Khởi tố bác sĩ sản khoa tiếp tay cho đường dây đẻ thuê gần nửa tỷ đồng ở Hà Nội
Trong đường dây đẻ thuê với giá 480 triệu đồng, Nguyễn Danh Hòa – bác sĩ sản khoa được xác định là người thực hiện các thủ thuật để 2 phụ nữ mang thai.
Ngày 7/4, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Anh Thư (SN 1992, trú TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) và Phạm Ngọc Thảo (SN 1981, trú TP.HCM) về hành vi “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”.
Ngoài ra, cơ quan CSĐT cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Danh Hòa (SN 1962, trú phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội – bác sĩ sản khoa) cũng về hành vi “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”.
Theo cơ quan công an, khoảng đầu tháng 3/2021, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội phát hiện tại một bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội có 2 sản phụ sinh trẻ em có dấu hiệu bất minh.
Bị can Nguyễn Anh Thư và Phạm Ngọc Thảo.
Sau khi điều tra, lực lượng công an nắm được thông tin 2 trẻ sơ sinh được sinh ra vào 2 ngày liên tiếp bởi 2 người mẹ nhưng lại chung 1 người cha. Bước đầu, cơ quan công an nhận định đây có thể là 2 sản phụ liên quan đến một đường dây mang thai hộ, đẻ thuê.
Đến cuối tháng 3/2021, lực lượng công an làm rõ danh tính 3 người là Nguyễn Anh Thư, Phạm Ngọc Thảo và Nguyễn Danh Hòa liên quan đến đường dây mang thai hộ, đẻ thuê này. Đáng chú ý, trong đó, ông Hòa là bác sĩ chuyên ngành sản khoa, cộng tác viên của nhiều bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Thư và Thảo không có nghề nghiệp ổn định. Thảo từng sử dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm nên quen biết Nguyễn Danh Hòa. Còn Thư thường tham gia các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội nên biết nhiều người có nhu cầu thụ tinh ống nghiệm.
Video đang HOT
Bị can Nguyễn Danh Hòa.
Năm 2019, thông qua các hội, nhóm này, Thư biết thông tin về việc anh Tuấn và chị Trang dù không phải vợ chồng nhưng muốn có con chung và nhờ người mang thai hộ. Sau đó, Thư trao đổi với Thảo và được “báo giá” 400 triệu đồng cho 1 người mang thai hộ. Thảo báo lại cho chị Trang chi phí là 480 triệu đồng để mang thai hộ, Thảo “ăn” 80 triệu đồng chênh lệch và được chị Trang đồng ý.
Thỏa thuận xong, anh Tuấn và chị Trang cấy 2 phôi vào 2 người phụ nữ và mong muốn có con trai. Bác sĩ Hòa là người thực hiện tất cả các thủ thuật liên quan để 2 người phụ nữ mang thai.
Hiện cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ vụ việc.
32 năm đội đơn đi khiếu nại, Thanh tra Chính phủ chỉ mất 15 ngày để giải oan
Trường ĐH Y - dược, ĐH Thái Nguyên cùng nhiều bộ ngành đã thờ ơ, thiếu trách nhiệm đẩy bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi từ một người có công với cách mạng phải ròng rã 32 năm đội đơn đi khiếu nại nhưng không được giải quyết.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - tổ trưởng tổ rà soát vụ việc - chúc mừng bác sĩ Lợi sau khi có kết luận thanh tra - Ảnh: NVCC
Vụ việc tưởng chừng như phức tạp vì xảy ra đã lâu, liên quan trách nhiệm nhiều bộ ngành nhưng khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) vào cuộc thì chỉ mất 15 ngày để giải oan cho ông Lợi.
Khi nhận thông báo kết luận thanh tra, ông Lợi nói cuộc đời mình đã được "hồi sinh" sau hơn 30 năm "sống nhưng không được thừa nhận" vì lấy vợ không được đăng ký kết hôn, con cái đẻ ra không làm được giấy khai sinh, không được bố trí công việc theo đúng chuyên môn...
"Khai sinh" lại ở tuổi 67
Những ngày cuối tháng 2, bác sĩ Lợi mặc bộ quân phục của cựu chiến binh đã cũ sờn tất tả đến trụ sở TTCP chờ nhận thông báo về kết quả kiểm tra, rà soát vụ việc khiếu nại mà ông đã ròng rã đội đơn đi khắp nơi suốt 32 năm qua. Trên khuôn mặt khắc khổ như già hơn nhiều so với tuổi thật, ông Lợi nở nụ cười tươi và nói "tôi đã được giải oan".
Theo hồ sơ vụ việc, ông Lợi nguyên là cán bộ đi B, sau được Ủy ban Thống nhất cử đi học tại Trường ĐH Y Bắc Thái (nay là Trường ĐH Y - dược, ĐH Thái Nguyên) từ năm 1977. Dù có kết quả học tập không tồi nhưng do có mâu thuẫn với một số cán bộ nhà trường nên bảng điểm của ông đã bị sửa để đánh trượt tốt nghiệp, hồ sơ giấy tờ liên quan bị giữ lại trường.
Sau nhiều năm khiếu nại, Bộ Y tế đã thanh tra, các cơ quan trung ương xác nhận và Trường ĐH Y Bắc Thái phải bảo lưu kết quả tốt nghiệp cho ông. Sau đó ông được lựa chọn làm việc ở Ủy ban Hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Campuchia hoặc Bệnh viện Bưu điện nhưng bị đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu không có hồ sơ giấy tờ liên quan để bố trí công việc.
Nguyên do là Trường ĐH Y Bắc Thái thông báo đã chuyển hồ sơ, điều ông về công tác tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú và bị thất lạc hồ sơ.
Ông Lợi đã nhiều lần gửi đơn đến Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Y Bắc Thái nhưng đều không được giải quyết. "Vì không có hồ sơ giấy tờ nên suốt những năm sau đó tôi như một người bị loại ra ngoài xã hội và trải qua muôn vàn khó khăn.
Vì không có hộ khẩu, không có hồ sơ nên tôi không được thực hiện những quyền công dân rất cơ bản, khó khăn tiếp cận dịch vụ công ích xã hội, thậm chí đang là cán bộ công nhân viên bỗng bị loại ra ngoài.
Ngay cả lúc lấy vợ tôi cũng không được đăng ký kết hôn vì không có hộ khẩu, con cái sinh ra không làm được giấy khai sinh và phải học trái tuyến...", bác sĩ Lợi nhớ lại những tháng ngày khổ cực.
May mắn vì từng là quân nhân nên ông Lợi được đồng đội bảo lãnh cho đi làm ở một số nơi nhưng cũng chỉ là làm khoán việc chứ không được ký hợp đồng. Đồng đội cũ biết chuyện góp tiền giúp ông xây một căn nhà ở ngoại thành Hà Nội.
Suốt 32 năm qua ông Lợi làm đủ nghề như cộng tác viết báo, làm khoán việc tại Bệnh viện Bạch Mai để mưu sinh và tiếp tục nuôi hi vọng đi khiếu nại đòi công bằng.
"Đến nay TTCP khẳng định những khiếu nại, kiến nghị của tôi là đúng và hồ sơ giấy tờ của tôi vẫn lưu trữ tại ĐH Y - dược Thái Nguyên thì tôi như được khai sinh lại ở cái tuổi gần đất xa trời. Quyền lợi vật chất sẽ được phục hồi nhưng thứ đáng giá hơn với tôi là danh dự được trả lại" - ông Lợi xúc động.
Đặt mình vào hoàn cảnh người dân
Chia sẻ về quá trình giải quyết khiếu nại của bác sĩ Lợi, ông Nguyễn Mạnh Cường - thanh tra viên cao cấp, Vụ III TTCP (tổ trưởng tổ rà soát vụ việc) - cho biết đây là vụ việc kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp nhưng không được giải quyết.
Cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định ông Nguyễn Ngọc Lợi là cán bộ đi B, là quân nhân, việc này tất cả các cơ quan đều biết, Trường ĐH Y - dược, ĐH Thái Nguyên biết, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT đều biết nhưng vẫn không giải quyết khiếu nại cho người dân.
"Ngay sau khi Thủ tướng chỉ đạo, lãnh đạo TTCP đã yêu cầu chúng tôi phải vào cuộc ngay, làm với tâm thế đặt mình vào hoàn cảnh của người dân và thấu hiểu những khó khăn vất vả họ trải qua trong suốt 32 năm qua.
Trong thời kỳ bao cấp, sau chiến tranh mà một người dân không có sổ hộ khẩu, không được xác minh nhân thân, không có chứng minh nhân dân thì đúng là rất khổ, gọi đúng là rơi vào cảnh vô thừa nhận.
Tổ công tác quyết tâm làm xong nhanh nhất có thể và chúng tôi chỉ mất 15 ngày để rà soát, tìm ra hồ sơ cho ông Lợi, viết xong báo cáo vụ việc chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan liên quan", ông Cường phân tích.
Cũng theo ông Cường, quá trình giải quyết vụ việc, ban đầu ĐH Y Thái Nguyên đưa ra nhiều lý do, chối không có loại hồ sơ nào, sau lại thừa nhận có hơn 30 loại giấy tờ, cuối cùng có 57 loại giấy tờ.
Trong đó có 45 giấy tờ gốc chứng minh nhân thân, quá trình học tập, sinh hoạt, kỷ luật, hủy kỷ luật của ông Lợi. "Những loại giấy tờ này có thừa khả năng để khôi phục chế độ cho ông Lợi nhưng ĐH Y Thái Nguyên đã thiếu trách nhiệm không giải quyết.
Bộ GD-ĐT cũng căn cứ vào báo cáo của trường, không trực tiếp đi xác minh, bác đơn khiếu nại và báo cáo Thủ tướng không có căn cứ giải quyết. Tới đây ông Lợi sẽ được khôi phục chế độ sinh hoạt phí của cán bộ đi học, lương 32 năm của ông đến khi về hưu cùng các chế độ khác. ĐH Y Thái Nguyên là cơ quan chịu trách nhiệm chi trả chế độ này, vì là tác nhân chính gây ra thiệt hại cho ông Lợi", ông Cường nói.
Cần giải quyết vụ việc ngay tại cơ sở
Phó tổng TTCP Trần Ngọc Liêm đánh giá vụ việc đã được giải quyết trong thời gian "thần tốc" nhưng vẫn đảm bảo khách quan, thận trọng và các kiến nghị có tính khả thi. "Suốt 32 năm đi khiếu nại ông Lợi chỉ thuần túy đề nghị giải quyết chế độ, chính sách mình được hưởng mà không tạo ra các tình huống phức tạp ảnh hưởng đến tổ chức, đơn vị mình công tác.
Ông ấy đã kiên trì theo đuổi vụ việc và dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn làm việc cống hiến ở nhiều cơ quan. Cách sống của ông là điều rất đáng trân trọng. Qua vụ việc này các cơ quan chức năng phải rút ra bài học giải quyết khiếu nại ngay tại cấp cơ sở, tránh để kéo dài gây thiệt hại cho người dân", ông Liêm chia sẻ.
'Lỡ hẹn một lần khiến em tôi đi mãi' "Trí và gia đình trả vé máy bay, hẹn năm sau sẽ có cái Tết đoàn viên. Ai ngờ vì lỡ hẹn một lần khiến em tôi đi mãi", anh trai nạn nhân vụ cướp tông chết người ở TP.HCM nói. Ngày 25/2, người thân và bạn bè đang tổ chức hậu sự cho anh Trần Văn Trí (32 tuổi), nạn nhân bị...