công tác cán bộ là then chốt, nghĩa là then chốt của then chốt.
Hội nghị Trung ương sẽ xem xét cho ý kiến về Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược (ảnh TTXVN).
Trong công tác cán bộ việc lựa chọn tìm được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo tôi sẽ có ý nghĩa quyết định. Vì sao lại nói như vậy, trước hết chúng ta phải nhận thức đúng vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Nếu không nhận thức đúng vai trò, vị trí thì sẽ không có đề án hay cách thức để thực hiện.
Cán bộ cấp chiến lược là gì? Theo tôi có hai điểm quan trọng, thứ nhất đã nói tới cán bộ cấp chiến lược là có vị trí trọng yếu quyết định đến đường hướng phát triển của đất nước, của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải có tư duy chiến lược, phải có năng lực hoạch định cương lĩnh đường lối, chính sách, phát luật.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược không chỉ là người quyết định phương hướng, đường lối mà còn là người lãnh đạo, chỉ đạo việc thực thi một cách đúng đắn để hiện thực hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật thành hiện thực. Phân tích như vậy để thấy được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Nếu như lựa chọn đội ngũ cán bộ cấp chiến lược không đúng với yêu cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình phát triển của đất nước.
Công tác cán bộ ở nhiệm kỳ khóa XI dù chúng ta đã có những tiến bộ nhưng vẫn có trường hợp không đủ tiêu chuẩn lọt vào Trung ương, sau đó bị thi hành kỷ luật, bị truy tố, đó là bài học khi lựa chọn cán bộ cấp chiến lược hiện nay, ông nghĩ sao?
- Năm 2017, Bộ Chính trị có đưa ra Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương xác định đội ngũ cán bộ cấp chiến lược khoảng 600 người, ở Trung ương bao gồm các đồng chí cấp Thứ trưởng, Phó Ban của Đảng và các cấp tương đương trở lên, còn ở địa phương là Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh. Có thể nói đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là lực lượng nòng cốt của đất nước, quyết định đến bản chất của chế độ, đường hướng phát triển của đất nước. Cần phải nhìn nhận như vậy từ đó mới đi đến vấn đề tiêu chuẩn.
Trong thực tiễn đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, Đảng ta lựa chọn từ khóa XI đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có thể nói là bước tiến, tuy nhiên nó vẫn bôc lộ những hạn chế hay nói cách khác là sơ hở. Tại một Hội nghị T.Ư khóa XI khi bàn về công tác nhân sự cho khóa XII, Tổng Bí thư có nhấn mạnh, kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...
Trên thực tế vẫn có, chính vì thế vừa qua Đảng ta đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Việc để lọt có thể do tổ chức nhận thức, đánh giá về người cán bộ đó chưa đúng hoặc việc lựa chọn là đúng nhưng khi người cán bộ được trao quyền họ lại lạm quyền, lộng quyền dẫn tới những khuyết điểm, sai lầm.
Có thể nói từ bài học công tác cán bộ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng cho đến nay có những vấn đề đáng suy nghĩ khi xây dựng đề án công tác cán bộ làm sao thật chặt chẽ. Nói như vậy cũng không có nghĩa là tuyệt đối hóa được bởi đây là lựa chọn con người. Tôi vẫn phải nói lại là việc lựa chọn cán bộ của tổ chức lúc đó có thể đúng nhưng khi giao quyền lực cho người cán bộ thì bắt đầu có sự chuyển hóa. Tức là đang là người tốt, người trung kiên trở thành người vi phạm, thế mới gọi là tự diễn biến, tự chuyển hóa. Nói như thế để thấy khó có thể tuyệt đối được, tuy nhiên trong công tác cán bộ quy định càng chặt chẽ bao nhiêu, có tiêu chí, tiêu chuẩn rõ càng tốt. Có thể nói chúng ta có nhiều người giỏi và tuổi còn trẻ, nếu lựa chọn, quy hoạch cán bộ được làm một cách bài bản, công khai, dân chủ, lắng nghe ý kiến, không bị chi phối bởi vấn đề gì thì nhất định sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tốt.
Là một nhà nghiên cứu, theo ông cán bộ cấp chiến lược cần có những tiêu chí gì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, thưa ông?
- Với tư cách là người nghiên cứu tôi suy nghĩ mấy điểm về đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Khi nói đến cán bộ cấp chiến lược nghĩa là phải có sự khác so với cán bộ bình thường. Từ đó định hình ra tiêu chuẩn cán bộ chiến lược rõ hơn, rõ nhưng lại phải khái quát, khái quát nhưng phải cụ thể.
Thứ nhất, đã là cán bộ cấp chiến lược phải có đạo đức cách mạng trong sáng, dĩ công vi thượng, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và Nhân dân, thực sự vì nước vì dân. Cán bộ cấp chiến lược toàn không có biểu hiện gì dính dáng đến tham nhũng, lợi ích nhóm...
Thứ hai, cán bộ cấp chiến lược phải có trình độ trí tuệ, có tư duy chiến lược. Trình độ bao gồm lý luận Mác -Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực được giao; có khả năng để tham gia hoạch định cương lĩnh đường lối chính sách pháp luật, phải thấy trước vấn đề, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói, người lãnh đạo phải thấy trước vấn đề, không thấy trước vấn đề thì không làm lãnh đạo được.
Thứ ba, cán bộ cấp chiến lược phải có năng lực tổ chức thực tiễn để hiện thực hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật. Để làm được điều này, đòi hỏi người đó phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm, giữa nhận thức và hành động.
Thứ tư, cán bộ chiến lược phải có phong cách lãnh đạo, làm việc đúng đắn. Phong cách này đòi hỏi gắn với thực tiễn thế nào, chống quan liêu thế nào, chống vô cảm thế nào, gần dân thế nào. Từ phong cách lãnh đạo gắn với nhạy cảm chính trị để củng cố uy tín chính trị với cấp dưới, với Nhân dân. Cán bộ cấp chiến lược phải là người được quần chúng và cấp dưới tín nhiệm mới quy tụ, đoàn kết và lãnh đạo được.
Thứ năm, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng 4.0 đòi hỏi cán bộ cấp chiến lược phải am hiểu sâu sắc những vấn đề của thời đại, của quốc tế, nhận ra những thuận lợi, khó khăn một cách chủ động để suy nghĩ đường hướng cho đất nước mình, dân tộc mình. Còn như chỉ loanh quanh trong nước, không mở tầm nhìn ra bên ngoài thì đóng góp của cán bộ cấp chiến lược rất hạn chế.
Nói lên năm điểm này là tôi đã suy nghĩ rất nhiều về các thời kỳ cách mạng trước đây. Nghiên cứu cách Hồ Chủ tịch và các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng ta đã làm, từ đó suy nghĩ vào vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược hiện nay.
Xin cảm ơn ông (!)
Theo Danviet
Xây dựng cán bộ cấp chiến lược: Tiêu chí quan trọng nhất là không... "chạy"! Vụ trưởng Vụ 4 Ban Tổ chức Trung ương cho biết, đề án xây dựng đội ngũ cán bộ nêu một biện pháp coi chạy chức, chạy quyền là hành vi tham nhũng. Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng nhận định, tiêu chí quan trọng nhất khi xây dựng cán bộ là chọn người không có biểu hiện lợi ích, thu...