Không cần “vũ khí”
Còn vài ngày nữa là ông bà kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Bao nhiêu sóng gió rồi cũng qua, bởi luôn có một trong hai người muốn làm tấm bình phong.
Ảnh minh họa
Bích là con gái bà Cẩm, nhà có cửa hàng chuyên làm dịch vụ cưới hỏi to nhất khu phố. Dịp này đang là mùa cưới, bận rộn làm ăn vậy nhưng chuyện cãi vã vẫn xảy ra như cơm bữa. Khách đến chọn váy cưới, thuê trang điểm nhiều khi trở thành khán giả bất đắc dĩ của những cuộc khẩu chiến. Nhiều lúc các cô dâu còn phải xách váy cưới nhảy vào can ngăn, khi máy uốn tóc đang cắm điện nóng bỏng trên tay cũng trở thành “vũ khí” để Bích đánh chồng.
Những câu chửi bới chua ngoa khiến ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Những đôi trẻ đến chụp ảnh cưới được khuyến mãi thêm vài ba câu chuyện về ông chồng ngoại tình, về cái thói lạnh nhạt với vợ con, ngày ăn cơm nhà tối đi với gái, kiểu như “đã ở rể còn không biết thân biết phận, sớm muộn gì chị cũng đuổi ra khỏi nhà không một xu dính túi”.
Bà Cẩm thường lặng lẽ thu dọn đống lộn xộn sau trận chiến hôn nhân mà lắc đầu ngán ngẩm. Bích là con gái do chính bà sinh ra rồi nuôi nấng từng ngày, nhưng sao tính cách khác bà quá chừng. Nóng nảy, cố chấp, táo tợn. Người dân xung quanh gọi con bà là “đồ quỷ cái” cũng chẳng sai. Hơi tí là dọa đánh chồng, trong khi đàn ông họ cần một người vợ mềm nắn rắn buông.
Bà cả đời không khi nào nghĩ đến chuyện phải vùng lên, cũng không cần bất cứ thứ “vũ khí” nào. Mấy chục năm sống bên chồng đến giờ vẫn cơm lành canh ngọt. Bản thân bà cũng cảm thấy thoải mái với thứ hạnh phúc mềm mỏng, dịu dàng. Chẳng ai chèn ép ai, phụ bạc ai. Sống mà cứ hằm hè hơn thua nhau từng tí thì mệt chết mất. Nhưng bà nói nhiều lần mà Bích không nghe. Lần nào chị cũng bảo: “Con chịu thôi, không thể sống được cuộc đời như mẹ”.
Bát đĩa trong chạn còn có lúc xô nhau huống hồ vợ chồng sống với nhau cả đời tránh sao khỏi lúc xảy ra mâu thuẫn. Hồi bà mới lấy ông, chỉ riêng chuyện mẹ chồng nàng dâu đã không ít lần khiến bà khóc vụng. Nhưng không vì thế mà bà gây khó dễ với chồng. Chẳng bao giờ bà chất vấn chồng theo kiểu “em và mẹ cùng rớt xuống sông, anh sẽ cứu ai trước?”.
Nếu chồng bảo cứu mẹ thì sao? Cãi vã, hờn giận hay hằn học chắc? Để được gì? Hay là chỉ khoét sâu vào những mâu thuẫn gia đình. Nếu chồng bảo cứu vợ trước thì sao? Liệu có vui vẻ hả hê được không khi biết chồng chỉ trả lời qua quýt cho xong chuyện. Hoặc giả dụ có như thế thật thì cũng nên thương cái phận đàn bà mang nặng đẻ đau. Bởi vậy mà suốt bao năm chuyện mẹ chồng nàng dâu đúng sai thế nào bà không hề gay gắt.
Bà càng chẳng bao giờ muốn “vượt mặt” mẹ chồng để nắm quyền trong nhà. Sống hài hòa không phải vì ai mà cốt để lòng mình thanh thản. Sống như bà đâu có gì khó, nên chẳng cần phải tập để quen. Cái gì không thích thì thẳng thắn nói ra, chẳng phải dồn góp trong lòng để có ngày bùng phát. Sống giữa tâm bão với mẹ chồng thỉnh thoảng vẫn có thể chiều chuộng mình ngủ nướng.
Những bữa cơm trong gia đình cũng bình thản dung hòa để tốt cho sức khỏe hơn. Dù nó có thể động đến thói quen cố hữu của mẹ chồng thì nấu ăn vẫn giảm bớt mì chính cho đỡ độc hại, cơm phải cắm đủ nước mới dẻo thơm. Mọi lý do đều tìm về ngõ ngách của yêu thương. Nên bà chẳng cần bất cứ thứ “vũ khí” gì, cũng không coi gia đình là là trận chiến. Sống mà cứ phải dè dặt hoặc gồng mình đều chẳng thú vị gì.
Bích cũng chăm chỉ kiếm tiền chứ chẳng phải dạng lười nhác, chơi bời. Chỉ có điều cả tuần không vào bếp lần nào, hỏi đến hạt tiêu, nước mắm cũng không biết cất đâu. Áo chồng rách không khâu, mua quần cho chồng rộng thùng thình cũng chẳng bận tâm. Chồng ốm nằm đấy cả tuần nếu không nhờ mẹ vợ thì cũng chẳng có bát cháo nóng mà ăn. Hơi tí thì chửi chồng xơi xơi trước mặt người ngoài. Cứ chửi cho sướng mồm cái đã rồi đúng, sai tính sau. Cậy mình kiếm được đồng tiền nên vênh váo với cả bố mẹ đẻ chứ đừng nói với chồng con. Mà thật ra nếu không có chồng thì chị dễ gì xoay xở.
Theo Phunuonline