Không bắt tay để phòng virus corona
Bộ Y tế ngày 23/2 khuyến cáo người làm dịch vụ cần hạn chế bắt tay với khách hàng, tiếp xúc ở khoảng cách một mét.
Khuyến cáo này được Bộ Y tế đưa ra để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với nhân viên trung tâm thương mại siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, người lao động, người bán hàng hàng ngày trước khi đến làm việc tại khu dịch vụ cần tự đo nhiệt độ. Nếu có sốt hoặc ho, khó thở, báo cho người sử dụng lao động, ban quản lý khu dịch vụ và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe. Cần thiết thì đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị. Không đến khu dịch vụ nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.
Trong thời gian làm việc tại khu dịch vụ, người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc với khách hàng, cần đeo khẩu trang đúng cách. Hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng khoảng cách dưới một mét nếu có thể. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, khi tay bẩn, sau khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải, khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định tại khu dịch vụ. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Không dùng chung đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay… Không khạc nhổ bừa bãi.
Nếu bản thân hay người cùng làm việc hoặc khách hàng có biểu hiện sốt, ho, khó thở, phải báo cho người sử dụng lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
Người ra vào chốt kiểm dịch xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, được nhân viên y tế xịt khử trùng tay phòng dịch. Ảnh: Ngọc Thành.
Video đang HOT
Khách hàng không vào khu dịch vụ nếu có các biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế. Sử dụng khẩu trang đúng cách khi đến chỗ đông người. Bỏ ngay khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế trong thời gian có mặt ở khu dịch vụ vào các thời điểm: trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, khi tay bẩn…
Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định tại khu dịch vụ. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Không khạc nhổ bừa bãi.
Cần thông báo ngay cho người làm việc tại khu dịch vụ để được hướng dẫn và hỗ trợ khi có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo về vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại khu dịch vụ. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.
Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu chơi của trẻ em, khu vệ sinh chung: khử khuẩn ít nhất một lần mỗi ngày. Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn lan can: khử khuẩn ít nhất 4 lần một ngày.
Tăng cường thông khí tại các phòng, gian bán hàng, khu vui chơi… của khu dịch vụ bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ hoặc các giải pháp phù hợp khác; hạn chế sử dụng điều hòa. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hàng ngày.
Bộ Y tế yêu cầu công khai thông tin liên lạc của cán bộ phụ trách công tác phòng chống dịch Covid-19 tại khu dịch vụ. Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng tại khu dịch vụ. Đối với người lao động, làm việc tại khu dịch vụ không thể rời khỏi vị trí trong ca làm việc, phải cung cấp dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn.
Cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người làm việc có tiếp xúc với khách hàng. Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khu dịch vụ. Tổ chức thông tin truyền thông về phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động, làm việc, bán hàng và khách hàng. Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, thực hiện cách ly ngay đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương thông qua đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095.
Lê Nga
Theo vnexpress.net
Dịch Covid-19 ngày 23/2: Người cuối cùng nhiễm Covid-19 ở Việt Nam lần đầu có kết quả âm tính
Bệnh nhân 50 tuổi ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc lần đầu có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Bệnh nhân này là người thứ 16 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam.
Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Để độc giả nắm được những diễn biến quan trọng nhất liên quan đến dịch bệnh này trên thế giới và tại Việt Nam, chúng tôi sẽ liên tục cập nhật thông tin trong các bản tin tổng hợp về dịch bệnh Covid-19 xuất bản vào các khung giờ 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.
Đến tối nay, trên thế giới có 78.000 trường hợp nhiễn Covid-19
Tính đến 17h30 tối 23/2/2020, số người mắc bệnh Covid-19 gây ra trên thế giới là 78.898 trường hợp, 2.461 người tử vong. Trong đó Trung Quốc 2.442 người tử vong, Philippines 1 trường hợp tử vong; Hồng Kông 2 trường hợp tử vong; Đài Loan 1 trường hợp tử vong; Nhật Bản 1 trường hợp tử vong; Pháp 1 trường hợp tử vong; Iran 5 trường hợp tử vong; Tàu Diamond Princess 2 người tử vong; Hàn Quốc 4 người tử vong; Ý 2 trường hợp tử vong.
Việt Nam ghi nhận 16 người nhiễm bệnh Covid-19. Đến nay đã có 15/16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xuất viện. Hiện cả nước còn duy nhất 1 người nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại Vĩnh Phúc. Tính đến nay, tại Việt Nam, đã 10 ngày liên tiếp không ghi nhận trường hợp mắc bệnh Covid-19 mới.
Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải thông tin, bệnh nhân 50 tuổi ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc lần đầu có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Bệnh nhân này là người thứ 16 nhiễm bệnh Covid-19 (Việt Nam ghi nhận 16 ca nhiễm Covid-19) và hiện cũng là bệnh nhân duy nhất vẫn đang phải nằm điều trị tại Phòng khám Đa khoa Quang Hà, Vĩnh Phúc. Trước đó, 15 ca mắc bệnh Covid-19 đã khỏi và được xuất viện.
Chiều 23/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội. Theo báo cáo của Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, đến 15h chiều hôm nay, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19. Hiện tại Hà Nội còn 384 trường hợp phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khoẻ. 64 trường hợp được cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố, trong đó có 19 trường hợp là người ở các quận nội thành.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, bệnh viện dã chiến của TP.HCM đã chính thức đi vào hoạt động, đảm trách nhiệm vụ quan trọng đó là vừa cách ly theo dõi những người đến từ vùng dịch Covid-19, vừa cách ly điều trị khi phát hiện người cách ly theo dõi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá Trịnh Hữu Hùng cho biết, đơn vị đã gửi văn bản trình Chủ tịch tỉnh xem xét, đề nghị Bộ Y tế công bố hết dịch Covid-19 tại địa phương này. Trước đó, Thanh Hóa ghi nhận trường hợp nữ bệnh nhân Nguyễn Thu Trang (25 tuổi, ở xã Định Hòa, huyện Yên Định) mắc Covid-19. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã khỏi bệnh, được cho xuất viện hôm 3/2. Ngoài ra, hàng chục bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19 được điều trị cách ly tại các cơ sở y tế trên địa bàn đến nay đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KCDC Hàn Quốc) cho hay, tính đến chiều nay, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 169 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 602, trong đó 5 người đã tử vong.
Năm học ở Hàn Quốc chia thành hai học kỳ (từ tháng 3 đến tháng 7 và từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau). Sau kỳ nghỉ xuân, học sinh các cấp sẽ bắt đầu học kỳ mới từ ngày 2/3. Tuy nhiên, sau cuộc họp ở Thủ đô Seoul hôm nay, Bộ trưởng Giáo dục Yoo Eun-hae thông báo lùi thời điểm nhập học một tuần trong bối cảnh cả nước ghi nhận 602 ca nhiễm Covid-19 và 5 trường hợp tử vong.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa cho hay, tính đến thời điểm này, chưa có lao động Việt Nam nào ở Hàn Quốc bị nhiễm Covid-19. Việt Nam có 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chủ yếu đi theo chương trình EPS. Trong đó, Daegu có hơn 1.000 lao động, Gyeongbuk có 3.007 lao động. Để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động, Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị Văn phòng Chương trình cấp phép việc làm cho người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (EPS) và doanh nghiệp phái cử theo dõi tình hình dịch bệnh liên quan đến lao động Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, nam thanh niên 25 tuổi trú ở TP.HCM, trở về từ Gyeongsang thuộc thành phố Daegu (Hàn Quốc) ngày 23/2. Khi nam thanh niên qua sân bay Đà Nẵng, máy đo thân nhiệt tại sân bay phát hiện sốt nên anh này đã được cách ly tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Ngày 31/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Dịch khởi phát từ thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ đầu tháng 12/2019. Đến nay đã xuất hiện ở 32 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo danviet.vn
Lời xin lỗi của người mẹ nhiễm virus corona Bước khỏi phòng cách ly, người phụ nữ 49 tuổi cúi mặt, chậm rãi ra sảnh phòng khám để làm lễ xuất viện. Bên cạnh bà là người con gái thứ hai, 16 tuổi. Dáng người nhỏ nhắn, tóc buộc đuôi gà, chân mang đôi dép lê, cô gái nắm tay mẹ rụt rè đi chậm lại phía sau. Ngoài sân Phòng khám...