Khởi tố nhân viên Bệnh viện Thủ Đức và một giám đốc
Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 người trong quá trình điều tra vụ việc mua bán kit test của Công ty Việt Á, liên quan đến Bệnh viện Thủ Đức và Công ty Nam Phong.
Ngày 15/1, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Vũ Phong (Giám đốc công ty Nam Phong), Trương Thị Bảo Trân (nhân viên Phòng vật tư Bệnh viện Thủ Đức) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Bệnh viện Thủ Đức và Công ty Nam Phong.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, Công an TPHCM đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, bước đầu xác định trong năm 2021, Bệnh viện Thủ Đức có mua kit test PCR do Công ty Việt Á sản xuất, thông qua Công ty Nam Phong.
Cán bộ công an đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trương Thị Bảo Trân (Ảnh: A.X.).
Cụ thể, tháng 2/2021 đến tháng 9/2021, Bệnh viện Thủ Đức đã mua kit test do Công ty Việt Á sản xuất thông qua Công ty Nam Phong với tổng số tiền gần 34 tỷ đồng (đơn giá 470.000 đến 509.250 đồng/kit) theo một gói thầu với hình thức chào hàng cạnh tranh, 37 gói thầu với hình thức mua sắm chỉ định thầu rút gọn.
Việc Bệnh viện Thủ Đức mua kit test thông qua Công ty Nam Phong là theo chỉ định của Công ty Việt Á, với mục đích nâng giá trước khi bán vào bệnh viện. Theo đó, Công ty Nam Phong được chiết khấu từ 30-40%, tương đương hơn 10 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa chỉ định thầu và thanh toán tiền cho Công ty Nam Phong, các bên thỏa thuận sẽ chi cho Bệnh viện Thủ Đức theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng được thanh toán.
Kết quả điều tra bước đầu xác định, từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2021, Phong đã chi cho Trân hơn 990 triệu đồng.
Ngoài ra, để hợp thức hóa cho hồ sơ chỉ định thầu, Bệnh viện Thủ Đức yêu cầu và hướng dẫn Công ty Nam Phong làm 3 bảng báo giá do các công ty của người quen Phong đứng tên. Sau đó, Bệnh viện Thủ Đức hợp thức hóa thủ tục chỉ định thầu cho Công ty Nam Phong, đồng thời nâng đơn giá bán kit test do Công ty Việt Á sản xuất để hưởng hơn 10 tỷ đồng tiền hoa hồng, gây thiệt hại cho Bệnh viện Thủ Đức, cũng là tài sản Nhà nước đối với toàn bộ số tiền này.
Tại cơ quan điều tra, Phong và Trân đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Do Trân đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên cơ quan công an áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Video đang HOT
Vụ án đang được cơ quan công an điều tra mở rộng.
Thủ đoạn chi tiền ngoài hợp đồng của "bộ sậu" Công ty Việt Á
Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt đã lập nhiều tài khoản đứng tên nhiều cá nhân là hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền ngoài hợp đồng dưới hình thức mua trang thiết bị, vật tư phòng dịch.
Các đối tượng nhận tiền ngoài hợp đồng chỉ liên lạc với... vợ Phan Quốc Việt
Tại cơ quan điều tra, Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) khai, khách hàng của công ty là các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), các bệnh viện hoặc trung tâm y tế tuyến quận, huyện trên cả nước.
Theo lời khai của Hiệp tại cơ quan điều tra, để đảm bảo việc chi tiền ngoài hợp đồng không bị cơ quan chức năng phát hiện, Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đã lập nhiều tài khoản đứng tên nhiều cá nhân là hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền qua các số tài khoản này, dưới hình thức là mua trang thiết bị, nguyên vật liệu phòng dịch.
Để thực hiện chi tiền ngoài hợp đồng cho các đối tượng, Hiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin và số tài khoản của bên nhận, tỷ lệ % cho bộ phận kế toán do Phan Tôn Noel Thảo - Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á phụ trách để chuyển tiền.
Phan Tôn Noel Thảo khai tại Cơ quan điều tra, đã tham gia cùng công ty chi tiền cho CDC Hải Dương, CDC Nghệ An và các bệnh viện trên cả nước.
"Việc chi tiền này là chi tiền mua bán các đơn hàng test covid-19, trang thiết bị y tế với các CDC và bệnh viện. Số tiền chuyển nhiều phụ thuộc vào vào số lượng hàng đặt, ít khoảng 500 triệu đồng, nhiều khoảng một trăm tỷ đồng. Công ty Việt Á làm việc với rất nhiều đơn vị trên cả nước", Thảo khai tại cơ quan điều tra.
Để việc chi tiền ngoài hợp đồng cho các đối tượng được trót lọt, tất cả các hộ kinh doanh cá nhân, hộ kinh doanh cá thể dùng để chuyển tiền đều liên kết với số điện thoại của vợ Phan Quốc Việt.
Trước đó, như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm Covid) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương có liên quan.
Ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng, gồm:
Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á;
Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á;
Hồ Thị Thanh Thảo, Thủ quỹ Công ty Việt Á, Cửa hàng Trưởng Cửa hàng Âu Lạc;
Phan Tôn Noel Thảo, Trợ lý Tài chính Công ty Việt Á;
Trần Thị Hồng, Nhân viên Kinh doanh Công ty Việt Á;
Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương;
Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.
Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, các bị can: Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp, Trần Thị Hồng, Phan Tôn Noel Thảo, Hồ Thị Thanh Thảo.
Bị can Phạm Duy Tuyến (trái) và Nguyễn Mạnh Cường.
Phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm, bất động sản
Trước khi tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan.
Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng xác định, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra bước đầu, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit xét nghiệm Covid do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test Covid thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, phía Việt Á thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid cho CDC Hải Dương thông qua 05 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.
Hành vi của Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan tại CDC Hải Dương, Công ty Việt Á là vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, vi phạm các điều cấm quy định tại Luật Đấu thầu, có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định, lệnh nêu trên. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TPHCM, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến...
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi...; rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để đảm bảo thu hồi cho Nhà nước.
Tại sao Công ty Việt Á có thể "thổi giá" kit xét nghiệm Covid-19 cao như vậy? Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt vừa bị khởi tố liên quan đến việc "thổi giá" kit xét nghiệm Covid-19. Vậy quy định về giá kit xét nghiệm ở Việt Nam như thế nào? Công ty Việt Á tự định giá kit xét nghiệm Covid-19 Kết quả điều tra của Cơ quan điều tra cho biết, Phan Quốc Việt...