Khởi tố vụ doanh nghiệp phá rừng để… trồng rừng
Mặc dù chưa được tỉnh Gia Lai cho thuê đất trồng rừng nhưng Công ty TNHH Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai đã tự ý chặt hạ, phá trắng 30.000m2 rừng tự nhiên đang phục hồi nhằm mục đích… trồng rừng.
Ngày 20.12, ông Thái Thượng Hải – Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (Gia Lai) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “hủy hoại rừng” xảy ra tại lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1369 – địa giới hành chính xã Chư Đrăng (thuộc lâm phần Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Ba). Theo xác minh ban đầu, đơn vị phá rừng là Công ty TNHH Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai (trụ sở 124 đường Thống Nhất, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa), diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại 30.000m2.
30.000 m2 rừng tự nhiên đang phục hồi bị phá trắng.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 14.12 UBND huyện Krông Pa đã có báo cáo nhanh gửi UBND tỉnh, Sở NNPTNT và các ngành chức năng. Theo đó, UBND huyện Krông Pa xác định vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, diện tích rừng bị hủy hoại lớn, đối tượng vi phạm là người ngoài tỉnh và có liên quan đến tổ chức (Công ty TNHH Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai) nên chỉ đạo Hạt Kiểm lâm chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện tiếp tục điều tra, xử lý.
Trước đó (ngày 29.11), Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa phối hợp với Ban QLRPH Nam Sông Ba tiến hành kiểm tra hiện trường vụ việc, xác định: Khu vực rừng 30.000m2 bị phá trắng hoàn toàn bằng rìu và cưa xăng. Hiện trạng rừng bị phá là rừng gỗ tự nhiên đang phục hồi, đường kính trung bình cây bị chặt hạ từ 8 – 38cm, ngọn cao 3 -12m với nhiều chủng loại gỗ như: Căm xe, bằng lăng, cà chít, trám, thành ngạnh… Đồng thời xác định ông Lục Văn Khoa (trú tại thôn Trường Hà, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) là người trực tiếp chặt hạ rừng (ông Khoa đi làm thuê cho Công ty Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai). Tại hiện trường, ông Vũ Văn Thành (nhân viên kỹ thuật của Công ty Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai, trú tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng thừa nhận: Công ty đã thuê nhân công phát dọn diện tích 30.000m2 với mục đích trồng rừng trong năm 2018.
Video đang HOT
Công ty Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai tự ý phá rừng gỗ tự nhiên để trồng rừng.
Để xác định mức độ thiệt hại cần phải có cơ quan chức năng giám định mới có kết luận cụ thể về số lượng cây, khối lượng gỗ, chủng loại. Bước đầu, Hạt chỉ ra quyết định khởi tố, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, vụ việc chưa có dấu hiệu phá rừng lấy gỗ.
Ông Thái Thượng Hải – Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa
Về phía chủ rừng, ông Nguyễn Văn Dương – Phó Ban QLRPH Nam Sông Ba cho biết: Công ty Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai chỉ được phát dọn thực bì theo chủ trương cho phép trồng rừng chứ chưa được tỉnh cấp phép trồng rừng. Công ty cam kết chỉ phát dọn đất không có rừng, cam kết tuyệt đối không tác động rừng tự nhiên, nhưng lại “cam kết một đằng, làm một nẻo”. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã lập biên bản đình chỉ mọi hoạt động phá rừng của Công ty Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai. Do vụ việc nghiêm trọng nên Ban đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang cho Hạt Kiểm lâm xử lý. Hiện Ban đang quản lý 22.000ha, trong đó trên 19.000ha đất lâm nghiệp có rừng.
Được biết năm 2017, Công ty Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai đã có đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cho thuê 859ha đất trống tại tiểu khu 1359 và 1369 (thuộc lâm phần của Ban QLRPH Nam Sông Ba) để trồng rừng. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Gia Lai vẫn chưa có quyết định giao đất cho Công ty TNHH Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai, thế nhưng công ty này đã phá trắng với mục đích trồng rừng. Trong đó, 30.000m2 rừng gỗ tự nhiên đang phục hồi, trong rừng có nhiều cây gỗ quý từ nhóm II-V bị đốn hạ không thương tiếc.
Theo Danviet
Công an vào cuộc điều tra vụ "xẻ thịt" rừng dổi cổ thụ tại Bình Định
Liên quan đến vụ "xẻ thịt" rừng dổi cổ thụ ở đầu nguồn, hồ thủy lợi Định Bình (thuộc địa phận xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có ý kiến chỉ đạo Công an tỉnh này chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương điều tra, xử lý các đối tượng phá rừng.
Ngày 3-8, UBND tỉnh Bình Định đã có Văn bản số: 4527/UBND-KT, chỉ đạo xử lý vụ vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng tại tiểu khu 145, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.
Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu ký thay Chủ tịch UBND tỉnh, gửi đến Công an tỉnh, Sở NN-PTNT, UBND huyện Vĩnh Thạnh.
Hiện trường rừng dổi cổ thụ bị "xẻ thịt"
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Giao Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực lượng chức năng của huyện Vĩnh Thạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm những tố chức, cá nhân vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng; những trường hợp đủ yếu tố xử lý hình sự, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định.
Văn bản nêu rõ, trách nhiệm triển khai thực hiện của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh và các cơ quan liên quan.
Một cây gỗ rừng cổ thụ bị "xẻ thịt"
Trước đó, PV Báo SGGP đã có mặt tại hiền trượng vụ "xẻ thịt" rừng dổi cổ thụ, ở rừng phòng hộ thuộc các tiểu khu 142, 145 (thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh).
Tại hiện trường, có rất nhiều cây gỗ đường kính từ 40cm đến 1,05m bị lâm tặc cưa hạ, gốc nằm trơ khắp rừng; nhiều cây gỗ rừng cổ thụ đã bị cưa, xẻ ra để lấy gỗ cội, ván, rễ nằm la liệt giữa rừng; số khác vẫn chưa được cưa xẻ, bị lâm tặc cắt thành từng khúc lớn; dọc con đường do lâm tặc tự mở để làm bãi tập kết gỗ lớn nhỏ...
Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, đơn vị này nhận được tin mất rừng từ phía người dân vào tối 22-7. Nguồn tin không cho biết cụ thể phạm vi rừng bị tàn phá nên khi đơn vị chức năng tổ chức truy quét thì lâm tặc đã tẩu thoát.
Lâm tặc để lại hiện trường, một lán trại không có người ở, bên trong lán trại có 4 cái võng, quần áo và một số đồ dùng khác (xoong, nồi, chén bát, gạo, mắm), 1 quyển vở học sinh, 1 sổ hộ khẩu và 1 chiếc điện thoại, cạnh lán trại có một số tấm gỗ xẻ,...
Đơn vị chức năng xác định vụ tàn phá rừng dổi cổ thụ (thuộc rừng phòng hộ thuộc huyện Vĩnh Thạnh) có tính chất phức tạp, nghiêm trọng; lâm tặc tinh vi, phá rừng có tổ chức, chúng có thể đã lợi dụng người dân địa phương để đốn hạ rừng nguồn.
NGỌC OAI
Theo sggp
Lâm Đồng: Khởi tố vụ đầu độc hơn 600 cây thông UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo huyện Lâm Hà làm rõ trách nhiệm của cá cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc đầu độc 697 cây thông tại Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Nam Ban. Cụ thể, ngày 5.12, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà...