Khối u chiếm gần hết gan bé gái 2 tuổi
Khối u ác tính sarcoma mạch máu khiến bụng bé gái ngày càng lớn nhanh.
Bác sĩ Vũ Trường Nhân, trưởng nhóm phẫu thuật ung bướu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết bé gái nhập viện vì tình trạng bụng lớn nhanh. Phim chụp CT Scan vùng bụng cho thấy khối u lớn, tăng tưới máu rất nhiều, chiếm gần hết thể tích gan. Kết quả sinh thiết thấy đây là một khối u ác tính sarcoma mạch máu.
Theo bác sĩ Nhân, sarcoma mạch máu là một khối u vô cùng hiếm gặp ở gan, chỉ chiếm 1-2% trong các loại u gan ác tính ở trẻ. Y văn thế giới hiện chỉ ghi nhận khoảng 50 trường hợp. Khối u loại này thường có tiên lượng rất xấu do kém đáp ứng hóa trị. Một số báo cáo gần đây cho thấy, hóa trị với hóa chất mạnh kết hợp phẫu thuật cắt gan rộng hoặc ghép gan để loại bỏ khối u có thể giúp bệnh nhân có kết quả điều trị tốt.
“Trường hợp này chúng tôi đã tính đến phương án ghép gan cho bệnh nhi trước khi hóa trị vì khối u quá lớn không thể cắt bỏ được”, bác sĩ Nhân chia sẻ. May mắn sau 9 tuần hóa trị với các hóa chất mạnh, khối u có biểu hiện nhỏ lại, bệnh nhi cũng không bị các biến chứng do thuốc.
Hình ảnh khối u ở gan bệnh nhi. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh, Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết mặc dù trên hình ảnh, khối u vẫn còn dấu hiệu chèn ép nhiều vào cả hai nhánh tĩnh mạch cửa của gan nhưng các bác sĩ vẫn quyết định phẫu thuật. Kíp mổ đã tính tới phương án tạo hình tĩnh mạch cửa mới bằng mảnh ghép vì lo sợ nếu hóa trị tiếp sẽ đánh mất cơ hội phẫu thuật do khối u thông thường đáp ứng kém với hóa trị.
Video đang HOT
Cuộc mổ thành công sau 3 giờ căng thẳng. Các bác sĩ đã cắt gan trái mở rộng lấy trọn toàn bộ khối u kèm đường mật bị u xâm lấn. Kíp phẫu thuật đã bảo tồn được nhánh tĩnh mạch cửa nuôi phần gan còn lại mà không làm vỡ u và tái tạo lại đường mật mới bằng quai ruột. Sau mổ bệnh nhi hồi phục nhanh chóng, ăn uống tốt và vừa xuất viện sau mổ 7 ngày.
Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 đánh giá, sự thành công của trường hợp này là một minh chứng cho hiệu quả phối hợp đa mô thức trong điều trị ung bướu ở trẻ em. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ cho thấy bờ mặt cắt gan không còn tế bào u. Bệnh nhi sẽ tiếp tục được hóa trị theo đúng phác đồ để đảm kết quả điều trị lâu dài và tốt nhất.
Lê Phương
Theo vnexpress.net
Bấm sinh thiết u phế quản, bệnh nhân bị chảy máu ồ ạt và tử vong
Bệnh nhân được gia đình đưa đến BV Bạch Mai khám do có những dấu hiệu bất thường về hô hấp. Trong quá trình nội soi phế quản, bác sĩ phát hiện khối u đã tiến hành sinh thiết, gây biến chứng chảy máu nặng và bệnh nhân tử vong dù đã được cấp cứu, hồi sức tích cực.
Ngày 14/6, BV Bạch Mai đã thông tin chính thức về ca tử vong sau khi tiến hành nội soi phế quản tại Bệnh viện.
Trước đó một ngày, bà Nguyễn Thị Bích (SN 1961, quê ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai do có dấu hiệu bất thường về hô hấp.
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định chụp CT ngực, phát hiện có xẹp thùy giữa phổi phải - giãn phế quản thùy giữa nên đã được chỉ định nội soi phế quản tại Trung tâm Hô hấp để tìm nguyên nhân.
Sau khi tiến hành làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được tiến hành nội soi phế quản.
Sáng 14/6, kíp nội soi đã thực hiện thủ thuật nội soi cho bệnh nhân theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện nội soi, kíp nội soi phát hiện thấy có khối u phế quản, đã tiến hành sinh thiết cho bệnh nhân. Lúc này, biến chứng chảy máu đã xảy ra gây ra tình trạng chảy máu nặng trong lòng phế quản.
Ảnh minh họa
Bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp nặng, ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức bệnh nhân đã được được xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn, đặt nội khí quản tích cực, tim đã đập trở lại và được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực lúc 11h50 phút cùng ngày, tổ chức hội chẩn toàn viện để tìm ra phương án tối ưu nhất tiếp tục cứu chữa người bệnh.
Tuy nhiên, bệnh nhân lại xuất hiện ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã nỗ lực cấp cứu, hồi sức bệnh nhân trong gần 3 tiếng đồng hồ nhưng tim bệnh nhân đã không đập trở lại, bệnh nhân tử vong.
TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ thêm, đây là 1 tai biến đáng tiếc có thể xảy ra khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn.
Trên thực tế, trước khi thực hiện thủ thuật, các bác sĩ đã thông báo rõ tới gia đình bệnh nhân về sự hiện diện của khối u, sự cần thiết tiến hành thủ thuật để xác định nguyên nhân và điều trị cũng như giải thích rõ những nguy cơ, tai biến, thậm chí có thể tử vong ngay trong quá trình thực hiện. Gia đình cũng đã hiểu và chấp nhận ký cam kết đồng ý trước khi thực hiện thủ thuật.
Tuy nhiên, ngay sau khi bệnh nhân tử vong, lãnh đạo Bệnh viện cũng chỉ đạo tổ chức 1 cuộc họp hội đồng chuyên môn sớm nhất, để xem xét đánh giá việc thực hiện tuân thủ các quy trình chuyên môn, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân. Trong trường hợp nếu có sai xót chuyên môn sẽ xử lý nghiêm.
TS Hùng cũng chia sẻ, sau nỗ lực của toàn viện để cấp cứu người bệnh không thành công, đại diện Lãnh đạo hai khoa liên quan đã trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ và động viên gia đình. Kết quả họp hội đồng chuyên môn đánh giá về nguyên nhân tử vong, quy trình thực hiện thủ thuật sẽ được công bố ngay sau khi hội đồng chuyên môn đưa ra đánh giá.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Người phụ nữ đau đầu suốt 2 năm được chẩn đoán là trầm cảm, vụ tai nạn ô tô lại giúp cô khám phá ra sự thật đáng sợ về căn bệnh của mình Những tưởng vụ tai nạn thật là điều xui xẻo nhưng không ngờ nó lại giúp người phụ nữ này khám phá ra căn bệnh đáng sợ của mình. Trong 2 năm gần đây, chị Lauren Neville (30 tuổi), sống tại Burnley, hạt Lancashire (Vương quốc Anh) phải trải qua những cơn đau đầu dữ dội, rồi cả chóng mặt, thị lực của...