Không ai tự tử vì thực sự muốn chết; họ làm thế để đòi được lắng nghe
Ai cũng hiểu mạng sống quý giá, người tự tử cũng thế. Nhưng ngay khoảnh khắc ấy, việc tự mình chấm dứt sự sống có thể chỉ là gửi thông điệp mong được thấu hiểu.
“Hôm đó, anh trai vừa đánh em vừa móc thuốc ra mà khóc tức tưởi vì sợ em chết. Sau này, mỗi lần nhớ về ngày hôm đó, em chỉ nhớ mãi gương mặt anh. Đó là lần đầu em thấy anh ấy khóc.
Lúc chọn chuyện sẽ chết, thật ra em đã ấp ủ từ rất lâu, từ khi học lớp 9. Mấy năm liền nó cứ lặp đi lặp lại trong đầu mình như một câu thần chú. Lý do á, thứ nhất là em không tìm thấy được con đường phía trước, lúc nào em cũng như đang đứng ở một khoảng không tối đen. Thứ hai, em không có gia đình. “Không có” ở đây nghĩa là họ chưa thật sự hiểu em đang như thế nào.
Sau đó em vượt qua được là do hình ảnh của anh trai hôm ấy khiến em hiểu là mình còn được yêu thương.” – confession của một người 25 tuổi, từng tự tử.
Vì sao người ta tự tử?
Vì sao người ta tự tử? Trong khoảnh khắc ấy người ta đã nghĩ gì? Đó là những điều mà nhiều người, đặc biệt là gia đình những người từng tự tử, dằn vặt. Bác sĩ tâm thần – tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách (Trung tâm tâm lý trị liệu Dr Bee) đã có một số kiến giải về vấn đề này.
Với kinh nghiệm trị liệu các trạng thái tâm lý cận bệnh lý tâm thần, trong đó rất nhiều ca từng có ý muốn tự tử và huỷ hoại bản thân, anh nhận định: “Trong những thang bậc tâm thần thì tự tử, dấu hiệu của tự tử, ý định muốn tự tử và hành vi sắp dẫn đến tự tử là thang cấp cứu cao nhất của những bệnh lý về tâm thần.
Lứa tuổi tự tử phần lớn ở độ tuổi 16 – 28. Những trạng thức như thế với lứa tuổi trên 29 đổ lên hiếm hơn, do người trưởng thành có thể thoái thức được, hoặc những tư tưởng tự huỷ hoại bản thân chỉ là ý nghĩ thoáng qua trong đầu.”.
Bác sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách.
Bác sĩ Bách nhận định, với những ca có dấu hiệu hoặc đã tạo lập tự tử mà anh từng nhận trị liệu, bệnh nhân đều cảm thấy mất phương hướng, mất định hướng, không cảm thấy mình có giá trị gì trong cuộc sống nữa. Những “nguyên nhân” dẫn đến tự tử có thể là vấn đề gia đình, xã hội và đôi khi là chính bản thân họ.
Ví dụ như trường hợp một bệnh nhân đã thành lập tử tự 3 lần, trong đó có 1 lần thực hiện nhưng được phát hiện. “Gia đình bạn ấy nghèo, bạn ấy muốn giúp đỡ gia đình nhưng năng lực lại hạn chế. Từ đó mà có cảm giác mình là người thừa trong xã hội, bạn ấy nghĩ thà huỷ hoại mình đi còn hơn là người mang lại sự bất trắc cho gia đình.
Hoặc như bệnh nhân khác ở Thái Nguyên, là sinh viên, học rất tốt, gia đình cơ bản. “Bạn này bị một áp thức là dù có phấn đấu đến đâu cũng không bao giờ vượt qua được cái bóng quá lớn của bố mình. Bạn ấy muốn ra đi để có cảm giác là sẽ không làm gì xấu hổ cho bố bạn ấy. Đấy, có những lý do mà thường người khác nhìn vào sẽ thấy rất chi là vớ vẩn. Nhưng thực ra, sự chán nản đó luôn thông qua một quá trình được căn kết quá lâu rồi cho đến khi tự kết liễu bản thân.”.
Video đang HOT
Nói thế để thấy rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người trẻ tự tử, khó có thể quy về “áp lực học hành” hay “trầm cảm” một cách vội vàng. Bác sĩ Bách cho rằng, ở lứa tuổi 16 – 28 tuổi, tự tử đa phần là kết quả tích luỹ những áp lực.
(Ảnh minh hoạ)
“Không ai yêu mạng sống của mình bằng chính mình cả. Theo một số quan niệm tôn giáo, tín ngưỡng, hành vi tự tử là hành vi xấu nhất trong những trọng tội.
Nhưng nghiên cứu những người (từng) tự tử, tôi thấy họ luôn cho rằng hành vi của họ là đúng, rất đúng. Đó là cách họ giải thoát chính mình bởi những sóng năng lượng tiêu cực. Có những người vì một chuyện buồn mà 1 – 2 năm, có thể 4 – 5 năm sau mới tạo lập hành vi.
Tôi có một người bạn tự tử vì thất tình sau 4 năm. Suốt thời gian đó, anh ấy cứ trăn trở mãi chuyện chia tay, và trong thư tuyệt mệnh, điều khiến anh nuối tiếc vẫn là: ‘Tôi không có được cô X, tôi cảm thấy cuộc sống của mình vô vọng.’.
Cũng cần nói thêm, áp lực thì ai cũng có, không đạt được mục đích sống, không có hạnh phúc, ai cũng dễ chán nản, thậm chí trầm cảm. Nhưng không phải tất cả đều tự tử. Nghiên cứu cho thấy phần lớn những người tạo lập hành vi tự tử có sóng Beta (sóng phân tích và tiếp cận thông tin) trong não cực thấp.
Khi tiếp cận quá nhiều sóng thông tin, họ không phân tích được, không rành mạch được các trạng thức sống, mục tiêu ngắn hạn hay mục đích cuối cùng của đời mình, dẫn đến hành động cuối cùng là huỷ hoại bản thân.”.
Đôi khi, người ta tự sát để tìm thấu hiểu
Mỗi khi những sự vụ đau lòng liên quan đến tự tử ở người trẻ, nhất là trẻ vị thành niên, người ngoài cuộc luôn có những phân tích, kiến giải khác nhau. Có người giật mình nhìn lại cách giao tiếp, dạy dỗ với con. Có người chỉ trích những khoảng tối trong xã hội.
Nhưng cũng không ít người cho rằng, nguồn cơn của việc người trẻ thời nay tự tử nhiều là do sức đề kháng tâm lý yếu ớt. Theo thống kê của WHO, mỗi năm có 10 đến 20 triệu trường hợp tự sát, trong đó có khoảng 1 triệu người chết. Riêng Việt Nam có khoảng 36.000 đến 40.000 người tự sát mỗi năm, trong đó 5.000 người chết do bệnh lý trầm cảm dẫn đến hành vi tự sát.
Những con số đáng báo động ấy khiến nhiều người chép miệng cho rằng: “Bọn trẻ thời nay kém. Ngày xưa mình bị đánh, bị bố mẹ chửi mắng suốt mà có tự sát đâu”. Bác sĩ Bách đồng ý một phần với ý kiến trên.
(Ảnh minh họa)
Anh phân tích: Ngày xưa, khi đời sống vật chất thiếu thốn, đầu óc người ta chỉ tập trung vào một thứ thôi. Khi chỉ có một thứ để chú mục, con người không bị nhiều xáo trộn về tâm lý. Giao tiếp, tương tác cũng khiến những căng thẳng dễ được xả van.
Còn trong cuộc sống hiện tại, quá nhiều áp lực tâm lý phân mảnh con người thành quá nhiều thứ khác nhau, tạo ra những sóng tâm lý khác nhau. Ai cũng dễ rơi vào những trạng thức tâm lý lộn xộn. Việc thiếu tương tác trực tiếp và hướng dẫn cũng có thể làm người trẻ rơi vào trạng thức loạn.
Một phần rắc rối đến từ chính tâm lý của những người cha, người mẹ. Họ luôn cho rằng mình sống đúng, trong khi họ có bạo lực tâm lý với con mà không ý thức được. “Mày có để cho tao yên không?”, “Bố mẹ bận lắm, đang phải làm để nuôi con đây này”… – những câu nói quen thuộc ấy có thể trở thành vết xước trong não trẻ, đặc biệt là từ 6 – 12 tuổi, chúng không quên mà cứ tích luỹ dần, cộng thêm áp lực ở tuổi teen.
“Làn sóng Covid-19 cũng thêm dấu đè nặng vào hệ thống tâm lý đã rệu rã của nhiều người. Nhiều bệnh nhân trẻ của tôi đã rối lại càng loạn thêm vì giãn cách xã hội, học online quá nhiều, cắt mất những giao tiếp trực tiếp. Họ không được thấu hiểu như kỳ vọng.
Nhiều người tự tử vì mong được thấu hiểu, chứ không phải vì thực sự muốn chết. Nhưng ngay cả những người đã mất rồi, họ vẫn có thể bị mắng mỏ, chỉ trích nặng nề.
Trong lúc ấy, họ nghĩ họ chết là giúp đỡ người khác khỏi nặng gánh, để mình đỡ đau, chứ không nghĩ rằng mình chết sẽ để lại nỗi đau cho người khác. Ai cũng được giáo dục rằng mạng sống là quý giá, nhưng ngay thời điểm quyết định tự chấm dứt cuộc sống của mình, nhu cầu của họ chỉ có cái chết, không gì ngoài cái chết.
Cuộc sống là đáng quý nhưng đáng quý hơn là được sống hạnh phúc và ý nghĩa, được sống trong yêu thương, thấu hiểu.”.
Nhiều người trẻ tự tử vì bất lực trong việc truyền tải thông điệp, không được thấu hiểu. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Bách nhấn mạnh, khi chúng ta nói đến việc tự tử của người trẻ, đó hoàn toàn không phải là để “vẽ đường cho hươu chạy”, kích hoạt ý định tiềm ẩn của những người đang có gánh nặng tâm lý.
Chúng ta nói về tự tử là để đối diện sự thật và cảnh báo mọi người hãy chú tâm hơn đến người thân của mình. Ai cũng có nhu cầu được thấu hiểu và thuộc về một cộng đồng nào đó. Hãy hiểu thông điệp của họ, trợ giúp họ, trước khi quá muộn.
Cô gái gây phẫn nộ khi ác miệng nói về nam sinh nhảy lầu: "Ai bênh vực, chứ loại này thì nên đào thải"
Quan điểm này nhận về không ít gạch đá của cư dân mạng.
Ngày 1/4, dư luận cả nước rúng động và đau xót trước thông tin nam sinh (16 tuổi) đang học một trường chuyên có tiếng tại Hà Nội đã nhảy từ tầng 28 của chung cư tự tử. Trước khi xảy ra sự việc đau lòng, em để lại 1 đoạn thư tuyệt mệnh.
Sau đó, hàng loạt hình ảnh, đoạn clip ghi lại khoảnh khắc nam sinh nhảy dứt khoát qua ban công đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Kèm theo đoạn clip, hình ảnh chụp lại nội dung bức thư tuyệt mệnh của nam sinh này cũng liên tục được lan truyền trên mạng xã hội.
Trong số những dòng bình luận về clip, có thể thấy cả nước mắt, nỗi buồn, sự tiếc nuối, đau thương cho sự ra đi của nam sinh và thậm chí là oán giận và cả giày xéo - trước những gì họ đánh giá về bố mẹ của cậu bé. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến đi ngược với số đông, quay sang dùng lời lẽ nặng nề dành cho nam sinh kia.
Theo đó, một cô gái có tên M.P viết: "Mình không ác,
Nhưng những đứa trẻ như vầy không nên tiếp tục tồn tại:
- Chữ viết thì không đúng nét.
- Câu cú thì chẳng ra sao.
- Nhân sinh quan thì quá tệ: biết bản thân mình, không quan tâm đến cảm xúc của người đối diện (đấng sinh thành). Được sinh ra trên đời này lành lặn không khiếm khuyết đã là đặc ân, không thành vĩ nhân nhưng phải làm người lương thiện, biết yêu thương và sẻ chia.
Bao nhiêu mảnh đời bất hạnh ngoài kia họ vẫn hồn nhiên đón nhận ánh mai, đón nhận Quả đã gieo từ tiền kiếp, họ sống tốt hơn để gieo Nhân thiện lành. Ai bênh vực, chứ loại này thì nên đào thải."
Bài viết của cô gái ngay lập tức nhận về hàng loạt ý kiến trái chiều: "Khi viết status phán xét đầy cay nghiệt này, bản thân chị còn sai chính tả, mà lại phán xét câu cú chữ nghĩa thằng bé và cho rằng nó không nên tồn tại trên đời. Chị thay mặt gia tiên, cửu huyền thất tổ để tuyên bố một mạng sống chỉ qua nét chữ, trong khi bản thân mình còn sai?", "Hôm nay chị đã viết 1 điều sai. Có lẽ vì chị chưa làm mẹ!", "Nếu em ấy suy nghĩ được như chị viết thì không có chuyện đau lòng xảy ra. Khi còn chưa đủ trưởng thành, thêm những áp lực học tập vô hình làm trẻ nhỏ mất lý trí, nghĩ quẩn em thấy hoàn toàn có thể cảm thông. Người lớn mình còn có lúc tuyệt vọng huống gì tụi nhỏ. Hãy để em ấy ra đi thanh thản thay vì luận tội như quan tòa, chị ơi!
P/s: vẫn có nhiều bạn em khi xưa, tầm tuổi bạn nhỏ này, chữ còn xấu hơn, suy nghĩ vớ vẫn hơn, câu cú còn tệ hơn nhưng được theo sát, hỗ trợ vượt qua khủng hoảng, nay thành CEO, start up ngon lành nè chị..."
Cô ruột nam sinh nhảy từ tầng 28 cầu xin: "Đừng share hình ảnh và video nữa, hãy để người sống có thể được sống" Người thân trong câu chuyện đã có những chia sẻ day dứt. Những hình ảnh và đoạn clip ghi lại vụ việc nam sinh cấp 3 trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 rồi nhảy xuống tự tử được lan truyền trên MXH khiến nhiều người bàng hoàng. Không ít người lên tiếng mong mọi người hãy ngưng chia sẻ clip...