Khơi thông ‘xương sống’ cao tốc Bắc – Nam: Khó khăn bủa vây
Dù cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đã được tạo cơ chế đột phá rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, song vẫn phải đối mặt với hàng loạt rào cản khó khăn nếu muốn về đích đúng tiến độ vào cuối 2025 đầu 2026.
Khan hiếm cát ĐBSCL
Ngày 11.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025). Ngay sau bước này, Bộ GTVT sẽ phê duyệt chính thức báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án, tạo tiền đề cho các bước tiếp theo như lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án. Mục tiêu công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) của các địa phương phải đảm bảo bàn giao 70% diện tích các gói thầu để khởi công trước ngày 20.11.2022.
Thi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết, điểm thi công thuộc xã Hồng Liêm, H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận (ảnh chụp ngày 10.7.2022). Ảnh QUẾ HÀ
Song theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, dự án đang đối mặt với 2 khó khăn chính trong quá trình chuẩn bị là GPMB và nguồn vật liệu. Đặc biệt, cát xây dựng tại khu vực ĐBSCL rất khan hiếm, nguồn vật liệu cát đắp rất khó khăn, chủ yếu tập trung tại các tỉnh An Giang và Đồng Tháp với nguồn cung cấp rất hạn chế.
Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 gồm các đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km). Dù chỉ chiếm khoảng 15% chiều dài toàn tuyến, song các dự án thành phần chạy qua các tỉnh ĐBSCL lại là gút mắc lớn nhất do nhiều lý do, từ thiếu hụt nguồn cung vật liệu cát cho tới nền địa chất yếu.
Thực tế bài học bàn giao mặt bằng xôi đỗ của giai đoạn 1 là một trong các yếu tố ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ dự án, dù mục tiêu ban đầu hoàn thành vào năm 2021 nhưng các dự án đã phải kéo dài tới 2023, thậm chí 2024. Dưới góc độ nhà thầu, đại diện Tập đoàn Đèo Cả lo ngại nếu không nhanh chóng nhìn nhận và lên phương án giải quyết những thách thức, rất khó để cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có thể “về đích” đúng kỳ vọng. Ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, mong muốn Chính phủ và Bộ GTVT cần khắc phục những bất cập liên quan đến thiết kế, dự toán đã và đang gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thi công các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1. Song song, tiếp tục triển khai hiệu quả phương án tổ chức GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu trước khi thi công. Nếu mặt bằng giao kiểu “xôi đỗ” thì khi nhà thầu triển khai sẽ mất rất nhiều thời gian. Máy móc, thiết bị, con người chờ vừa làm vừa chờ thì càng “chết”, khó lại chồng thêm khó.
Video đang HOT
Quan trọng nhất, theo ông Thắng, cần sớm xác lập phương án cho các nhà thầu để lên phương án chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự đầu tư về nguồn lực. Công trình muốn làm chất lượng, đạt tiến độ thì doanh nghiệp (DN) phải có sự chuẩn bị đầy đủ về cả nhân lực và vật lực. Với chủ trương tăng tốc giải ngân đẩy mạnh đầu tư công để tạo đà phục hồi kinh tế sau đại dịch, hàng loạt dự án hạ tầng lớn như tuyến vành đai 3 TP.HCM, tuyến vành đai 4 Hà Nội cùng nhiều công trình tại địa phương đồng loạt triển khai. Điều này sẽ kéo theo rủi ro thiếu nhân lực và máy móc, nguyên vật liệu xây dựng đã hiếm lại càng khan hiếm.
“Làm 1.000 km cao tốc còn ì ạch như vậy, nếu làm 5.000 km, khối lượng công việc và vấn đề phát sinh sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Chính phủ, Bộ GTVT cần xác lập phương án, lựa chọn sớm những nhà thầu còn “khỏe”, còn đủ năng lực để họ có sự chuẩn bị từ đào tạo công nhân, gom vật liệu cho tới các điều kiện phụ trợ khác. Với những khó khăn DN đang phải đối mặt ở giai đoạn 1 cũng như nhìn chung các vấn đề bất cập đối với các công trình hạ tầng thời gian qua, nếu không sớm xác định cho DN định hướng nhằm chuẩn bị thì sẽ rất khó để dự án triển khai thông suốt”, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả lo ngại.
Lo mặt bằng ì ạch
Rất trông chờ và kỳ vọng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau sẽ sớm hoàn thành để “xóa trắng” cao tốc, tạo động lực phát triển toàn khu vực ĐBSCL, nhưng các địa phương vẫn còn khá bị động trong quá trình phối hợp triển khai dự án. Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn Cần Thơ – Cà Mau gồm các dự án thành phần: Cần Thơ – Hậu Giang (dài 37,65 km, tổng mức đầu tư dự kiến 9.769 tỉ đồng) và Hậu Giang – Cà Mau (dài 73,63 km, tổng mức đầu tư dự kiến 17.485 tỉ đồng). oạn Cần Thơ – Cà Mau dự kiến khởi công tháng 11 năm nay và hoàn thành năm 2025.
Làm 1.000 km cao tốc còn ì ạch như vậy, nếu làm 5.000 km, khối lượng công việc và vấn đề phát sinh sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Chính phủ, Bộ GTVT cần xác lập phương án, lựa chọn sớm những nhà thầu còn “khỏe”, còn đủ năng lực để họ có sự chuẩn bị từ đào tạo công nhân, gom vật liệu cho tới các điều kiện phụ trợ khác. Ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả
Thế nhưng, trao đổi với Thanh Niên chiều qua 12.7, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết công tác GPMB tại địa phương gần như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Theo đó, UBND TP giao UBND Q.Cái Răng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Trong tháng 3, Q.Cái Răng đã nhận bàn giao mốc 2,4 km (đợt 1) từ Ban QLDA Mỹ Thuận, làm kê biên, soát giá bồi thường; nhưng do chủ đầu tư chưa có tiền nên vẫn chưa thể tiến hành chi trả bồi thường, giải phóng các hộ dân. Theo kế hoạch, Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ giao địa phương cắm mốc đợt 2 cho dự án vào tháng 3. Sau đó, địa phương mới thực địa, cắm ranh mốc rồi thuê đơn vị đo đạc, tính toán ra chi tiết số hộ bị ảnh hưởng, diện tích khoảng bao nhiêu, tổng chi phí ra sao và xây dựng kế hoạch cụ thể. Song đến nay, UBND TP.Cần Thơ nhiều lần thúc giục nhưng vẫn chưa nhận được thông tin nên chưa thể tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.
Về phương án rà soát tài nguyên vật liệu xây dựng, chủ đầu tư thông tin với chiều dài khoảng 110 km cao tốc, dự án có nhu cầu sử dụng khoảng 17 triệu m 3 vật liệu xây dựng, trong đó riêng cát đắp nền khoảng 13 triệu m 3. Hiện TP.Cần Thơ có 9 mỏ cát; trong đó 3 mỏ cát đang hoạt động với sản lượng khoảng 2 triệu m 3; 6 mỏ cát theo quy hoạch khoáng sản của TP.Cần Thơ theo quy định sẽ đấu giá, với sản lượng khoảng 5 triệu m 3. Tuy nhiên, TP cũng vẫn phải chờ sau khi chủ đầu tư tổ chức đấu thầu, chọn ra nhà thầu, họ lên phương án về vật liệu thì mới tính toán được số lượng vật liệu xây dựng tại địa phương có thể đáp ứng được bao nhiêu.
“Giờ chưa tính toán được. Cát thì tùy theo từng mỏ, trữ lượng, tiêu chí cát để san lấp. Đơn cử, Cần Thơ có nhiều mỏ cát nhưng giả dụ tiêu chí hạt cát san lấp đường cao tốc có độ lớn ML=1.2 nhưng cát ở địa phương loại này ít thì DN cũng không sử dụng được. Hoặc giá địa phương khác rẻ hơn thì chủ đầu tư chọn mua chỗ khác, không nhất thiết mua vật liệu tại Cần Thơ để xây cao tốc ở Cần Thơ… Nói chung, cả công tác GPMB và vật liệu xây dựng đều vẫn đang chờ”, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè thông tin.
Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị, để đảm bảo nguồn cung, các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang cần rà soát, bổ sung các mỏ cát và triển khai các thủ tục liên quan để có thể sớm khai thác cũng như nâng công suất các mỏ hiện tại, đảm bảo nguồn cung dự án. Đặc biệt, để không ảnh hưởng đến tiến độ khi triển khai như giai đoạn 1, các địa phương phải khẩn trương chỉ định thầu các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư.
Chuyển đổi hơn 1.000 héc-ta đất rừng làm cao tốc Bắc - Nam
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau và Cần Thơ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 13
Thưc hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11-2-2022, trong đó giao UBND các tỉnh có dự án tổ chức thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc địa phận quản lý của địa phương và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, đất trồng lúa nước còn lại.
Về diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, phạm vi nghiên cứu của Dự án dự kiến có chuyển mục đích sử dụng rừng giai đoạn 2021 - 2025 và thời kỳ 2021 - 2030 gồm 7 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Diện tích rừng Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.054,63 ha, bao gồm: 111,84 ha rừng phòng hộ; 4,45 ha rừng đặc dụng; 802,91 ha rừng sản xuất; 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha).
Diện tích đất lâm nghiệp đề xuất chuyển đổi là 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha, đất rừng đặc dụng 4,61 ha và đất rừng sản xuất 1.721,23 ha.
Về chuyển mục đích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, trên cơ sở báo cáo của các địa phương có dự án đi qua và số liệu tổng hợp của Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất như sau: Đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên và đất trồng lúa còn lại là 1.721,96 ha.
Chính phủ cũng nêu rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với pháp luật lâm nghiệp; phù hợp với diện tích đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên trong quyết định chủ trương đầu tư dự án; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; phù hợp với quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị làm rõ tác động của việc thay đổi diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên đối với tổng mức đầu tư dự án và phương án phát triển đất, trồng rừng, trồng lúa thay thế đối với phần diện tích cần chuyển đổi cho dự án theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng diện tích đất trồng lúa hai vụ đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 1.573,23 ha, theo đó tổng số tiền phải nộp để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của chủ đầu tư dự án là khoảng 388 tỉ đồng. Do vậy, đề nghị các cơ quan liên quan phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý đối với diện tích đất trồng lúa hai vụ.
Có ý kiến đề nghị lưu ý không chuyển đổi đất rừng để lấy mỏ khai thác vật liệu cho dự án. Một số ý kiến đề nghị trong các bước tiếp theo khi triển khai thực hiện cần chú ý đến vấn đề có liên quan đến an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, bảo đảm sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất rừng, đất lúa phục vụ dự án.
Sau khi thảo luận, 100% thành viên ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp đã biểu quyết nhất trí thông qua nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên như tờ trình của Chính phủ.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 theo quy định. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án cần thống kê, kiểm đếm chính xác về loại đất, rừng; giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển đổi, không để các đối tượng lợi dụng khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn, chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: Xuất hiện tư tưởng chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19 Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thay mặt lãnh đạo TP kêu gọi người dân tiêm vắc xin mũi nhắc lại để phòng dịch Covid-19. Ngày 12.7, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 10, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề cập đến việc tiêm vắc xin phòng Covid-19....