Khốn khổ vì nhà máy sản xuất bao cao su ‘nhả độc’
Nhiều ngày qua, hàng trăm hộ dân ở KP.4, thị trấn Chơn Thành, H.Chơn Thành ( Bình Phước) hết sức khốn khổ vì phải sống trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ nhà máy sản xuất bao cao su xả ra.
Chất thải bẩn khiến dòng nước đặc quánh từng mảng, bốc mùi hôi thối – Ảnh: P.H
Theo sự hướng dẫn của người dân, chúng tôi có mặt tại dòng suối Bến Đình (KP.4, thị trấn Chơn Thành) cách Công ty Medevice 3S khoảng 2km. Hiện ra trước mắt chúng tôi là dòng nước trên mặt con mương ứ đọng, đặc quánh từng mảng bởi những chất bột lạ, khi động vào thì sủi bọt, sôi lên như xà bông và đặc biệt là bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo phản ánh của các hộ dân sinh sống tại đây, thủ phạm không ai khác chính là Công ty liên doanh Medevice 3S (trụ sở tại KP.5, thị trấn Chơn Thành, chuyên sản xuất bao cao su). Công ty này đã thuê đất của một hộ dân gần đó và thiết kế đường ống dẫn nước thải ra con mương nhỏ, chảy thẳng ra dòng suối Bến Đình. Nguồn nước thải này không chỉ gây khó chịu vì mùi hôi mà còn ngấm xuống giếng, gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Ông Phạm Thanh Tòng, Trưởng KP.4, thị trấn Chơn Thành cho rằng nếu nguồn nước này ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ em. “Hôm nay trời lặng nên mùi nhẹ hơn, vào những ngày nắng to, gió lớn, chúng tôi không thể nào chịu được mùi khói từ nhà máy ép mủ cao su. Mở cửa ra mùi bay vào khó thở, đóng cửa lại càng ngạt thở hơn”, ông Tòng bức xúc.
Video đang HOT
Nguy hiểm hơn, dòng mương này còn chảy qua Trường mầm non Hoa Sen (đóng tại địa bàn KP.4), nơi có đông các trẻ nhỏ, hằng ngày ngày vẫn dùng nước sinh hoạt bên cạnh con mương này.
Để tìm hiểu thực hư vấn đề, chúng tôi đã tìm đến Công ty liên doanh Medevice 3S. Theo một lãnh đạo công ty cho biết hệ thống xử lý chất thải của công ty theo công nghệ tiên tiến, đảm bảo giữ gìn môi trường, được các cấp có thẩm quyền chứng nhận. “Lo lắng, bức xúc của một số hộ dân ở KP.4, thị trấn Chơn Thành chúng tôi xin ghi nhận và chia sẻ. Chúng tôi cũng đã liên hệ với một số công ty dịch vụ để khắc phục sự cố đó”, ông Phạm Công Nguyên – Giám đốc Công ty liên doanh Medevice 3S cho hay.
Trả lời Thanh Niên, ông Trịnh Quang Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Chơn Thành, cho biết sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân về nguồn nước xả thải của Công ty Medevice 3S, chính quyền địa phương đã trực tiếp ra hiện trường cũng như mời ban giám đốc công ty cùng thực địa để xem xét sự việc. Trên cơ sở xác định nguồn nước thải chính là của Công ty Medevice 3S, lãnh đạo công ty này đã cam kết với chính quyền địa phương khắc phục triệt để, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường lan rộng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Trong khi Công ty Medevice 3S và chính quyền địa phương mới chỉ khảo sát mà chưa “chốt” được phương án khắc phục cuối cùng thì hàng trăm hộ dân nơi đây hằng ngày vẫn đang phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc.
Phước Hiệp
Theo Thanhnien
Mương thoát nước trở thành... hố rác
Hàng chục năm nay, con mương nằm dọc theo ngõ 233 Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến người dân nơi đây sống trong khổ sở.
Đã từ lâu, con mương thoát nước bị ô nhiễm trầm trọng bởi rác và nước thải nhưng không được xử lý - Ảnh: Chí An
Đến đầu ngõ 233, mùi nồng nặc từ con mương đã khiến người đi đường rùng mình. Khách qua đường đều phải lấy tay che mũi, bịt khẩu trang thật chặt. Dưới lòng mương, nước chỉ duy nhất một màu đen, đặc quánh. Nước thải từ các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất chảy ra mương xối xả.
Bà Nga (70 tuổi) trú tại số nhà 35, cạnh con mương cho biết, ngày mưa, chỉ khoảng 5 phút, nước từ dưới mương sục lên, nhà đóng cửa kín mít nhưng mùi thối vẫn phủ đầy. Ngày nắng, mùi thối bốc lên đến nhức óc. Nhiều nhà phải khóa trái cửa vì không chịu nổi. Dân ở đây ăn bữa cơm không khi nào thấy ngon. Trẻ con người già quanh năm mắc bệnh về đường hô hấp. Theo bà Nga, trước đây, toàn bộ khu vực nơi gia đình bà đang sinh sống là một cánh đồng rộng lớn. Con mương được đào đắp để phục vụ nông nghiệp tưới tiêu. Thời ấy, đến bữa, người dân xung quanh thường mang rau đi rửa, mang gạo ra mương vo, trẻ con thi nhau tắm.
Khoảng 20 năm nay, người dân sống tại ngõ 233 Xuân Thủy trở nên đông đúc hơn, cánh đồng biến mất, nhà ở, cửa hàng mọc lên san sát, con mương không dùng để tưới tiêu mà trở thành hố rác cho mọi nhà. "Người ta xây nhà vệ sinh tự hoại trút hết xuống mương. Nước thải sinh hoạt, nước thải từ mổ gia cầm ở chợ, từ mấy cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi...đều thải xuống mương", bà Nga than thở.
Ông Thịnh (76 tuổi) cho biết, người dân sống quanh mương đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng con mương vẫn hôi thối. "Hàng ngày vẫn có người đi làm vệ sinh, nhưng họ chỉ nhặt rác, còn nước bốc mùi thì chưa thấy ai đến xử lý", ông Thịnh nói.
Ông Nguyễn Đình Tứ, tổ trưởng tổ 20, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Con mương thối khiến cho bà con trong tổ vô cùng khổ sở và bức xúc. Chúng tôi cũng đã có ý kiến lên phường và được hứa cải tạo. Tuy nhiên, mới chỉ thấy bê tông hóa con đường dọc theo mương, còn mương thì vẫn bốc mùi nghiêm trọng".
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, ông Lê Quang Lợi, Phó chủ tịch P.Dịch Vọng Hậu cho biết: "Con mương này hôi thối từ lâu rồi. Nhưng việc cải tạo mương thuộc dự án lớn của Q.Cầu Giấy. Chúng tôi đã có kiến nghị lên quận rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết, còn phường thì làm gì có tiền mà cải tạo!".
Chí An
Theo Thanhnien
Bộ Y tế: VN không sử dụng hóa chất nghi gây teo não trong nước sinh hoạt Tại cuộc họp về dịch bệnh virus zika sáng ngày 16/2, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, hiện Việt Nam không sử dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, ăn uống, không sử dụng hóa chất này để diệt ấu trùng muỗi. Báo Sức Khỏe & Đời sống đưa tin, đại diện Tổ chức Y tế Thế...