Không Bộ nào được “cát cứ” việc cấp mã số định danh
“Hệ thống dữ liệu mã số định danh cá nhân dùng chung trong mọi lĩnh vực, các cơ quan chức năng phải cùng làm, cùng chia sẻ. Chính phủ không để bộ ngành nào “cát cứ” trong việc này” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định.
Họp báo thông tin về phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ chiều 29/3, Bộ trưởng Vũ Đức Đam trao đổi những nội dung cụ thể về đề án cấp mã số định danh cá nhân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – câu chuyện đang gây tranh luận về việc “dẫm chân” giữa Bộ Công an và Bộ Tư pháp.
Ông Đam chi biết, việc xây dựng hệ thống mã số định danh đã được nghiên cứu từ lâu. Về quan điểm của Chính phủ, ông Đam khẳng định, nhất quyết phải nghiên cứu xây dựng cho được hệ thống mã số định danh này. Việc đó không chỉ đơn thuần liên quan đến lĩnh vực quản lý dân cư mà tác động trực tiếp tới mọi bộ ngành khác.
Video đang HOT
Về lý thuyết, việc cấp mã số định danh không quá phức tạp nhưng yêu cầu quan trọng hơn là hệ thống phải giúp bao quát, khắc phục những bất cập thực tiễn hiện nay, khi mỗi khía cạnh quản lý phát sinh các loại giấy tờ, mỗi ngành quản lý một loại mã số riêng. Hệ thống mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu về dân cư cũng phải có khả năng tận dụng được tối đa các tính năng, lợi ích mang lại.
“Điều tối quan trọng là tiến tới phải xây dựng được một hệ thống dữ liệu dùng chung, không chỉ liên quan đến người dân mà xử lý tốt cả với hệ thống đánh số khác trên toàn quốc gia. Làm được việc này sẽ giúp tổ chức quản lý bằng điện tử rất tốt sau này” – ông Đam nói.
Như vậy, việc đánh số công dân không chỉ liên quan đến Bộ Công an hay Bộ Tư pháp mà còn đến cả ngành Y tế, giáo dục , Thuế, quản lý công chức… Bộ trưởng Đam nhấn mạnh, đây là hệ thống để dùng chung trong tất cả các lĩnh vực. Các cơ quan chức năng phải cùng làm, cùng chia sẻ.
Gạt bỏ “nghi án” 2 Bộ Công an, Tư pháp giành nhau việc cấp mã số, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định, cách phát ngôn vừa qua gây hiểu lầm là mỗi bộ làm một cơ sở dữ liệu riêng. Ông Đam nhấn mạnh: “Chính phủ không chỉ đạo như thế và 2 Bộ Công an, Tư pháp cũng không làm vậy”.
Ông Đam lưu ý, đây là công việc khó khăn, không phải là đưa ra hệ thống đánh số bình thường. Tới đây, nếu xây dựng được hệ thống dữ liệu dùng chung cho các cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí cả doanh nghiệp sẽ mang lại những lợi ích rất lớn.
“Chúng ta phải kiên trì làm công việc hết sức quan trọng và khó khăn này, phải tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Chính phủ chủ trương không bao giờ để một bộ ngành nào “cát cứ” trong việc này” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam chốt lại.
Theo ANTD
Tin nhắn quảng cáo phải cung cấp thông tin giá cước
Sở TT-TT Hà Nội vừa ban hành văn bản số 1297/STTTT-BCVT, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn khẩn trương thực hiện đăng ký mã số quản lý, tên định danh với Bộ TT-TT; rà soát, loại bỏ khỏi hệ thống thiết bị, cơ sở dữ liệu các trò chơi game không rõ nguồn gốc, có yếu tố lừa đảo, đồi trụy; loại bỏ các dịch vụ có nội dung nhảm nhí, vi phạm thuần phong mỹ tục, thông tin có nội dung mê tín dị đoan, cờ bạc, lô đề; không cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số.
Khi quảng cáo dịch vụ nội dung qua tin nhắn, bình chọn trên truyền hình, báo nói, báo in... phải cung cấp thông tin liên tục, rõ ràng thông tin về giá cước. Thông tin về giá không bị trôi, chạy khi quảng cáo trên truyền hình phải có lời thoại thuyết minh. Tương tự, với các phần mềm cài đặt trên máy điện thoại có chức năng tải thông tin, dịch vụ nhưng có tính phí, phải niêm yết chính xác giá, cước, thông báo về giá cước trước khi khách hàng xác nhận đồng ý hoặc không đồng ý thực hiện. Các doanh nghiệp thông tin di động cần giám sát chặt chẽ hoạt động này và tạo điều kiện để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thực hiện đăng ký theo quy định.
Theo ANTD