Không cần xung đột quân sự, Mỹ vẫn có thể kiềm tỏa Triều Tiên
Khi một loạt các biện pháp truyền thống như kêu gọi ngoại giao, trừng phạt kinh tế và đe dọa quân sự đều tỏ ra không hiệu quả với Triều Tiên, Mỹ có thể sử dụng chiến lược “kiềm tỏa tích cực” dựa trên năng lực hải quân của nước này cùng với sự phối hợp đồng bộ của các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc đề “khắc chế” mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Tổng thống Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: BBC)
Biện pháp truyền thống không hiệu quả
Trong vòng 2 tháng qua, Triều Tiên đã cho cộng đồng quốc tế thấy một loạt các động thái gây căng thẳng của nước này như phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản, thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa vươn tới Mỹ, hay thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay…
So với các chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump cũng không có nhiều lựa chọn trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, ngoài việc tăng cường chính sách ngoại giao, đẩy mạnh trừng phạt kinh tế hay tiến hành tấn công quân sự phủ đầu. Cho đến nay, những lựa chọn này đều chưa cho thấy hiệu quả thực sự, thậm chí còn có thể đặt Mỹ vào vòng nguy hiểm.
Trước hết, các biện pháp ngoại giao với Triều Tiên được cho là đã thất bại thảm hại trong vài chục năm qua khi Bình Nhưỡng không có ý định đàm phán với Mỹ. Triều Tiên từng nhiều lần tuyên bố không chấp nhận điều kiện do các nước đưa ra , trong đó đòi hỏi Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này.
Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng trong vụ phóng ngày 15/9 (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng không hiệu quả với Triều Tiên khi Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng, không nghiêm túc thực thi các biện pháp này. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt dường như không phải vấn đề quá nghiêm trọng với Triều Tiên vì như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói Bình Nhưỡng sẵn sàng “ăn cỏ” chứ không từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Thông thường, khi các biện pháp ngoại giao và trừng phạt không hiệu quả, một giải pháp tấn công quân sự sẽ được đưa ra. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là lựa chọn tối ưu vì Mỹ có rất ít thông tin tình báo chính xác về Triều Tiên. Hơn nữa, việc Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên cũng không đảm bảo rằng Washington đã xóa sổ các thành tố cốt yếu nhất trong chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi.
Theo chuyên gia Steve Ganyard, cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ kiêm Đại tá Thủy quân Lục chiến Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn có một lựa chọn khác để kiềm chế Triều Tiên, mà không cần phát động một cuộc chiến tranh nguy hiểm nhằm vào Bình Nhưỡng.
Chiến lược “kiềm tỏa tích cực”
Video đang HOT
Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ-Nhật-Hàn có thể phối hợp để kiềm tỏa Triều Tiên (Ảnh: Fox)
Mỹ có thể duy trì chiến lược “kiềm tỏa tích cực” dựa trên chính năng lực quân sự hiện thời của Washington bằng cách xây dựng một vành đai phòng thủ quân sự tại các vùng biển xung quanh Triều Tiên. Vành đai này sẽ cho phép Mỹ bắn hạ tất cả các tên lửa do Triều Tiên phóng đi, từ đó ngăn nước này phát triển vũ khí đe dọa thế giới.
Chiến lược trên được cho là sẽ khả thi khi Mỹ vận hành các công nghệ hải quân hiện tại của nước này. Hải quân Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis hiện đại trang bị trên các tàu chiến và có thể phối hợp đồng bộ với nhau. Các lực lượng này có thể trang bị thêm các tên lửa SM-3 với khả năng đánh chặn hầu hết các tên lửa Triều Tiên sau khi rời bệ phóng. Đặc biệt, phiên bản tên lửa SM-3 Block IIA mới nhất có thể hạ gục các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Triều Tiên từng tuyên bố sẽ phóng tới lãnh thổ Mỹ.
Các dữ liệu của Hải quân Mỹ cho thấy chỉ cần 2 tàu khu trục của Mỹ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc được triển khai ở các vùng biển quốc tế xung quanh Triều Tiên là có thể hình thành nên vành đai phòng thủ tên lửa để bắn hạ tên lửa Bình Nhưỡng, trong đó một tàu triển khai tới biển Nhật Bản ở phía đông Triều Tiên và tàu còn lại đưa tới phía nam biển Hoàng Hải.
Các hệ thống cảm biến đặt ngoài không gian và hệ thống radar cực mạnh đặt tại Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ nhanh chóng phát hiện ra các tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng và chuyển các dữ liệu đầu tiên cho các tàu ở trên biển trước khi hệ thống phòng thủ trên các tàu này phóng tên lửa để bắn hạ tên lửa Triều Tiên. Các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ được tính toán để việc đánh chặn xảy ra bên ngoài không phận của Triều Tiên, đồng thời các mảnh vỡ sẽ rơi xuống biển và không gây nguy hiểm cho khu vực dân cư.
Nguy cơ có thể xảy ra
Tàu khu trục USS Hopper của Mỹ phóng tên lửa ngoài biển (Ảnh: US Navy)
Tuy nhiên, cũng giống như mọi chiến lược khác, “kiềm tỏa tích cực” cũng có những nguy cơ nhất định buộc Mỹ phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Nguy cơ đầu tiên là khả năng các đồng minh Mỹ, Hàn, Nhật bắn chệch tên lửa Triều Tiên và điều này có thể khiến Bình Nhưỡng nóng mặt. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra vì không hệ thống tên lửa đánh chặn nào là hoàn hảo, đặc biệt là các hệ thống mới. Tuy nhiên, việc bắn chệch tên lửa như vậy cũng sẽ giúp Mỹ cải thiện dần năng lực công nghệ và sẽ không để lặp lại sai lầm trong các lần bán tiếp theo.
Nguy cơ tiếp theo là tính hợp pháp của việc bắn hạ tên lửa Triều Tiên. Trong trường hợp chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng việc họ phóng tên lửa chỉ là một vụ thử vũ khí bình thường và mang mục đích hòa bình, Mỹ, Nhật, Hàn có thể viện dẫn lý do phòng vệ tập thể để giải thích cho việc đánh chặn tên lửa Triều Tiên.
Bình Nhưỡng sẽ rất khó để đưa ra tuyên bố rằng các nước đã vi phạm chủ quyền khi bắn hạ tên lửa vì việc bắn hạ này xảy ra ngoài không phận Triều Tiên. Ngoài ra, Triều Tiên cũng khó có thể tìm thấy tiếng nói đồng cảm nếu đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc – nơi các chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng bị xem là “không hợp pháp”. Việc đánh chặn các tên lửa bất hợp pháp ở không phận quốc tế và phóng tên lửa đánh chặn từ các tàu ở vùng biển quốc tế sẽ là những lý do chính đáng để Mỹ, Hàn, Nhật có thể viện dẫn trong trường hợp này.
Nguy cơ cuối cùng là Triều Tiên sẽ sử dụng tới biện pháp quân sự để giải quyết căng thẳng khi chương trình tên lửa “sống còn” của nước này bị kiềm tỏa. Tất nhiên, Mỹ, Nhật, Hàn phải chấp nhận đây là đây là nguy cơ không thể tránh khỏi trong bất kỳ chiến lược gây sức ép nào với Triều Tiên.
Liệu Triều Tiên sẽ nản lòng?
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát vụ phóng tên lửa Hwasong-12 ngày 15/9 (Ảnh: Reuters)
Chiến lược “kiềm tỏa tích cực” không chỉ góp phần chặn đứng mối đe dọa hiện thời từ Triều Tiên, mà còn giúp chặn đứng các mối đe dọa trong tương lai. Mặc dù cộng đồng quốc tế phải thừa nhận rằng Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ nhất định về năng lực hạt nhân và tên lửa, tuy nhiên còn ít nhất 2 thành tố quan trọng góp phần làm nên một chương trình hạt nhân đáng tin cậy mà Bình Nhưỡng dường như chưa đạt được, đó là chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân có thể chịu được nhiệt độ cao khi hồi quyển cũng như khả năng bắn trúng các mục tiêu tấn công.
Chừng nào Triều Tiên chưa chứng minh được những năng lực này, mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có lẽ sẽ chỉ là “đòn gió”. Để có thể đạt được năng lực hạt nhân như mong muốn, Triều Tiên vẫn cần phải phát triển mạnh hơn và thử nghiệm nhiều hơn. Bình Nhưỡng vẫn cần tiếp tục thử tên lửa, không chỉ để cải thiện năng lực vũ khí, mà còn để chứng minh cho những nước muốn mua công nghệ tên lửa của Triều Tiên. Nếu bán được các công nghệ tên lửa này, Triều Tiên mới có tài chính để tiếp tục theo đuổi tham vọng hạt nhân.
Việc bắn hạ tất cả các tên lửa do Triều Tiên phóng đi, hoặc ít nhất là tạo ra nguy cơ răn đe chúng, đều có thể vô hiệu hóa chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng bằng cách phủ nhận năng lực thực sự của Triều Tiên hoặc không cho Bình Nhưỡng có cơ hội cải thiện năng lực. So với một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên, chiến lược “kiềm tỏa tích cực” sẽ ít rủi ro hơn. Không thể thử nghiệm, không thể cải thiện, cũng không thể chứng minh được năng lực – tất cả sẽ khiến Triều Tiên “nản lòng”, và từ đó mối đe dọa với Mỹ cũng như khu vực sẽ giảm đi.
Theo ABC
Khi nào Mỹ, Nhật mới bắn hạ tên lửa Triều Tiên?
Hai lần Triều Tiên phóng tên lửa qua vùng đảo Hokkaido của Nhật Bản, hai lần hàng triệu người Nhật Bản bị đánh thức bởi còi báo động tên lửa, tuy nhiên quân đội Mỹ và Nhật Bản vẫn quyết định không bắn hạ.
Triều Tiên công bố video phóng tên lửa qua Nhật Bản
Nhiều người đặc biệt ở Mỹ và Nhật Bản đang tự hỏi tại sao quân đội của họ không bắn hạ tên lửa của Triều Tiên mặc dù hai lần các tên lửa này bay qua đảo Hokkaido.
Phát biểu trước các nhà làm luật trong tuần này, nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Dana Rohrabacher nói: "Tôi hy vọng lần tới khi Triều Tiên phóng tên lửa, đặc biệt là phóng qua đồng minh Nhật Bản, chúng ta sẽ bắn hạ nó và coi đó là lời cảnh báo với Triều Tiên và là thông điệp cho các nước như Nhật Bản đang đặt niềm tin vào chúng ta. Nếu không thể hiện được chúng ta sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự, không có lý do nào để họ tin rằng chúng ta sẽ làm thế".
Evans Revere và Jonathan Pollack, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings, cho rằng Washington cần tuyên bố rõ rằng các vụ phóng tiếp theo của Triều Tiên nếu bay qua Mỹ hay lãnh thổ của đồng minh sẽ bị coi là mối đe dọa trực tiếp và nhận đáp trả bằng "toàn bộ năng lực phòng vệ của Mỹ và đồng minh".
Tại sao không bắn hạ và khi nào mới bắn hạ?
Tên lửa Triều Tiên phóng lần hai qua Nhật Bản bay xa 3.700km, so với lần đầu là 2.200km. (Ảnh: Dailymail)
Mỹ và Nhật Bản tuyên bố rằng, họ hoàn toàn có khả năng bắn hạ tên lửa, song khẳng định vụ phóng tên lửa hôm 29/8 và hôm 15/9 của Triều Tiên đều chưa tới ngưỡng phải hành động như vậy.
Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận, tên lửa phóng đi hôm 15/9 của Triều Tiên đã bay xa 3.700km và bay cao, nhưng cho rằng tên lửa không gây ra mối đe dọa. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Rob Manning cho biết: "Nếu Mỹ và đồng minh xác định đó là mối đe dọa trực tiếp, chúng tôi sẽ bắn hạ".
Công nghệ chưa thực sự hoàn hảo, song Lầu Năm Góc khẳng định họ có thể tiêu diệt các mục tiêu tên tầm trung và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nhật Bản trong khi đó cũng sở hữu các hệ thống phòng không tầm thấp Patriot, hay hệ thống SM-3 có thể tiêu diệt các tên lửa tầm ngắn đến tầm trung.
Tuy nhiên, ông Bruce Klingner, chuyên gia cấp cao tại Viện Heritage Foundation, cho biết khi tên lửa Triều Tiên bay qua Nhật Bản, nó bay cao hơn so với khả năng đánh chặn của bất cứ hệ thống phòng thủ nào đặt gần đó, trong đó có hệ thống SM-3 của Nhật Bản. Đó là chưa kể đến việc hiến pháp Nhật Bản có những quy định riêng về hành động tự vệ quân sự.
Hideshi Takesada, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Takushoku ở Tokyo, nhận định Nhật Bản chỉ có kế hoạch đánh chặn tên lửa khi tên lửa đó xâm phạm không phận hoặc mảnh vỡ rơi xuống lãnh thổ của họ.
Trong khi đó, ở cả hai lần phóng tên lửa gần đây, tên lửa Triều Tiên đều không xâm phạm không phận Nhật Bản, mảnh vỡ cũng không rơi xuống Nhật Bản. "Do đó, chính phủ không chỉ thị bắn hạ", ông Takesada nói.
Về khía cạnh kỹ thuật, giáo sư về quan hệ quốc tế Akira Kato tại đại học J.F. Oberlin cho biết: "Ở giai đoạn đầu khi tên lửa được phóng đi, rất khó xác định nó có thực sự là mối đe dọa trực tiếp tới lãnh thổ Nhật Bản hay không".
Nhật Bản và Mỹ sẽ không liều lĩnh đánh chặn tên lửa trừ khi xác định nó là mối đe dọa thực sự bởi nếu đánh chặn thất bại có thể sẽ phô ra điểm yếu của hệ thống phòng thủ.
"Một vụ đánh chặn thất bại sẽ kéo theo quan niệm rằng khả năng phòng thủ của Nhật Bản chưa đủ đối phó với Triều Tiên", ông Kato nói.
Minh Phương
Theo AFP
Đối phó với tên lửa Triều Tiên - thế tiến thoái lưỡng nan của Nhật Các phương án để Nhật phản ứng cứng rắn hơn trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên đều tiềm tàng nhiều nhược điểm. Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA. Các cư dân ở miền bắc Nhật Bản sáng 15/9 bị đánh thức đột ngột vì tiếng còi báo động, khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm...