Không ai sống thay cho mình
Nước mắt em trào ra, nhưng không phải là nước mắt bế tắc nữa. Em biết, mình nên dành thời gian để cảm nhận những điều tuyệt vời đang hiện hữu.
Em tìm gặp tôi, ngồi xuýt xoa cốc trà nóng trong màn mưa lắc rắc. Không còn tiếng cười giòn hoạt náo như thường ngày, giọng em ngập ngừng: “Chị nghĩ thế nào về việc làm mẹ đơn thân?”. “Điều đó tùy thuộc vào việc nó là sự chọn lựa hay do hoàn cảnh bắt buộc. Làm mẹ đơn thân, nếu túi tiền không rủng rỉnh thì vất vả lắm” – tôi đáp.
“Em có con rồi, chị ạ. Nhưng… gia đình bên ấy không đồng ý”. Có con là trái ngọt mà em mong muốn cho cuộc tình mình, nhưng trong niềm vui xen lẫn sự hoang mang. “Mẹ em biết chuyện, đã khóc rất nhiều. Bà sợ quá khứ vất vả, cực nhọc của bà lặp lại ở em”.
Ở quê, mấy mươi năm trước, con gái ngoài 30 tuổi mà không có người đến ngó nghiêng là lỡ duyên rồi. Lúc mẹ sinh em, ông ngoại đuổi mẹ ra ở căn chòi dựng ngoài đầm, phía cánh đồng, như một sự chối bỏ. Ngày ấy, nhà có con gái không chồng mà chửa là cả họ mang tiếng xấu.
Năm tháng qua đi, em lớn lên trong cảnh một mẹ một con dắt díu nuôi nhau. Thiếu thốn nhiều, nhưng được cái sáng dạ, em dễ dàng thi đậu đại học. Đi học xa nhà mấy chục cây số, về thăm mẹ thời gian ngắn ngủi, bà lại bận rộn việc đồng áng, nên mẹ con nào có chia sẻ, tâm tình được gì nhiều.
Một mình nuôi con, mẹ chỉ cố gắng sao cho em đủ tiền đóng học phí, ăn uống. Phụ nữ thôn quê như bà, mấy ai được rèn kỹ năng để nói với con về công dung ngôn hạnh hay những chuyện ngoài xã hội. Biết chuyện em lỡ làng, mẹ cũng biết gia đình người ta không ưng em, vì hoàn cảnh hai bên “khập khiễng”, nhiều đêm mẹ không thể chợp mắt.
Video đang HOT
Em cao ráo, vẻ ngoài ưa nhìn. Tốt nghiệp đại học, tìm việc cả năm trời mà không được, đành xin vào làm trong khu công nghiệp ở thị xã. Với vốn ngoại ngữ kha khá, sau một thời gian, em được cất nhắc lên bộ phận quản lý. Công việc đang suôn sẻ, lương tháng cả chục triệu đồng, bất ngờ em bỏ việc. Em bảo, công việc lương ổn, nhưng phải làm ca kíp, tuần ngày tuần đêm, nên rất mệt. Em mê làm công sở, giờ hành chính, có quen ai, thương ai cũng “ra dáng” chút đỉnh.
Tôi từng phản đối ý nghĩ ấy của em, bởi thương một người cái chính là tính cách, chí hướng và chân tình. Em bảo, người thành phố có việc nhà nước như tôi cái gì chả dễ. Đâu giống em, người quê một cục, ước gì cũng xa xôi.
Rồi em lên thành phố, nhờ tôi giới thiệu vào làm kế toán cho một doanh nghiệp, lương thưởng cũng tương đối. Ít lâu gặp lại, thấy em đẹp hơn, “mốt” hơn. Rồi em giới thiệu bạn trai làm trong ngân hàng, em quen biết qua bạn cùng công ty. Quen nhau được một năm, em và chàng rủ nhau góp gạo thổi cơm chung. Tôi hốt hoảng bảo em, chuyện vượt rào thời nay cũng chẳng to tát, nhưng phải đúng người yêu thương, trân trọng mình, tính chuyện tương lai với mình. Em ậm ừ, rồi thưa dần những lần tâm sự chuyện riêng tư. Có dạo, thấy em khoe hai đứa rục rịch chuẩn bị kết hôn, nhưng vì nhiều lý do từ phía nhà trai, đám cưới cứ lần lữa mãi.
Những ngày chuyển mùa, mưa bụi, gió nồm, nhà cửa dậy mùi ẩm mốc khiến không gian bức bối. Đêm nghe tiếng chuông gió kêu leng keng trước hiên nhà, em trằn trọc mãi không ngủ được. Mẹ trở dậy từ sớm, gỡ chùm chuông xuống, gói vào túi, đem cất. Bà đun nước nóng ủ trà. Em ngồi bó gối trong bếp, khuôn mặt mộc với những đốm mụn và nám rực đỏ vì lửa.
Đã 5 tháng, kể từ ngày chiếc que thử thai hiện lên hai vạch, nỗi sợ hãi trong em ngày càng tăng. Người đàn ông em thương yêu, lúc mặn nồng thì hứa hẹn, nay ơ hờ nhạt nhẽo. Vì gia đình có điều kiện, quen sống trong sự bảo bọc, nên đi làm chẳng khi nào dư dật, cũng không tính toán gì cho tương lai. Anh ta không dám lên tiếng bảo vệ em trước định kiến của gia đình. Đàn ông mà thiếu ý chí, được chăng hay chớ như thế, có đáng tin cậy? Gia đình đã không bằng lòng, nếu dùng đứa con mà ép uổng thì có cưới hỏi về, làm dâu cũng muôn phần cay đắng. Em sợ xóm giềng lời ra tiếng vào, không dám ra khỏi nhà. Em biết mẹ em xót con, từ lâu đã chẳng nỡ buông lời trách cứ.
Mẹ đi chợ sớm về, dựng chiếc xe đạp, tháo chiếc làn đựng đầy rau củ và thức ăn, vui cười đon đả. Hôm nay mẹ mua được bánh cuốn nhân hành phi của bà Sáu mà em thích. Mẹ quàng một vòng ôm qua vai em, ân cần bảo: “Con cái là lộc trời cho. Mẹ không lo thiên hạ gièm pha. Người ta tử tế đàng hoàng thì mình cho nhận cháu, không thì nghỉ khỏe. Đâu ai sống thay cuộc đời của chúng ta được đâu con”.
Phải rồi, có mãi khổ tâm, phiền não cũng chẳng thay đổi được gì. Cuộc sống đâu vì những nỗi buồn của ta mà dừng lại. Nước mắt em trào ra, nhưng không phải là nước mắt bế tắc nữa. Em biết, mình nên dành thời gian để cảm nhận những điều tuyệt vời đang hiện hữu. Dù có chuyện gì xảy ra, có thiếu khuyết thế nào, em vẫn sẽ vì bản thân, vì con em – khao khát của em mà bước tới.
Mai Đình
Theo phunuonline.com.vn
Chồng làm sao giựt được?
Đời là như thế. Thứ vốn chỉ là đồ để giựt, mãi mãi là đồ để giựt. Kẻ tham lam món đồ của người khác sẽ mãi mãi phải ở trong một cuộc chơi, làm gì có tình cảm hay gia đình thật sự.
Chẳng biết vì sao mà từ xưa, người ta lại dùng từ "cướp vợ", "giựt chồng", hẳn là phải có ý tứ sâu xa, tế nhị nào đó, chứ chẳng phải thuận miệng mà nói đâu. Thế nên thời nay, người ta cứ theo đó mà dùng, chẳng buồn suy luận. Song nếu dừng lại, nghĩ một lúc, sẽ thấy có bao nhiêu điều mà muốn hiểu thì phải bắt đầu từ cái gốc rõ ràng, dễ nhận nhất.
Chuyện cướp giựt, đúng theo nghĩa đen của nó, bây giờ thiếu gì trên phố. Nhớ có lần, tôi bị giật đồ, bị đau vì té, buồn vì tiếc, tôi về kể với mẹ cha. Vậy mà, thay vì an ủi tôi và rủa kẻ cướp bất nhân, cha tôi lại mắng tôi một trận vì cái tội... có của quý không biết giữ gìn, cứ đem bày ra cho thiên hạ dòm ngó. Đời này, nhiều kẻ cướp vì cần đã đành, nhưng cũng khối người cướp vì nhìn ngứa mắt hay thấy ghét thôi.
Tôi nhớ lần trò chuyện với một phụ nữ bị giựt chồng. Chị nói: "Khi tôi tìm đến cô ta, với một bụng đầy những câu nhiếc móc, chửi bới, rằng cô ta là kẻ "phá hạnh phúc" gia đình tôi, rằng cô ta "giựt chồng", tôi đã khựng lại khi nhìn thấy nụ cười bình thản, mỉa mai của cô ta. Thay vì lo lắng, sợ hãi khi biết mình sắp bị đánh ghen, cô ta có vẻ muốn cười vào mặt tôi. Cô ta nhẹ nhàng và đầy châm biếm, hỏi: "Chị nói tôi phá hạnh phúc gia đình chị. Vậy cái hạnh phúc ấy có tồn tại hay không? Nếu chị đang thật sự hạnh phúc thì làm sao ai phá được, nhất là khi tôi chỉ là người ngoài? Chị nói tôi giựt chồng chị, vậy chứ chồng chị là cái bóp, cái túi hay cái dây chuyền vô tri vô giác hay sao mà giựt được?".
Quả thực, với câu hỏi lại hết sức khôn ngoan, tự tin và đanh đá đó, cô ta cuối cùng đã thắng người vợ danh chính ngôn thuận - người đang có quyền phán xét, chửi bới và được bênh vực. Từ tư thế là kẻ nắm quyền, kẻ đến hạch hỏi và đe dọa người phạm tội, chị lủi thủi ra về cùng sự hoang mang và nghi ngờ chính bản thân. Diễn biến tiếp theo là cuối cùng, sau một thời gian đấu tranh khá yếu ớt với việc giữ chồng, giữ hạnh phúc, đấu tranh trong mặc cảm: mình thật sự có hạnh phúc hay không và chồng có thật sự là của mình hay không, chị đã buông tay, để chồng ra đi, đến với người phụ nữ khác.
Ảnh minh họa
Hỏi chị, chị đã từng lồng lộn, đập phá, mắng chửi, thậm chí quyết "ăn thua đủ" với kẻ giựt chồng chị, sao cuối cùng lại buông tay dễ thế, chị thở dài: "Ừ thì biết nó láo, nó xấc xược với mình, nhưng ngẫm ra, nó nói có phần đúng. Ngày chồng còn là của mình, gia đình còn vui vẻ, bình an, mình cũng có phần coi thường cái mình có. Đi làm về mệt mỏi, dễ cáu gắt nhau. Buồn bực chuyện gì cũng than vãn. Cũng chẳng ít lần đùng đùng làm đơn đòi ly hôn, ông chồng còn giữ cả xấp trong tủ kia. Lúc ấy, có bao giờ mình nghĩ là mình đang có hạnh phúc đâu. Hóa ra cái chén mình đang uống nước, mình có nghĩ nó là cái chén đâu. Nước uống vào cũng không nhớ nó cần thiết với mình thế nào. Chỉ khi cái chén bể, chẳng còn cái gì để uống nước nữa, mình mới tiếc".
Chị cũng thừa nhận, ông chồng chị đó, đâu phải món đồ vô tri vô giác mà có chuyện cướp với giựt. Ông rõ ràng là con người, với đầy đủ tri giác, đầy đủ quyền tự chủ, trí thông minh mà chị từng yêu thương, say đắm, tôn trọng. Chồng chị đâu phải món đồ mà chị quăng bỏ hay cầm nắm hớ hênh để người ta đi ngang tiện tay giựt lấy. Mà nếu không phải như thế thì chuyện đi, chuyện ở là ý chí của ông ấy, chị làm sao cản được. Chuyện ông ấy muốn thế là lỗi ở ông ấy, đâu phải lỗi một mình cô kia cố tình giựt chồng chị. Với những điều chị suy luận ra đó thì trước hay sau cái chén ấy cũng bị bể hay lọt vào tay kẻ khác mà thôi.
Cứ thế mà nghĩ tới khi quyết định buông, nhẹ tênh. Chị buông, để làm lại từ đầu, để biết giữ cái gì cần giữ, biết nắm cái gì cần nắm và biết quên đi cái gì không thật sự đáng giá, chỉ là thứ vô tri vô giác đối với mình. Nhờ thế, chị mới bước ra được khỏi cái cuộc "giành và giựt" của hai người đàn bà, để cho người kia độc chiếm cái vật phẩm mà cô ta đã "giựt" được, theo nghĩa người đời thường nói.
Kể đến đây, chị cười, nụ cười thật nhẹ: "Mà tôi nghe nói, giờ đây, cô ấy lại đang phải tiếp tục cuộc giành và giựt cái vật mà tôi đã buông đó với một người khác. Đời là như thế. Thứ vốn chỉ là đồ để giựt, mãi mãi là đồ để giựt. Kẻ tham lam món đồ của người khác sẽ mãi mãi phải ở trong một cuộc chơi, làm gì có tình cảm hay gia đình thật sự. Chỉ khi chồng là chồng, là người yêu thương ta và ta yêu thương, cùng ta vun đắp gia đình mới là của ta, không lo bị tước đoạt.
Thanh Thủy
Theo phunuonline.com.vn
Cụ ông 86 tuổi muốn quay về với vợ sau hơn 20 năm theo tình trẻ Nhiều lần thấy bố về, ngồi mãi ngoài cổng chỉ để mong mẹ tha thứ lỗi lầm trước đây, tôi rất thương nhưng không thể làm khác. Cuộc sống của chúng tôi rất ổn. Mẹ tôi năm nay 70 tuổi nhưng rất vui vẻ, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, giúp vợ chồng tôi công việc nhà. Mối quan...