Khởi tố đối tượng lừa đảo bán lan đột biến
Sau khi trót lọt thương vụ đầu tiên kiếm được 440 triệu, Bùi Văn Sỹ tiếp tục đem 2 chậu lan Hồng Minh Châu giả đến huyện Di Linh bán với giá 1,47 tỷ đồng thì bị Công an bắt giữ.
Chiều 7/9, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện bắt tạm giam 4 tháng để phục vụ công tác điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán hoa lan đột biến giả đối với Bùi Văn Sỹ (SN 1986, ngụ xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình).
Theo kết quả điều tra bước đầu, từ việc tham gia nhóm chơi, kinh doanh lan trên mạng xã hội Facebook, trong các ngày 15/8 và 28/8, ông Đỗ Văn Thưởng (ngụ huyện Di Linh) đã mua của Bùi Văn Sỹ 4 cây lan Hồng Yên Thủy và 1 chậu lan Hồng Mỹ Nhân với giá 440 triệu đồng bằng hình thức giao dịch trực tiếp.
Để tạo tin tưởng, Bùi Văn Sỹ đã viết giấy cam kết về cây và chất lượng mặt hoa của những cây, chậu lan trên.
Ngày 30/8 vừa qua, Bùi Văn Sỹ tiếp tục đem 2 chậu lan Hồng Minh Châu đến huyện Di Linh bán cho ông Thưởng giá 1,47 tỷ đồng. Khi phát hiện hoa lan Sỹ bán là giả, không đúng như thỏa thuận trước đó, ông Thưởng đã trình báo sự việc tới Công an huyện Di Linh. Tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Công an huyện Di Linh đã chỉ đạo Đội nghiệp vụ nhanh chóng vào cuộc điều tra.
Video đang HOT
Đối tượng Bùi Văn Sỹ được triệu tập về Công an huyện Di Linh để việc. Sau một hồi quanh co, người này buộc phải thừa nhận số hoa lan đã bán cho ông Thưởng là đều là hoa lan thông thường, không phải đột biến như rao bán và thỏa thuận trước đó với người mua.
Theo Công an huyện Di Linh, cùng với cả nước, tỉnh Lâm Đồng đang rộ lên phong trào chơi hoa lan, nhất là những giống lan hiếm hoặc loại đột biến. Lợi dụng điều này, không ít đối tượng đã lập các tài khoản trên mạng xã hội rao bán lan phi điệp đột biến với giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Để tạo niềm tin, kẻ lừa đảo thường kèm theo giấy bảo hành, cam kết cây bán ra chuẩn cây và đúng mặt hoa.
Công an huyện Di Linh khuyến cáo người dân nên thận trọng trong việc kinh doanh trên các mạng xã hội để phòng ngừa các đối tượng lợi dụng lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nâng khống giá thiết bị y tế: Những lỗ hổng trong chính sách
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ "thổi giá" thiết bị y tế (TBYT). Vụ nâng khống giá thiết bị xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại CDC Hà Nội chưa lắng xuống thì cách đây ít ngày, C03 - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai và một số đơn vị liên quan; khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng.
Bệnh viện Bạch Mai (ảnh to) và các đối tượng nâng khống giá thiết bị y tế (ảnh nhỏ). Ảnh: Hải Linh
Móc túi người bệnh
Cụ thể, C03 xác định một số cá nhân tại Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS và Công ty Cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá TBYT đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với BV Bạch Mai nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh. Kết quả điều tra ban đầu xác định robot Rosa là thiết bị ứng dụng trong phẫu thuật sọ não (có xuất xứ từ Pháp) được hai bên liên kết "thổi giá" cao gấp nhiều lần giá trị thực.
Thiết bị này sau khi nhập khẩu về Việt Nam, cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ có giá ước tính khoảng 10 tỷ đồng nhưng đã bị nâng khống lên thành 39 tỷ đồng. Một ca phẫu thuật sử dụng thiết bị này chỉ hết khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng. Từ khi triển khai kỹ thuật này đến nay tại BV Bạch Mai, ước tính có khoảng 500 bệnh nhân được phẫu thuật.
Trả lời báo chí về sự việc này, Phó Giám đốc BV Bạch Mai Dương Đức Hùng cho biết, hiện BV đang phối hợp với cơ quan điều tra, cung cấp hồ sơ liên quan đến các gói thầu với DN để phục vụ điều tra, làm rõ sự việc. Theo ông Hùng, BV mua thiết bị có đơn vị thứ 3 là công ty chuyên môn có chức năng thẩm định giá nên nếu có sai phạm thì chủ yếu liên quan đến đơn vị cung cấp và trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá. "Chúng tôi tiếp nhận các TBYT dựa trên giấy tờ, hồ sơ và giá thiết bị mà các bên đưa ra để có căn cứ lựa chọn. BV không đủ khả năng để xem giá chính xác, nhất là khi thiết bị lần đầu tiên được đầu tư và sử dụng tại Việt Nam. Khi hồ sơ đầy đủ, có lợi nhất theo nguyên tắc lấy từ thấp đến cao, bảo đảm chất lượng thì sẽ được lựa chọn" - ông Dương Đức Hùng nói.
Quy định cũ không theo sát thực tế
Theo Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn, qua mỗi lần kiểm toán Bộ Y tế đều yêu cầu các BV chấn chỉnh sai phạm. Đối với BV Bạch Mai, Bộ yêu cầu chấn chỉnh sau khi kiểm toán đợt cuối năm 2019 đầu năm 2020 chỉ ra những sai phạm. Theo đó, Bộ đề nghị BV nếu thu quá phải tính toán để thu lại, làm rõ những sai phạm về thu chi. Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuấn, BV Bạch Mai tự chủ toàn bộ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ nhưng trong báo cáo thường kỳ BV chỉ báo cáo những vấn đề khác mà không đề cập vấn đề xã hội hóa TBYT. Cho đến khi kiểm toán vào cuộc mới phát hiện ra những sai phạm mà dư luận đang quan tâm.
Đề cập đến vấn đề xã hội hóa y tế, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Bộ luôn ủng hộ việc phát triển kỹ thuật mới, tiên tiến, tạo hiệu quả trong khám chữa bệnh. Nhờ đó người bệnh được hưởng những thành tựu của nền y học hiện đại, hạn chế tình trạng bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh. Tuy nhiên việc đầu tư, ăn chia, xác định giá thành, chi phí khấu hao... là trách nhiệm của BV và công ty đầu tư thiết bị.
Nhiều bất cập khác
Vì sao trong vụ án tại CDC Hà Nội cũng như vụ nâng khống giá TBYT tại BV Bạch Mai, việc "thổi giá" có thể dễ dàng được thực hiện? Một phần do những quy định về thẩm định giá còn nhiều bất cập. Thẩm định viên của các công ty thẩm định giá vì trục lợi đã bất chấp tất cả, "nhắm mắt" ký liều để nâng khống giá thiết bị, máy móc. Một lãnh đạo BV ở Hà Nội cho rằng, việc quản lý, cấp phép các chứng chỉ cho các thẩm định viên quá lỏng lẻo, dễ dãi. Đáng ra, thẩm định viên là người phải có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm cũng như tiêu chí khắt khe về đạo đức thì một số người không hội tụ đủ các tiêu chí này vẫn ký xác nhận những tài sản có giá trị lớn, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hoặc tiền túi người dân.
Là người chỉ rõ những bất cập trong xã hội hóa y tế, TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển cộng đồng từng cho rằng, chủ thể y tế công đang bị thương mại hóa, lại không có sự giám sát độc lập khiến cho nhiều đơn vị tự tung tự tác, lợi dụng kẻ hỡ của pháp luật để trục lợi bệnh nhân. Vì vậy, theo TS Trần Tuấn, cần thiết rà soát toàn bộ thiết bị xã hội hóa, nếu phát hiện sai phạm, phải xử lý nghiêm minh. Khi phát hiện phải xử lý nghiêm trách nhiệm, không chỉ của người trục lợi, mà cả những người buông lỏng kiểm tra, giám sát. Đây cũng là bài học để các bệnh viện và các công ty kinh doanh TBYT nhìn lại và tự chấn chỉnh mình...
Từ vụ án này đặt ra câu hỏi, có hay không việc buông lỏng thẩm định giá các loại TBYT lâu nay, để các cơ sở khám chữa bệnh tự xác định giá trên trời, rồi "móc túi" bệnh nhân? Lãnh đạo BV và những người trực tiếp liên quan việc đấu thầu có nắm được giá cả thực của TBYT đắt đỏ bậc nhất này? Hiện cơ quan công an vẫn đang trong quá trình điều tra, dư luận mong chờ sự xử lý nghiêm minh của pháp luật đối với đối tương vi phạm, câu kết móc túi người bệnh.
Cần thiết phải công khai giá thành các TBYT thuộc diện liên kết xã hội hóa trong các BV công, đặc biệt ở các BV lớn để người dân, cơ quan quản lý tham gia giám sát, tránh nâng khống, trục lợi. Chủ trương xã hội hóa là hướng đi đúng nhưng nếu móc nối, nâng khống, chia chác lợi ích là không thể chấp nhận.
Nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng Bùi Thị An
Theo quy định hiện hành (Thông tư 15/2007/TT-BYT) hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn mua sắm trang thiết bị tại cơ sở khám chữa bệnh công lập, với các thiết bị mới 100%, việc xác định giá sẽ dựa vào kết quả đấu thầu thiết bị cùng loại của đơn vị công lập khác đã mua không quá 6 tháng, thông báo thẩm định giá của đơn vị có chức năng. Với các thiết bị chưa có kết quả đấu thầu mua sắm lần nào, như trường hợp 2 robot đang bị cho là nâng giá quá cao ở BV Bạch Mai, Thông tư 15 cho phép căn cứ vào hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hàng hóa nhập khẩu...
Thông tư này ban hành và thực hiện từ năm 2007, thời điểm đó hoạt động liên kết công - tư tại BV công mới manh nha, chưa nở rộ như hiện nay, chưa kể số lượng đơn vị y tế thực hiện tự chủ tài chính gia tăng rất nhanh. Vì thế, những quy định đã có trở nên lỗi thời trong tình hình thực tế vài năm trở lại đây.
Bắt đối tượng giả danh người của Cục Báo chí, có thẻ nhà báo giả Sau một thời gian xác minh, điều tra, làm rõ, ngày 5/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Trịnh Ngọc Tuyên (SN 1984) ở xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa về hành vi giả danh nhà báo và cán bộ cơ quan báo chí để lừa đảo chiếm đoạt tài sản....