Khởi tố nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Navibank
Trong số 11 người vừa bị khởi tố vì liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như có nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Navibank và 9 thuộc cấp.
Liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt khoảng 4.000 tỷ đồng, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố 11 bị can về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Cho vay nặng lãi. Trong số này có 10 người nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank (nay gọi là Ngân hàng Quốc dân). Họ gồm nguyên Tổng giám đốc Lê Quang Trí, 3 nguyên Phó tổng giám đốc và 6 trưởng phòng.
Nguyên Tổng giám đốc Navibank Lê Quang Trí. Ảnh: VnMoney.
Bị can còn lại là Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung (42 tuổi, TP.HCM) bị khởi tố về tội Cho vay nặng lãi.
Video đang HOT
Trước đó, tại phiên phúc thẩm diễn ra cuối tháng 12.2014 và đầu tháng 1.2015, HĐXX TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên giữ nguyên mức án chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như, đồng thời kiến nghị cơ quan điều tra xác minh một số nội dung, trong đó có việc Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung có hành vi cho vay nặng lãi vượt quá 10 lần lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định và làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ Ngân hàng Navibank có liên quan.
Qua điều tra, cơ quan tố tụng xác định Trung đã cho Huỳnh Thị Huyền Như vay tiền với lãi suất 0,4%/ngày (tức 144%/năm), cao gấp hơn 10 lần so với mức lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định. Trong 3 năm cho vay nặng lãi, Trung đã thu khoảng 660 tỷ đồng tiền lãi.
Còn 10 cán bộ Ngân hàng Navibank đã lập hồ sơ vay vốn đứng tên nhân viên để lấy tiền của ngân hàng đem gửi vào Vietinbank hưởng lãi chênh lệch. Tuy nhiên, khi họ mang 200 tỷ đồng do Navibank giải ngân gửi vào Vietinbank – Chi nhánh TP.HCM thì bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: Khắc Thành
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm chiếm đoạt khoảng 4.000 tỷ đồng xảy ra tại Vietinbank là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Theo đó, năm 2007, Huyền Như (lúc này đang làm cán bộ tín dụng của Vietinbank chi nhánh TP.HCM) vay hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để đầu tư chứng khoán và bất động sản.
Làm ăn thua lỗ, năm 2010, Như lợi dụng chức Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP.HCM và danh nghĩa của ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Từ tháng 10.2010 đến 9.2011, Như thuê người làm giả con dấu, tài liệu của nhiều ngân hàng, đơn vị và giả chữ ký trên các chứng từ, hợp đồng, sau đó sử dụng hồ sơ giả để huy động vốn cho Vietinbank. Tổng cộng, Huyền Như đã lừa đảo của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân để chiếm đoạt khoảng 4.000 tỷ đồng.
Theo Bá Chiêm (Zing)
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: 9.000 tỷ đồng không có khả năng thi hành án
Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM đã phải đưa hơn 9.000 tỷ đồng vào hồ sơ không có khả năng THA.
Chiêu 11.3, Tông cục THADS (Bô Tư pháp) tô chức cuộc họp về kết quả THA những tháng đầu năm 2016.
Dự thảo báo cáo của Tổng cục cho hay, tính đến hết ngày 29.2, cơ quan THA các cấp mới giải quyết xong 2/35 vụ việc THA trọng điểm. Ngoài ra, hiện vẫn còn 23 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài... Dự thảo báo cáo cũng nhận định công tác thi hành các vụ án lớn liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước kết quả còn rất thấp.
Tổng hợp kết quả của 26 địa phương có báo cáo gửi về Tổng cục, dự thảo cho hay tỉ lệ THA xong còn thấp, mới đạt trên 38% về việc và 7,53% về tiền. Nguyên nhân được lý giải một phần do trong số vụ việc còn đang tổ chức thi hành có nhiều vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Điển hình như vụ Vinashin, Vinalines, vụ Công ty Đầu tư tài chính II (Vũ Quốc Hảo), vụ Ngân hàng Phát triển Đắk Lắk (Vũ Việt Hùng), vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Huỳnh Thị Huyền Như...
Tại cuộc họp, Quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Vũ Quang Doanh cho hay trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tổng số tiền phải THA khoảng 14.000 tỷ đồng; đến nay còn phải THA sung công quỹ Nhà nước trên 10.900 tỷ đồng và bồi thường cho các ngân hàng, tổ chức cá nhân gần 2.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cơ quan THADS TP.HCM đã phải đưa hơn 9.000 tỷ đồng vào hồ sơ không có khả năng THA.
Theo Đức Minh (Pháp luật TP.HCM)
Trước khi bị bắt, Phạm Công Danh giàu cỡ nào? Vụ Phạm Công Danh là đại án kinh tế gây thiệt hại số tiền lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Thiệt hại mà ông Danh và đồng phạm gây ra nhiều gấp đôi vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng tín dụng Vietinbank) và đồng phạm được đưa ra xét xử hai năm trước. Chỉ trong vòng 2 năm,...