Khốn khổ vì ‘giặc ruồi’, hôi thối
Nhiều tháng qua, người dân một số tỉnh thành ở ĐBSCL phải sống khốn đốn trong môi trường ô nhiễm bởi nạn “giặc ruồi”, cùng với mùi hôi thối từ các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Những miếng dính đầy ruồi. Ảnh: Kim Hà
Nhà bà Lâm Thị Tây (65 tuổi, ngụ ấp Đông Thới, xã Đông Bình) có 20 công đất ruộng nằm cạnh trại heo Đồng Tiến (thuộc ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ). Do ảnh hưởng mùi hôi thối nên không thể thuê được nhân công. “Họ chê ruộng tôi gần trại heo hôi thối quá không ai chịu nhận, mà tôi lớn tuổi rồi đâu có đảm đương nổi 20 công đất” – bà Tây nói.
Còn ông Nguyễn Văn Kiệt (ngụ ấp Đông Mỹ, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai) than thở: “Nhà tôi cách trại heo 300m mà vẫn bị hôi kinh khủng lắm, hôi bất kể ngày đêm. Phải đóng cửa suốt ngày. Nhiều lúc đang ăn cơm, nó xộc mùi lên là ai nấy đều bỏ đũa. Thậm chí, ban đêm ngủ tôi còn phải xức dầu để át mùi hôi mới có thể ngủ được”.
Trại heo Đồng Tiến có diện tích khoảng 3ha, với quy mô 7.000 con, do ông Nguyễn Quốc Trung làm chủ. Khoảng 3 tháng nay, trang trại xuất hiện tình trạng ô nhiễm mùi hôi phát tán trên diện rộng, khiến cuộc sống của hàng trăm nhân khẩu tại 4 ấp thuộc 2 xã Đông Bình, Đông Thuận (huyện Thới Lai) bị xáo trộn.
Video đang HOT
Tại xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long gần 3 tuần qua, người dân cũng lao đao vì nạn “giặc ruồi” phát tán từ trang trại gà 16.000 con.
“Nhà tôi cách trại gà chưa tới 200m, lâu lâu có mùi hôi thì mình cũng thông cảm được. Nhưng 7- 8 năm nay, từ hồi mở trại gà hầu như năm nào cũng có ruồi. Tôi phản ánh thì người bên trại có qua phun xịt nhưng chỉ vài ngày rồi đâu cũng vào đó. Giống như chỉ xịt cho có để dân hài lòng vậy” – bà Nguyễn Thị Phượng (65 tuổi) nói.
Người dân ở đây đã nhiều lần báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với lãnh đạo xã Mỹ Thuận thì vị này cho rằng chưa ghi nhận phản ánh nào từ bà con.
“Tình trạng ruồi xuất hiện đã xảy ra nhiều năm nay, nhất là khi vào mùa mưa ruồi sinh sản. Hàng năm chúng tôi đều đến khảo sát và yêu cầu chủ trang trại phun xịt quanh khu vực nhà của bà con, rồi đưa miếng dính để hạn chế ruồi. Liên lạc với chủ trại gà thì họ nói rằng nguyên nhân khiến số ruồi lọt ra bên ngoài là do đang thực hiện thay đệm lót sinh học tiêu diệt trứng ruồi. Tuy nhiên, loại thảm này không hiệu quả nên đã dẫn đến tình trạng trên” – ông Nguyễn Thành Thái – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long thông tin.
Cũng theo vị phó chủ tịch, đây là trại gà nuôi theo hộ gia đình do 2 cá nhân làm chủ, có diện tích 1ha, đi vào hoạt động khoảng 7 năm nay. Sắp tới, địa phương sẽ tiến hành khảo sát, yêu cầu phía trang trại phải xử lý làm sao để “dẹp giặc ruồi” trong thời gian sớm nhất, nếu không đạt yêu cầu UBND xã sẽ kiến nghị lên cơ quan cấp trên.
KIM HÀ
Theo PLVN
Mất mùa, ô nhiễm do trại lợn xả thải?
Đồng Nai được xem là "thủ phủ" chăn nuôi lợn của cả nước. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải từ các trang trại không được quản lý chặt chẽ khiến môi trường ô nhiễm, mùa màng thất bát.
Hồ chứa nước của một trại lợn ở tổ 1, ấp Hưng Hiệp
Giữa thời tiết nắng gắt cuối tháng 4, có mặt tại vùng nuôi lợn ở tổ 1, ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, ai nấy đều ngột ngạt bởi bầu không khí đặc quánh mùi hôi từ các trang trại nuôi lợn gây nên.
Dẫn PV ra dòng suối phía trước rẫy, bà Nguyễn Thị Giang (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) chỉ xuống dòng nước đen bức xúc: "Ngày xưa những con suối này nước trong vắt, cá tôm nhiều đến nỗi bắt đem bán, trẻ con còn lội xuống tắm rửa.
Thế mà bây giờ, suối đã đổi màu đen kịt, chỉ cần nhúng tay chân xuống thì ngứa không chịu nổi. Thậm chí, nước ngầm bây giờ cũng ô nhiễm nặng vì chất thải chăn nuôi lợn ngấm xuống, chẳng ai dám tưới cây nữa". Chỉ vào những gốc điều lá đang héo dần, bà Giang ngậm ngùi: "Chỉ ít bữa nữa thôi, những cây điều này sẽ chết đứng vì nước phân lợn chảy ngập gốc. Mấy cây bạc hà nhà tôi đã chết hơn chục gốc cũng chỉ vì "uống" phải nước độc này, nhưng biết bắt đền ai".
Tương tự, nhà ông Tăng Anh Tuấn (tổ 1, ấp Hưng Hiệp) cũng ngán ngẩm bởi tình trạng trên. Ông Tuấn cho biết, trước kia nhà ông trồng lúa trên khu vực này. Tuy nhiên khoảng 8 năm trước, khi các trang trại lợn được hình thành thì ruộng lúa ở đây cũng chết dần chết mòn vì các trại heo xả thẳng trực tiếp ra ruộng của dân. Nhiều năm nay, người dân đã gửi đơn khắp nơi cầu cứu và yêu cầu các trang trại chăn nuôi phải khắc phục việc ô nhiễm. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm còn nặng hơn trước.
Theo tìm hiểu, tại tổ 1, ấp Hưng Hiệp có 7 trang trại chăn nuôi heo với hàng chục ngàn con. Dù các trang trại nằm ẩn sau các khu rẫy của nhiều hộ dân nhưng vẫn phát tán mùi gây ô nhiễm môi trường trong khu vực. Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc Nguyễn Hữu Phước cho biết, sau khi người dân phản ánh, ngày 16/4 vừa qua xã và lực lượng chức năng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất kiểm tra thực tế hiện trạng chăn nuôi heo của các trang trại ở ấp Hưng Hiệp.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện trang trại của 2 hộ xả nước thải chăn nuôi ra môi trường nên đã yêu cầu khắc phục ngay. Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng đã lấy mẫu nước thải của các trang trại trên đem đi xét nghiệm, khi có kết quả sẽ xử lý theo quy định.
Về giải pháp lâu dài, Phó Chủ tịch xã nói: "Các trang trại lợn nơi đây đều nuôi gia công cho các công ty. Vì thế nếu trang trại nào không đảm bảo vệ sinh thì xã sẽ yêu cầu các công ty ngưng cung cấp con giống và thức ăn".
M.Nguyệt
Theo PLVN
Thông tin mới vụ bé trai 7 tuổi bị đàn chó cắn tử vong Công an, VKS và tòa án đang họp liên ngành để xem xét vấn đề xử lý trách nhiệm đối với chủ đàn chó cắn bé trai 7 tuổi tử vong tại Hưng Yên. Chiều 11-4, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch UBND huyện Kim Động (Hưng Yên) cho biết cơ quan chức năng vẫn đang xem xét để...